Chuyển đổi số: Biến nguy thành cơ
Xã hội số - Ngày đăng : 16:59, 12/02/2022
"Mở đường" bằng cơ chế, chính sách
Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhấn mạnh tới hai giải pháp quan trọng nhất đối với chuyển đổi số, đó là thay đổi nhận thức và thay đổi thể chế.
Trong ngành Ngân hàng, một trong những sự kiện đáng chú ý nhất là Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2014/TT-NHNN về mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trong đó có bổ sung quy định, hướng dẫn về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC). Theo đó, từ ngày 5/3/2021, các ngân hàng chính thức được áp dụng eKYC để mở tài khoản từ xa cho khách hàng. Đây là nền tảng, cũng là cánh cửa đầu tiên để các ngân hàng thực sự bước vào kỷ nguyên ngân hàng số. Nhờ có eKYC, người dân chỉ ngồi tại nhà cũng hoàn toàn có thể sử dụng các dịch vụ ngân hàng từ khâu mở tài khoản đến cung ứng dịch vụ. Bởi thế, ngay khi được áp dụng, eKYC đã thu hút hàng triệu khách hàng mở tài khoản với hơn 4,6 triệu giao dịch được thực hiện chỉ trong vài tháng.
Cùng với eKYC, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đề ra là phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng. Tới cuối tháng 10/2021, thêm một thuận lợi về mặt chính sách khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Ngay sau đó NHNN đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện quyết định này với nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Những thay đổi này đã biến thách thức Covid thành cơ hội giúp công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng nhanh hơn, mạnh hơn.
Từ chủ trương, định hướng của Chính phủ cùng với những chính sách quan trọng của NHNN đã có sự lan toả tới các ngân hàng trong hệ thống. Đến thời điểm này có 95% ngân hàng tham gia vào việc chuyển đổi số, nhiều hoạt động dịch vụ ngân hàng được thực hiện bằng phương thức điện tử nhiều hơn tại quầy. Nhiều sản phẩm số mang tính đột phá minh chứng những bước đi mạnh mẽ, chuyển đổi sâu sắc của nhiều ngân hàng. Chẳng hạn, VPBank ra mắt ngân hàng số toàn năng VPBank NEO - không chi nhánh, không phòng giao dịch; Vietcombank công bố bộ giải pháp số hoàn toàn mới cho DNNVV gồm dịch vụ ngân hàng số VCB DigiBiz và các sản phẩm thẻ doanh nghiệp Vietcombank Visa Business; VietCapitalBank chào sân ngân hàng số “digimi”; MB ra mắt không gian sáng tạo số (Innovation Lab)…
Những thay đổi này đã biến thách thức Covid thành cơ hội giúp công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng nhanh hơn, mạnh hơn. Khảo sát của VISA trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy, 87% người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến - tăng 20 lần so với trước dịch. Điều này minh chứng cho việc ngành Ngân hàng vẫn đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán điện tử tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch. Theo số liệu của NHNN, cập nhật số liệu 9 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020, thanh toán mobile tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua Internet Banking tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị…
Tạo đà bứt phá
Tư duy, cách nhìn của các ngân hàng đã dần thay đổi. Họ xác định chuyển đổi số là hành trình chuyển biến từ nhận thức, cụ thể hoá bằng hành động trong từng bộ phận, từng con người của ngân hàng, bất kể ở vị trí nào, làm sao để mang tới cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất. Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam ông Phạm Quang Minh nhìn nhận, người thắng cuộc sẽ là người đưa ra được trải nghiệm khách hàng tốt và nhanh nhất. Theo ông Minh, khả năng tương tác và gắn kết với khách hàng sẽ tốt hơn rất nhiều khi tạo ra trải nghiệm cá nhân hoá.
Dưới góc độ NHTM, Phó Tổng Giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ, cuộc đua chuyển đổi số sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn. Muốn níu chân được khách hàng ở lại lâu hơn với ngân hàng phải cho họ thấy, chỉ cần vào ứng dụng ngân hàng số mọi nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của họ đều có thể cung cấp được. Như vậy, ngân hàng nào càng có hệ sinh thái phong phú thì càng có lợi thế.
Song nếu muốn đi xa, ngành Ngân hàng không thể đi một mình mà cần có sự kết nối và chia sẻ. Những năm vừa qua, hệ sinh thái số phát triển rất tốt, tạo nền tảng để trong đại dịch Covid-19, khách hàng có thể thực hiện được các dịch vụ mà không cần phải tới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng. Ngày 21/12/2021, thị trường tiếp tục chứng kiến đột phá tới từ NamABank khi chính thức ra mắt Hệ sinh thái số ONEBANK, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng 24/7, 365 ngày kể cả ngày lễ, Tết, đặc biệt đây là NHTM đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ cho phép khách hàng có thể nộp/rút tiền từ tài khoản của tất cả các ngân hàng thông qua QRCode (tiêu chuẩn VietQR).
Mở rộng kết nối đa dạng hệ sinh thái, gia tăng các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số… song các ngân hàng cũng rất trông chờ tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn để tiến trình chuyển đổi số ngân hàng tại Việt Nam thật sự bứt tốc.
Một trong những sự quan tâm của hệ thống tài chính - ngân hàng hiện nay là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox). Với sandbox, NHNN hiện là bộ, ngành duy nhất và đầu tiên được Chính phủ thông qua nghị quyết để thực hiện nghị định về lĩnh vực này. Thị trường đều hy vọng, khi sandbox ra đời đồng nghĩa với việc có một môi trường để thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt với Fintech…
NHNN cũng kỳ vọng các cơ quan chức năng có thể đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cho phép ngành Ngân hàng khai thác thông tin trên chip thẻ căn cước công dân (đặc biệt là các yếu tố sinh trắc học) để hỗ trợ eKYC, tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng. Bên cạnh đó, xem xét sửa đổi Luật Giao dịch điện tử 2005 nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử.
Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đề ra những mục tiêu vô cùng thách thức: đến năm 2025, 50% quyết định giải ngân cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hoá; đến năm 2030, 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số… Hiện thực hoá mục tiêu trên là thách thức không nhỏ nhưng với những bước phát triển vượt bậc trong thời gian vừa qua, nỗ lực đầu tư của ngân hàng cùng với khung pháp lý hoàn thiện hơn, chúng ta hoàn toàn có hy vọng kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng sẽ thành công như kỳ vọng, khách hàng trải nghiệm nhiều hơn các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng:
Trải nghiệm khách hàng là thước đo đánh giá thành công
Ngành Ngân hàng không coi chuyển đổi số là dự án công nghệ thông tin, mà là một khâu chiến lược, then chốt trong hoạt động của mình. Đó là sự khác biệt. Nếu chỉ coi chuyển đổi số là một dự án công nghệ thông tin thì sẽ thành câu chuyện công nghệ phục vụ công nghệ, chứ không phải công nghệ phục vụ cho cuộc sống.
“Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã chỉ ra rất rõ không phải việc ứng dụng công nghệ, mà trải nghiệm của khách hàng là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số và hoạt động ngân hàng số của ngân hàng. Hay nói cách khác, thước đo duy nhất để đánh giá kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng thành công là trải nghiệm khách hàng, là tỷ lệ và giá trị giao dịch thanh toán trên môi trường số tăng trưởng qua từng năm.