Nữ Bí thư chuyển đổi số và hình ảnh mới của tỉnh được mệnh danh là ‘xứ Trà’
Multimedia - Ngày đăng : 16:27, 08/03/2022
Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ Thái Nguyên trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 của nữ Bí thư tỉnh uỷ đầu tiên trong lịch sử của tỉnh này - PGS.TS Nguyễn Thanh Hải, là Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. Ngày ban hành của văn bản cũng rất đặc biệt 31/12/2020. Đây cũng đồng thời được chọn là ngày chuyển đổi số của tỉnh, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam có ngày chuyển đổi số.
Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số, Thái Nguyên đã có cú cất cánh ngoạn mục trên bảng xếp hạng. Nếu như năm trước đó năm 2020, tỉnh này vẫn đứng thứ 44/63 trên bảng xếp hạng Vietnam ICT Index thì năm 2021, Thái Nguyên đã xếp thứ 12/64 tỉnh thành trên cả nước về chuyển đổi số; trong đó, chỉ số về chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc.
Mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 7 địa phương xếp loại A (quan tâm triển khai an toàn thông tin ở mức tốt), nhóm dẫn đầu cả nước.
Toàn tỉnh đã cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh; thành lập Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh; đưa vào sử dụng phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử"; chính thức khai trương mạng 5G đầu tiên tại Thái Nguyên; triển khai các ứng dụng nhằm phát triển chính quyền số, xã hội số như C-ThaiNguyen, ThainguyenID….
Tại buổi sơ kết 1 năm việc triển khai Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số của tỉnh Thái nguyên,Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, những kết quả đạt được khẳng định quyết tâm chuyển đổi số, sự mạnh mẽ đi đầu của người đứng đầu và đội ngũ lãnh đạo, sự quyết tâm của chính quyền địa phương. Thái Nguyên hiện là tỉnh phát triển được nhiều nhất các ứng dụng số, không chỉ trong kinh tế, mà trong xã hội, chính trị, trong các hệ sinh thái môi trường.
Điều không nhiều người biết tới đó là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, PGS.TS Nguyễn Thanh Hải là cựu học sinh chuyên Vật lý khóa đầu tiên của trường THPT Hà Nội - Amsterdam và nguyên là một giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội - cái nôi đào tạo nhiều kỹ sư cũng như nhà quản lý về khoa học công nghệ nổi tiếng ở Việt Nam.
Tại sao Thái Nguyên lại chọn ngày 31/12 là ngày cuối cùng trong một năm, để ban hành một Nghị quyết quan trọng của tỉnh và cũng lại là Nghị quyết đầu tiên của bà trên cương vị Bí thư tỉnh uỷ?
(Cười) Thực ra thì đó đơn giản là ngày chúng tôi hoàn thành Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trong nhiệm kỳ mới và cũng là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về chuyển đổi số.
Trước đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã họp bàn và xác định rằng, chuyển đổi số sẽ là một cơ hội lớn để giúp Thái Nguyên thay đổi thứ hạng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, điều này sẽ giúp Thái Nguyên phát huy vai trò thế mạnh là một trung tâm vùng, là cực tăng trưởng của khu vực đồng thời có thể cải thiện nhanh chóng đời sống của người dân và tương tác giữa người dân và chính quyền.
Chính vì vậy, Nghị quyết đầu tiên được chúng tôi lựa chọn là về chuyển đổi số. Đây là một giải pháp quan trọng giúp chúng tôi sớm hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại không chỉ của vùng Trung du miền núi phía Bắc mà còn là của vùng Thủ đô vào năm 2030.
Có một điều khá thú vị về việc lựa chọn Ngày chuyển đổi số của tỉnh. Ngày 31/12/2020 chúng tôi ký ban hành Nghị quyết và cũng quyết định lấy luôn ngày cuối cùng của năm là Ngày chuyển đổi số Thái nguyên.
Cũng có ý kiến nên chăng chọn ngày 1/1/2021 là ngày đầu của một năm mới. Tuy nhiên, suy đi tính lại chúng tôi vẫn quyết định không thay đổi. Lý do là tuy chỉ cách nhau 1 ngày nhưng lại là cách nhau cả 1 năm trời.
Trong khi đó, chúng tôi muốn thể hiện quyết tâm, ý chí mãnh liệt của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh trong việc sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, năm đầu (nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh ra đời vào 10/2020).
