Quản lý dịch vụ số: Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam
Kinh tế số - Ngày đăng : 14:00, 07/03/2022
Các quy định về dịch vụ CNTT trong các hệ thống văn bản pháp lý của Việt Nam còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tế phát triển, cũng như các kinh nghiệm và thông lệ quốc tế. Lĩnh vực dịch vụ CNTT có tốc độ phát triển nhanh và có sự hội tụ, giao thoa với các lĩnh vực khác như viễn thông, thông tin điện tử, báo chí, các dịch vụ trên nền CNTT. Nội hàm các loại hình dịch vụ CNTT còn chưa rõ ràng, phần nào còn chưa đúng bản chất dịch vụ trong giai đoạn hiện nay.
Công nghệ số, chuyển đổi số (CĐS), kinh tế số, kỷ nguyên số là xu thế toàn cầu, là quá trình không thể đảo ngược. Thế giới vật lý đang được ảo hoá. Đời sống thực đang được ánh xạ vào không gian mạng. Việt Nam đang tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý nhằm nắm bắt cơ hội và đáp ứng xu hướng phát triển công nghệ và dịch vụ số.
Bài viết này sẽ tập trung phân tích, tìm hiểu xu hướng phát triển dịch vụ số được cung cấp bởi các nhà cung cấp dịch vụ, công ty công nghệ số xuyên biên giới, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các nội dung quản lý phát triển dịch vụ số hướng tới hệ sinh thái số bền vững tại Việt Nam trong thời gian tới.
Dịch vụ số trong kinh tế số
Khái niệm dịch vụ số
Một số ý kiến cho rằng thuật ngữ “dịch vụ số” đã được đề cập từ khá lâu trước khái niệm cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Tuy nhiên, chỉ khi CMCN 4.0 xuất hiện thì dịch vụ số mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành xu thế phát triển, vì nó gắn với công nghệ hiện đại như: Trí tuệ nhân tạo, (AI) dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây... Trên thế giới hiện nay có khá nhiều quan điểm, khái niệm về dịch vụ số, cùng với sự lan tỏa của “số hóa” vào nền kinh tế thực thì việc phân định rạch ròi dịch vụ số không đơn giản.
Qua nghiên cứu tổng hợp, có thể hiểu dịch vụ số (hay dịch vụ điện tử) là các dịch vụ được cung cấp chủ yếu dựa trên nền tảng công nghệ số (các giao dịch điện tử tiến hành thông qua Internet) và không thể thực hiện được nếu không sử dụng CNTT và mạng Internet.
Cấu phần và cách phân loại dịch vụ số
Cấu phần chính tham gia vào dịch vụ số bao gồm: Nhà cung cấp dịch vụ; người nhận dịch vụ; các kênh cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, dịch vụ số không chỉ là các dịch vụ được phân phối trên nền tảng số, mà cả chuỗi cung ứng thương mại hàng hóa và dịch vụ được kích hoạt thông qua kết nối số.
Phân loại dịch vụ số: Theo báo cáo về triển vọng nền kinh tế số 2020 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), có nhiều cách để mô tả và phân loại các các nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ số, không có một quy chuẩn hay kích thước phù hợp với tất cả các cách tiếp cận vì mỗi nền tảng khác nhau có các mục đích khác nhau.
Phương pháp tiếp cận trực quan nhất là phân loại các nền tảng cung cấp dịch vụ theo chức năng, những gì nền tảng đó cung cấp cho người dùng hay người dùng sử dụng dịch vụ gì trên đó. Với cách tiếp cận theo chức năng, OECD phân loại dịch vụ số theo 21 nhóm loại hình dịch vụ: nội dung quảng cáo, cửa hàng ứng dụng, tìm kiếm, trò chơi điện tử, nhắn tin, truyền thông xã hội...
Mối quan hệ giữa dịch vụ số và kinh tế số
Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, công nghệ số, dữ liệu số như là các yếu tố sản xuất chính; sử dụng mạng Internet, mạng CNTT làm không gian hoạt động; sử dụng công nghệ số, nền tảng số để tăng năng suất lao động và để tối ưu hóa nền kinh tế. Nếu nói đơn giản thì kinh tế số là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.
