Ứng dụng sổ tay Đảng viên điện tử giúp chuyển đổi số công tác Đảng tại Thái Bình, Thái Nguyên
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 07:25, 04/03/2022
Theo đánh giá, việc triển khai ứng dụng đã góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ so với cách làm truyền thống trước đây, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.
Tiên phong ứng dụng công nghệ giúp CĐS công tác Đảng
Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Thái Nguyên, thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU về Chương trình CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, với nhiều giải pháp đồng bộ và cụ thể. Đặc biệt triển khai Quyết định số 27-QĐ/TW ngày 10/8/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Chương trình ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Đảng giai đoạn 2021 - 2025, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng và quản lý Đảng viên là nhiệm vụ cần thiết và đã được các cấp, ngành của tỉnh tập trung cụ thể hóa thông qua ứng dụng "Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Thái Nguyên" với phương châm "Nâng cao nhận thức, thống nhất hành động" trong toàn Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.
Về lý do quyết định triển khai ứng dụng, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên Đào Ngọc Tuất cho biết, tỉnh có hơn 95.000 đảng viên, 9 Đảng bộ cấp huyện và 6 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Vì vậy, câu chuyện CĐS, ứng dụng công nghệ số trong công tác Đảng rất khó khăn. Tuy nhiên, sau buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và tỉnh Thái Nguyên, Sở TT&TT tỉnh đã được giao chủ trì, tham mưu nội dung ứng dụng công nghệ số vào sinh hoạt Đảng.
"Tỉnh Thái Nguyên cho rằng, nút thắt lớn nhất của CĐS vẫn là tìm được những bài toán mà mọi người cần, đang gặp khó khăn để tìm lời giải", ông Tuất chia sẻ.
Trong vòng 2 tuần triển khai thử nghiệm (từ ngày 02/01/2022) đã triển khai cài đặt 100% đảng viên (khoảng 5.000 đảng viên) thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh được các tổ chức Đảng và đảng viên tiếp nhận và đánh giá cao. Hiện Sở TT&TT đang tiếp tục tham mưu Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp các tính năng phù hợp tình hình triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển Đảng.
Trước Thái Nguyên, Thái Bình là địa phương tiên phong trong việc ứng dụng CĐS trong công tác Đảng với ứng dụng Sổ tay Đảng viên. Thông tin từ Sở TT&TT Thái Bình cho biết, tỉnh đã triển khai thí điểm phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử" từ quý 1 năm 2021 tại Đảng bộ Sở TT&TT. Từ tháng 6/2021, phần mềm được thí điểm tại Đảng bộ thành phố Thái Bình và Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh. Đến cuối tháng 8 năm 2021, phần mềm triển khai đến 6 đảng bộ, chi bộ thuộc các cơ quan của Tỉnh ủy.
Sau thời gian thử nghiệm, phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử" tỉnh Thái Bình khẳng định là giải pháp công nghệ hữu ích với những tính năng, tiện ích vượt trội, phát huy hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên. Do vậy, ngày 5/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương chính thức triển khai phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử" trong toàn Đảng bộ tỉnh từ năm 2022.
Cuối năm 2021, tỉnh đã thành lập 7 đoàn công tác của tỉnh phối hợp với tổ giúp việc của các huyện, thành phố tiến hành tập huấn, hướng dẫn cài đặt, sử dụng phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử" trực tiếp cho trên 60.000 cán bộ đảng viên tại 260 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh và chính thức triển khai thực hiện trong toàn Đảng bộ tỉnh từ đầu năm 2022.
Sau gần một năm rưỡi tính từ khi đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng phần mềm và gần một năm triển khai thí điểm, ngày 07/01/2022, Thái Bình đã chính thức khai trương phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử".
Tính đến thời điểm hiện tại, theo ông Vũ Như Lâm, Giám đốc Sở TT&TT Thái Bình, tỉnh đã triển khai ứng dụng cho trên 60% số Đảng viên trên địa bàn, còn lại đa phần là những người nhiều tuổi, không có smartphone. Ông Lâm cho rằng, để tỉnh có thể CĐS thành công, những người Đảng viên phải là những người tiên phong đi đầu.
Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Lao động việc làm, Văn phòng cấp ủy, Đảng bộ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, ứng dụng Sổ tay Đảng viên điện tử đã giúp kết nối tất cả các Đảng viên trong toàn tỉnh, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng giúp việc trao đổi, chuẩn bị nội dung để sinh hoạt Chi bộ hàng tháng hay họp Chi bộ dễ dàng và thuận tiện hơn, so với cách làm truyền thống trước đây, mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của cấp trên.
Nói về lý do quyết định ra mắt ứng dụng, ông Lâm cho rằng, trong những năm qua, tỉnh Thái Bình cũng đã rất tích cực đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng CNTT, trong hoạt động các cơ quan hành chính Nhà nước.
Tuy nhiên, đối với lực lượng lớn các cán bộ, đảng viên (chiếm tỷ lệ trên 50%) đã về hưu hoặc đang sinh hoạt tại các chi bộ nông thôn, tổ dân phố tại 260 xã phường, thị trấn trên toàn tỉnh làm thế nào để kịp thời cung cấp và trao đổi thông tin, một cách chính thống, thuận tiện nhất góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng tại cơ sở; đồng thời đây là lực lượng trực tiếp tuyên truyền cung cấp thông tin tới các tầng lớp nhân dân là trăn trở đặt ra đối với người đứng đầu một tỉnh. Đó là yếu tố then chốt thôi thúc Ban Thường vụ tỉnh ủy quyết định xây dựng và đưa vào triển khai phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Thái Bình".
Ứng dụng công nghệ eKYC, trợ lý ảo, AI giúp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Đảng viên
"Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Thái Nguyên" được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại dễ dàng sử dụng trên thiết bị di động (hệ điều hành iOS và Android), đồng thời tương thích các trình duyệt trên web thông dụng. "Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Thái Nguyên" là ứng dụng đầu tiên được tích hợp các công nghệ hiện đại. Tiêu biểu như công nghệ định danh điện tử (eKYC), sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, nhận diện ký tự để đọc các thông tin từ thẻ Đảng tự động và đối chiếu thông tin Đảng viên tức thời tự động để xác thực chính xác, nhanh chóng của Đảng viên. Với eKYC, Đảng viên dễ dàng thông qua thẻ Đảng để đăng ký tài khoản; quản lý thông tin cá nhân duy nhất và an toàn trên môi trường số.
Tiếp theo là công nghệ tổng hợp tiếng nói (TTS), tạo ra tiếng nói của con người nhân tạo có ngữ điệu tự nhiên từ các văn kiện, trang tin hoạt động của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ Đảng viên mọi lúc, mọi nơi chủ động nghe các thông tin hoạt động, chuyên đề, chương trình của Đảng. Từ đó giúp các chính sách, đường lối và hoạt động…
Cuối cùng là sử dụng trợ lý ảo Đảng bộ tỉnh. Theo đó, trợ lý ảo với các công nghệ hiện đại xuất hiện trên ứng dụng "Sổ tay Đảng viên điện tử Thái Nguyên" sẽ tự động trả lời các câu hỏi của Đảng viên về các điều lệ, quy chế, quy định hoạt động, xây dựng và phát triển Đảng. Trong tương lai trợ lý ảo là bộ phận đắc lực của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hỗ trợ tự động 24/7 cho các tổ chức Đảng, Đảng viên…
Với việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong "Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Thái Nguyên" giúp các tổ chức Đảng và Đảng viên tỉnh Thái Nguyên dễ dàng tiếp cận, tham gia hoạt động của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên trên môi trường số thuận lợi và an toàn như: Thông tin hoạt động, văn kiện của Đảng; Quản lý hồ sơ Đảng viên; quản lý tổ chức Đảng; Sinh hoạt chi bộ; Học tập nghị quyết, chuyên đề; Quản lý thông tin và tài liệu Đảng viên; Trao đổi thông tin giữa các Đảng viên; Đóng góp ý kiến; Đóng góp ý kiến dự thảo các văn bản...
