Báo chí truyền thông thế giới 2021: Một năm nhìn lại
Báo chí - Ngày đăng : 18:05, 01/02/2022
"Cuộc chiến" trả phí thông tin giữa Facebook với Australia: Mở ra một ngã rẽ mới cho ngành báo chí - truyền thông toàn cầu
Ngày 17/2/2021, gã khổng lồ mạng xã hội Facebook đã gây ra tranh cãi gay gắt với việc tuyên bố chặn người dùng Australia xem hoặc chia sẻ nội dung tin tức từ mọi hãng thông tấn trong và ngoài nước. Động thái đã khiến 17 triệu người dùng ở Australia không thể xem hay chia sẻ tin tức từ các tờ báo trong nước lên mạng xã hội. Đây được xem là đòn đáp trả của Facebook khi chính phủ Australia dự kiến thông qua dự luật buộc các nền tảng trực tuyến như Facebook và Google chia sẻ lợi nhuận với các hãng thông tấn khi tin tức gốc được hiển thị và chia sẻ trên các trang Facebook Newsfeed và Google Search.
Trên thực tế, những năm gần đây, Facebook và Google đã vấp phải những tranh cãi với các nhà xuất bản tin tức về cách hiển thị nội dung của mình. Các công ty truyền thông cho rằng bằng cách hiển thị quảng cáo bên cạnh các đường link dẫn đến bài viết (đôi lúc kèm cả những tóm tắt ngắn gọn và hình ảnh), Google và Facebook đã kiếm tiền từ những nội dung mà chính họ không hề làm ra. Từ quan điểm tin tức không miễn phí, các nhà lập pháp Australia cho rằng một dự luật buộc các ông lớn công nghệ chia sẻ lợi nhuận cho hãng thông tấn là lẽ dĩ nhiên nhằm cân đối lại lợi ích giữa một bên là nền tảng kỹ thuật số, một bên là thực thể cung cấp tin tức.
Tuy nhiên, từ góc độ các ông lớn công nghệ như Facebook và Google, họ khẳng định rằng chính các nền tảng này đã giúp thu hút một lượng lớn độc giả đến trang web tin tức của các hãng thông tấn thông qua chức năng chia sẻ mà không mất phí.
Cả hai bên đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình nhưng rõ ràng các hãng truyền thông trên toàn thế giới đang phải chịu một môi trường cạnh tranh khắc nghiệt, đến từ các nền tảng mạng xã hội và kênh trực tuyến miễn phí. Sự phát triển mạnh mẽ, nếu không nói là thống trị của các "ông lớn" công nghệ càng tương phản với bức tranh "màu xám" của ngành báo chí thế giới.
Đối diện với sức ép từ Canberra, thay vì thẳng tay chặn đứng người dùng Australia truy cập nền tảng như cách Facebook đã làm, Google đã khôn ngoan hơn khi nhanh chóng chọn cách giải quyết êm đẹp bằng cách ký thỏa thuận với một loạt hãng thông tấn hoạt động tại Australia, bao gồm cả điều khoản chia sẻ lợi nhuận.
Về phía Facebook, sau những căng thẳng với chính phủ Australia, nền tảng mạng xã hội này cũng đã chấp nhận nhượng bộ và đạt được các thỏa thuận trả phí cho việc sử dụng nội dung tin tức với một số hãng truyền thông lớn của Australia.
Cuối tháng 2/2021, với việc chính thức thông qua Dự luật Đàm phán truyền thông, Australia đã trở thành quốc gia đi đầu trong việc đưa ra dự luật yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải trả phí sử dụng nội dung tin tức cho các hãng truyền thông bản địa. Luật mới của Australia có thể tạo một tiền lệ và hiệu ứng lan truyền cho sự ra đời của các bộ luật tương tự trên khắp thế giới, khi các chính phủ tính đến việc ổn định môi trường truyền thông đang thay đổi nhanh chóng.
Và thực tế cho thấy, sau cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa Chính phủ Australia và Facebook, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã bắt đầu tìm cách siết chặt quản lý các "gã khổng lồ" công nghệ để bảo đảm quyền lợi cho các cơ quan báo chí trong nước. Có thể nói, các bộ luật, quy định mới ra đời đồng loạt dành cho các mạng xã hội báo hiệu động thái mạnh tay hơn của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook… ngày càng tạo ra nhiều sức ảnh hưởng song lại có quá ít trách nhiệm với cộng đồng, thì vai trò thắt chặt kiểm soát của các chính phủ là cần thiết.
