Phát triển tài nguyên giáo dục mở sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 12:32, 03/02/2022
Bàn về hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục gắn liền với việc phát triển giáo dục mở, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Nghĩa - Kỹ sư Công nghệ thông tin, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số trong 2 năm qua ở Việt Nam dưới sự tác động của đại dịch Covid-19? Quá trình thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục của chúng ta vẫn đang còn thiếu hụt những gì?
Ông Lê Trung Nghĩa: Trong 2 năm qua, hệ thống giáo dục Việt Nam đã bộc lộ ra rõ ràng hơn cả những ưu và nhược điểm liên quan tới khía cạnh chuyển đổi số, nhất là trong bối cảnh có sự tác động mạnh từ đại dịch Covid-19.
Về mặt tích cực, các cơ sở giáo dục đều hướng tới mục tiêu duy trì và không để gián đoạn việc học ở tất cả các cấp học bằng nhiều hình thức như học trên trực tuyến, học kết hợp cả trên trực tuyến và mặt đối mặt khi điều kiện cho phép; học qua truyền hình. Cùng với mục tiêu đó là sự vào cuộc của tất cả xã hội trong việc trao đổi, chia sẻ, đóng góp ý kiến để hình thành các sáng kiến, chính sách và thực hành trong quản lý, vận hành, triển khai, giám sát, đánh giá việc học tập, sao cho các hoạt động học tập phù hợp, có hiệu quả và hiệu lực nhất với từng giai đoạn diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Có thể nói, chính đại dịch Covid-19 đã và đang xúc tác mạnh mẽ cho việc chuyển đổi số trong giáo dục.
Có 3 yếu tố quyết định sự thành công của chuyển đổi số, đó là: con người; thể chế và công nghệ. Vào lúc này, có thể thấy chúng ta chưa có công cụ nào để có thể làm thước đo đánh giá: liệu một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào đó có đủ năng lực số hay không để giúp biến đổi các mục tiêu của chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thành hiện thực với việc xây dựng được chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Các khung năng lực số ở mức quốc gia có lẽ cần sớm được ban hành để định hướng cho các tổ chức và cá nhân hướng tới việc giành được và nâng cao năng lực số của mình để có thể hoàn thành mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Chúng ta cũng chưa có định hướng thống nhất về mặt công nghệ ở mức quốc gia để tiến hành chuyển đổi số, dù có những gợi ý từ Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng Công nghệ Mở và Nền tảng Mở - những khái niệm còn chưa được định nghĩa rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật để xác lập các nguyên tắc và chuẩn mực chung định hướng cho chuyển đổi số một cách có hệ thống ở mức quốc gia hoặc ngành giáo dục.
Trong thực tế, một số cơ sở giáo dục đã và đang tiến hành các hoạt động chuyển đổi số trong cơ sở của riêng mình một cách riêng rẽ, dựa vào các nguyên tắc và chuẩn mực riêng của mình. Nhiều trong số các hoạt động đó có liên quan tới việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng số và nền tảng số bằng công nghệ quen thuộc với từng cơ sở nhằm đưa các hoạt động giáo dục đào tạo của cơ sở lên trên hệ thống trực tuyến. Mức độ chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục khác nhau là khác nhau, tùy thuộc vào khả năng và nguồn lực của từng cơ sở. Việc chia sẻ và dùng chung các hạ tầng và nền tảng số của các cơ sở giáo dục là hiếm thấy.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn đang còn phụ thuộc quá nhiều vào các nền tảng công nghệ, các cơ sở giáo dục cũng chưa có nền tảng công nghệ của riêng mình, dẫn tới những lo ngại về vấn đề bản quyền, quản lý dữ liệu, quản lý tài nguyên học liệu…Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Lê Trung Nghĩa: Điều quan trọng khi chúng ta lựa chọn xây dựng hạ tầng và nền tảng cho chuyển đổi số, thì nguyên tắc trung lập về công nghệ cần được đặt lên hàng đầu, vì nguyên tắc này sẽ giúp chúng ta không bị lệ thuộc vào công nghệ của bất kỳ công ty hay tập đoàn công nghệ nào, dù họ có là lớn nhất, mạnh nhất thế giới. Để trung lập về công nghệ, điều kiện tiên quyết là phát triển công nghệ mở với các nền tảng mở cho chuyển đổi số.