Triển khai "Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Thái Nguyên" sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, chất lượng Đảng viên và các nội dung công tác xây dựng đảng ở cơ sở bảo đảm thiết thực, hiệu quả nhất, phù hợp với xu thế CĐS quốc gia và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Đảng.
Còn với ứng dụng của tỉnh Thái Bình, cũng theo ông Lâm, để triển khai được ứng dụng, Sở TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, từ việc thiết lập phần mềm ban đầu cho đến chạy thử, triển khai thực tế.
Phần mềm Sổ tay Đảng viên điện tử tỉnh Thái Bình được xây dựng trên môi trường web dành cho quản trị (cấp ủy các cấp), phát triển ứng dụng trên nền tảng di động cung cấp cho các đảng viên có thể tự cài đặt, sử dụng trên thiết bị di động thông minh cá nhân; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc cung cấp thông tin tới đảng viên (hỗ trợ chuyển văn bản thành giọng nói, giọng nói thành văn bản phục vụ các đảng viên cao tuổi và trợ lý ảo hỗ trợ tìm kiếm thông tin).
Phần mềm có các chức năng chính đó là cung cấp thông tin nổi bật về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh và hoạt động của cấp ủy các cấp; tin tức quốc tế. Cung cấp các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy đảng cơ sở. Cung cấp các tính năng hỗ trợ công tác tổ chức sinh hoạt đảng bộ, chi bộ. Cung cấp các tính năng hỗ trợ công tác nghiên cứu, học tập các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; các chuyên đề hàng tháng về học tập, làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh... Cung cấp tính năng giúp cấp ủy đảng cơ sở tiếp nhận và phản hồi các câu hỏi, ý kiến của đảng viên. Hỗ trợ ra thông báo của đảng ủy, chi ủy gửi đến đảng viên.
Ngoài ra, phần mềm còn có một số các chức năng khác như: hỗ trợ đảng viên xây dựng lịch công tác cá nhân; ghi nhớ các nhiệm vụ công việc được giao và báo cáo tiến độ thực hiện công việc; thống kê, tổng hợp đề xuất các báo cáo cho từng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng các cấp; hỗ trợ cấp ủy đảng cấp trên nắm bắt được thông tin hoạt động của tổ chức đảng cấp dưới… sẵn sàng tích hợp giải pháp kỹ thuật hỗ trợ họp chi bộ theo hình thức trực tuyến (khi được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền).
Chưa kể đến, đối với công tác số hóa, cập nhật dữ liệu Đảng viên, Thái Bình đã thực hiện cách đây 14 năm (năm 2008). Nhờ đó, sau hơn 1,5 năm thí điểm, ứng dụng mới đạt được những kết quả thành công như vậy.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT Thái Bình tin rằng, với những chức năng được đưa vào phần mềm sẽ từng bước thay thế hình thức cung cấp thông tin truyền thống, đổi mới hình thức và nâng cao chất lượng học tập nghị quyết trên môi trường mạng.
Kết quả triển khai thí điểm cho thấy hình thức này rất phù hợp trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây đến kỳ sinh hoạt chi bộ đảng viên mới được tiếp cận thông tin, văn bản từ Bản tin nội bộ của tỉnh, của huyện thì hiện nay khi ứng dụng phần mềm đảng viên được tiếp cận thông tin sớm hơn, chủ động tham gia đóng góp xây dựng nghị quyết của chi bộ trước và trong cuộc họp từ đó góp phần rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Bên cạnh các thông tin chính luận, thời sự; phần mềm thu hút sự quan tâm của cán bộ đảng viên qua việc cung cấp các thông tin hữu ích (về sức khỏe, đời sống, văn nghệ, thể thao, xây dựng nông thôn mới, điểm đến cuối tuần…).
Mong muốn được chia sẻ cho các địa phương khác cùng CĐS công tác Đảng
Theo Sở TT&TT Thái Bình, việc xây dựng được phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử" với đầy đủ tính năng, tiện ích như vậy là cả một quá trình dài dày công nghiên cứu xây dựng, hiện thực hóa các ý tưởng, chuẩn bị về giải pháp phần mềm, công phu trong tổ chức triển khai thực hiện với sự quyết tâm rất cao của cấp lãnh đạo. Việc chính thức triển khai phần mềm "Sổ tay Đảng viên điện tử" thể hiện quyết tâm của Tỉnh ủy Thái Bình trong việc CĐS trong hoạt động của các cơ quan Đảng, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của các tổ chức, cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh.
