Liên thông dữ liệu y tế: Tiêu chuẩn và kiến trúc

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:35, 08/03/2022

Liên thông dữ liệu y tế là khả năng giao tiếp và trao đổi dữ liệu y tế đúng đắn, hiệu quả, an toàn và nhất quán giữa các hệ thống thông tin y tế, các ứng dụng y tế để đảm bảo các mục đích lâm sàng, ý nghĩa của dữ liệu y tế không bị thay đổi khi trao đổi.

Các hệ thống thông tin y tế chỉ cần ghi dữ liệu một lần sau đó có thể chia sẻ thông tin này cho các hệ thống thông tin y tế khác sử dụng lại các thông tin này cho các mục đích khác nhau.

Để đảm bảo việc liên thông dữ liệu tế giữa các hệ thống thông tin y tế được hiệu quả, việc nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn hay Kiến trúc trao đổi thông tin y tế đồng bộ là giải pháp cơ bản cần được xem xét quy định để triển khai đồng bộ. 

Các nhóm tiêu chuẩn phục vụ cho việc liên thông dữ liệu

Dữ liệu từ các hệ thống thông tin y tế tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và cấp trung ương cần phải trao đổi, liên thông với nhau để đảm bảo có đầy đủ dữ liệu trong việc ra quyết định chính sách cũng như việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) người dân. Ví dụ, các thống kê y tế quốc gia về ca bệnh, số ca mắc và số ca chết có thể phải tổng hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau.

Các hệ thống thông tin y tế vẫn đang có xu hướng rời rạc, chưa đủ độ tin cậy do thiếu thông tin chia sẻ, không kịp thời và hay bị cô lập, thậm chí cả ngay trong một số bệnh viện lớn, đặc biệt là các bệnh viện có nhiều cơ sở riêng biệt. Tính không nhất quán trong việc thu thập dữ liệu và tạo ra các dữ liệu thô và không thể dùng cho phân tích và tổng hợp dữ liệu. Trong trường hợp này, dữ liệu thực tế không sử dụng được cho việc CSSK người dân cũng như ra quyết định chính sách. 

Người bệnh không được theo dõi sức khỏe liên tục do hồ sơ sức khỏe (HSSK) không được cập nhật, chia sẻ sau mỗi lần khám chữa bệnh từ các bác sĩ khác nhau hoặc các bệnh viện khác nhau. Dữ liệu bệnh nhân thậm chí có thể bị mẫu thuẫn hoặc trùng lặp. Khi thông tin dữ liệu bệnh nhân không chính xác, các thông tin liên quan khác như dự trù thuốc hay thiết bị y tế cũng không có đủ thông tin tin cậy.

Liên thông dữ liệu y tế: Tiêu chuẩn và kiến trúc - Ảnh 1.

HSSK điện tử nhằm tạo sự kết nối liên thông dữ liệu về tình hình sức khỏe, dữ liệu khám, chữa bệnh giữa các cơ sở y tế với nhau (Ảnh: sggp.org.vn)

Các hệ thống thông tin y tế hiệu quả đòi hỏi phải truy cập đúng thời điểm đến tất cả các dữ liệu từ tất cả các nguồn dữ liệu. Các dữ liệu này có thể được trích xuất từ nhiều hệ thống khác nhau và các hệ thống này cần được tích hợp và liên thông với nhau. Liên thông dữ liệu đã trở thành một yêu cầu quan trọng trong lĩnh vực y tế.

Để sử dụng hiệu quả dữ liệu y tế trong công tác CSSK người dân cũng như ra các quyết định chính sách trong ngành y tế, cần nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối liên thông dữ liệu y tế cũng như khung kết nối liên thông dữ liệu y tế thông qua các tiêu chuẩn liên thông. Dữ liệu được sử dụng, tái sử dụng để đáp ứng nhu cầu ở các cấp độ khác nhau bao gồm cơ sở y tế, tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã, cộng đồng, gia đình và cá nhân. Dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề liên thông và sử dụng dữ liệu y tế.