Chưa thể khẳng định rồi cuộc chiến bản quyền sẽ diễn tiến như thế nào, nhưng có thể thấy rõ, tương lai ngành báo chí thế giới đã có những cơ hội và ngã rẽ mới.
Một năm khó khăn đối với "ông lớn" mạng xã hội Facebook
Không quá khi cho rằng 2021 là một năm đầy khó khăn của Facebook. "Cuộc chiến" căng thẳng với Australia hồi đầu năm như một dự báo về một năm đầy khó khăn và sóng gió của nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới này.
Facebook trước đây cũng đã từng bị nhân viên tố cáo, gặp khủng hoảng truyền thông và phải ra điều trần. Tuy nhiên năm 2021, họ phải đối mặt với cả ba vấn đề cùng lúc.
Niềm tin bị suy giảm nghiêm trọng sau bê bối liên quan đến vụ rò rỉ tài liệu có tên gọi "Hồ sơ Facebook" (The Facebook Papers) từ Frances Haugen - cựu quản lý sản phẩm của Facebook, được giới phân tích đánh giá là khủng hoảng khốc liệt và có quy mô lớn nhất trong 17 năm qua của Facebook.
Rắc rối bắt đầu từ giữa tháng 9 khi Haugen chia sẻ nghiên cứu của Facebook với Wall Street Journal, cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới biết rõ những tác động tiêu cực của Instagram lên trẻ vị thành niên, đặc biệt là nữ giới, nhưng nền tảng mạng xã hội này vẫn phớt lờ để kiếm lời. Sau đó, hàng trăm tài liệu khác được trình lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) với nội dung liên quan đến các nhóm kích động bạo lực trong vụ bạo loạn đồi Capitol ngày 6/1, việc kiểm duyệt nội dung ở một số quốc gia không nói tiếng Anh, hay cách những kẻ buôn người đã dùng Facebook như một công cụ giao dịch...
Theo hãng tin CNN, Haugen cho biết, có nhiều tài liệu cho thấy Facebook biết rõ nền tảng của họ được dùng để phát tán sự thù ghét, bạo lực và thông tin sai lệch. Và rằng, công ty này đã cố gắng che giấu các bằng chứng trên.
Chia sẻ trên chương trình "60 Minutes", Haugen cũng cho biết: "Điều tôi thấy ở Facebook hết lần này tới lần khác là sự xung đột lợi ích giữa những gì tốt cho công chúng và những thứ tốt cho Facebook. Và Facebook hết lần này tới lần khác chọn cách tối ưu hóa lợi ích, thay vì lợi ích cộng đồng".
Các cuộc chỉ trích xuất hiện tràn ngập trên các mặt báo, phương tiện truyền thông, có ít nhất 17 tổ chức truyền thông lớn của Mỹ, trong đó Wall Street Journal, Financial Times và Washington Post đã đăng tải một loạt các bài báo dựa trên hàng ngàn trang tài liệu nội bộ của Facebook bị rò rỉ từ Frances Haugen.
Tuy nhiên, thay vì tìm cách xử lý các vấn đề khiến người dùng lo ngại, Facebook lại chĩa mũi dùi vào cựu nhân viên, cố hạ uy tín của Haugen.
Trước đó, hồi tháng 4, cộng đồng mạng toàn cầu cũng được phen "xôn xao" khi xuất hiện thông tin dữ liệu cá nhân của hơn nửa tỷ người dùng Facebook bị rò rỉ. Business Insider dẫn nguồn từ công ty tình báo tội phạm mạng Hudson Rock của Israel cho biết, dữ liệu cá nhân của 533 triệu người dùng Facebook từ 106 quốc gia trên thế giới đã được đăng tải và cung cấp miễn phí trên một website dành cho tin tặc. Các thông tin cá nhân bị lộ lọt được Hudson Rock đánh giá là rất chi tiết, bao gồm: Số điện thoại, tài khoản Facebook, tên đầy đủ, vị trí, ngày sinh, tiểu sử và địa chỉ email.
Theo ông Alon Gal, đồng sáng lập Hudson Rock và là người đầu tiên phát hiện ra sự việc này, dữ liệu bị rò rỉ đã được lưu hành trực tuyến từ tháng 1/2021 sau khi ông đọc được quảng cáo "rao bán" một phần mềm chuyên thực hiện các tác vụ tự động trên Internet (còn được gọi là bot), có thể cung cấp số điện thoại cho hàng trăm triệu người dùng Facebook.
