Sợ tin giả, người Việt có xu hướng "đi tìm sự thực" nhiều hơn

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 14:45, 17/02/2022

Ngày 17/2, Google công bố báo cáo ‘‘Tìm kiếm cho ngày mai - Search for Tomorrow’’ các xu hướng tìm kiếm của người Việt. Trong đó, đáng chú ý là việc người dùng đã tìm kiếm nhiều hơn với các từ khóa liên quan đến "scam" tăng 54% do lo ngại các thông tin giả mạo.

Theo Google, báo cáo là một bức tranh tổng quan về 5 xu hướng mới của người tiêu dùng số tại Việt Nam đã được hình thành như thế nào và sẽ dẫn dắt thị trường tiêu dùng số trong năm 2022 ra sao. Báo cáo đã dưa ra các xu hướng tìm kiếm của người Việt và các thống kê ở 4 lĩnh vực: sức khỏe và làm đẹp, tài chính, thực phẩm và hàng tạp hóa, mua sắm và bán lẻ.

Năm 2020 chứng kiến hàng triệu người chuyển sang thế giới số thì năm 2021 cho thấy sự phát triển vững vàng của dòng chảy kỹ thuật số. "Google tìm kiếm" ngày càng trở thành một phần tất yếu trong hoạt động thường ngày của người dân khi đại dịch xảy ra và tiếp tục là lựa chọn tìm kiếm của người Việt Nam khi tổng số lượng tìm kiếm trên Google tăng 37% trong năm 2021 so với trước đại dịch.

Cuộc sống số trở thành dòng chảy chủ đạo

Tại Việt Nam, 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng các dịch vụ trực tuyến và 99% trong số họ có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Những người tiêu dùng đã quen với thế giới số tiếp tục chọn sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Những lợi ích như tiết kiệm thời gian và chi phí, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, dịch vụ giao hàng tận nơi là những động lực thúc đẩy người mua sắm chọn trải nghiệm số hóa. Tổng giá trị hàng hóa (Gross Merchandise Volume - GMV) của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ đô la Mỹ, tăng 31% so với năm 2020, trong đó phần lớn là nhờ vào mức tăng trưởng 53% của ngành thương mại điện tử.

Người dùng ngày nay đang khai thác nhiều lợi ích của công nghệ và ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày từ việc tìm cách mở tài khoản ngân hàng hay mở thẻ online (lượng tìm kiếm tăng 58%), tìm thông tin, xem trải nghiệm và đánh giá sản phẩm trước khi mua (lượng tìm kiếm tăng 1.250%) và kế đến là thanh toán không tiếp xúc với ví điện tử (lượng tìm kiếm tăng 100%).

Theo xu hướng thay đổi hành vi đó của người tiêu dùng, các doanh nghiệp hiện đang điều chỉnh chiến lược số của mình để đáp ứng nhu cầu của người dùng mới chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến. 81% nhà bán hàng số ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng cường việc sử dụng các hình thức thanh toán điện tử trong 1 đến 2 năm tới. 82% trong số họ dự đoán rằng hơn một nửa doanh thu trong 5 năm tới sẽ đến từ các nguồn bán hàng trực tuyến.

Xu hướng nhìn nhận lại cuộc sống của người dùng Việt

Trong hai năm qua, con người đã phải trải qua nhiều thay đổi trên cả phạm vi toàn cầu và địa phương. Khi cố gắng đón nhận những ẩn số mới trong cuộc sống, mọi người cũng sẽ nhìn nhận lại lối sống trước đây, những điều quen thuộc và sự thoải mái trong thói quen hằng ngày. Dịch bệnh đã thúc đẩy họ đánh giá lại điều gì là quan trọng trong cuộc sống thể hiện qua sự ưu tiên tìm kiếm và quan tâm của người dùng về cách quản lý tài chính và tiết kiệm, thời gian cho người thân và bạn bè, ý thức chăm sóc bản thân tốt hơn và tinh thần tự thưởng cho chính mình.

Sức khỏe tinh thần được dự đoán sẽ là tâm điểm chú ý của mọi người vào năm 2022. Mọi người sẽ dần bắt đầu chấp nhận cảm xúc của mình và dành nhiều thời gian để cảm nhận chúng. Từ những thay đổi nhỏ hằng ngày đến những quyết định quan trọng hơn trong cuộc sống, những nội dung tìm kiếm cho thấy rằng mọi người đang nhìn nhận cuộc sống và đánh giá xem những lựa chọn của mình có phù hợp với những gì thực sự quan trọng hay không.