Số lượng các tiêu chuẩn liên thông y tế đã được các tổ chức quốc tế xây dựng là rất rất lớn và phức tạp. Một số tổ chức tiêu biểu bao gồm ISO, HL7, GS1, Ủy ban châu Âu về chuẩn hóa (NEN); tiêu chuẩn ảnh số và truyền thông trong y tế (DICOM); Mạng lưới tiêu chuẩn trao đổi dữ liệu lâm sàng (CDISC) và tổ chức phát triển tiêu chuẩn thuật ngữ Y tế quốc tế (IHTSDO). Các tiêu chuẩn này có thể chia vào 05 nhóm tiêu chuẩn như sau:

Nhận dạng (Identification)

Vai trò của các tiêu chuẩn nhận dạng việc liên thông dữ liệu y tế để bảo đảm xác định sự đúng đắn của cá nhân duy nhất giữa các hệ thống khác nhau. Nhận dạng chính xác, đáng tính cậy cho phép cung cấp dịch vụ CSSK cho từng cá nhân tốt hơn cũng như các mục đích giám sát và báo cáo đối với mỗi cá nhân.

Khi ghi lại thông tin bệnh nhân, việc đầu tiên là ghi lại chính xác thông tin của cá nhân đó (thông thường là thông tin bệnh nhân nhưng cũng có thể là thông tin nhân viên y tế, cơ sở y tế hoặc các đơn vị khác). Việc này bảo đảm tránh trùng lặp và phân mảnh thông tin cá nhân. Các hệ thống nhận dạng hiệu quả với việc kiểm soát chất lượng cho phép việc chia sẻ và trao đổi thông tin y tế được tốt hơn.

Các vấn đề cần nghiên cứu thêm đó là cách thức xây dựng hệ thống định danh y tế trên toàn quốc, cách thức liên kết với các hệ thống định danh quốc gia khác như hệ thống quản lý dân cư và hệ thống thông tin bảo hiểm y tế. Ngoài ra, cần phải cân nhắc các yếu tố kỹ thuật trong quá trình phát triển hệ thống này như vòng đời của một số nhận dạng (ví dụ: người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam), tính hợp lệ của nhận dạng cũng như cách thức quản lý và chia sẻ cho các hệ thống thông tin y tế khác như hệ thống HSSK điện tử, hệ thống Bệnh án điện tử. Các yếu tố về đảm bảo an toàn thông tin y tế cũng như tính riêng tư của thông tin y tế cũng được tính đến. Cần phải có quy định chặt chẽ về việc chia sẻ các thông tinh định dạng cá nhân (Personally identifiable information) giữa các hệ thống thông tin y tế và giữa hệ thống thông tin y tế với các hệ thống khác.

Các tiêu chuẩn ngữ nghĩa (Semantic Standards)

Vai trò của các tiêu chuẩn tương thích ngữ nghĩa (như là từ điển dữ liệu quốc gia) nhằm bảo toàn ý nghĩa của dữ liệu được truyền tải và trao đổi giữa các hệ thống khác nhau. Nếu không có từ điển dữ liệu quốc gia về các yếu tố dữ liệu phổ biến với một thuật ngữ phổ biến, thì không có hiểu biết chung về nghĩa của thuật ngữ đó. Tính tương thích ngữ nghĩa là cần thiết để chia sẻ và sử dụng dữ liệu có ý nghĩa và hiệu quả giữa các hệ thống thông tin. 

Việc tương thích ngữ nghĩa trong y tế là một thách thức trong liên thông dữ liệu y tế hiện nay vì có quá nhiều tập thuật ngữ quốc tế đã được phát triển. Có rất nhiều các tập định danh về các thuật ngữ CSSK có kiểm soát; nhiều thuật ngữ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Có thể kể ra một số nhóm thuật ngữ quốc tế bao gồm các thuật ngữ lâm sàng (SNOMED CT) cho dữ liệu lâm sàng, LOINC cho các phòng xét nghiệm, và mã phân loại quốc tế bệnh tật của WHO (ICD) cho thanh toán. 

