4 xu hướng chuyển đổi số năm 2022
Ý kiến chuyên gia - Ngày đăng : 10:35, 05/02/2022
Đại dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước. Nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình CĐS nhằm thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ nhằm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19" và "phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới".
Trong bối cảnh hoạt động xã hội bị đảo lộn, người dân bị cách ly, giãn cách trong một thời gian dài, các doanh nghiệp (DN) buộc phải đóng cửa, học sinh không thể đến trường, giao thông vận tải và các dịch vụ logistics bị gián đoạn liên tục, giao thương trong nước và quốc tế đình trệ,v.v… thì CĐS trở thành một phương thức, biện pháp cho Chính phủ, DN, các ngành, địa phương và toàn thể người dân trong cả nước để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) và đảm bảo an sinh, xã hội.
Tổng kết, đánh giá hoạt động năm 2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận xét: "Năm 2021 đã đẩy toàn đất nước chúng ta vào CĐS, nhưng hạ tầng, cách làm vẫn là thời CNTT. Bởi vậy, các vấn đề của Ngành đã bộc lộ ra một cách rất rõ ràng. COVID-19, nhất là biến chủng delta và đợt bùng phát dịch lần thứ tư, đã đẩy chúng ta ra khỏi giấy tờ và đối mặt với cuộc sống, với nhu cầu của hàng trăm triệu người dân về chuyển đổi số, về truyền thông".
Người đứng đầu ngành TT&TT khẳng định rằng: "Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới".
Theo đó, dưới đây là dự báo 4 xu hướng CĐS năm 2022:
Big Data, AI
Mỗi ngày, chúng ta tạo ra khoảng 2,5 nghìn tỷ byte dữ liệu và con số đó đang tăng theo cấp số nhân. Nhưng dữ liệu đó chỉ hữu dụng khi cung cấp và được khai thác bởi các các hệ thống AI.
Năm 2022, các công ty tiếp tục mở rộng các ứng dụng AI mới khi các tổ chức nhận ra sức mạnh mà AI có thể nắm giữ để giải quyết vấn đề tốt hơn, nhanh hơn và ở quy mô lớn. AI sẽ trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống hàng ngày của người lao động và người tiêu dùng.
AI cũng sẽ tiếp tục hữu ích hơn khi chúng ta chuyển từ công cụ phân tích ứng dụng (applied analytics) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên sang AI đàm thoại (conversational AI) và suy luận sâu sắc. Điều đó biến các tương tác của chúng ta với các ứng dụng và thiết bị trở nên mạnh mẽ hơn và giống với con người hơn.
Amazon ra mắt robot trong nhà mang tên Astro sử dụng khả năng xử lý và suy luận mạnh mẽ để thúc đẩy ứng dụng AI và tự động hóa trở thành một phần trong cuộc sống cá nhân của chúng ta. Chúng ta đã làm quen với điều này với những ứng dụng Alexa hoặc Siri hoặc Google Assistant. Tuy nhiên, Astro đã được cải tiến nhiều tính năng cho phép đi theo chủ nhà, cung cấp các hình ảnh để giám sát từ xa, gửi lời nhắc nhở uống thuốc cho người già và mang cả chai bia cho người chủ sau một ngày lao động vất vả.
Các ứng dụng AI dành cho DN thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn. Điều này sẽ được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng dữ liệu lớn và các chip mạnh hơn để tăng tốc khối lượng công việc, cùng với phần mềm và khuôn khổ mạnh mẽ hơn cho phép các nhà khoa học dữ liệu tiến nhanh hơn để triển khai và kiểm tra các thuật toán cũng như áp dụng dữ liệu vào giải quyết các vấn đề lớn phức tạp của DN. Ứng dụng AI đang được phát triển và mở rộng quy mô để có thể triển khai hiệu quả hơn trong việc tận dụng dữ liệu và giải quyết các thách thức kinh doanh ngày càng gay gắt và phức tạp.
