Trải nghiệm số trên thiết bị di động trong 10 năm tới sẽ như thế nào?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:36, 01/02/2022
Không ai (có thể ngoại trừ Steve Jobs) có thể dự đoán được tác động của iPhone khi chiếc điện thoại được giới thiệu vào năm 2007. Vô số điện thoại thông minh (smartphone) khác đã ra mắt với các tính năng phần cứng tinh tế như máy ảnh tiên tiến, độ phân giải 4K và màn hình khổng lồ. Nhưng không phải những tính năng này khiến mọi người nhanh chóng từ bỏ “điện thoại cục gạch” và chuyển sang sử dụng smartphone - mà chính là những trải nghiệm các thiết bị này mang lại, như mạng xã hội toàn cầu, phát nhạc trực tuyến, mua sắm trực tuyến và nhiều thứ khác.
Với sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến, smartphone sẽ mang đến những trải nghiệm di động đột phá hơn nữa trong thập kỷ tới - những trải nghiệm mà chúng ta thậm chí không thể tưởng tượng được khi iPhone lần đầu tiên được giới thiệu.
Những trải nghiệm di động tiếp theo sẽ như thế nào trong 10 năm tới?
Tương tác bằng giọng nói và tin nhắn sẽ trở thành chuẩn mới
Hiện tại, vẫn chưa có đủ tiện ích trải nghiệm di động cho người dùng. Smartphone vẫn yêu cầu người dùng phải vuốt qua quá nhiều màn hình để đặt đồ ăn hoặc mua một mặt hàng quần áo.
Trong tương lai gần, hy vọng sẽ có nhiều thương hiệu tận dụng chức năng văn bản và thông báo đẩy cũng như những cách dễ dàng hơn để khách hàng sử dụng lệnh thoại trong ứng dụng của họ. Không lâu sau, thông qua theo dõi hoạt động theo vị trí địa lý và trí tuệ nhân tạo (AI), một ứng dụng như Starbucks sẽ sử dụng máy học để gửi thông báo hỏi khách hàng liệu họ có muốn đặt hàng cà phê trước khi mở ứng dụng hay không.
Các trải nghiệm online và offline sẽ hợp nhất làm một
Các thương hiệu đang nỗ lực nâng cao trải nghiệm của khách hàng, chẳng hạn các cảm biến nhỏ sẽ gửi mã giảm giá cho những khách hàng sử dụng ứng dụng khi họ ghé thăm gian hàng.
Trong tương lai, các trải nghiệm số và vật lý sẽ cực kỳ thống nhất. Ví dụ, các công viên giải trí sẽ có thể xác định một thành viên trung thành đang xếp hàng chờ đi xe (đây là trải nghiệm vật lý, trải nghiệm thực tế về vị trí của khách hàng) và cung cấp cho họ một chuyến đi nhanh chóng kịp thời ngay trên ứng dụng của công viên (từ trải nghiệm thực tế đến trải nghiệm trong ứng dụng được thực hiện một cách liền mạch).
Đó chỉ là một ví dụ về cách các công ty sử dụng dữ liệu của bên thứ nhất và bên thứ ba để đưa ra quyết định sáng suốt cho các cá nhân người dùng, đặt mình vào vị trí của họ và cung cấp nhiều trải nghiệm được cá nhân hóa hơn.
Các công ty sẽ cải tổ hoạt động trở thành công ty công nghệ và cuối cùng là công ty dịch vụ dữ liệu
Peloton có thể được biết đến như một công ty thiết bị tập thể dục. Nhưng họ cũng là một doanh nghiệp công nghệ tiên tiến với phần mềm và một hệ sinh thái số phát triển cao để bán thiết bị tập luyện. Trong thập kỷ tới, nhiều công ty sẽ trở thành công ty tiên phong kỹ thuật số trong quá trình nghiên cứu và phát triển để tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Ngoài ra, nhiều công ty sẽ mất toàn bộ 10 năm tới để trở thành công ty dịch vụ dữ liệu cung cấp hàng hóa và dịch vụ. Các công ty có tư duy tiến bộ sẽ tiến triển nhanh hơn, tiết kiệm nhiều năm nỗ lực và chi phí bằng cách bổ sung các nhóm khoa học dữ liệu cho tất cả các tầng lớp, thành phần trong doanh nghiệp.
Các thương hiệu sẽ hợp tác để tạo ra nhiều trải nghiệm hấp dẫn hơn
Không sớm thì muộn, các thương hiệu sẽ nhận ra rằng họ có thể tạo ra giá trị lớn hơn cho khách hàng bằng cách làm việc cùng nhau khi chia sẻ dữ liệu. Dữ liệu do một thương hiệu sở hữu có thể cực kỳ có giá trị đối với thương hiệu khác và ngược lại, đó là lý do tại sao có nhiều công ty tham gia vào quan hệ đối tác chia sẻ dữ liệu với nhiều tập đoàn.
Ví dụ, các cửa hàng tiện lợi tại các trạm xăng sẽ do một bên thứ ba điều hành mà không phải là một công ty gas. Do đó, họ thu thập dữ liệu một cách riêng biệt (ví dụ: dữ liệu ứng dụng khách hàng của cửa hàng tách biệt với dữ liệu được thu thập bằng cảm biến theo dõi trong các máy bơm của trạm xăng).
Tuy nhiên, nhiều trạm xăng và cửa hàng đã chia sẻ dữ liệu để tạo ra trải nghiệm khách hàng tuyệt vời, đôi bên cùng có lợi và thúc đẩy mua hàng. Vì vậy, một khách hàng sử dụng ứng dụng của cửa hàng tiện lợi có thể được cung cấp mã giảm giá cho đồ uống yêu thích của họ vào lần tiếp theo khi họ mua xăng hoặc nhận chiết khấu khi mua một miếng bánh pizza tại cửa hàng.
Trải nghiệm khách hàng trên thiết bị di động trong 10 năm tới sẽ đầy đổi mới với thiết kế lấy con người làm trung tâm. Cũng giống như chúng ta nhìn lại mọi thứ đã tiến xa như thế nào kể từ chiếc iPhone đầu tiên, trong 10 năm tới, chúng ta cũng sẽ có những trải nghiệm “nhìn lại” tương tự. Chúng ta thậm chí có thể đang nhớ lại mọi thứ từ tầng cao ảo trong metaverse. Sự phát triển tiếp theo này của internet sẽ mở ra môi trường nhập vai với các tương tác kỹ thuật số mới mà ngày nay chúng ta chỉ mới bắt đầu hình dung./.