Công nghệ mở được cho là gồm 4 thành phần: Tiêu chuẩn mở và giao diện mở; Phần mềm nguồn mở và thiết kế mở; Công cụ trực tuyến cộng tác và phân tán; Sự lanh lẹ về công nghệ.
Nền tảng mở cũng có những chuẩn mực của nó, chứ không phải bất kỳ phần mềm nào cũng có thể gắn nhãn “nền tảng”, và cũng không phải bất kỳ nền tảng nào cũng có thể gắn nhãn “nền tảng mở”.
Ví dụ, một nền tảng mở sẽ tuân thủ những điều sau: Dựa vào các tiêu chuẩn mở; Các mô hình thông tin chung được chia sẻ; Hỗ trợ tính khả chuyển ứng dụng; Làm thành liên đoàn được; Trung lập với nhà cung cấp và công nghệ; Hỗ trợ dữ liệu mở; Cung cấp các giao diện lập trình ứng dụng mở - Open API (Open Application Programming Interface); Có tính tương hợp.
Để phát triển bền vững, một nền tảng mở được xây dựng dựa vào công nghệ mở là điều cần thiết cho giáo dục Việt Nam. Nền tảng mở đó sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi hầu hết hoặc tất cả các cơ sở giáo dục đều sử dụng và sử dụng lại nó hoặc nhiều thành phần cấu thành của nó được, chứ không phải là từng cơ sở giáo dục xây dựng cho mình một nền tảng số riêng, kể cả là một nền tảng số mở riêng cho mình. Cách làm đó có thể dẫn tới tình trạng “trăm hoa đua nở”.
Khi từng cơ sở giáo dục đều muốn xây dựng nền tảng số cho riêng mình từ A tới Z, thường ở dạng mỗi cơ sở giáo dục là một pháo đài, không có tương hợp liên thông với nhau và với nền tảng số của chung hay của các cơ sở giáo dục khác, thì đây là cách làm rất không hiệu quả về chi phí, cả về nhân lực, vật lực, thời gian và tiền bạc, tạo ra sự manh mún, phân mảnh hệ thống và đúp bản vô tận không cần thiết.
Nếu bạn có một cuốn sách in trong thư viện trong cơ sở giáo dục của bạn, bạn không thể cùng một lúc cho 2 người mượn cùng cuốn sách đó. Nhưng nếu cuốn sách đó được số hóa và để trong thư viện số của bạn trên internet, thì cùng một lúc hàng triệu hoặc hàng chục triệu người có thể tải về và đọc cuốn sách đó. Vì vậy, việc chia sẻ mở các tài nguyên giáo dục không nên chỉ dừng ở mức khuyến nghị hay khuyến cáo, mà cần thiết phải trở thành mệnh lệnh của chuyển đổi số.
Để chuyển đổi số thành công, một vấn đề quan trọng khác cần được quan tâm, là bản quyền và sở hữu trí tuệ, đặc biệt đối với các kho kiến thức số của các cơ sở giáo dục.
Là đáng quý khi bạn chia sẻ mọi điều, từ cách thức xây dựng và triển khai các bài giảng, các khóa học trên trực tuyến, tới cách thức tạo lập các học liệu ở cơ sở giáo dục của bạn,... nhưng nếu vấn đề bản quyền không được đặt ra, thì những chia sẻ đó của bạn thường chỉ đủ để triển khai trong phạm vi hệ thống trong cơ sở của bạn, chứ không đủ để chia sẻ rộng rãi với các cơ sở giáo dục khác qua hoặc trên internet.
