TMĐT tăng trưởng mạnh, thúc đẩy ngành hàng không châu Á - Thái Bình Dương
Kinh tế số - Ngày đăng : 15:45, 15/02/2022
Thuộc khu vực chiếm 55% dân số thế giới, Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và Indonesia sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng ở Châu Á - Thái Bình Dương. GDP của khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 3,6% mỗi năm so với mức trung bình 2,5% của thế giới và sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Tầng lớp trung lưu, những người thích đi du lịch nhất, sẽ tăng từ 1,1 tỷ lên 3,2 tỷ người và xu hướng đi du lịch của mọi người ước tính sẽ tăng gần gấp ba lần vào năm 2040.
Đặc biệt, sự phát triển của TMĐT khiến nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không tăng cao. Lưu lượng hàng hóa ở Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 3,6% mỗi năm, cao hơn mức trung bình 3,1% toàn cầu và dẫn đến vận tải hàng không trong khu vực sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Trên toàn cầu, dự kiến trong 20 năm tới, thế giới sẽ cần khoảng 2.440 máy bay chở hàng mới, trong đó có 880 chiếc sẽ được lắp ráp mới.
Trong báo cáo về toàn cảnh TMĐT của mình, hãng Lazada cho biết ngành TMĐT đã chứng kiến nhiều cột mốc tăng trưởng quan trọng và mở ra nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. 64% người dùng Internet tại Đông Nam Á đã mua hàng bách hóa trực tuyến ít nhất một lần trong năm 2021.
Tại Việt Nam, mua bán qua các kênh TMĐT đang dần trở nên phổ biến ở các khu vực ngoại thành, mở ra nhiều cơ hội cho ngành TMĐT. Theo thông tin của Statista, giá trị thị trường TMĐT ở Đông Nam Á đã tăng 24 lần trong vòng 6 năm qua, từ 5 tỷ USD năm 2015 lên 120 tỷ USD năm 2021; và dự kiến đạt 234 tỷ USD vào năm 2025. Indonesia và Việt Nam được dự báo là hai quốc gia sẽ có mức tăng trưởng vượt trội về quy mô thị trường TMĐT bán lẻ trong vài năm tới.
Nhu cầu mua bán hàng hóa trực tuyến tăng cao, cơ sở hạ tầng logistics, trong đó có các phương tiện vận chuyển hàng hóa, được chú trọng. Dự báo, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ cần 17.620 máy bay mới vào năm 2040, để đáp ứng nhu cầu du lịch, di chuyển của hành khách và nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới. Trong số 17.620 máy bay, 13.660 sẽ là máy bay cỡ nhỏ như dòng A220 và A320. Châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu máy bay tầm trung và tầm xa, chiếm khoảng 42% nhu cầu máy bay trên toàn cầu với 2.470 máy bay có kích cỡ trung bình và 1.490 máy bay cỡ lớn.
Ông Christian Scherer, Giám đốc Thương mại kiêm Giám đốc Airbus International cho biết giao thông bằng đường hàng không đang phục hồi và khi các biện pháp hạn chế đi lại được nới lỏng hơn nữa thì khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ lại trở thành một trong những động lực chính của sự tăng trưởng này. Đặc biệt, nhu cầu về thế hệ máy bay chở hàng và chở khách mới sẽ gia tăng, nhằm giảm lượng khí thải CO2. Gần 30% trong số các máy bay cũ ít tiết kiệm nhiên liệu sẽ được thay thế.
Các máy bay hiện đại của Airbus với công nghệ động cơ đẩy giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu từ 20-25% và ít khí thải CO2 hơn so với các máy bay thế hệ cũ. Airbus cho biết tất cả các sản phẩm máy bay của hãng đã được cấp chứng nhận bay với tỷ lệ nhiên liệu 50% SAF (Nhiên liệu hàng không bền vững), và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 100% vào năm 2030./.