Gọi đây là "sự bất cẩn đáng trách" của Facebook, vị chuyên gia an ninh mạng này nhận định trên trang Twitter cá nhân rằng, dù đã có "tuổi đời" vài năm trở lại đây nhưng lượng thông tin quá lớn như vậy vẫn có thể có giá trị đối với tội phạm mạng. Thậm chí, nhiều số điện thoại bị rò rỉ vẫn thuộc về chủ sở hữu các tài khoản Facebook. "Kẻ xấu sẽ lợi dụng những thông tin bị lộ lọt đó trong các vụ lừa đảo, tấn công mạng hay tiếp thị", ông Gal nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên mạng xã hội lớn nhất thế giới "sa lầy" vào bê bối rò rỉ hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng vào mục đích riêng. Đối mặt với các vấn đề bảo mật dữ liệu trong nhiều năm nhưng Facebook vẫn chưa có được những động thái cụ thể, toàn diện để ngăn ngừa tình trạng đó.
Rõ ràng với những gì đã xảy ra trong một năm qua, uy tín và lòng tin của người dùng dành nền tảng mạng xã hội lớn nhất này đã bị xói mòn và ảnh hưởng nghiêm trọng. Sau một loạt những sai lầm và bê bối, chưa có những giải pháp giải quyết vấn đề hợp lý, Facebook đã nhanh chóng lên kế hoạch đổi tên thương hiệu nhằm chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi những lộn xộn, rắc rối vẫn đang hiện hữu. Động thái này được đánh giá là nỗ lực rõ ràng nhất để lật ngược tình thế.
Chia sẻ về vấn đề này, Arielle Garcia, Giám đốc quyền riêng tư tại UM Worldwide cho biết: "Việc đổi thương hiệu và xoay trục dường như là một nỗ lực để làm chệch hướng một số sự chú ý từ các vụ bê bối gần đây, đồng thời tham gia vào một lĩnh vực mới mà Facebook có thể cảm thấy có vị trí tốt hơn để định hình các quy tắc".
Tuy nhiên, "chiếc áo mới" không chắc có thể che đậy được những vấn đề tồn tại lâu năm đang bị phơi bày trước công chúng.
Hồ sơ Pandora: Khẳng định vai trò của công nghệ và báo chí điều tra
Đầu tháng 10, cả thế giới chấn động trước một vụ rò rỉ kho dữ liệu dung lượng 2,94 terabyte được gọi là "Hồ sơ Pandora" (Pandora Papers) do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố, tiết lộ bí mật trốn thuế của giới thượng lưu giàu có từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, bao gồm hơn 330 chính trị gia và 130 tỷ phú theo danh sách của Forbes, cũng như những người nổi tiếng, những kẻ lừa đảo, buôn bán ma túy, các thành viên hoàng gia và lãnh đạo trên khắp thế giới.
Để tạo được một khối thông tin dữ liệu có sức nặng và tính chính xác cao này đòi hỏi sự nỗ lực lớn và không ngừng nghỉ của hàng trăm nhà báo, hãng truyền thông trên thế giới. Cụ thể, cuộc điều tra về Hồ sơ Pandora đánh dấu dự án hợp tác lớn nhất từ trước đến nay giữa các cơ quan truyền thông với sự tham gia của hơn 600 nhà báo từ 150 hãng truyền thông ở 117 quốc gia.
Cuộc điều tra dựa trên các tài liệu bị rò rỉ từ 14 nhà cung cấp dịch vụ ở 38 khu vực pháp lý khác nhau trên thế giới. Họ cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho các cá nhân và tập đoàn giàu có muốn xây dựng các công ty bình phong, quỹ tín thác tại các thiên đường thuế.
Hơn 11,9 triệu dữ liệu ICIJ nhận được phần lớn trong trạng thái hỗn độn và nhiều thông tin được mã hóa. Các tài liệu bao gồm hộ chiếu, bảng sao kê ngân hàng, tờ khai thuế, hồ sơ thành lập công ty, hợp đồng bất động sản và bảng câu hỏi thẩm định. Hơn một nửa số tệp (6,4 triệu) là tài liệu văn bản, bao gồm hơn 4 triệu tệp PDF, một số trong số đó có tài liệu dài hơn 10.000 trang. Cũng có hơn 4,1 triệu hình ảnh và email trong vụ rò rỉ, bảng tính chiếm 4% tài liệu với hơn 467.000 file. Do đó, việc xử lý đòi hỏi nhiều quy trình công phu và phức tạp.