Theo mô hình trên, kinh tế số có 3 cấu phần: Kinh tế số ICT/Viễn thông (Kinh tế số ICT); Kinh tế số Internet/nền tảng (Kinh tế số Internet); và Kinh tế số ngành/lĩnh vực (Kinh tế số ngành).
Như vậy, theo mô hình trên mối quan hệ giữa kinh tế số và dịch vụ số có mối quan hệ qua lại và chặt chẽ với nhau, dịch vụ số là hoạt động kinh tế dựa trên việc áp dụng các công nghệ số, nền tảng Internet vào ngành, lĩnh vực truyền thống nhằm tăng năng suất lao động, tạo giá trị kinh tế mới, tăng thêm... Có thể hiểu một cách đơn giản, dịch vụ số chỉ là một mã ngành dịch vụ trong một nền kinh tế số.
Xu hướng phát triển dịch vụ số trên thế giới
Hiện nay việc phát triển dịch vụ số trên thế giới có thể chia thành 5 xu hướng như sau:
i- Xu hướng phát triển công nghệ mới thúc đẩy dịch vụ số:
Các công nghệ mới như: Công nghệ blockchain, phân tích dữ liệu, AI, In 3D, Internet vạn vật (IoT), robot tự động, điện toán đám mây (cloud computing) được coi là một phần của cuộc CMCN 4.0, sẽ định hình các mô hình kinh doanh mới và định hình lại bản chất công việc, cũng như ranh giới và trách nhiệm của DN dựa trên nền tảng công nghệ số.
ii- Xu hướng dịch vụ số tập trung vào các DN lớn - nước lớn: Hiện nay, dịch vụ số chủ yếu được cung cấp bởi DN lớn (Big Tech) đến từ nước lớn như Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc, chiếm 90% vốn hóa thị trường của 70 nền tảng số lớn nhất thế giới như: Amazon; Google; Netflix, Facebook, Walt Disney Company, Apple Distribution International Ltd, and TikTok, Twitter, Amazon, Alibaba... (phần lớn thuộc DN của Mỹ và Trung Quốc).
iii- Xu hướng chuyển dịch sang xuất khẩu dịch vụ số:
Theo thống kê mới của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD) năm 2020, xuất khẩu các dịch vụ số toàn cầu trên nền tảng công nghệ trực tuyến, đã tăng trung bình 7 - 8% hàng năm trong thời gian qua. Mỹ là quốc gia đứng ở vị đứng đầu bảng xếp hạng cung cấp các dịch vụ số với 440 tỷ USD chiếm 16% thị phần thế giới. Vương quốc Anh và Đức đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba.
iv- Xu hướng rào cản khi cung cấp dịch vụ số: Mặc dù, thúc đẩy pháp triển dịch vụ số là xu hướng chung của hầu hết chính phủ các nước. Tuy nhiên, thương mại dịch vụ số cũng gặp phải những rào cản nhất định trong quá trình phát triển, các rào cản vật lý như cơ sở hạ tầng số, kết nối, hệ thống thanh toán và các vấn đề khác...
v- Xu hướng chuyển từ chính phủ điện tử (CPĐT) sang chính phủ số, dịch vụ số: Chính phủ số là cấp độ tiếp theo của CPĐT. Ở đó mọi thứ được số hóa, các nền tảng cho phép làm việc thông minh và hiệu quả hơn, bộ máy trở nên minh bạch hơn, các quyết định được hỗ trợ định lượng, nhiều loại dịch vụ mới được cung cấp...
Hiện trạng quản lý và phát triển dịch vụ số tại Việt Nam
Thị trường dịch vụ số tại Việt Nam
Theo Báo cáo Nền kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á (e-Conomy SEA năm 2021), các dịch vụ số tập trung vào 7 lĩnh vực cơ bản, bao gồm: (1) Thương mại điện tử (TMĐT) (e-Commerce); (2) Vận tải và Thực phẩm (Transport&Food); (3) Lữ hành trực tuyến (Online travel), bao gồm: các dịch vụ đặt vé máy bay online, đặt phòng khách sạn hoặc các hình thức lưu trú khác); (4) Truyền thông trực tuyến (Online media), bao gồm: quảng cáo, game, đăng ký nghe nhạc hoặc xem phim theo nhu cầu; (5) Dịch vụ tài chính (Financial services), bao gồm: Thanh toán, chuyển tiền, cho vay, bảo hiểm, đầu tư); (6) Công nghệ giáo dục (Edtech); (7) Công nghệ y tế (Healthtech).
