Người Việt thích sử dụng nền tảng MXH miễn phí và chấp nhận quảng cáo

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 16:14, 03/03/2022

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, con người ngày nay đang dành rất nhiều thời gian trên không gian mạng xã hội như Facebook, Youtube hay các hình thức giải trí như gaming, eSports... Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 như một đòn bẩy khiến "làn sóng" livestream ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Game streaming - "món ăn tinh thần" của giới trẻ

Nếu như livestream nói chung là một đế chế triệu đô thì game streaming lại là món ăn tinh thần của đa số giới trẻ toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Theo Emagazine "Tổng quan Creator Việt Nam" do Appota phát hành: Trải qua đại dịch, eSports đã trở thành một hình thức giải trí phổ biến. Có đến 80% cộng đồng nhận thấy rằng họ đã dành nhiều gian hơn để xem các gaming creators (người sáng tạo nội dung nhờ vào các tựa game) trong khi dịch bùng phát. 

Trung bình khán giả dành 3 giờ/ngày chơi và xem các trò chơi eSports, đứng thứ hai chỉ sau thể thao truyền thống (3,4 giờ). 45% khán giả eSports là những fan hâm mộ cuồng nhiệt, tương đương khoảng 9,1 triệu người. Họ tiếp xúc và coi eSports là một hình thức giải trí hàng ngày. Nhóm tuổi chiếm phần lớn là nhóm 18-22 tuổi (40,8%), theo sau đó là nhóm 13 - 17 tuổi (35%).

Cũng theo khảo sát của Appota, có tới 43% creator đồng ý rằng kênh của họ có lượt tương tác cao trong thời điểm dịch bệnh. Tuy nhiên, mức tăng này có thể chỉ là do tình trạng chung của dịch bệnh khi khán giả có thêm nhiều thời gian rảnh rỗi. Bằng chứng cho thấy trong số họ, chỉ có 6,3% creator chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội và ngược lại, cũng có 18,8% trả lời kênh của họ giảm mạnh về mặt tương tác. 

Với việc cộng đồng dành nhiều thời gian hơn để xem các phiên stream, nhưng ngược lại vẫn có nhiều creator sụt giảm tương tác cho thấy rằng đây đang là một ngành có mức độ cạnh tranh rất cao. Khán giả có thể xem một creator lần đầu nhưng để trở thành "fan trung thành" thì không đơn giản.

Sự bùng nổ của “làn sóng” Game Streaming và các nền tảng MXH - Ảnh 1.

Thị trường game streaming tại Việt Nam có thể được xét trên các bao gồm: gaming creator đóng vai trò là những người sáng tạo nội dung gaming, các KOL dẫn dắt thị trường. Nền tảng livestream đóng vai trò là đơn vị phân phối, truyền tải nội dung từ các creator đến với khán giả. Cộng đồng gamer bao gồm cả những khán giả và người chơi các trò chơi game nói chung và eSports, đóng vai trò người xem stream, đối tượng mục tiêu của creators và nền tảng livestream.

Nền tảng livestream và sự xuất hiện của những ông lớn

Nền tảng livestream là những nền tảng cho người dùng khả năng phát sóng trực tiếp luồng stream và cho phép khán giả có khả năng tương tác (bình luận, thích, chia sẻ). Những người phát sóng còn được gọi là creator sẽ phát các nội dung phù hợp với chiến lược của từng nền tảng nhằm mục tiêu thu hút nhiều người xem và lượng tương tác nhất có thể.

Sự bùng nổ của “làn sóng” Game Streaming và các nền tảng MXH - Ảnh 2.

Nếu năm 2014 tại thị trường Việt Nam chỉ có sự xuất hiện của TalkTV thì từ năm 2017 đến nay, cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng livestream, mạng xã hội ngày một sôi động. Những cái tên quốc tế như Facebook, Youtube, Garena (SEA Group) hay những thương hiệu khu vực NimoTV, Booyah đều đã có cho mình một hệ sinh thái livestream game và cạnh tranh khốc liệt trong cả số lượng creator lẫn người dùng, minh chứng rõ ràng cho sự phát triển của ngành công nghiệp game streaming tại Việt Nam.

Các nền tảng được ưa chuộng nhất hiện nay được chia làm 2 mảng, stream gaming với các ứng dụng nổi bật như: Facebook Gaming; Youtube Gaming; Nimo TV; Booyah…, non-gaming với các ứng dụng như: Facebook; Instagram; Tiktok…

Tại Việt Nam, hầu hết các nền tảng đều không thu phí người dùng mà thay vào đó nguồn doanh thu chủ yếu đến từ việc chèn quảng cáo. Tỉ lệ chứa quảng cáo của các ứng dụng tại Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trên toàn cầu là 59% so với 38%. Do thói quen của người dùng Việt thích sử dụng miễn phí và chấp nhận quảng cáo khiến đây tiếp tục trở thành phương thức thương mại hóa phổ biến tại Việt Nam./.

NK