Bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến theo chuẩn quốc tế bằng hệ sinh thái MCM
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 19:12, 22/02/2022
Việt Nam nỗ lực thực hiện các cam kết về bảo vệ bản quyền
Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty CP Truyền thông đa phương tiện Thủ Đô (Thủ Đô Multimedia), đơn vị bảo trợ công nghệ cho MCM Online, cho biết cùng với sự phát triển của công nghệ số thì vấn đề vi phạm bản quyền nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng đã trở thành vấn đề nhức nhối. Do đó, việc ứng dụng công nghệ để quản lý, bảo vệ chất xám, bảo vệ tài sản trí tuệ trên môi trường mạng sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi, bức xúc của các nhạc sĩ, các tác giả.
“Có được bảo vệ bản quyền, minh bạch khi tác phẩm được sử dụng mới đảm bảo quyền lợi kinh tế của nhà sáng tác, từ đó thúc đẩy nền âm nhạc nước nhà phát triển”.
Việc ứng dụng công nghệ bảo vệ bản quyền âm nhạc trên Internet rất phù hợp với xu thế quốc tế. Những năm gần đây, các tổ chức quốc tế đã có những chuyên đề bàn thảo sâu về vai trò sử dụng công nghệ mới vào việc quản lý và bảo vệ các tác phẩm trên môi trường mạng.
Phát biểu tại sự kiện ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM, ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA), cho biết bảo vệ bản quyền tác giả cũng như tài sản trí tuệ không chỉ là vấn đề trong nước mà còn là những cam kết quốc tế quan trọng. Việt Nam đã là thành viên của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới) hay WTO (Tổ chức thương mại quốc tế), nên vấn đề bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ là một trong những vấn đề chúng ta phải quan tâm.
Tuy nhiên, thực tế diễn ra rất phức tạp, gần như các nhà sản xuất nội dung chưa được bảo vệ tác quyền, gây nhiều vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý. Theo ông Nguyễn Minh Hồng, “Tôi tin rằng Cục Bản quyền tác giả cũng rất đau đầu. Hệ sinh thái MCM ra đời là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi những nỗ lực sử dụng các giải pháp công nghệ hiệu quả để bảo vệ bản quyền âm nhạc và nhiều lĩnh vực khác”.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). các quốc gia trên thế giới cũng đang bàn thảo về vấn đề bảo vệ bản quyền. Việt Nam đang trong quá trình tham gia vào hai hiệp ước quốc tế của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới là Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước WIPO về Trình diễn và Ghi âm (WPPT). Ngày 17/2/2022 vừa qua, Hiệp ước WCT đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Với sự kiện này, Việt Nam chính thức tham gia sân chơi bảo vệ bản quyền quốc tế, thực thi các cam kết về bảo vệ bản quyền, trong đó có vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường số.
Ngoài ra, bà Oanh cho biết Việt Nam cũng đang xem xét để tham gia hiệp ước WPPT. “Đó là những cam kết, nỗ lực của Việt Nam với quốc tế trong vấn đề bảo vệ bản quyền. Câu chuyện tôn trọng bản quyền, công khai minh bạch là câu chuyện mà những người sáng tác, những nhạc sỹ, nhà sản xuất nội dung đều mong mỏi”.
“Ở khía cạnh cơ quan nhà nước, chúng tôi đang nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh hơn. Quốc hội đang xem xét thông qua sửa đổi một số điều về luật SHTT, trong đó có những vấn đề về bảo vệ bản quyền trên môi trường số. Khi hành lang pháp lý đã đầy đủ, đồng bộ, đặc biệt với sự tham gia các hiệp ước quốc tế, chuyện thực thi luật bản quyền, minh bạch công khai trong khai thác bản quyền, đặc biệt với sự góp phần của các nền móng công nghệ, sẽ đáp ứng được mong mỏi của các nhà sản xuất nội dung”.
Đồng quan điểm với bà Oanh, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, cho biết: “Ngành công nghiệp nội dung số là một lĩnh vực kinh doanh rất lớn, và chúng ta cần có sự thúc đẩy, động lực mới cho thị trường này”.
Theo ông Đồng, bảo vệ bản quyền là một mảnh ghép quan trọng cuối cùng để hoàn chỉnh, đặc biệt là bảo vệ về mặt pháp lý, cho ngành công nghiệp nội dung số. Đối với thị trường âm nhạc, dù phát triển và có nhiều bài hát, nhiều nhạc sỹ tài năng, nhưng “về mặt pháp lý chúng ta lại đang có nhiều lỗ hổng, đặc biệt về mặt bảo vệ bản quyền tác giả”.
Ông Đồng cho biết Hàn Quốc có nền công nghiệp văn hóa âm nhạc rất phát triển, vì ở đó quyền tác giả, các hợp đồng pháp lý được thực hiện rất nghiêm túc. Theo ông, khi hội nhập quốc tế, Việt Nam cần phát triển và có các nghĩa vụ bảo vệ bản quyền tác giả, thực thi hợp đồng chặt chẽ. Công nghệ mang đến một công cụ bảo vệ bản quyền rất mạnh.
