Năm 2022: năm tổng tiến công về chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:01, 07/02/2022
Tổng tiến công CĐS sau một năm tổng diễn tập
Trong buổi gặp mặt ấm áp sáng 7/2/2022, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số (CĐS), sau một năm tổng diễn tập về CĐS. 35 nền tảng CĐS quốc gia phải được hoàn thành và đưa vào phục vụ hiệu quả người dân, chính quyền và nền kinh tế. Năm 2022, báo chí truyền thông phải thổi bùng lên khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Năm 2022 là năm khẳng định năng lực dẫn dẫn dắt CĐS quốc gia và quản lý báo chí truyền thông của Bộ TT&TT".
Theo Bộ trưởng, nếu không làm tốt được trong năm 2022 này thì chúng ta sẽ đánh mất đi niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào ngành TT&TT. Một năm đánh mất là nhiều chục năm tìm lại. Tìm lại được thì cơ hội đã đi qua. Đánh mất cơ hội là sự đánh mất lớn nhất.
Để có niềm tin lớn, để có thể đi những bước đi lớn, để có thể dẫn dắt lớn về CĐS, Bộ trưởng nhấn mạnh phải có lý luận về CĐS Việt Nam và liên tục hoàn thiện. Việt Nam muốn CĐS thành công thì phải đi con đường Việt Nam. Con đường phải có ngọn đuốc soi sáng, đó là lý luận về CĐS Việt Nam.
Để làm tốt được, Bộ trưởng cho rằng phải có cách tiếp cận khả thi, biến việc khó thành dễ. CĐS là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. "Hãy bắt đầu bằng việc cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân. Khó nhất là để dân theo. Nhưng cũng là dễ nhất, bởi vì nếu có lợi là họ sẽ theo. Đa số các nền tảng số mà chúng ta đặt mục tiêu năm 2022 này đều là để mang lại lợi ích cho người dân. Khi người dân theo, mọi người dân theo thì khi đó cuộc cách mạng sẽ xảy ra".
Quản lý nhà nước, theo Bộ trưởng, sẽ làm cho những cái tốt đã được khẳng định mà chưa hợp pháp trở thành hợp pháp. Cách mạng sẽ làm cho đất nước ta đi nhanh và vượt lên phía trước. Có những việc, có những lúc thì chính quyền đi trước dẫn dắt người dân, nhưng cũng có những việc, có những lúc người dân, xã hội, doanh nghiệp (DN) đi trước và sau đó chính quyền thể chế hóa để thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Năm con Hổ Nhâm Dần là muốn hòa bình, muốn bảo vệ được mình để không ai dám đến xâm phạm thì phải mạnh. Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT đang có cơ hội giúp đất nước phát triển nhanh và trở lên mạnh. "Đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường thịnh vượng là khát vọng hùng cường và công nghệ, đều có liên quan đến ngành ta, bộ ta. Sứ mệnh trăm năm đã được trao, cờ đã đến tay!".
Bộ trưởng kêu gọi: "Tất cả mọi người trong ngành TT&TT phải đoàn kết một lòng, huy động nguồn lực đại đoàn kết, lao động sáng tạo, để tạo ra đại thành công".
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: "Tầm nhìn xa, làm việc gần, học hỏi nhanh, chủ động, sáng tạo, đương đầu với khó khăn và đi xuyên qua khó khăn, luôn có cách tiếp cận mới, độc đáo và khả thi cho những tình huống phức tạp, hành động quyết liệt và kết thúc công việc. Đó là những gì chúng ta cần cho năm 2022 để hoàn thành những nhiệm vụ không khả thi".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc tất cả các cán bộ trong ngành TT&TT, trong Bộ TT&TT, có được sự tự tin, sẵn sàng nhận lấy sứ mệnh quốc gia, có được năng lượng và sự mách bảo của trời đất để làm được những việc dường như không khả thi, để góp phần làm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững, hiện thực hóa khát vọng hùng cường.
"Chúc các đồng và các bạn biết cách tạo ra thành quả mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi quý, mỗi năm để từ đó mà có niềm vui mỗi ngày, từ niềm vui mà có năng lượng mỗi ngày, và qua đó mà niềm tin tăng lên mỗi ngày. Niềm vui, năng lượng từ công việc cũng sẽ truyền vào cuộc sống xã hội, cuộc sống gia đình của mỗi chúng ta. Và đó là hạnh phúc!".
