Bắc Giang quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: Không lơ là với dịch bệnh khi mở cửa kinh tế - xã hội
Truyền thông - Ngày đăng : 05:55, 18/02/2022
Thành lập Trung tâm Y tế các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang
Đối với công tác phòng chống dịch COVID-19, lãnh đạo tỉnh đã đưa ra những định hướng rõ ràng trong tình hình mới. Các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài KCN đã đạt tỷ lệ bao phủ 100% công nhân tiêm đủ 3 mũi vắc-xin được hoạt động bình thường và được quyền tự chủ trong trong việc xét nghiệm, truy vết cách ly, áp dụng các biện pháp phòng dịch gắn với sản xuất kinh doanh (SXKD).
Các DN cũng được phép tuyển dụng lao động ngoài tỉnh mà không bị hạn chế số lượng. Tuy nhiên, khi tuyển dụng phải rà soát lại số công nhân được tuyển dụng nếu chưa tiêm đủ 3 mũi vắc-xin thì phải đăng ký với tỉnh để tiêm đủ vắc-xin cho số công nhân này. Đối với các chuyên gia lao động nhập cảnh, chỉ yêu cầu cách ly đối với trường hợp chưa tiêm đủ 3 mũi vắc-xin theo quy định.
Ngày 16/2 vừa qua, Trung tâm Y tế các KCN tỉnh Bắc Giang chính thức được thành lập và đưa vào hoạt động. Trung tâm có trụ sở tại UBND thị trấn Nếnh cũ, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Trung tâm trực thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, là đơn vị sự nghiệp công lập (hạng III) tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.
Giai đoạn đầu Trung tâm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ về y tế dự phòng, an toàn thực phẩm, quản lý sức khỏe người lao động tại các KCN, giai đoạn tiếp theo tùy theo nhu cầu thực tế Trung tâm xây dựng Đề án bổ sung chức năng, nhiệm vụ về khám sức khỏe cho người lao động hoặc công tác khám, chữa bệnh cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn cho biết, Trung tâm Y tế các KCN tỉnh là Trung tâm y tế trong các KCN tỉnh đầu tiên của cả nước được thành lập. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đối với ngành Y tế và đối với công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân nói chung và CSSK cho người lao động nói riêng.
Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh sức khỏe là vốn quý giá nhất của mỗi người và là "tài sản" của DN. Do đó, CSSK của người lao động là góp phần hỗ trợ DN phát triển và tạo môi trường đầu tư kinh doanh bền vững, tốt đẹp của tỉnh, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn đề nghị Trung tâm xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp với các đơn vị khác và bắt tay ngay vào thực hiện các công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong KCN. Các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế giải quyết ngay những vấn đề cấp bách, cần thiết phục vụ hoạt động của Trung tâm.
Ban hành hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở SXKD
Trước đó, để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 525/UBND-KGVX về hướng dẫn tạm thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở SXKD. Văn bản này thay thế các văn bản trước đó có nội dung liên quan; văn bản sẽ được sửa đổi, bổ sung theo diễn biến tình hình dịch cụ thể.
Theo hướng dẫn, các đơn vị chức năng thực hiện xét nghiệm sàng lọc đối với tất cả các trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như: ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan. Đối với xét nghiệm tầm soát định kỳ, các cơ sở SXKD tự quyết định việc xác định tần suất, đối tượng và hình thức xét nghiệm (bằng test nhanh kháng nguyên hoặc bằng RT-PCR) để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch và trong hoạt động SXKD.
Công văn cũng đưa ra những hướng dẫn cụ thể về công tác cách ly, áp dụng với các đối tượng khác nhau như chuyên gia, quản lý, công nhân, người lao động ngoại tỉnh khi đến làm việc hoặc chuyên gia, lao động quản lý nhập cảnh; cũng như biện pháp xử trí khi có F0 tại các cơ sở SXKD….
Thực hiện "mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội
Theo Sở Y tế Bắc Giang, đến 16h ngày 16/2/2022, Bắc Giang ghi nhận 711 ca mắc mới COVID-19 (ca F0) và 497 ca mắc điều trị khỏi. Hiện toàn tỉnh có 7.765 ca mắc đang điều trị, trong số này có 6.919 trường hợp cách ly, điều trị tại nhà (chiếm 89,1%).
Trong ngày 16/2, toàn tỉnh đã tiêm 13.887 liều vắc-xin. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm 3.932.840 liều (mũi 1: 1.436.157 liều, mũi 2: 1.437.412 liều và mũi 3: 1.059.271 liều đạt tỷ lệ 82,4% người dân từ 18 tuổi trở lên đang cư trú trên địa bàn tỉnh).
Ngành Y tế tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các địa phương nhanh chóng tiêm bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh nền. Các bệnh viện, cơ sở y tế hoạt động linh hoạt, nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới. Chủ động chuẩn bị tốt hóa chất, vật tư, sinh phẩm… tại các cơ sở thu dung, điều trị, cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở để sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, các lễ hội, hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh chỉ tổ chức phần nghi lễ (không tổ chức phần hội) và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Đối với công tác dạy và học trên địa bàn, để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại, tỉnh yêu cầu các trường học phải xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở giáo dục, xây dựng kịch bản ứng phó với những tình huống cụ thể; tập trung cao cho phòng, chống dịch nhất là tại các trường Tiểu học, Mầm non (do các cháu chưa được tiêm vắc-xin). Các trường học phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ trường, lớp học; giáo viên và học sinh thực hiện tốt 5K và tiêm vắc-xin; triển khai linh hoạt các biện pháp dạy và học phù hợp với tình hình thực tế.
Với quan điểm phòng, chống dịch trong tình hình mới, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền để mỗi người dân chủ động, tự giác thực hiện 5K, bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; đẩy mạnh tuyên truyền để chống tư tưởng chủ quan, lơ là nhất là khi đã tiêm đủ mũi vắc-xin.
Với các giải pháp linh hoạt, đồng bộ, kịp thời, khi mở cửa trở lại toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện tốt "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH, hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra./.