Để khám phá và phân tích thông tin trong Hồ sơ Pandora, các nhà báo quốc tế đã xác định các tệp chứa thông tin có lợi về quyền sở hữu theo công ty và khu vực tài phán và cấu trúc nó cho phù hợp. Dữ liệu của mỗi nhà cung cấp yêu cầu một quy trình khác nhau. Trong trường hợp thông tin ở dạng bảng tính, ICIJ đã loại bỏ phần trùng lặp và tổng hợp tất cả vào thành một bảng duy nhất. Đối với những tư liệu phức tạp hơn, như thông tin mã hóa, ICIJ phải sử dụng đến học máy (machine learning) và các công cụ giải mã để tìm kiếm và trích xuất thông tin cần thiết.
Sau khi thông tin được lọc và sắp xếp, ICIJ đã tạo một danh sách kết nối tên người với các công ty vỏ bọc họ sở hữu tại thiên đường thuế. Trong một số trường hợp, thông tin bị thiếu khuyết, ICIJ đã tiến hành 2 vòng fact-check để đảm bảo những người có tên trong dữ liệu là có thật và loại bỏ một số thông tin ảo.
ICIJ chia sẻ hồ sơ với các đối tác truyền thông thông qua Datashare, một công cụ phân tích và nghiên cứu bảo mật do ICIJ phát triển. 150 tờ báo và đơn vị truyền thông đã cùng chia sẻ các kỹ năng phân tích điều tra, đầu mối tìm được và các thông tin khác thông qua I-Hub toàn cầu, một nền tảng nhắn tin và mạng xã hội bảo mật của ICIJ. Trong suốt dự án, ICIJ cũng đã tổ chức các buổi đào tạo mở rộng cho các đối tác về việc sử dụng công nghệ của ICIJ để phân tích điều tra.
Tất cả những cách thức phân tách và cấu trúc dữ liệu trên không thể hoàn thành nếu các nhà báo không ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả. Điều đó đã cho thấy vai trò quan trọng và sự cần thiết của công nghệ trong quy trình làm báo hiện nay.
Pierre Romera, thành viên của nhóm các nhà báo điều tra quốc tế và là giám đốc công nghệ, người giám sát công nghệ và bảo mật của ICIJ cho biết, dữ liệu của ICIJ luôn được đảm bảo an toàn và mạng lưới phóng viên toàn cầu của ICIJ có tất cả các công cụ cần thiết để phát triển.
"Chúng tôi ứng dụng công nghệ ở khắp mọi nơi vì chúng tôi tin rằng đó là điều cho phép chúng tôi điều phối các cuộc điều tra quy mô lớn mà nếu không có công nghệ, sẽ không thể thực hiện được", Pierre Romera chia sẻ và cho biết thêm, nhiệm vụ cốt lõi của ông là giúp thiết lập tất cả các nền tảng mà ICIJ sử dụng, Datashare, nền tảng sử dụng để tìm kiếm tài liệu, I-Hub, tòa soạn số và tất cả các nền tảng đặc biệt mà ICIJ tạo ra để phục vụ các cuộc điều tra và xử lý từng tập dữ liệu bị rò rỉ.
Ngoài những công nghệ để xử lý tài liệu, ICIJ cũng rất chú trọng đến vấn đề bảo mật, bảo mật của tất cả các nền tảng và bảo mật của tất cả người dùng, các phóng viên và đối tác cũng như các nguồn tin ẩn danh của ICIJ.
"Hợp tác xuyên biên giới là một ví dụ về cách công nghệ thực sự có thể nâng cao hoạt động báo chí. Các nhà báo không thực sự quen với việc chia sẻ, nhưng ICIJ giúp họ thay đổi cách làm việc và tôi nghĩ điều đó thực sự có tác dụng truyền cảm hứng", Pierre Romera chia sẻ.
ICIJ đã tạo ra một kho tài liệu lớn nhất có thể tồn tại trong một tổ chức tin tức. Pierre Romera cho biết, mục tiêu của ICIJ là có thể tạo ra các cuộc điều tra mới nhưng cũng tiếp tục đào sâu vào kho tài liệu khổng lồ mà họ đang có và xây dựng câu chuyện với các tài liệu đã có trong kho lưu trữ. ICIJ muốn tạo ra những câu chuyện làm rung chuyển thế giới, thay đổi mọi thứ. Và Hồ sơ Pandora chính là lời khẳng định về vai trò của công nghệ và tầm quan trọng của báo chí điều tra đối với hoạt động báo chí hiện đại.