Một ngày là một đời! Nó cũng có khởi đầu và kết thúc, và nó dài đến 1.440 phút và 86.400 giây! Hãy làm việc và sống trọn một ngày! Làm được nhiều việc hơn, trải nghiệm nhiều hơn, cảm nhận được nhiều hơn, hạnh phúc hơn và đặc biệt, không nuối tiếc gì sau mỗi ngày. Một ngày là đủ dài để làm được nhiều việc. Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy lập kế hoạch không phải cho quí, cho tháng, cho tuần mà cho mỗi ngày.
Thời gian là tài nguyên hữu hạn của mỗi chúng ta, dù có tiêu dùng hay không thì nó cũng mất đi mỗi ngày. Thời gian của con người không đo bằng đồng hồ mà đo bằng trải nghiệm mới mỗi ngày. Nó bằng 0 nếu ta không tạo ra sự thay đổi mới nào. Nó dài bằng những gì chúng ta tạo ra mỗi ngày. Chiều dài cuộc đời con người đo bằng sự lao động sáng tạo, bằng kết quả do con người tạo ra, bằng trải nghiệm mà con người đi qua. Bởi vậy hãy biết ơn khi có việc để làm thay vì ca thán! Nhất là những việc có ý nghĩa, những việc giúp cho dân mình, đất nước mình phát triển, hạnh phúc.
Cuối cùng, Bộ trưởng chúc: "Một năm Nhâm Dần vừa Nhâm vừa Dần, vừa bao quát đại cục lại vừa mạnh mẽ từng việc và quan trọng nhất là mang lại kết quả thiết thực!".
Mạng lưới bưu chính, viễn thông, Internet thông suốt
Thông tin về tình hình mạng lưới bưu chính, viễn thông (BCVT), Internet trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, bà Hoàng Thị Phương Lựu, Phó Chánh Văn phòng phụ trách điều hành Văn phòng Bộ TT&TT cho biết, Bộ TT&TT đã triển khai tổ chức tốt các hoạt động thông tin báo chí, xuất bản, các dịch vụ BCVT và Internet đảm bảo thông suốt. An toàn thông tin (ATTT) mạng được đảm bảo, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật, đưa tin kịp thời các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, không khí đón xuân của nhân dân cả nước.
Cụ thể, về lĩnh vực bưu chính, hoạt động khai thác mạng lưới vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát trước và trong Tết phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và của các cơ quan Đảng, Nhà nước liên tục, không bị gián đoạn, nhanh chóng, chính xác, an toàn trong mọi tình huống.
Theo số liệu của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), sản lượng khai thác 154 ấn phẩm báo Tết bằng 77% so với báo Tết Tân Sửu 2021, sản lượng phát hành trên 464.000 tờ/cuốn, bằng 86% so với sản lượng Tết Tân Sửu 2021, trọng lượng đạt gần 192 tấn, bằng 60% so với Tến Tân sửu 2021. Tổng sản lượng bưu gửi gửi chấp nhận trước Tết 1 tháng, đạt hơn 23,6 triệu bưu gửi, bằng 90,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tổng sản lượng bưu gửi thấp hơn so với cùng kỳ do thời gian nghỉ Tết dương lịch và âm lịch năm 2022 dài hơn năm 2021.
Đồng thời, VNPost cũng vận chuyển hàng hàng nặng, cồng kềnh trong dịp cuối năm; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động khai thác các dịch vụ bưu chính, chuyển phát, đảm bảo an toàn việc tiếp nhận chuyển phát bưu phẩm, ấn phẩm, văn bản qua mạng bưu chính KT1. Sản lượng báo cáo là 1.295 bưu gửi tương đương so với cùng kỳ năm 2021 là 1.271 bưu gửi.
Đối với lĩnh vực viễn thông, mạng viễn thông hoạt động ổn định, thông tin liên lạc được đảm bảo thông suốt và an toàn trong dịp Tết. Mạng di động, Internet, mạng viễn thông cố định mặt đất lưu thoát tốt, lưu lượng tải xử lý của hệ thống đảm bảo không xảy ra sự cố trong giao thừa, không xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ, chất lượng mạng duy trì tốt trong cả giai đoạn Tết. Lưu lượng thoại và dữ liệu (data) tăng không đáng kể so với năm 2021.