Vai trò của tiêu chuẩn ngữ nghĩa là bảo đảm có thể hiểu đúng ý nghĩa của dữ liệu y tế khi chia sẻ giữa các hệ thống thông tin y tế.

Các tiêu chuẩn cú pháp (Syntactic Standards)

Các tiêu chuẩn cú pháp liên quan tới cấu trúc và việc vận chuyển dữ liệu trên môi trường mạng (để tập dữ liệu có thể đọc được trên cả hai hệ thống). Cấu trúc này không liên quan tới nội dung của các trường dữ liệu (các tiêu chuẩn ngữ nghĩa).

Những chuẩn này được sử dụng để truyền thông tin từ hệ thống này đến hệ thống khác thông qua một loạt các kênh giao tiếp. Chúng đảm bảo rằng cấu trúc thông tin được duy trì và các thành phần có thể được xác định chính xác.

Ví dụ, một quan sát lâm sàng được ghi lại bởi một hệ thống có thể được nhận biết như vậy ở hệ thống khác.

Chuẩn cú pháp dữ liệu và chuẩn vận chuyển dữ liệu trên môi trường mạng có thể được thiết lập theo chiều ngang (liên thông dữ liệu trên cùng hệ thống) hoặc theo chiều dọc (liên thông dữ liệu giữa các tuyến).

Việc xây dựng kiến trúc tổng thể (Enterprise Architecture) cho phép xác định các mối quan hệ giữa các hệ thống nằm ngang hoặc nằm dọc theo các nội dung nghiệp vụ, thông tin, ứng dụng, hạ tầng. Quan điểm kiến trúc tổng thể cũng giúp đảm bảo các thành phần cần thiết không bị bỏ sót trong quá trình xây dựng hệ thống thông tin y tế tổng thể.

Core data sets (Tập dữ liệu gốc)

Các tập dữ liệu gốc cần được xác định trong từng lĩnh vực của ngành y tế để đảm bảo rằng các thông tin quan trọng cần được thu thập và giảm tải gánh nặng thu thập dữ liệu không cần thiết. Tập dữ liệu gốc tồn tại ở mọi chức năng và mọi cấp độ của hệ thống thông tin y tế, như các biểu mẫu nhập liệu thông tin bệnh nhân, các thẻ kho tại kho thuốc hay các thông tin viện phí.

Chất lượng dữ liệu và việc sử dụng dữ liệu

Từ quan điểm của các tiêu chuẩn liên thông, chất lượng dữ liệu ảnh hưởng tới việc sử dụng các dữ liệu này: dữ liệu có chất lượng cao sẽ được sử dụng. Dữ liệu gần thời điểm sử dụng có xu hướng có chất lượng hơn. Dữ liệu thu thập phải đảm bảo hai yếu tố: chính xác và có quan hệ với yêu cầu thu thập. Đầu tiên, các hệ thống thu thập dữ liệu phải thu thập được đúng theo yêu cầu. Sau đó có thể phát triển các chức năng thông minh để xác định các lỗi đầu vào và kiểm soát lỗi dữ liệu.

Cuối cùng, động cơ lớn nhất cho việc tăng cường chất lượng dữ liệu đầu vào tại cấp cơ sở, nơi mà công tác thu thập dữ liệu y tế có thể là phức tạp nhất, đồ sộ nhất và do đó hầu hết dữ liệu đều có vấn đề về chất lượng, do đó chứng tỏ rằng dữ liệu là giá trị đối với cán bộ thu thập. Trong những môi trường nghèo nàn về tài nguyên, cán bộ thường cho rằng lý do họ không điền hết vào các biểu mẫu chính xác và kịp thời là do họ không biết thông tin đó sẽ giúp họ trong công việc lâm sàng như thế nào. 