Đây cũng là nội dung quan trọng Thái Bình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 02- NQ/TU ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về CĐS tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chắc chắn thời gian tới, Sổ tay Đảng viên điện tử sẽ là giải pháp công nghệ hữu ích giúp Thái Bình nâng tầm công tác sinh hoạt Đảng, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đảng viên, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
Về bài học kinh nghiệm sau khi triển khai, theo ông Lâm, yếu tố công nghệ chỉ chiếm 20% sự thành công, 80% còn lại phụ thuộc vào sử dụng, tương tác hệ thống của người sử dụng.
Đối với Thái Nguyên, ông Tuất cho rằng, việc triển khai ứng dụng Sổ tay Đảng viên điện tử đã giúp đáp ứng tốt nhu cầu học tập nghị quyết, sinh hoạt đảng thông qua ứng dụng công nghệ, như eKYC, trợ lý ảo, chuyển văn bản thành giọng nói… Thời gian tới, sau khi triển khai thành công, Thái Nguyên mong muốn được chia sẻ với các tỉnh thành còn lại trên cả nước, nhất là triển khai nền tảng này với Đảng bộ của Bộ TT&TT trong quý 1 năm 2022.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Sở TT&TT Thái Nguyên, sau thời gian phối hợp với Bộ TT&TT về CĐS, tỉnh đã rút ra được 6 bài học kinh nghiệm. Đầu tiên, đó là buổi làm việc "đặt nền móng"của Bộ TT&TT với tỉnh Thái Nguyên, để lãnh đạo tỉnh hiểu hơn về ngành TT&TT, từ đó ban hành nghị quyết chuyên đề về CĐS. Qua đó, đã có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sở ngành địa phương…, để có sự phối hợp đồng bộ trong việc CĐS. Sau một năm, Thái Nguyên đã có những bước chuyển mình nhất định trong việc ứng dụng công nghệ số, được lãnh đạo Bộ và TW ghi nhận.
"CĐS phụ thuộc vào quan điểm, chủ trương của người đứng đầu", ông Tuất cho biết thêm.
Bài học tiếp theo, đó là những vấn đề khó, cần có sự phối hợp với đầu mối của Bộ TT&TT để cùng tháo gỡ. Tiếp theo, bên cạnh chủ trương, quyết tâm của Đảng, chính quyền nhưng nếu không có sự định hướng, tư vấn rõ ràng mà phải "ném đá dò đường" thì sẽ rất mất nhiều thời gian. Do đó, sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu rất quan trọng. "May mắn là Thái Nguyên được các chuyên gia trong ngành TT&TT hỗ trợ, tư vấn nhờ đó đã có những góc nhìn, lộ trình CĐS phù hợp", ông Tuất nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên đã được Bộ TT&TT lựa chọn thí điểm CĐS ở 2 xã có điều kiện khác nhau. Sở TT&TT Thái Nguyên đã đưa các mô hình, giải pháp CĐS để từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để ứng dụng, chuyển đổi các xã còn lại cũng như các đơn vị trong tỉnh. "Nhận thức người đứng đầu các sở ngành, địa phương rất quan trọng, họ phải lấy mình làm chủ thể và chủ động chuyển đổi, chủ động đưa ra các bài toán của đơn vị mình, từ đó công nghệ mới có thể hỗ trợ", ông Tuất nói.
CĐS phụ thuộc nhiều vào hạ tầng CNTT - truyền thông. Nhưng nhờ Bộ TT&TT cũng như các doanh nghiệp viễn thông lớn, Thái Nguyên đã được hưởng lợi, khi quang hóa 100% đến 178 xã của tỉnh, phủ sóng mạng 4G trên 90% tỉnh. Bài học cuối cùng, theo ông Tuất, đó là việc ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, CNTT, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, CĐS./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2022)