Tại Việt Nam, cứ trong số 10 người tiêu dùng, 7 người là người tiêu dùng số (sử dụng các dịch vụ số). Dự kiến Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021. Việt Nam đã có đến 8 triệu người tiêu dùng số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), phần lớn số người sử dụng các dịch vụ số đến từ các thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... (chiếm 55%) và số lượng người dùng các dịch vụ số vẫn tăng cao, năm sau cao hơn năm trước.
Mặc dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn là quốc gia có tỷ lệ người dùng dịch vụ số mới tăng trưởng cao, đạt 41% (tỷ lệ trung bình khu vực là 36%).
Chỉ tính riêng cấu phần kinh tế số Internet, Việt Nam đã đạt 14 tỷ USD tổng giá trị giao dịch (GMV), đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cao nhất với mức tăng 16%, nước có mức tăng cao tiếp theo là Indonesia với 11%, và Thái Lan 7%.
Báo cáo e-Conomy SEA năm 2021 chỉ ra, nền kinh tế Internet của Việt Nam dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ USD nhờ sự tăng trưởng 53% của TMĐT so với năm 2020 và dự kiến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á đạt 57 tỷ USD năm 2025. Việt Nam có thể tăng trưởng gấp 11 lần để trở thành nền kinh tế Internet trị giá 220 tỷ USD tổng giá trị giao dịch, đứng thứ 2 trong khu vực, sau Indonesia.
Sự phát triển các dịch vụ số đang tăng trưởng nhanh, trong khi đó các thách thức ngày càng lớn đối với quản lý về mặt nội dung và thuế cho các dịch vụ phổ biến như hiện nay tại Việt Nam như các dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ trò chơi điện tử (game online), quảng cáo số, các dịch vụ nội dung thông tin khác...
Sự bất cập của các quy định về quản lý dịch vụ số
Trên thực tế hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, các nội dung không còn phù hợp với xu thế hội tụ viễn thông và CNTT, đặc biệt là sự phát triển các công nghệ, dịch vụ số và CĐS.
Trong bối cảnh của dịch COVID-19, các hình thức hoạt động từ môi trường vật lý dần dịch chuyển sang môi trường số. Các dịch vụ số ngày càng phát triển và sự bất cập, hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam ngày càng thể hiện rõ rệt, cụ thể là: i) Chưa có khái niệm và phân loại cụ thể về dịch vụ số; ii) Phạm vi điều chỉnh chưa phù hợp với thực tiễn ứng dụng và phát triển nền tảng, dịch vụ số; iii) Chưa rõ vai trò và các quy định đối với các bên tham gia cung cấp, quản lý và sử dụng các dịch vụ số...
Kinh nghiệm quốc tế về quản lý dịch vụ số
Dịch vụ số là một trong những xu thế phát triển trong nền kinh tế số của cuộc CMCN 4.0 được nhiều quốc gia quan tâm thúc đẩy phát triển, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới kể từ năm 2020. Bên cạnh tiềm năng và cơ hội phát triển dịch vụ số, các nước cũng gặp phải thách thức trong việc quản lý các dịch vụ số xuyên biên giới, đặc biệt quản lý các dịch vụ số có chứa nội dung và quản lý thuế để tránh thất thu nguồn thuế lớn từ các doạnh nghiệp xuyên biên giới nước ngoài không có văn phòng thường trú tại nước sở tại.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của các nước trên thế giới, nhóm tác giả nhận thấy, hầu hết các nước trên thế giới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Ý, Hoa Kỳ, EU; các nước khu vực ASEAN (bao gồm Singapore, Thailan, Philippines, Indonesia) đều đã ban hành các chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý các dịch vụ số được cung cấp bởi các DN nước ngoài xuyên biên giới (các nhà cung cấp dịch vụ số lớn nhất thế giới, chủ yếu là các công ty Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon và các DN của Trung Quốc), các chính sách đều tập trung đến việc quản lý các dịch vụ số có chứa nội dung và quản lý liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế DN.
