Phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý và làm chủ thông tin trên mạng cho thanh niên

Truyền thông - Ngày đăng : 15:52, 10/03/2022

Đây là một trong các nội dung đáng chú ý tại Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030” mới được Chính phủ phê duyệt.

Phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý và làm chủ thông tin trên mạng cho thanh niên - Ảnh 1.

Hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin sẽ "vắc xin" cho giới trẻ để phòng ngừa tin giả, tin xấu độc. (Ảnh: MT)

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 311/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030".

Mục tiêu chung của chương trình này là nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, qua đó góp phần xây dựng thế hệ trẻ có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, có tri thức, văn hóa, có ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm với cộng đồng, có ước mơ, hoài bão, khát vọng và kỹ năng hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên số hóa.

Đồng thời, hình thành và phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý, làm chủ thông tin và các công cụ, phương tiện kỹ thuật trong hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa trên không gian mạng; chủ động sàng lọc, nhận diện được các thông tin "xấu", "độc", tiếp nhận thông tin tích cực trên không gian mạng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tích cực thực hiện hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trong mục tiêu chung về phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý và làm chủ thông tin trên mạng cho thanh niên, sẽ được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, chỉ số: Đến năm 2025, phấn đấu trên 90% cán bộ đoàn, hội, đội, đoàn viên, hội viên và 80% thanh niên, thiếu niên được tuyên truyền và tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; đến năm 2030, đạt 100% và 90% các chỉ tiêu tương ứng. Đến năm 2025, đạt trên 80% và đến năm 2030, đạt 100% cán bộ đoàn, đoàn viên học tập các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương mới của Đảng, của Đoàn thông qua các nền tảng số của Đoàn.

Cùng thời gian đến các năm 2025 và 2030, Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể sẽ đạt trên 80% và 100% cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng.

Tiếp đó, 70% thanh niên trở lên sẽ được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, hội nhập quốc tế trên không gian mạng; 70% thiếu niên, nhi đồng được tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin mạng vào năm 2025. Tiếp đó đạt trên 80% với chỉ tiêu tương ứng vào năm 2030.

Với nhiều chỉ số quan trọng đặt ra vào các mốc thời gian đến năm 2025 và năm 2030 đều gắn với các hoạt động quản lý Nhà nước của lĩnh vực thông tin và truyền thông hoặc có liên quan như: tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; học tập các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương mới của Đảng, của Đoàn thông qua các nền tảng số của Đoàn; lan tỏa Cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên không gian mạng hay trang bị kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng...

Nhiều giải pháp đồng bộ được xác định tại Chương trình đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng an toàn, hiệu quả; giám sát, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý thông tin vi phạm pháp luật trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

Đáng chú ý, trong thời gian tới hoạt động xây dựng, nâng cấp, vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin trên không gian mạng sẽ được triển khai. Đi kèm với xây dựng các sản phẩm truyền thông hiện đại phục vụ công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng. Tổ chức hiệu quả các hoạt động sử dụng không gian mạng để thu hút, tập hợp thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; đào tạo, bồi dưỡng, kết nối đội ngũ cán bộ, chuyên gia, trí thức trẻ thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng...

Nhìn chung, trong các giải pháp đồng bộ được xác định tại Chương trình "Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng, giai đoạn 2022 - 2030", thì vấn đề và giải pháp phát triển các kỹ năng nhận diện, xử lý và làm chủ thông tin trên mạng cho thanh niên đóng vai trò quan trọng. Bởi khi được giáo dục, tập huấn, trau dồi các kỹ năng làm chủ thông tin trên mạng, đối tượng thanh thiếu niên như được trang bị "vắc-xin" để phòng chống "vi-rút" tin giả, tin xấu độc. Đồng thời hoàn toàn có thể là những hạt nhân tuyên tuyền, phản bác lại những thông tin sai sự thật trong cộng đồng. 

Ngày 17/6/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội với nhiều quy định chung như: Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Quy tắc Lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; Quy tắc An toàn bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; Quy tắc Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật. Đây đều là các quy tắc thiết thực, hữu ích, dễ hiểu và dễ thực hiện mà mỗi thanh thiếu niên cần nghiêm túc thực hiện.

Minh Trang