Tập sách về Nam Kỳ thế kỷ 19 qua con mắt người Pháp

Truyền thông - Ngày đăng : 09:53, 11/03/2022

Trong số nhiều tác phẩm về vùng đất và con người Việt Nam một thuở do người Pháp ghi chép, bộ sách 2 tập "Nam Kỳ và cư dân" (tập đầu về các tỉnh miền Tây và tập sau về các tỉnh miền Đông) của bác sĩ thuộc địa hạng nhất J. C. Baurac chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.

Bộ tư liệu quý về vùng Tây Nam Kỳ

Với thời gian sống và làm việc lâu năm, phải thực địa sâu sát đến từng địa phương của Nam Kỳ, được tiếp xúc với người dân bản xứ và quan chức thuộc địa cả người An Nam lẫn người Pháp, tác giả J. C. Baurac đặc biệt thấu hiểu xứ sở thông qua hành trình tác nghiệp dọc theo hệ thống sông ngòi chằng chịt của vùng đất này, cùng với đó là khả năng tiếp cận những dữ liệu về dân cư, địa chí, các đặc điểm địa lý và tự nhiên, lịch sử…

“Nam Kỳ và cư dân” Tập đại thành về Nam Kỳ thế kỷ 19 qua con mắt người Pháp - Ảnh 1.

Các yếu tố đó góp phần giúp tác giả Baurac xây dựng được tập sách đồ sộ về Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX: "Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây và Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông".

Đây là bộ tư liệu đồ sộ hơn 1.100 trang với nhiều hình ảnh quý giá, với dày đặc thông tin và kèm theo những đánh giá về cơ hội phát triển của xứ Nam Kỳ, những điều thiết tưởng vẫn còn hữu ích cho chúng ta ngày hôm nay.

Tập đầu tiên của bộ sách "Nam Kỳ và cư dân" được chia thành hai phần: Phần thứ nhất gồm 8 chương giới thiệu tổng quan về vùng đất Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh xưa) ở các khía cạnh tổng quan: ranh giới tự nhiên, địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên, hệ động-thực vật đa dạng, các vị thuốc Nam, phong tục tập quán, thế giới tâm linh, các điển tích cho biết nguồn gốc của một số địa danh/nhân vật nổi tiếng,…

Riêng ở phần đầu này, tác giả dành những phần nội dung trang trọng để giới thiệu về Chợ Lớn và Sài Gòn (riêng một phần chương VI và toàn bộ chương VIII được dành cho Sài Gòn, và qua đây bạn đọc có thể tham khảo về lịch sử hình thành và phát triển của nơi này từ một thành lũy quân sự cổ, rồi đến thời Gia Long, Minh Mạng cho đến thời Pháp thuộc… và hiểu được lý do Sài Gòn lại nắm giữ vị trí quan trọng như chúng ta thấy ngày nay).

Phần thứ hai gồm 12 chương giới thiệu cụ thể về 11 hạt tham biện thuộc miền Tây thời Pháp thuộc (chương đầu của phần thứ hai giới thiệu chung về miền Tây Nam Kỳ, 11 hạt cụ thể là Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Rạch Giá, Châu Đốc, Hà Tiên (và đảo Phú Quốc), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Đa phần hành trình của tác giả là đi dọc theo hệ thống sông nước kênh rạch chằng chịt của Tây Nam Kỳ, do vậy những gì thấy được đã khích lệ ông mày mò tìm hiểu dữ liệu hành chính và đọc thêm nhiều tài liệu của các tác giả khác để viết nên cuốn sách.

"Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông" hoàn thiện bức tranh Nam Kỳ đồ sộ

Tiếp sau "Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây", tác giả J. C. Baurac trở lại với tác phẩm giúp hoàn thiện bộ sách địa chí của mình về con người và vùng đất phương Nam: "Nam Kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông", đi thẳng vào việc giới thiệu các hạt thuộc miền Đông Nam Kỳ.

Các hạt này gồm: Mỹ Tho, Gò Công, Tân An (theo cách xếp của người Pháp, 3 địa phương này thuộc miền Đông Nam Kỳ, khác với cách xếp của chúng ta ngày nay là thuộc miền Tây Nam Bộ), Chợ Lớn, Gia Định, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Cap St-Jacques, Poulo-Condore (quần đảo Côn Lôn/Côn Đảo ngày nay).

Các chương này được trình bày lớp lang theo bố cục: diện tích, ranh giới hành chính; liệt kê các tổng/làng/chợ/trung tâm hành chính-kinh tế quan trọng ở từng hạt, với những địa danh và nhân danh tạo điểm nhấn cho từng hạt, tác giả đều tìm tòi cách lý giải cho sự tích/huyền thoại liên quan, qua đó gián tiếp giúp người đọc có một hành trình xuyên không - thời gian tìm hiểu về vùng đất; nêu rõ ưu điểm cũng như những điểm bất lợi của từng địa phương đối với khả năng phát triển lâu dài.

Tiêm chủng cũng là một phần việc của Baurac ở thuộc địa Nam Kỳ, qua quá trình tiêm chủng Baurac cho thấy thống kê dân số ở Nam Kỳ bấy giờ không ổn, số dân thực tế cao hơn nhiều. Hành trình khảo sát dịch tễ của bác sĩ Baurac vào thời điểm cuối thế kỷ XIX, không chỉ góp phần giúp nghiên cứu cải thiện tình trạng vệ sinh, khắc phục vấn đề dịch bệnh thông qua phương thức tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh… mà còn giúp ông tiếp xúc và thu thập được nhiều thông tin và dữ kiện hỗ trợ việc lập thành một bộ sách địa chí vô cùng hữu ích cho người Pháp một thuở, và cho cả người Việt chúng ta, xưa cũng như nay.

Một bộ sách có nhiều điều đặc biệt

Đây là bộ sách mà trước mỗi chương ở phần thứ hai đều có bản đồ hành chính cuối thế kỷ XIX của từng hạt Nam Kỳ để độc giả dễ hình dung vị trí địa hình xứ Nam Kỳ.

Khi bạn đọc đặt cạnh 2 cuốn sách lại với nhau sẽ thấy bản đồ Nam Kỳ 2 miền Đông Tây. Đồng thời, đây cũng là bộ sách đầu tiên có logo hợp tác với Viện Pháp.

Có rất nhiều tài liệu viết về Bắc Kỳ thời xưa nhưng về Nam Kỳ lại hiếm, bộ sách này chính là "tập đại thành" đầu tiên về Nam Kỳ thế kỷ XIX qua con mắt người Pháp.

Sách có trình bày, nhận xét và đánh giá ưu/nhược của vùng đất miền Nam, và chúng vẫn còn giá trị đến ngày nay, giới nghiên cứu chiến lược phát triển Nam Bộ thời hiện đại có thể tham khảo tài liệu này.

Tác giả J. C. Baurac là bác sĩ thuộc địa hạng nhất. Ông từng dành ra nhiều năm trời đi khắp các địa phương Nam kỳ để khảo sát về dịch tễ. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Ouest (Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Tây), 1894; La Cochinchine et ses habitans: Provinces de l’Est (Nam kỳ và cư dân: Các tỉnh miền Đông), 1899./.


N.N