Ví dụ, nếu các tài liệu nội sinh của cơ sở giáo dục của bạn không được cấp phép mở, chúng sẽ chỉ có khả năng được chia sẻ và sử dụng/sử dụng lại trong phạm vi hệ thống quản lý học tập – LMS (Learning Management System) hoặc hệ thống quản lý nội dung học tập – LCMS (Learning Content Management System) trong nội bộ cơ sở giáo dục của bạn, chứ không thể chia sẻ và sử dụng/sử dụng lại rộng rãi trên internet với các cơ sở giáo dục khác được.
Lý do là vì theo Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam hay của bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, một khi một tác phẩm được sáng tạo ra, nó sẽ được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ về bản quyền và các quyền của tác giả, bất kể tác giả có hay không đăng ký tác phẩm đó; và bất kỳ ai muốn sử dụng tác phẩm đó, ví dụ để sửa đổi tác phẩm đó, đều phải xin phép tác giả.
Nhưng một khi tác phẩm đó được cấp phép mở, ví dụ, để nó trở thành tài nguyên giáo dục mở, thì điều này đồng nghĩa với việc tác giả của tác phẩm đó cho phép trước để bất kỳ ai cũng có thể sử dụng/sử dụng lại nó mà không cần phải xin phép tác giả nữa, và người sử dụng, thông qua giấy phép đó, biết rõ họ có các quyền gì và tác giả giữ lại các quyền gì đối với tác phẩm đó, vì thế họ hoàn toàn yên tâm và hợp pháp sử dụng tác phẩm đó mà không sợ vi phạm bản quyền tác giả của tác phẩm đó.
Nói một cách khác, việc cấp phép mở cho các tư liệu giáo dục, ví dụ, để chúng trở thành tài nguyên giáo dục mở, sẽ cho phép việc chia sẻ mở chúng trong và giữa các cơ sở giáo dục với nhau trên internet một cách rộng rãi, thậm chí ở mức toàn cầu, nhờ đó mà tránh được việc đúp bản nội dung không cần thiết, tiết kiệm được chi phí cả nhân lực, vật lực, thời gian và tiền bạc, bên cạnh những lợi ích khác, trong khi vẫn tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ của người nắm giữ bản quyền và đưa ra sự cho phép trao cho công chúng các quyền để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại các tư liệu giáo dục đó.
Nếu không có việc cấp phép mở rõ ràng, sẽ không có bất kỳ tài nguyên nào là tài nguyên mở cả, không tài nguyên truy cập mở, không tài nguyên giáo dục mở, không dữ liệu mở, và người sử dụng các tài nguyên đó sẽ luôn ở trong tình trạng có thể bị kiện vi phạm bản quyền bất kỳ lúc nào.
PV: Như ông đã chia sẻ, thực hiện chuyển đổi số phải gắn với một nền giáo dục mở, hiện nay chúng ta đang hướng đến xã hội học tập, muốn thực hiện được mục tiêu này, thực hiện chuyển đổi số phải gắn liền, phát triển giáo dục mở như thế nào?
Ông Lê Trung Nghĩa: Giáo dục Mở theo Liên minh Xuất bản Học thuật và Tài nguyên Hàn lâm – SPARC (Scholarly Publishing and Academic Resources Coalition) được định nghĩa là giáo dục xoay quanh các tài nguyên, công cụ và thực hành là tự do, không có các rào cản về tài chính, pháp lý và kỹ thuật và có thể hoàn toàn được sử dụng, được chia sẻ và được tùy chỉnh trong môi trường số. Giáo dục Mở tối đa hóa sức mạnh của Internet để làm cho giáo dục kham được hơn, truy cập được và hiệu quả hơn. Nền tảng của Giáo dục Mở là Tài nguyên giáo dục Mở.
Vì thế, để chuyển đổi số trong giáo dục thành công, một mặt nên bám sát vào Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở đã được 193 quốc gia thành viên của UNESCO thông qua vào tháng 11/2019 cũng như Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO cũng vừa được 193 quốc gia thành viên của UNESCO thông qua vào tháng 11/2021, ở đó khuyến khích truy cập tự do không mất tiền tới kiến thức khoa học mở, bao gồm: các xuất bản phẩm khoa học; các dữ liệu nghiên cứu; tài nguyên giáo dục mở; phần mềm nguồn mở và mã nguồn mở; và phần cứng mở.