Tại Pháp, Dự luật đánh thuế dịch vụ số có hiệu lực từ ngày 01/9/2019 nhằm quản lý các dịch vụ số được cung cấp bởi GAFA (viết tắt chữ đầu tiên của 4 công ty công nghệ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon), các công ty công nghệ lớn nhất đang cung cấp các dịch vụ số cho các khách hàng Pháp sẽ chịu mức thuế 3% trên tổng doanh thu hằng năm của họ tại Pháp.
Theo luật của Pháp, dịch vụ số bao gồm: Dịch vụ quảng cáo trực tuyến và các dịch vụ trung gian kỹ thuật số trực tuyến; Thị trường trực tuyến - thị trường cung cấp giao diện kỹ thuật số cho phép người dùng thực hiện các giao dịch với nhau (cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ), dịch vụ nội dung số (TMĐT, dịch vụ video, âm nhạc theo yêu cầu), dịch vụ thông tin liên lạc; và các dịch vụ thanh toán theo quy định.
Tại Anh, năm 2019, Chính phủ Anh đã đề xuất Quốc hội ban hành một dự luật mới liên quan đến quản lý các nền tảng trực tuyến, có tên là dự luật an toàn trực tuyến (Online Safety Bill). Theo đó, dự luật mới cứng rắn nhằm buộc các công ty công nghệ lớn cung cấp dịch vụ trực tuyến (dịch vụ số) phải có nghĩa vụ quản lý chặt chẽ hơn đối với nội dung trên nền tảng của họ, nội dung có hại bao gồm lạm dụng trẻ em, các hoạt động bạo lực hay khủng bố... lan truyền trên Internet tại Vương quốc Anh.
Ngày 11/3/2020, Chính phủ Vương quốc Anh đã chính thức thông qua Luật Tài chính 2020, trong đó bao gồm luật về thuế dịch vụ số được áp với mức 2% tổng doanh thu hàng năm, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4/2020, đối với các công cụ tìm kiếm, nền tảng truyền thông xã hội và thị trường trực tuyến.
Tại Mỹ, năm 2021, đã đề xuất các dự luật về Trách nhiệm giải trình của nền tảng công nghệ và tính minh bạch của người dùng và Bảo vệ người dân Hoa Kỳ trước các thuật toán nguy hại nhằm thực hiện quản lý các sản phẩm dịch vụ số về mặt nội dung, buộc các công ty công nghệ lớn phải chịu trách nhiệm về nội dung trên các nền tảng của mình.
Tại Ấn Độ, năm 2020 đã ban hành đạo luật đánh thuế đối với dịch vụ số (sửa đổi bổ sung Luật Thương mại 1974). Mức đánh thuế là 2% đối với doanh thu được tạo ra từ các dịch vụ số được cung cấp ở Ấn Độ. Quy định của Ấn Độ miễn trừ rõ ràng cho các công ty Ấn Độ - chỉ áp dụng cho “những công ty không cư trú tại Ấn Độ” (tức các công ty nước ngoài). Ngoài ra, các công ty mà doanh thu không đạt mức 267.000 USD trong năm trước, năm sau được miễn trừ thuế dịch vụ số.
Tại Trung Quốc, Chính phủ duy trì một thị trường tương đối hạn chế đối với dịch vụ số. Chỉ số thương mại dịch vụ số của OECD cho thấy các rào cản ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ số được phân thành năm lĩnh vực chính sách: cơ sở hạ tầng và kết nối, giao dịch điện tử, hệ thống thanh toán, quyền sở hữu trí tuệ và các rào cản khác. Những hạn chế được thực hiện bằng các chính sách trong nước nhằm thống trị các công nghệ mới nổi và hạn chế sự cạnh tranh của các DN nước ngoài với DN nội địa.
Đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến được thực hiện ở Trung Quốc, theo Luật TMĐT mới của Trung Quốc (E-commerce Law) có hiệu lực từ tháng 1/2019 và Quy tắc chi tiết để thực hiện các quy định hành chính về đăng ký pháp nhân DN, các nhà khai thác kinh doanh dịch vụ số, đặc biệt là các nhà khai thác TMĐT, phải đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Tại Singapore, Đạo luật về thuế dịch vụ số yêu cầu bắt buộc các nhà cung cấp dịch vụ số nước ngoài phải đăng kývà thanh toán thuế hàng hóa và dịch vụ. Hiện nay, có hơn 100 nhà cung cấp dịch vụ số ở nước ngoài đã đăng ký thuế dịch vụ số theo chế độ “đăng ký nhà cung cấp ở nước ngoài”. Theo luật Singapore, mức thuế được áp dụng ở mức tiêu chuẩn hiện hành là 7% đối với các dịch vụ số nhập khẩu. Các dịch vụ số áp dụng theo quy định này bao gồm: việc tải xuống, các hoạt động truyền thông đa phương tiện dựa trên đăng ký (subscription-based media), chương trình phần mềm, quản lý dữ liệu điện tử và các dịch vụ hỗ trợ được thực hiện thông qua phương tiện điện tử để sắp xếp hoặc tạo thuận lợi cho các giao dịch khác.
Tại Thái Lan, các dịch vụ số bị áp dụng tính thuế bao gồm các nền tảng phát trực tuyến như: phát nhạc và video, trò chơi điện tử, và đặt phòng khách sạn trực tuyến... Mức chịu thuế của DN có thể là 7% (VAT) đối với các DN có doanh thu hàng năm tại thị trường trong nước vượt quá 1,8 triệu baht (khoảng 60.000 USD).
Tại Indonesia, Chính phủ đã ban hành luật đánh thuế đối với các dịch vụ số do DN nước ngoài xuyên biên giới (các doanh nghiệp không có văn phòng thường trú tại Indonesia). Việc thu thuế VAT chỉ thực hiện đối với hoạt động bán hàng hóa và dịch vụ số của doanh nghiệp nước ngoài bán hàng thông sàn giao dịch (market place). Mức thuế áp dụng là 10% VAT đối với các DN nước ngoài có doanh thu hàng năm 600 triệu IDR mỗi năm; và / hoặc hơn 12.000 người tiêu dùng Indonesia mỗi năm.
Bài học nào cho Việt Nam?
Từ kinh nghiệm của các nước châu Âu, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc và một số nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm về quản lý dịch vụ số phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của riêng mình bao gồm:
- Hiện nay, các nước trong khu vực và trên thế giới, quản lý các dịch vụ số chủ yếu được cung cấp bởi các DN xuyên biên giới có quy mô toàn cầu, các hoạt động cung cấp dịch vụ số của DN này có ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường nội địa và tác động đến đời sống - xã hội của cộng đồng trong nước. Do vậy, chính sách quản lý chung của các nước đối với các dịch vụ số xuyên biên giới là tập trung vào quản lý nội dung (chất lượng sản phẩm) để tạo ra một xã hội an toàn và lành mạnh và quản lý nghĩa vụ nộp thuế để tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng giữa doanh nghiệp trong nước và DN nước ngoài.
- Đối với vấn đề quản lý nội dung trên các sản phẩm dịch vụ số, chính phủ các nước ban hành nhiều giải pháp chính sách nhằm tăng cường công tác quản lý các sản phẩm dịch vụ có chứa nội dung có thể tác động trực tiếp đến đời sống - xã hội, cộng đồng và thậm chí đe dọa chủ quyền, an ninh quốc gia nếu các nội dung đó là xấu, tiềm ẩn rủi ro được truyền tải có mục đích.
- Đối với vấn đề quản lý nghĩa vụ nộp thuế các sản phẩm dịch vụ số, lĩnh vực này thường thuộc quản lý của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, để có thể quản lý thuế một cách minh bạch và rõ ràng. Các nước ban hành một số văn bản pháp luật như đạo luật về thuế dịch vụ số (digital service tax), theo đó quy định rõ thế nào là được gọi là dịch vụ số (định nghĩa), danh mục các dịch vụ số phải chịu thuế, danh sách các DN phải có nghĩa vụ nộp thuế đối với các dịch vụ số (các quy định này thường được điều chỉnh và áp dụng đối với các DN nước ngoài không có văn phòng thường trú tại nước sở tại nhưng có hoạt động phát sinh doanh thu, hoặc thuế được áp dụng dựa trên căn cứ doanh thu hàng năm trong thị trường nội địa hoặc doanh thu toàn cầu của DN).
