Thương mại điện tử: Cuộc cạnh tranh giữa các ngành hàng

Kinh tế số - Ngày đăng : 21:05, 19/02/2022

Năm 2022, dự báo là năm bùng nổ của thương mại điện tử và tạo xung lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế. Dịch bệnh kéo dài 2 năm qua làm thay đổi xu hướng tiêu dùng của người dân nhưng cũng là nguyên nhân chính để môi trường mua sắm online phát triển.

Đồng bộ giữa người mua và người bán

Ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương): Tạo môi trường mua sắm, giao thương sôi động

Dịch Covid-19 làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến 2025. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi. Trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ đẩy mạnh phát triển TMĐT đi đôi với hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử và nâng cao chất lượng hoạt động vận tải, giao nhận hàng hóa, tạo nên một môi trường mua sắm, giao thương sôi động và đầy tiềm năng.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) vừa công bố báo cáo “Việt Nam: Thương mại điện tử tăng tốc sau Covid-19”.

Theo báo cáo này, sự xuất hiện làn sóng thương mại điện tử (TMĐT) thứ hai với 2 tín hiệu quan trọng là: Người tiêu dùng trực tuyến tăng lên nhanh chóng và số lượng thương nhân tham gia chuyển đổi số tăng mạnh.

Cụ thể, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng lên và đông đảo người mua đã trở thành người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Vecom cho biết dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhưng TMĐT đã phát triển theo hướng đồng bộ giữa người mua và người bán.

Các doanh nghiệp (DN) đã xem cơ hội đưa hàng hóa lên TMĐT là một yếu tố sống còn trong đại dịch. Xu hướng TMĐT xuyên biên giới, xuất khẩu hàng hóa qua kênh bán hàng trực tuyến đang gia tăng mạnh mẽ… là yếu tố thúc đẩy thị trường, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Dũng cho biết tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.

Cũng từ điều kiện thực tế, ở ngành hàng dệt may, nhiều DN đã quan tâm đến việc xây dựng trang thương mại điện tử và bán hàng qua mạng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay trang thương mại điện tử của May 10 đã đi vào hoạt động từ 2 năm nay và cũng có tăng trưởng.

Nhưng tất cả mới đang ở bước khởi đầu, bởi xây dựng TMĐT không dễ, nhất là khi May 10 tự đứng ra xây dựng hệ thống…

Hay đại diện Công ty may Đức Giang cũng cho biết, DN này đã tăng cường sử dụng TMĐT, thậm chí còn phát triển thành chiến lược mạng lưới kênh phân phối, phát triển cân đối cả mạng lưới truyền thống và TMĐT.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp được xem là thành công nhất khi biết phát huy lợi thế của TMĐT.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, thông qua hỗ trợ của các bộ, ngành chức năng và các DN đi đầu trong lĩnh vực TMĐT, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa đưa lên các sàn TMĐT; hàng nghìn giao dịch điện tử được thực hiện.

Điển hình là việc tiêu thụ thành công 215.000 tấn vải thiều (tăng 50.000 tấn so với kế hoạch, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa) và thu về 6.821 tỷ đồng vải thiều Bắc Giang qua kênh online, trong bối cảnh thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc hạn chế thu mua. Việc vải thiều lên “sàn” đã mở ra hướng đi mới trong việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân, đồng thời cũng thay đổi thói quen tiêu thụ vải của bà con nông dân và thương lái.

Hay như việc tận dụng TMĐT, người dân Hoà Bình quảng cáo cam Cao Phong bán rất chạy. Niên vụ 2021 - 2022, sản lượng cam Cao Phong dự kiến đạt gần 20 nghìn tấn. Mục tiêu của huyện là sẽ tiêu thụ khoảng 3.000 tấn cam trên sàn TMĐT Postmart. Không chỉ riêng cam Cao Phong, thời gian qua đã có hàng chục mặt hàng nông sản của tỉnh Hòa Bình đã được hỗ trợ đưa hàng lên các sàn TMĐT.

Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ (Tổng cục Quản lý thị trường):Thương mại điện tử bật xa hơn so với dự kiến

Dịch Covid-19 như một chiếc lò xo giúp TMĐT bật xa hơn so với dự kiến. Nhu cầu mua hàng hóa online tăng cao kéo theo số lượng người bán tham gia kênh này cũng bùng nổ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của TMĐT, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để thu lợi bất chính bằng cách kinh doanh, buôn bán hàng hóa giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Trong thời gian tới, dự báo việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp, vì vậy lực lượng Quản lý thị trường sẽ tập trung rà soát các chính sách pháp luật để kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tránh chồng chéo, tạo kẽ hở pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các quy định liên quan đến xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa…

Cùng với đó, hàng nghìn tấn nông sản, đặc sản trái cây được tổ chức tiêu thụ trên sàn TMĐT như: xoài, mận Sơn La; lê thơm Tai Nung - Lào Cai; vải thiều Hải Dương, Bắc Giang; nhãn lồng Hưng Yên; na Chi Lăng - Lạng Sơn; bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh)... đã góp phần giảm bớt khó khăn của người nông dân các địa phương trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Bức tranh mới thay đổi đến từ cả người mua hàng, nhà kinh doanh lẫn các nền tảng bán lẻ trực tuyến.

Báo cáo “e-Conomy SEA 2021” chỉ ra rằng, Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.

Trụ cột kinh tế số

Theo TS Trịnh Minh Tâm, Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thời gian qua kinh tế số Việt Nam phát triển không ngừng về hạ tầng và thị trường.

Trong hệ sinh thái số, 3 thị trường chính là viễn thông, công nghệ thông tin và TMĐT đều có tăng trưởng vượt bậc...

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) nhìn nhận, Covid-19 là chất xúc tác giúp TMĐT phát triển nhanh, mạnh hơn.

Nếu như năm 2020 là năm người tiêu dùng làm quen với giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thì năm 2021 là thời điểm TMĐT bùng nổ, người dùng ngày càng ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, với số lượng đơn hàng thanh toán qua ví điện tử tăng gấp 10 lần. Số liệu của Cục TMĐT và Kinh tế số cho biết, đến nay hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến.

Thực tế, bán hàng online có nhiều lựa chọn cho DN như: bán trên Facebook, Tiktok, Zalo, website… và việc thanh toán, giao hàng ngày càng tốt hơn, đặc biệt là chi phí thấp.

Chẳng hạn, trung bình 1 DN đưa hàng vào siêu thị chi phí 30-50%, chi phí thuê mặt bằng 15-20%, trong khi chi phí cho sàn TMĐT (bao gồm giao hàng) dưới 15%, có nhiều sàn TMĐT 5%, 2%, 1%  thậm chí 0% nhưng tính chi phí bắt buộc như chi phí thanh toán thẻ tín dụng 2%.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn, thị trường TMĐT dự báo sẽ càng trở nên sôi động hơn và việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các DN Việt Nam vượt qua khó khăn mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.

Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, các kênh TMĐT xuyên biên giới sẽ tạo cơ hội cho các DN Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực DN và giá trị chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng phòng TMĐT, Sàn TMĐT Voso cho biết, thị trường TMĐT Việt Nam được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Có thể thấy, thói quen hành vi mua sắm của người dùng đã thay đổi hoàn toàn trong dịch Covid, góp phần thúc đẩy các xu hướng mua sắm mới.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử. Đối với Nghị định 85, các sàn thương mại điện tử phải minh bạch thông tin về hàng hóa khi bán hàng; trong đó, quy định cụ thể các thông tin hàng hóa cần công khai để người tiêu dùng nắm rõ trước khi lựa chọn sản phẩm. Chủ website cũng phải công bố những thông tin liên quan đến quy định về bán hàng có điều kiện, công khai giấy phép, giấy chứng nhận khi kinh doanh trên môi trường trực tuyến.

T.HẰNG - T.NHƯ