Chỉ sau 1 năm đẩy mạnh chuyển đổi số, Thái Nguyên có sự thay đổi rất lớn về thứ hạng của mình. Điều gì đã giúp Thái Nguyên tăng tốc nhanh như vậy?
Có rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã giúp cho Thái nguyên của chúng tôi đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong suốt 1 năm thực hiện nghị quyết chuyên đề của tỉnh về chuyển đổi số.
Trước tiên phải kể tới sự thống nhất cao, đồng lòng, nhất trí trong toàn Đảng bộ, từ người đứng đầu các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đến sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của người dân. Sự ủng hộ của các bộ, ngành, doanh nghiệp trong giới công nghệ thông tin.
Chẳng hạn các doanh nghiệp có những sản phẩm, mô hình mới trong chuyển đổi số, cần lựa chọn một đơn vị, một cơ quan, một địa phương để chạy thử nghiệm mô hình, ứng dụng để từ đó hoàn thiện hơn cho các sản phẩm của mình, thì chúng tôi luôn có chủ trương ủng hộ.
Đối với các cơ quan, sở ngành, đoàn thể trong tỉnh, chúng tôi luôn giao nhiệm vụ, đồng thời động viên, khích lệ và hỗ trợ để các cơ quan này đăng ký, đảm nhận những phần việc, những nội dung về chuyển đổi số trong hệ thống chuyên môn ngành dọc để trở thành những đơn vị đẫn đầu, là điểm sáng trong toàn ngành về chuyển đổi số. Ví dụ như trong lĩnh giáo dục, y tế, tài chính, công đoàn, thanh niên,…
Thêm một nguyên nhân quan trọng nữa là sự chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, việc đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ở tất cả các cấp. Nhiệm vụ, mục tiêu về chuyển đổi số không chỉ đặt ra đối với cấp trên mà tất cả các cấp đều phải được giao nhiệm vụ, thường xuyên có sự phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Mọi việc phải đồng bộ, thông suốt từ trên xuống dưới.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 tuy là một khó khăn, thách thức nhưng cũng đem lại cơ hội, động lực, nhu cầu cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số và Thái Nguyên chúng tôi đã rất chú trọng để cố gắng làm tốt điều này.
Và bạn thấy đấy, khi đã quyết tâm thực hiện, cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng lòng, chung sức thực hiện thì mọi người đều cùng phải tăng tốc và chạy, nếu không sẽ bị tụt lại phía sau.
Nói đến Thái Nguyên, người ta thường nói sản phẩm "chè Thái" với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Việc lựa chọn đẩy mạnh về chuyển đổi số tại Thái nguyên vì con người ở "xứ Trà" có nội lực trong chuyển đổi số thì ít ai nghĩ tới. Góc nhìn khác biệt mà bà nói tới bắt nguồn từ đâu?
Thực ra, bạn nói chỉ đúng một vế thôi. Theo tôi, vế ngược lại mạnh hơn đó là, nói đến Trà thì phải nói đến Thái Nguyên. Và theo tôi, có thể mọi người cũng quên mất Thái Nguyên còn là cái nôi của ngành công nghiệp thép gang và những năm gần đây Thái Nguyên đã được nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp lựa chọn để đầu tư, điển hình là Tập đoàn Samsung.
Tham gia sản xuất tại các khu công nghiệp này phần đông đều là công dân của Thái Nguyên. Do vậy, có thể khẳng định rằng con người ở "xứ Trà" chúng tôi luôn có một tư duy công nghiệp và có tiềm năng nội lực về chuyển đổi số đó (Cười).
Bên cạnh đó, đội ngũ lãnh đạo tỉnh đều khá năng động, nhanh nhạy, cầu thị, nên đều nhận thấy rằng chuyển đổi số tốt sẽ tạo ra nhiều cơ hội, tiềm năng mới cho tỉnh trong mọi lĩnh vực từ thu hút đầu tư, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, phát triển y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông,… đến quản trị hành chính, tương tác giữa người dân với chính quyền và ngược lại.
Tôi lấy ví dụ ngay về câu chuyện "chè Thái". Tuần trước, tôi vừa có buổi kiểm tra về công tác phòng chống dịch và kinh doanh sản xuất của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản suất, kinh doanh của HTX Chè Hảo Đạt.
Tất cả các sản phẩm của chè Hảo Đạt đều có mã QR và việc quản lý chất lượng sản phẩm chè cũng được ứng dụng chuyển đổi số. Đặc biệt, việc bán hàng trong năm 2021 vừa qua của Chè Hảo Đạt chủ yếu được giao dịch qua các sàn thương mại điện tử.
