Hợp tác xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam
Truyền thông - Ngày đăng : 21:13, 02/03/2022
Thông tin trên được ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT chia sẻ tại Hội thảo "Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam" được tổ chức mới đây, dưới hình thức trực tuyến bởi Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa bao gồm Bộ TN&MT, Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam), Tập đoàn SCG và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng trong suốt 2 năm qua, Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa đã triển khai các hoạt động thiết thực bám sát 4 nhiệm vụ trọng tâm và đạt được những thành quả tích cực. Đầu tiên, đối với việc phân loại rác thải tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa. Đến nay đã phân loại và thu gom được hơn 9.000 tấn rác tái chế, trong đó có 6.520 tấn rác thải nhựa.
Các dự án đồng thời trực tiếp hỗ trợ hơn 1.200 lao động là đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật - giúp họ tăng cường đảm bảo vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom, tạo thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.
Với công tác truyền thông và giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động từ người dân, khi tuyên truyền trực tiếp đến 18 phường xã , 41.400 hộ gia đình tại Hà Nội. Các hoạt động giáo dục học sinh và hướng dẫn thu gom rác thải được tiến hành tại 32 trường học, tiếp cận hơn 15.000 học sinh tại Hà Nội và hơn 1.300 học sinh tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tiếp theo, dự án đã áp dụng công nghệ - đổi mới và giải pháp tái chế trong quản lý rác thải nhựa và đối thoại, xây dựng chính sách hỗ trợ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.
Từ những bước tiến lạc quan trong 2 năm qua, Hợp tác công - tư quản lý rác thải nhựa tiếp tục đề ra lộ trình trong những năm tới, hướng đến một Việt Nam không rác thải nhựa ngoài môi trường, bao gồm: Giáo dục thay đổi hành vi; Phân loại rác tại nguồn; Công nghệ và sáng kiến trong tái chế; Đối thoại và chính sách Hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng cho biết, việc thành lập và phát triển Tổ công tác hợp tác công - tư tạo nên sức mạnh tổng hợp, thiết lập một mô hình hợp tác và cùng nhau giải quyết vấn đề rác thải nhựa hiện nay tại Việt Nam. Đây là một diễn đàn để khối Công và khối Tư cùng trao đổi các sáng kiến mang tính thực tiễn cao; đồng thời giúp Chính phủ, Bộ TN&MT nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn mà khối tư đang gặp phải để hỗ trợ và có những điều chỉnh chính sách phù hợp./.