Liên thông dữ liệu y tế: Tiêu chuẩn và kiến trúc - Ảnh 2.

Các thành phần của Kiến trúc OpenHIE

Tuy nhiên, nếu thu thập dữ liệu được gắn với nhu cầu dữ liệu của cộng đồng thu thập dữ liệu thì động lực là kịp thời và chính xác. Nếu cán bộ thu thập dữ liệu hiểu được tầm quan trọng của dữ liệu và biết dữ liệu đó sẽ được sử dụng như thế nào, thì việc thu thập và nhập dữ liệu chính xác và hoàn chỉnh sẽ trở nên quan trọng hơn. Người thu thập dữ liệu trở nên quan trọng như người sử dụng dữ liệu.

Kiến trúc trao đổi thông tin y tế mở OpenHIE

Kiến trúc trao đổi thông tin y tế HIE (Health Information Exchange): Cho phép tổ chức lưu trữ và truy cập các thông tin về sức khỏe như cán bộ y tế,cơ sở y tế, bệnh nhân... được lưu trữ tại nhiều nơi khác nhau. Duy trì ngữ cảnh và tính toàn vẹn của thông tin được trao đổi.

OpenHIE là một kiến trúc và phương pháp tiếp cận để trao đổi thông tin y tế mở. Kiến trúc này bao gồm các quy trình, tiêu chuẩn và các mô tả để hướng dẫn việc triển khai liên thông dữ liệu tốt nhất ở các cấp độ khác nhau. OpenHIE có các kiến trúc tham chiếu để hỗ trợ các kiến trúc thành phần. OpenHIE là một cộng đồng bao gồm các quốc gia, tổ chức, cá nhân và nhà tài trợ để giúp đỡ xây dựng các hệ thống thông tin y tế tốt hơn thông qua tiêu chuẩn hóa. OpenHIE giải quyết các vấn đề sau:

- Cho phép tổ chức việc lưu trữ và liên kết dữ liệu y tế giữa các đối tượng khác nhau như bệnh nhân, cán bộ y tế, cơ sở y tế dựa trên các thuật ngữ y tế;

- Cung cấp kiến trúc và thiết kế để hỗ trợ chia sẻ thông tin ở mọi quy mô, bao gồm cả quy mô quốc gia;

- Cung cấp các mẫu kết nối giữa các tập dữ liệu y tế;

- Cung cấp cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế các phương thức giao tiếp với nhau một cách hiệu quả.

Mô tả các thành phần của OpenHIE:

a) Lớp thành phần OpenHIE

TS (Terminology Service): Quản lý các từ vựng dùng chung trong y tế. Cho phép các cơ sở dữ liệu khác nhau có thể ánh xạ lẫn nhau cho dù sử dụng các thuật ngữ khác nhau.

CS (Clien Registry): Cho phép HIE biết được ai đã được cung cấp các dịch vụ y tế. Tạo và lựa chọn định danh duy nhất cho mọi bệnh nhân.

SHR (Shared Health Record): Quản lý lịch sử sức khỏe bệnh nhận. 

HMIS (Health Management Information System): Lưu trữ các thông tin về lịch sử sức khỏe cộng đồng. Hỗ trợ phân tích dữ liệu lớn, lập và ra quyết định y tế công cộng.

FR (Facility Register): Quản lý các địa điểm cung cấp dịch vụ ytế bao gồm danh sách các cơ sở dịch vụ y tế chính.

HWR (Health Worker Registry): Quản lý nhân lực y tế. 

Liên thông dữ liệu y tế: Tiêu chuẩn và kiến trúc - Ảnh 3.