Tuy nhiên, hiện nay, các nước trong khu vực và trên thế giới đều gặp phải khó khăn, thách thức trong quản lý và thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ số khi ý thức tuân thủ pháp luật nước sở tại của các DN xuyên biên giới nước ngoài chưa cao và họ luôn tìm lý do lẩn tránh nghĩa vụ và trách nhiệm nên hệ thống luật của các nước đều có yêu cầu bắt buộc các DN nước ngoài hoạt động xuyên biên giới cũng phải đăng ký giấy phép kinh doanh (đặt văn phòng thường trú tại nước sở tại và chỉ định đầu mối liên lạc khi có yêu cầu), chịu trách nhiệm về nội dung đăng tải trên nền tảng của mình và có nghĩa vụ phải kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch trong nước.
Trong khi đó, tại Việt Nam, khung khổ pháp lý vẫn còn nhiều quy định chưa theo kịp xu thế mới trong cuộc CMCN 4.0, chưa có quy định rõ ràng và cụ thể về quản lý dịch vụ số (định nghĩa, phân loại...), các văn bản pháp luật liên quan cũng cần phải được rà soát và hoàn thiện trong thời gian tới. Mặc dù, thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng kết quả thu được chưa phản ánh được thực tế hoạt động kinh doanh và các vấn đề phát sinh trong hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, nhất là vấn đề quản lý nội dung và thất thu thuế đối với các dịch vụ số được cung cấp qua nền tảng xuyên biên giới nước ngoài.
Bên cạnh các giải pháp chính sách quản lý về nội dung và thu thuế, để chủ động xử lý các DN nước ngoài không tuân thủ quy định của nước sở tại, các nước trên thế giới cũng áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm yêu cầu các DN này phải tuân thủ pháp luật hoặc sử dụng các biện pháp kinh tế để tác động trực tiếp vào doanh thu, lợi nhuận của các nền tảng xuyên biên giới.
Ví dụ: Nếu nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google cung cấp dịch vụ quảng cáo số có chứa nội dung vi phạm pháp luật nước sở tại, cơ quan chức năng có thể yêu cầu các Cền tảng này buộc phải chấm dứt các quảng cáo để cắt doanh thu quảng cáo hoặc chặn truy cập (Singapore).
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Global Entertainment & Media Outlook 2018-2022, https://www.mxmindia. com/wp-content/uploads/2018/06/Presentation_Indias-entertainment-and-media- industry-to-clock-over-INR-353609-Cr.-by-2022-PwC-Report.pdf;
2. Báo cáo của Wilson Center: Tầm quan trọng của dịch vụ số đối với nền kinh tế Hoa Kỳ và châu Âu, https://www.wilsoncenter.org/article/importance-digital-services-us-and-european- economies;
3. Báo cáo Chỉ số thương mại dịch vụ số của OECD, https://www.brookings.edu/articles/chinas- digital-services-trade-and-data-governance-how-should-the-united-states-respond/;
4. Digital Economy Report 2019, https://unctad.org/fr/node/27419;
5. Digital Media: Rise of On-demand Content (Deloitte);
6. Report on the United Kingdom's Digital Services Tax; Report on India's Digital Services Tax; 7. Perspectives from the Global Entertainment & Media Outlook 2020–2024;
8. OECD Digital Economy Outlook 2020;
9. The Budget and the annual Finance Bill (United Kingdom);
10. Global Digital Economy Trends;
11. Global VAT&Goods and Services Tax on digital services
12. Whole of Government Digital Services Policy;
13. https://www.oecd.org/going-digital/trade-in-the-digital-era.pdf (Trade in the Digital Era)
14. Asian Economic Integration Report 2021: Making Digital Platforms Work for Asia and the Pacific: https://www.adb.org/publications/asian-economic-integration-report-2021./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2022)