Trả phí tin tức trực tuyến có xu hướng chậm lại
Năm 2020 được ghi nhận là một năm bùng nổ và thành công của doanh thu trong lĩnh vực trả phí tin tức trực tuyến, thì năm 2021 là một năm khó khăn và căng thẳng đối với các tổ chức tin tức dựa vào các đăng ký kỹ thuật số trả phí. Trong những năm đầu khi triển khai các chương trình thuê bao kỹ thuật số, sự tăng trưởng đến dễ dàng hơn khi độc giả trung thành, lâu năm chuyển đổi với số lượng lớn. Đặc biệt, năm 2020 khi đại dịch vừa bùng phát, thông tin giả, tin sai lệch tràn lan trên các phương tiện truyền thông, độc giả có xu hướng tìm đến những nguồn cấp tin tức đáng tin cậy và sẵn sàng trả phí cho những tin tức có giá trị gia tăng một cách nhanh chóng.
Theo Báo cáo Tin tức kỹ thuật số 2021 của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, trên 20 quốc gia mà các nhà xuất bản đã tích cực thúc đẩy đăng ký kỹ thuật số, 17% số người được hỏi cho biết họ đã trả tiền cho một số loại tin tức trực tuyến vào năm ngoái. Con số này tăng 2 điểm phần trăm trong năm ngoái và tăng năm điểm kể từ năm 2016 (12%). Ở một số quốc gia, các nhà xuất bản đã có những chiến lược nhằm gia tăng, thắt chặt tường phí, mở rộng độc giả bằng cách sử dụng dữ liệu để nhắm mục tiêu khách hàng mới và liên kết việc nhắn tin với các nội dung đáng tin cậy. Theo số liệu của Reuters, các quốc gia thành công nhất trong việc gia tăng lượng đăng ký trả phí cho tin tức trực tuyến trong năm 2021 là Na Uy 45% (+3) và Thụy Điển 30% (+3), Thụy Sĩ 17% (+4) và Hà Lan 17% (+3).
Tuy nhiên, con số gia tăng này là khá chậm và khiêm tốn so với năm 2020, và điều quan trọng là đại đa số người tiêu dùng ở những quốc gia này tiếp tục không đồng ý cho việc trả tiền cho bất kỳ tin tức trực tuyến nào. Ngoài việc nhiều độc giả không đồng ý việc trả phí vì họ thích lựa chọn đọc thông tin từ nhiều nguồn và không muốn bị giới hạn trong một hoặc hai ấn phẩm, thì không có đủ thu nhập khả dụng để ưu tiên tin tức hơn các phần khác trong cuộc sống của họ cũng là một lý do lớn.
Và trên thực tế, tốc độ tăng trưởng đăng ký kỹ thuật số đã có xu hướng chậm lại vào năm 2021. Do đó, điều quan trọng đối với các nhà xuất bản trong thời điểm bão hòa đăng ký không phải là nỗ lực mở rộng số lượng người dùng mà chính là phải có những chiến lược thông minh nhằm giữ chân thành viên đăng ký, những độc giả trung thành. Đó chính là những tài nguyên mà các nhà xuất bản cần tiếp tục duy trì để có thể phát triển bền vững.
Với những khó khăn và biến động chung do đại dịch COVID-19, năm 2021 có thể không được coi là một năm "sáng" của nền báo chí truyền thông nói chung, nhưng nổi trong bức tranh màu xám đó thì vẫn có những điểm sáng nhất định. Các xu hướng mà lẽ ra phải mất 10 năm để trở thành chuẩn mực đã trở thành "bình thường mới" trong vòng chưa đầy 10 tháng, đặc biệt là sự chuyển đổi của độc giả từ báo in sang các nền tảng kỹ thuật số. Sự đổi mới trong một loạt các mô hình kinh doanh khác dành cho các nhà xuất bản, từ thương mại điện tử, các khóa học trực tuyến, mở rộng thương hiệu và thậm chí cả các sự kiện ảo, sự kiện kết hợp đều được các nhà xuất bản tận dụng để đa dạng hóa nguồn doanh thu. Năm 2022, với những kỹ năng tồn tại và phát triển trong nghịch cảnh tích lũy được trong đại dịch, hy vọng về một "bình thường mới" nền báo chí truyền thông có thể có những bước đột phá mới với một bức tranh toàn cảnh tươi sáng hơn./.
Tài liệu tham khảo:
1. https://edition.cnn.com/2021/10/25/tech/facebook-papers/index.html
2.https://reutersinstitute.politics.ox.ac.uk/digital-news-report/2021/dnr-executive-summary
3.https://wan-ifra.org/2021/11/six-highlights-from-the-2022-innovation-in-news-media-world-report/
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 1 tháng 1/2022)