Người Việt đang tổ chức lại ngôi nhà của họ để nhân đôi mục đích sử dụng, vừa là nhà, vừa là trường học hoặc không gian làm việc. Số lượt tìm kiếm cụm từ "decor phòng" (trang trí phòng) tăng 150% trong khi các từ khóa cho các sản phẩm chăm sóc nhà cửa như "nến thơm" cũng tăng 100%.

Trong đại dịch, người Việt quan tâm học cách đầu tư nhiều hơn, thể hiện qua số lượt tìm kiếm cụm từ "chứng khoán" tăng trên 106%, trong đó người dân ở các tỉnh nông thôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc đầu tư. Song song đó là số lượt tìm kiếm về tiền điện tử tiếp tục ở mức cao, tăng 115%.

Từ những hành vi đối phó và giải pháp ngắn hạn đến việc chấp nhận một lối sống kết hợp mới, các nội dung tìm kiếm cho thấy mọi người đang có những ưu tiên mới trong cuộc sống khi họ chèo lái qua đại dịch. Khi người tiêu dùng đánh giá lại các lựa chọn của họ, thương hiệu và doanh nghiệp cũng nên điều chỉnh cách thể hiện các giá trị mà mình có thể mang lại, không chỉ cho khách hàng bên ngoài mà còn cả nhân viên nội bộ.

Sợ tin giả, người Việt có xu hướng

Theo Google, trong đại dịch, người Việt quan tâm học cách đầu tư nhiều hơn, thể hiện qua số lượt tìm kiếm cụm từ ‘chứng khoán’ tăng trên 106%,

Người dùng đi "tìm kiếm sự thật" nhiều hơn

Thông tin sai lệch, tin giả mạo ngày càng tăng khiến người tiêu dùng trở nên hoài nghi hơn bao giờ hết. Để tránh bị lừa và đưa ra những lựa chọn sáng suốt, họ chủ động hơn trong việc tìm kiếm các thông tin đáng tin cậy. Người dùng sử dụng "Google tìm kiếm" để xác minh tính xác thực của các tuyên bố, xem xét cẩn thận các giá trị thương hiệu và đảm bảo tính xác thực của các thương hiệu mà họ chọn để tương tác.

Người tiêu dùng đặc biệt là thế hệ Z nhận thức rõ ràng hơn về sự tồn tại của cả thông tin thật và thông tin giả trên Internet. Mọi người không chỉ hiểu biết hơn về những gì họ thấy trên Internet, mà còn sẵn sàng chủ động tìm kiếm thông tin chính xác theo mong muốn của bản thân. 82% người được khảo sát cho biết việc tìm ra được nguồn tin thật bây giờ quan trọng hơn so với thời trước COVID. Lượng tìm kiếm với các từ khóa liên quan đến "scam" tăng 54% và lượng tìm kiếm với từ khóa liên quan "hàng chính hãng" cũng tăng 15%.

Sự gia tăng tình trạng bất bình đẳng

Đại dịch không chỉ cho thấy rõ hơn nhiều sự bất bình đẳng đang diễn ra mà còn làm trầm trọng thêm vấn đề, gây ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau lên những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. So với các gia đình có thu nhập cao, các gia đình có thu nhập thấp có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và số ngày nghỉ học trong năm của trẻ em trong những gia đình này cũng cao hơn gấp đôi.

Để vượt qua những sự bất bình đẳng này, mọi người lên mạng để tìm kiếm các giải pháp giúp bản thân và cộng đồng của họ. Nội dung họ tìm kiếm, bao gồm nhiều chủ đề từ trợ cấp thất nghiệp đến các vấn đề về phân biệt đối xử hay đơn giản là tìm kiếm các công cụ hoặc giải pháp giúp họ vượt qua những khó khăn của mình từ việc hiểu nội dung thông tin bằng tiếng nước ngoài (lượng tìm kiếm với cụm từ "dịch sang tiếng Việt" tăng đến 75%) đến tìm kiếm thông tin liên quan bình đẳng giới (tăng 27%) hay tìm kiếm giải pháp tài chính "vay tiền online" (tăng 45%).

Doanh nghiệp cần giúp thu hẹp khoảng cách về kỹ thuật, tài chính và khả năng tiếp cận. Không phải tất cả người dùng đều thành thạo như nhau trong lĩnh vực kỹ thuật số, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều người dùng mới bước vào thế giới số. Trên thực tế, nhiều người mới sử dụng Internet vẫn đang loay hoay với cách xử lý các thao tác cơ bản.

Khuynh hướng mua hàng của người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường cao hơn gấp 4,5 lần từ những thương hiệu giải quyết các vấn đề nhân quyền và cao hơn 3,5 lần đối với những thương hiệu giải quyết sự bất bình đẳng về kinh tế./.


NK