Với CNTT, không nhất thiết phải học theo xu hướng vì nó thay đổi rất nhanh
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 15:28, 01/02/2022
Thành công trong lĩnh vực CNTT không nhất thiết phải học chuyên ngành công nghệ
Để dẫn chứng, ông Long đã kể lại câu chuyện của một nhân sự ở MoMo, đó là Tăng Thị Hà Yên, quản lý của nhóm học máy (machine learning), đang quản lý trên 20 kỹ sư làm về mảng này. Trước khi gia nhập MoMo, Hà Yên có nền tảng về chuyên ngành Toán Tin và bằng tiến sĩ về toán tại đại học Berkely Mỹ. Khi ứng tuyển vào MoMo, Hà Yên được phỏng vấn bởi các lãnh đạo cao cấp nhất của MoMo. Mặc dù kinh nghiệm tại một công ty công nghệ gần như chưa có nhưng Hà Yên được đánh giá cao về tiềm năng và tin rằng nền tảng toán học sẽ giúp ích rất nhiều cho các bài toán về Fintech của MoMo.
Sau khi được trao cơ hội ở những công việc khác nhau, Hà Yên đã chọn mảng chấm điểm tín dụng (credit scoring). "Cuối cùng với kỹ năng của mình, sau 1 năm, Hà Yên đã có những thành công nhất định, với sản phẩm thành công nhất về AI của MoMo - chấm điểm tín dụng. Trong đội ngũ, mọi người cũng đánh giá rất cao về năng lực của Hà Yên", ông Long nói.
Qua câu chuyện này, ông Long khẳng định, các bạn trẻ hãy học theo những gì mình thích và khả năng của bản thân, như vậy khả năng thành công sẽ cao hơn là việc theo xu hướng.
Cùng quan điểm, ông Thái Trí Hùng, Giám đốc Công nghệ MoMo khẳng định, theo quan sát của ông Hùng trong ngành công nghệ nói chung và MoMo nói riêng có những câu chuyện rất kì lạ, khi nhiều bạn học những ngành không liên quan nhưng vẫn làm rất giỏi. Ví dụ như trước đây, có một sinh viên học ngành Mỏ địa chất nhưng thích làm lập trình và đăng ký vào chương trình MoMo Talent, giờ đang nắm một vai trò rất quan trọng đó là người kết nối với hầu như toàn bộ các khách hàng tại Việt Nam của MoMo.
"Để thành công trong lĩnh vực CNTT, quan trọng là sở thích và tính chất cá nhân của mỗi người hơn là ngành học", ông Hùng bày tỏ.
Chưa kể, ngành CNTT thay đổi rất nhanh, không ai biết trước tương lai ngành nào sẽ là xu hướng trong tương lai, nên tốt nhất các bạn trẻ hãy làm việc và lựa chọn ngành học mà bản thân cảm thấy yêu thích và hạnh phúc.
Về câu chuyện đào tạo và tìm kiếm nhân sự công nghệ ở MoMo, ông Hùng cho rằng, không thể "hớt váng" bằng cách kéo người tài về mãi được mà cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với các trường đại học (ĐH). Mặc dù có quan hệ khá tốt với các trường ĐH cũng như có các buổi chia sẻ, tài trợ nhưng ông Hùng cho rằng, cách làm này chưa thực sự phù hợp. Do đó, trong năm 2021, MoMo đã bắt đầu thành lập một bộ phận chuyên trách để phối hợp cùng các trường đại học, để mời các chuyên gia AI ở công ty đến chia sẻ, giảng dạy và tạo cảm hứng cho các bạn trẻ, bắt đầu với trường RMIT và Fulbright.
"Thông qua các chương trình này, nếu các bạn sinh viên gia nhập MoMo thì rất tốt, còn nếu không thì tôi hy vọng có thể đóng góp một chút gì đó vào nền công nghệ của Việt Nam", ông Hùng nhấn mạnh.
Về lý do tại sao Momo lại cần nhiều nhân sự công nghệ như vậy, khi mà kế hoạch năm 2022 là khoảng 1.000 kỹ sư công nghệ, ông Hùng cho rằng, MoMo không chỉ là một ví điện tử mà còn là một siêu ứng dụng bao trùm tất cả các hoạt động hàng ngày của mỗi người dùng, kể cả những việc nhỏ nhặt nhất.
"Bất kỳ ai cũng thấy cuộc sống là vô tận và nhu cầu của con người cũng vậy, cho nên việc xây dựng những sản phẩm của MoMo cũng không có giới hạn. Chưa kể, MoMo cũng kỳ vọng mở rộng sản phẩm của mình từ thành phố lớn cho đến mọi vùng miền đất nước", ông Hùng nói.
Đầu tư vào AI thì không nên "bay bổng" và đặt kỳ vọng quá cao
Về câu hỏi lời khuyên khi đầu tư AI cho các doanh nghiệp (DN), ông Đặng Hoàng Vũ, Giám đốc AI mảng tăng trưởng kinh doanh cho rằng, bên cạnh việc đầu tư toàn diện, từ hạ tầng, công nghệ, đặc biệt là con người, quan trọng nhất là thời gian và niềm tin vào AI.
Cụ thể, một số DN nghĩ rằng, cứ đổ nhiều tiên vào là có thể làm được AI. Ông Vũ cho rằng, đây là một quan điểm sai, bởi vì dù sở hữu đội ngũ tốt, công nghệ cao thì cũng cần phải có thời gian, "giống như việc trồng cây, cần có thời gian để lớn lên và ra quả". Yếu tố quan trọng thứ 2, ông Vũ cho rằng, đó là niềm tin của ban lãnh đạo, của nhân viên dành cho nhau khi làm sản phẩm và hơn thế nữa là niềm tin người dùng cho công ty.
Cùng quan điểm, ông Hùng khẳng định, thời gian đầu tư vào AI phải tính bằng năm. Tuy nhiên, để bắt đầu đầu tư vào AI, dữ liệu là một yếu tố quan trọng. Nhiều người hay nói về "dữ liệu lớn", nhưng với MoMo, dữ liệu phải đúng trước, vì dữ liệu lớn mà toàn sai thì cũng vô nghĩa. Do đó, theo ông Hùng, MoMo đã đầu tư rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc cho hạ tầng dữ liệu. Với hơn 30 triệu người dùng, mỗi ngày hệ thống MoMo phải xử lý dữ liệu 15-17 TB dữ liệu.
Ngoài dữ liệu, với AI, đầu tư vào con người cũng là môt yếu tố quan trọng, vì công nghệ nói chung cũng do con người xây dựng.
Cuối cùng, khi đầu tư vào AI, việc quản lý kỳ vọng cũng rất quan trọng, vì nó không phải là công nghệ có thể MoMo nâng tầm giá trị từ 2 tỷ USD lên thành 50 tỷ USD. Cái khó của việc đầu tư AI là có thể tốn kém nhưng hiệu quả đến rất chậm. Vì vậy, phải thuyết phục mọi người đừng quá kỳ vọng, đừng quá bay bổng, thay vào đó cứ đặt chân trên mặt đất và đi từng bước, vừa làm vừa cải thiện. Như tại MoMo, cách làm của công ty là đưa AI len lỏi vào từng điểm chạm (touchpoint) trong việc tiếp cận và giao tiếp với người dùng.
"Tôi nghĩ là mọi người ở đây đều rất thực tiễn và không nghĩ AI thống trị hay tạo ra úng dụng gì đó hơi bay bổng. Cái tôi muốn tạo ra là sự dễ dàng vì AI tốt là AI mà mọi người không nhận ra đó là AI", ông Hùng kết luận./.