Chị Đào Thanh Hảo Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt (Tân Cương, Thái Nguyên) đã khẳng định với đoàn công tác rằng: "Nhờ sự hỗ trợ rất kịp thời của tỉnh đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, ngay cả khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, doanh thu của chúng tôi không bị ảnh hưởng gì mà thực tế còn tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm trước".
Có thể thấy đây là một minh chứng rất sinh động cho nội lực trong chuyển đổi số của con người Thái Nguyên
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở nhiều địa phương khác cũng đang diễn ra nhưng không phải tỉnh nào cũng có những thành công nhanh chóng chỉ sau khoảng 1 năm như Thái Nguyên. Theo bà, bí quyết của chuyển đổi số của thành công nằm ở đâu?
Theo tôi, bí quyết chính là chủ trương đúng, đồng thuận cao, hành động quyết liệt. Thêm vào đó là phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở.
Tuy nhiên, tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, kết quả về chuyển đổi số trong một năm qua chỉ là những kết quả bước đầu thôi, cần phải tiếp tục cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để duy trì và tiếp tục đạt được những thành công hơn nữa trong thời gian tới.
Tôi lấy ví dụ hiện nay với ứng dụng C – Thái Nguyên (Công dân Thái Nguyên). Chúng tôi đã mở ra rất nhiều tiện ích phục vụ cho đời sống của người dân như thực hiện các thủ tục hành chính, tra cứu các thông tin hỗ trợ về dịch Covid, về giáo dục, về y tế, rồi phản ánh những bất cập trong đời sống mà công dân Thái Nguyên gặp phải. Hiện nay ứng dụng này đã có khoảng 300.000/900.000 (công dân Thái nguyên trên 18 tuổi cài đặt).
Hoặc ngay sau khi ứng dụng Sổ tay Đảng viên điện tử hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 12/2021 đến nay (sau hơn 2 tháng), đã có 60.000/gần 100.000 Đảng viên của tỉnh cài đặt và sử dụng.
Với 2 ví dụ trên, có thể nói các ứng dụng đưa vào hoạt động có mức độ lan tỏa, phổ cập khá cao, sự hưởng ứng của người dân Thái Nguyên với chuyển đổi số là khá mạnh. Tuy nhiên, nếu các tiện ích này không được duy trì tốt, không được cập nhật bổ sung thường xuyên thì rất khó "níu" chân người dùng. Đây chính là một áp lực, một mục tiêu mà chúng tôi đặc biệt hướng tới trong năm 2022 này: đó là nâng cao chất lượng, mức độ thụ hưởng của người dân trong việc chuyển đổi số.
Trước đây, với các dự án CNTT quan trọng, hầu hết cơ quan nhà nước đều nghĩ tới các thương hiệu lớn của nước ngoài. Nhưng với chuyển đổi số, đặc biệt là xây dựng đô thị thông minh thì những thương hiệu lớn trong nước lại được lựa chọn, Thái Nguyên cũng tương tự. Vì sao vậy?
Thực tế thì với xây dựng và hỗ trợ vận hành mô hình thành phố thông minh thì các tập đoàn công nghệ thông tin lớn cùa Việt Nam đang chứng minh sự phù hợp và hiệu quả.
Khi quyết định chọn Viettel cho việc đồng hành xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho chính quyền số, ứng dụng C-ThaiNguyen và liên danh NGS – Saigontel cho ứng dụng ThaiNguyen ID (xã hội số)… chúng tôi đã cân nhắc thận trọng. Đây đều là các doanh nghiệp có uy tín và nhờ việc họ đã có kinh nghiệm thực tiễn tại một số tỉnh bạn nên cũng giúp chúng tôi rút ngắn được nhiều thời gian trong quá trình triển khai thực hiện.
Đặc biệt, về tính kỷ luật, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc thực thi chuyển đổi số thì Viettel và Thái Nguyên đều chia sẻ chung giá trị. Tỉnh Thái Nguyên chúng tôi luôn coi sự thành công của người dân và doanh nghiệp chính là sự thành công của tỉnh, điều này lại cũng trùng với giá trị lấy khách hàng làm trung tâm mà Viettel theo đuổi từ đầu. Sự tương đồng này đã tạo ra may mắn kép để chúng tôi cùng thành công trong chuyển đổi số tại Thái Nguyên.