Những ứng dụng cho phép làm việc từ xa hoặc thúc đẩy công việc hỗn hợp
Công việc từ xa sẽ tiếp tục sau đại dịch. Các công ty sắp xếp làm việc linh hoạt. Nhưng những thỏa thuận này không phải là không có những thách thức riêng của chúng. Với một số nhân viên làm việc tại văn phòng và những người khác vẫn làm việc tại nhà, các tổ chức sẽ cần những công nghệ cho phép cộng tác liên tục bất kể vị trí. Theo một báo cáo gần đây, chỉ 8% các phòng hội nghị trên toàn cầu được trang bị để xử lý hội nghị truyền hình. Tin tốt? Các công ty hợp tác đang lưu ý.
CĐS nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi môi trường, xã hội và quản trị (ESG)
Việc CĐS sẽ đóng vai trò then chốt trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững. Thế giới hiện đang trải qua một quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh chú trọng 3 chỉ tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Định hướng ESG ảnh hưởng đến tất cả các ngành công nghiệp.
CĐS sẽ cho phép các công ty đo lường, theo dõi và quản lý các mục tiêu bền vững trong toàn bộ chuỗi giá trị; cộng tác trong và ngoài công ty tốt hơn; và đổi mới bằng cách nhanh chóng thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ bền vững. Các ứng dụng tiên tiến trong Robotics, AI, Big Data cũng sẽ tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên để làm cho các quy trình tự động và hiệu quả hơn, giúp các DN dự đoán và giảm thiểu rủi ro cũng như tăng năng suất lao động.
Thêm vào đó, CĐS sẽ thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng tính an toàn của sản phẩm, cho phép truy xuất nguồn gốc và giới thiệu các cách thức hoạt động kết hợp mới.
Số hóa chuỗi cung ứng
Hai năm vừa qua, các chuỗi cung ứng trên thế giới đang chịu sự đứt gãy nặng nề. Điều này góp phần làm tăng giá tiêu dùng và làm chậm sự sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Số hóa chuỗi cung ứng và chuỗi cung ứng 4.0 sẽ là những thành phần quan trọng nhằm giảm bớt sự phức tạp của các vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm 2022.
Chuỗi cung ứng 4.0 yêu cầu các công ty phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng của họ và tiếp cập mới mẻ hơn. Chuỗi cung ứng sẽ có cơ hội nâng tầm hiệu quả hoạt động, tận dụng các mô hình kinh doanh số và chuyển đổi thành chuỗi cung ứng số.
Theo định nghĩa của hãng tư vấn quản trị McKinsey & Company, ''Chuỗi cung ứng 4.0 ứng dụng của Internet vạn vật (Internet of Things), sử dụng công nghệ robot và ứng dụng phân tích dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng, cài đặt cảm biến vào các thiết bị, xây dựng mạng lưới ở mọi nơi, tự động hóa mọi thứ và phân tích để cải thiện đáng kể hiệu suất và sự hài lòng của khách hàng".
Số hóa chuỗi cung ứng là điều cần thiết trong năm 2022. Nhưng việc xây dựng hay mua một hệ thống phần mềm quản lý chuỗi cung ứng khá phức tạp và rủi ro. Do đó, nhiều công ty không chọn được hệ thống quản lý chuỗi cung ứng phù hợp cho nhu cầu kinh doanh riêng của họ. Thông thường, các nhà cung cấp sẽ giới thiệu cho các công ty về hệ thống quản lý chuỗi cung ứng sẵn có bất kể nó có phù hợp với công ty hay không. Vì vậy, cần có sự tư vấn độc lập để lựa chọn hay xây dựng lộ trình số hóa chuỗi cung ứng 4.0 cho phù hợp đặc điểm của DN.
Tóm lại, CĐS được dự đoán dự đoán sẽ gia tăng vào năm 2022 và những năm tiếp theo. Nhưng với công nghệ phù hợp bên cạnh bạn, những thay đổi lớn sẽ diễn ra liền mạch cho các tổ chức, DN.
CĐS với mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi mô hình kinh doanh. Nhưng với những mục tiêu trung hạn như giảm chi phí, tăng hiệu quả của quy trình, tăng sự hài lòng của nhân viên sẽ thúc đẩy việc CĐS mạnh mẽ hơn vào năm 2022 trên phạm vi toàn thế giới.
Ở Việt Nam, năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới với hạ tầng số, dữ liệu số, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, DN công nghệ số, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số./.