Ứng dụng các công nghệ mới để bảo vệ bản quyền âm nhạc trực tuyến
Đại dịch COVID-19 là một cú hích cho nền công nghiệp âm nhạc và thu âm toàn cầu. Xu thế nghe nhạc trực tuyến đã trở nên phổ biến và thúc đẩy nền âm nhạc tăng trưởng trong thời đại Internet. Theo thống kê, Việt Nam đang có khoảng 70 triệu người sử dụng Internet, chiếm hơn 70% dân số. Thị trường âm nhạc trực tuyến có rất nhiều dư địa để phát triển tại Việt Nam. Quản lý tốt vấn đề bản quyền trên Internet, Việt Nam sẽ thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc trực tuyến, từ đó mang lại doanh thu lớn cho ngành công nghiệp này.
Làm chủ công nghệ, bảo vệ được bản quyền âm nhạc trực tuyến không chỉ giải quyết được bức xúc của nhạc sỹ ở Việt Nam mà còn phù hợp với xu thế phát triển của âm nhạc trong kỷ nguyên mới.
Ông Nguyễn Minh Hồng cho biết VDCA rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ bản quyền. Hội đã thành lập Trung tâm bản quyền số, với mục tiêu bảo vệ tác quyền trên môi trường mạng khi tình trạng vi phạm bản quyền trên mọi lĩnh vực đang diễn ra hết sức trầm trọng. Trung tâm đã đi vào hoạt động, đóng góp và bảo vệ bản quyền nội dung số nhưng chủ yếu tập trung vào các nội dung báo chí, văn học và khai thác bản quyền trên các nền tảng mạng xã hội. Vì vậy, Chủ tịch VDCA hy vọng MCM Online sẽ có các hoạt động phối hợp để cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.
Nói về việc ứng dụng công nghệ để bảo vệ bản quyền nội dung số, ông Nguyễn Ngọc Hân cho biết vấn đề ứng dụng công nghệ để bảo vệ bản quyền âm nhạc có vẻ đang xa lạ, nhưng lại rất thông dụng với các lĩnh vực nội dung khác, chẳng hạn như phim, truyền hình. Khái niệm DRM (digital right management) rất quen thuộc với các mảng nội dung phim truyện, truyền hình.
Theo thông tin được ông Hân đưa ra, công tác bảo vệ bản quyền cho phim và các nội dung có giá trị lớn trên truyền hình, như giải Ngoại hạng Anh, đã được bảo vệ tốt bằng công nghệ Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng các giải pháp tốt đã được áp dụng này cũng sẽ bảo vệ tốt cho lĩnh vực âm nhạc”, ông Hân nói.
MCM Online sẽ sử dụng hiệu quả công nghệ của mình, nhanh chóng bắt tay với các tổ chức trong nước và quốc tế, hình thành nền âm nhạc trực tuyến theo xu hướng quốc tế, giúp ngành âm nhạc trở thành ngành mũi nhọn, đóng góp doanh thu xứng đáng cho nền kinh tế đất nước.
Đặc biệt, trong cuộc trao đổi bên lề sự kiện ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM, Tổng giám đốc Thủ Đô Multimedia, cho biết hệ sinh thái bảo vệ bản quyền MCM sẽ ứng dụng blockchain vào tính năng hợp đồng thông minh. Đầu tiên, hệ sinh thái MCM sẽ minh bạch số lần đếm mỗi khi tác phẩm được sử dụng qua công nghệ bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking. Trong hợp đồng thông minh, công nghệ blockchain sẽ thông báo ngay lập tức những kết quả này đến tất cả các bên liên quan đến tác phẩm.
Ông Hân cho biết Việt Nam hiện đang ở những bước đầu tiên xây dựng và áp dụng công nghệ cho lĩnh vực bảo vệ bản quyền. “Chúng tôi áp dụng tất cả các tiêu chuẩn quốc tế vào giải pháp của Việt Nam, đưa công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc phát triển theo lộ trình quốc tế”.
“Điều tôi muốn nhấn mạnh về hệ sinh thái MCM là hoàn toàn sử dụng công nghệ và chất xám của người Việt Nam, để xây dựng nên công nghệ cho nước mình. Các giải pháp công nghệ của MCM đã được quốc tế kiểm định và công nhận”.
MCM là hệ thống bảo vệ bản quyền trên Internet đầu tiên tại Việt Nam, được xây dựng bằng hai công nghệ: Bảo vệ bản quyền Sigma DRM và đánh dấu bản quyền Sigma Watermarking.
Công nghệ Sigma DRM tiến hành mã hóa tất cả các bản nhạc, cấp khóa giải mã mỗi khi tác phẩm được sử dụng và mỗi lần cấp khóa hệ thống sẽ đếm như một lần sử dụng tác phẩm. Việc cấp khóa cho mỗi lần sử dụng, có thể ví như một lần xin phép sử dụng tác phẩm và đó là nền tảng để minh bạch số lần sử dụng tác phẩm trên môi trường Internet. Công nghệ DRM hiện nay đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu để bảo vệ bản quyền trong lĩnh vực truyền hình hay xuất bản điện tử.
Trong khi đó, công nghệ Sigma Watermarking được dùng để đánh dấu (ký số) khi muốn phân phối hay phái sinh 1 tác phẩm âm nhạc, từ đó giúp các tác giả có thể truy vết, dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, hoặc theo dõi việc phân phối, sử dụng tác phẩm của họ trên môi trường mạng./.