Trong những thành tựu về chuyển đổi số năm 2021, bà thấy Thái Nguyên đang làm mạnh ở lĩnh vực nào nhất?
Thực ra, thời gian trước chúng tôi chưa đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực xã hội số. Do đó, mặc dù chúng tôi đứng thứ 12/63 tỉnh thành phố về chuyển đổi số nhưng riêng về mảng xã hội số còn rất khiêm tốn. Chính vì vậy, trong năm 2021 vừa qua, chúng tôi đã đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực xã hội số.
Cụ thể, chúng tôi phát triển các sản phẩm để đông đảo công dân Thái Nguyên và công nhân trong các khu công nghiệp ở Thái Nguyên có thể dễ dàng cài đặt, sử dụng thân thiện và nhiều tiện ích đặc biệt là giúp người dân dễ dàng tương tác với chính quyền. Đó là ứng dụng C -Thainguyen và ThainguyenID.
Nếu độc giả có quan tâm và muốn biết các thông tin về vùng đất Thái Nguyên được mệnh danh là Thủ đô kháng chiến, Thủ đô Gió ngàn năm xưa, xin hãy vào Google và gõ C Thái nguyên nhé! Việc cài đặt rất dễ dàng. (Cười)
Tôi cũng xin bổ sung thêm, hiện ứng dụng C- Thainguyen đã có khoảng 300.000 người thường xuyên sử dụng. Tôi rất hy vọng, con số này sẽ còn tăng lên nhiều trong thời gian tới nếu người dân thực sự cảm nhận được những tiện ích, hiệu quả.
Hiện nay, thông qua C-Thainguyen, người dân có thể phản ánh với chính quyền các vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế như y tế, giáo dục, đấu thầu, quản lý đất đai… và có thể đánh giá, chấm điểm việc xử lý trả lời của cơ quan chính quyền. Thực tế, qua C-Thainguyen, tôi có lần kiểm tra ngẫu nhiên và đã chỉ đạo trực tiếp việc xử lý một vụ việc gây ô nhiễm môi trường do người dân quay video clip phản ánh trên mục "Phản ánh hiện trường". Mọi việc được xử lý chỉ trong vòng 3 giờ.
Mô hình thành phố thông minh mà Thái Nguyên xây dựng sẽ hướng tới những mục tiêu gì?
Thứ nhất, hướng tới sự tiện lợi cho người dân trong quá trình người dân sử dụng dịch vụ. Thứ hai, hướng tới sự thụ hưởng của người dân trong quá trình chính quyền vận vận hành. Và đặc biệt, thứ ba là hướng tới sự công khai minh bạch, dân chủ để tất cả quyền lực của chính quyền thuộc về người dân.
Mới đây Samsung đã đầu tư thêm 920 triệu USD vào Thái Nguyên. Khoản đầu tư này có ý nghĩa như thế nào với tỉnh?
Khoản đầu tư này có rất nhiều ý nghĩa đối với tỉnh chúng tôi. Thứ nhất, nó khẳng định sự tin tưởng của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư ở Thái Nguyên. Thứ hai, nó sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân Thái Nguyên.
Thứ ba, khi một nhà đầu tư lớn như vậy tiếp tục mở rộng sản xuất tại Thái Nguyên, chắc chắn sẽ có nhiều nhiều doanh nghiệp phụ trợ nghiên cứu để tiếp tục đầu tư vào tỉnh. Kéo theo đó là thương mại dịch vụ sẽ có điều kiện mở rộng và phát triển.
Và trên hết, tổng hợp lại là người dân Thái Nguyên chúng tôi sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc đầu tư này. Đây là điều mà chúng tôi thấy vui mừng và hạnh phúc nhất!
Trước đây người ta nghe đến Thái Nguyên là chỉ nghĩ đến Trà, sau đó thì có thêm Samsung Thái Nguyên. Trong tương lai, Thái Nguyên nên gắn liền với điều gì tiếp theo?
Một Thái Nguyên năng động, sáng tạo đi đầu, tiên phong trong chuyển đổi số là điều mà chúng tôi mong muốn hướng tới, với những thành phố, đô thị thông minh, chính quyền số năng động sáng tạo và những công dân số, giàu truyền thống cách mạng, hăng hái sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng.
Điều này cũng là góp phần để hiện thực hóa mong muốn của Bác khi Người về thăm Thái Nguyên năm 1964, đó là xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta./.
Hoàng Ly
Hương Xuân