Mặt khác, để phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, ưu tiên hàng đầu ở thời điểm hiện nay là có chính sách cấp phép mở quốc gia để từ đó các tài nguyên, dữ liệu có thể được cấp phép mở rõ ràng từ các tác giả của chúng, bằng cách đó cho phép trước người sử dụng các quyền cần thiết để họ có thể truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại các tư liệu giáo dục đó một cách hợp pháp.
Chính sách cấp phép mở quốc gia cần nêu rõ tất cả các xuất bản phẩm/dữ liệu nghiên cứu và bất kỳ tài nguyên nào được tạo ra từ ngân sách nhà nước cấp, nghĩa là từ tiền đóng thuế của người dân, thì cần được cấp phép mở để phục vụ trở lại cho những người đóng thuế. Vì trên thực tế, những người đóng thuế đã trả tiền cho các xuất bản phẩm/dữ liệu nghiên cứu, các tài nguyên đó rồi, ngoại trừ những xuất bản phẩm/dữ liệu/tài nguyên có liên quan tới an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân.
Việc phát triển các nguồn tài nguyên giáo dục mở phong phú và chất lượng cao chắc chắn đóng góp vào việc phát triển hàng hóa công cộng và những điều chung của giáo dục để phục vụ không chỉ cho giáo dục chính quy, mà còn cho cả giáo dục phi chính quy và không chính quy, hướng tới học tập suốt đời.
UNESCO hiện đang triển khai các bước đi đầu tiên của sáng kiến “Tương lai của giáo dục” tới năm 2050 nhằm đưa học tập suốt đời vượt ra khỏi chương trình nghị sự chính sách giáo dục và việc làm để hướng tới việc biến nó trở thành một quyền cơ bản của con người.
Về việc thúc đẩy ứng dụng và phát triển tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho việc chuyển đổi số trong giáo dục, ở thời điểm hiện tại, có thể gợi ý một số việc cần làm sớm.
Thứ nhất, có chính sách cấp phép mở mức quốc gia càng sớm càng tốt.
Thứ hai, có chính sách để càng nhiều càng tốt các kiến thức khoa học là mở, được cấp phép mở, đặc biệt là các kiến thức khoa học được tạo ra từ ngân sách nhà nước, từ tiền của những người đóng thuế, miễn là chúng không phải là các kiến thức khoa học thuộc về lĩnh vực an ninh quốc gia và quyền riêng tư của công dân, trên cơ sở hài hòa hóa lợi ích của các bên liên quan tới khoa học mở.
Thứ ba, xây dựng các khung năng lực số cho một số đối tượng quan trọng, cả tổ chức và cá nhân, để có thể giúp đánh giá tổ chức hay cá nhân nào có đủ năng lực số để xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số cho Việt Nam, qua đó xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực số cho phù hợp với các đối tượng. Lồng ghép các khung năng lực số đó vào chương trình giảng dạy giáo dục số ở mọi cấp học trong cả giáo dục chính quy, phi chính quy, không chính quy và học tập suốt đời.
Thứ tư, bám sát các nội dung được nêu trong Khuyến nghị Tài nguyên Giáo dục Mở và Khuyến nghị Khoa học Mở của UNESCO để xây dựng chính sách Khoa học Mở và Tài nguyên Giáo dục Mở cho Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế của thế giới, vừa phù hợp với bối cảnh triển khai chương trình chuyển đổi số của Việt Nam.
Thứ năm, xây dựng các hệ thống dựa vào công nghệ mở, hạ tầng mở, các tiêu chuẩn mở với mục đích kết nối liên thông các thư viện, kho lưu trữ, viện bảo tàng và bất kỳ nơi nào có thể cung cấp các tài nguyên số được cấp phép mở để cho phép trước bất kỳ ai cũng có quyền tự do không mất tiền và hợp pháp để truy cập, sử dụng lại, tái mục đích, tùy chỉnh và phân phối lại các kiến thức khoa học mở đó vì lợi ích của xã hội và tất cả mọi người.
Trân trọng cảm ơn ông!