HSSK điện tử

b) Tầng liên thông: Tầng này cho phép Quản lý liên thông giữa các hệ thống thông tin y tế, bao gồm: Authentication: Xác thực; Inter-linked Registry: Cho phép quản lý các liên kết giữa các hệ thống; Entity Matching: Cho phép lọc trùng dữ liệu, liên kết các bản ghi, làm sạch, sửa lỗi dữ liệu và đối chiếu tham chiếu dữ liệu.

c) Tầng các ứng dụng bên ngoài: bao gồm các hệ thống quản lý thông tin y tế, các ứng dụng di động, bệnh án điện tử hay các hệ thống quản lý xét nghiệm.

Một số yêu cầu để liên thông dữ liệu y tế tại Việt Nam trong thời gian tới

Xây dựng, sử dụng quản lý mã định danh y tế: Xây dựng hệ thống thông tin quản lý mã định danh y tế quốc gia, làm cơ sở để liên thông dữ liệu các hệ thống thông tin y tế trên toàn quốc.

Xây dựng, triển khai hệ thống thông tin quản danh mục dùng chung ngành y tế

Liên thông thông tin HSSK điện tử: HSSK là tài liệu y tế ghi lại quá trình CSSK của một người từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi theo mẫu quy định của Bộ Y tế. HSSK điện tử (EHR) là bản tin học hóa của HSSK được lập, hiển thị, cập nhật, lưu trữ và chia sẻ bằng phương tiện điện tử. Hệ thống EHR quản lý hồ sơ ghi chép tình trạng chăm sóc và lịch sử khám chữa bệnh của một người từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi. 

HSSK điện tử được thiết lập như một bộ dữ liệu có cấu trúc hợp nhất tập trung vào việc thu thập thông tin, dữ liệu cần thiết, đồng thời chia sẻ thông tin tổng hợp để tạo nên một bức tranh lâm sàng đầy đủ, hợp lý của người bệnh. HSSK này được cập nhật từ nhiều nguồn thông tin, dữ liệu khác nhau bao gồm thông tin, dữ liệu từ các bệnh viện, phòng khám, bác sỹ, nhà thuốc, phòng xét nghiệm, ... Thông tin rất quan trọng này sẽ giúp các chuyên gia y tế có đầy đủ thông tin trong quá trình CSSK cho người dân giúp nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK.

Hiện nay, nhiều tỉnh thành phố đã bước đầu hình thành HSSK điện tử, hình thành được HSSK điện tử ban đầu cho người dân. Trong thời gian tới, cần nghiên cứu, tổ chức liên thông dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, cụ thể như sau:

- Liên thông dữ liệu HSSK điện tử giữa các tỉnh, thành phố. Bảo đảm một người dân dù đi khám bệnh ở đâu trên cả nước cũng có thể lưu lại thông tin khám chữa bệnh của mình đồng thời tra cứu được đầy đủ lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân.

- Liên thông dữ liệu HSSK điện tử với các hệ thống khác như các hệ thống bệnh án điện tử, xét nghiệm, tiêm chủng, ....

- Chia sẻ các thông tin sức khỏe cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu theo quy định.

Liên thông dữ liệu y tế: Tiêu chuẩn và kiến trúc - Ảnh 4.

Hình thành cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về y tế: CSDL quốc gia về y tế là CSDL quốc gia lưu trữ thông tin về khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dược - mỹ phẩm, quản lý trang thiết bị y tế, thực phẩm, dân số và các thông tin khác có liên quan đến lĩnh vực y tế. CSDL quốc gia về y tế cho phép thu thập các thông tin y tế trên mọi cấp độ khác nhau và chia sẻ lại cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nghiên cứu ban hành cụ thể các tiêu chuẩn phù hợp với môi trường Việt Nam cũng như có lộ trình triển khai phù hợp. Việc xem xét quy định triển khai áp dụng các tiêu chuẩn trong nhóm tiêu chuẩn nêu tại phần 2 trên sẽ cải thiện đáng kể khả năng liên thông dữ liệu y tế và đồng thời cải thiện chất lượng CSSK và hệ thống y tế.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2022)

Thành An