Mạng truyền hình trả tiền đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, toàn bộ hệ thống DNS quốc gia, hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia và các hệ thống kỹ thuật, dịch vụ quản lý tài nguyên Internet quốc gia hoạt động ổn định, thông suốt, không có bất kỳ sự cố nào góp phần đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định và thông suốt của mạng Internet Việt Nam.
Về đảm bảo ATTT mạng, từ 29/1 cho đến ngày 5/2, Bộ TT&TT ghi nhận và hướng dẫn khắc phục 244 sự cố tấn công mạng, gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tiếp nhận 517 phản ánh về tin nhắn rác trên hệ thống tiếp nhận về tin nhắn rác 5656 và đã yêu cầu nhà mạng chặn 10,4 triệu tin nhắn rác.
Về đánh giá thông tin trên không gian mạng, tỷ lệ thông tin tiêu cực là 3%, tỷ lệ thông tin tích cực 81%, trung tính 16% trước, trong và sau Tết. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên có những chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương về việc chăm lo Tết cho người dân. Công tác phòng, chống COVID được thực hiện nghiêm túc và chiến thắng và đặc biệt là chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trong ngày đầu năm tạo khí thế phấn khởi góp phần tăng cường tin tích cực.
Đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông trước, trong dịp Tết diễn ra sôi động. Hầu hết các báo đều phát hành số báo Tết, báo Xuân với hình thức đẹp là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân trong những ngày Tết. Trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, hoạt động báo chí có nhiều khởi sắc mới, có nhiều đóng góp mới hiệu quả với tổng số tin bài là 26.668, gấp 2 lần so với dịp Tết năm 2021 với tổng số tin bài là 13.633. Các cơ quan báo, đài tập trung tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các nhà xuất bản, cơ sở phát hành, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và bán các xuất bản phẩm và giá trị tư tưởng, văn hóa nghệ thuật và các văn hóa phẩm, tranh ảnh phục vụ nhân dân dịp Tết bằng các hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt, tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hoạt động mừng Xuân như phố Sách Xuân Nhâm Dần tại Hà Nội với chủ đề "Cánh én chào Xuân, nâng tầm tri thức", lễ hội đường sách Tết Nhâm Dần TP Hồ Chí Minh" với chủ đề "Xuân quê hương ấm tình nhân ái".
Nhân dịp năm mới, ngày 26/1/2022, đoàn công tác của Bộ TT&TT đã đến thăm, chúc Tết và trao tặng 200 suất quà đến 200 hộ nghèo của ba xã Phúc Sơn, Đại Sơn và Cẩm Đàn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Công đoàn ngành TT&TT đã phối hợp chuyên môn tổ chức chăm lo Tết cho cán bộ công nhân viên với các hoạt động thiết thực, vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, đảm bảo để cán bộ công nhân viên được chăm lo đầy đủ trong dịp Tết.
Ngày 31/1, tức ngày 29 Tết, Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng đã đến thăm, chúc Tết một số cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ để động viên các lực lượng ứng trực trong dịp Tết Nguyên đán.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay sau Tết, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thực hiện nay các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 01 ngày 8/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về định hướng phát triển ngành TT&&TT năm 2022 và giai đoạn 2022/24 nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng một Chính phủ đoàn kết, kỷ cương, chủ động, thích ứng an toàn, hiệu quả phục hồi phát triển.
Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các DN viễn thông tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính liên tục và dự phòng cho hạ tầng số trong mọi tình huống; triển khai các biện pháp xử lý triệt để rác viễn thông, SIM rác, các cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giám sát bảo đảm ATTT mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử; kịp thời phát hiện sớm nguy cơ bị ảnh hưởng đến ATTT mạng; sẵn sàng xử lý khi sự cố xảy ra; triển khai việc chiến lược phát triển Chính phủ điện tử gửi tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, trong đó chú trọng vào các ứng dụng nền tảng hỗ trợ hoạt động không tiếp xúc góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng.
Bộ TT&TT cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở chủ động, tích cực thông tin, tuyên truyền về quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện ngay từ đầu năm các định hướng lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; tiếp tục thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 để người dân đề cao cảnh giác phòng, chống dịch bệnh./.