Mừng tuổi sách để lan tỏa văn hóa đọc
Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 07:25, 01/02/2022
Tết đến Xuân về mừng tuổi nhau bằng sách để bồi đắp tri thức, mở mang tâm trí, sẵn sàng đón nhận thách thức cũng là tặng nhau cơ hội để vươn tới thành công trong cuộc sống.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định: "Bây giờ nhiều người nói về công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng loài người nói chung, dân tộc ta nói riêng muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn... Dù hình thức có những thay đổi nhưng đọc sách sẽ vẫn là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên". Vì vậy, chúng ta nhất định phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của sách và tiếp tục lan tỏa nhiều hơn nữa văn hóa đọc trong giới trẻ.
Còn gì thư thái hơn khi được lật giở những trang sách, cùng nhau bình luận nội dung hay, những câu chuyện ấm áp tình yêu thương, trong những ngày Tết quây quần bên gia đình, bạn bè. Tặng sách và đọc sách cũng là một cách khuyến học, tiếp nối truyền thống trọng chữ của ông cha, động viên lối sống tích cực, lạc quan, yêu đời, nhất là với giới trẻ hôm nay.
"Mừng tuổi bằng sách sẽ mang đến những giá trị tinh thần, sẽ tạo dựng văn hóa đọc" - PGS.TS Trịnh Hòa Bình - chuyên gia xã hội học nhận định. Không những thế, khi mừng tuổi bằng sách cảm giác về mệnh giá tờ tiền sẽ ít nhiều giảm đi.
Nhà báo Trương Anh Ngọc cũng từng chia sẻ: Nhà mình từ nhiều năm nay không mừng tuổi cho trẻ con bằng tiền nữa. Đừng nghĩ là mình tiếc tiền... Nhà mình làm điều ấy chính là vì muốn tiếp tục truyền cảm hứng cho trẻ về ý thức đọc sách, tình yêu với sách, một thế giới mà chúng nên tiếp cận, thay vì nhận được tiền lì xì từ khi còn bé.
Chị N.T.N.Đ (Long Biên) chia sẻ: "Trong gia đình, tôi cũng đã và đang từng bước hình thành thói quen đọc sách cho các con. Từ những cuốn truyện cổ tích ngắn, dễ thuộc, dần dần là các tác phẩm văn học, triết lý sâu xa. Lúc đầu các cháu nhà tôi rất ngạc nhiên và phần "chưng hửng" khi được mừng tuổi sách, nhưng sau khi đọc các cuốn sách, các con đã thay đổi hẳn thái độ. Giờ đây, mỗi dịp Tết đến là các con tôi lại háo hức đón chờ những cuốn sách mới".
Tại miền Nam, Nhà thơ Nguyễn Phong Việt đề xuất: "Tôi nghĩ hình thức "lì xì sách ngày Tết" có thể xem như là quà đính kèm cùng bao lì xì. Để vẫn giữ niềm vui trọn vẹn với tiền mừng tuổi nhưng lại được thêm một cuốn sách với những kiến thức bổ ích của cuộc sống. Như một cách mở đầu năm mới bằng cả sự may mắn trong tiền bạc lẫn giá trị tinh thần". Còn riêng với những nơi trẻ con có "thu nhập khá" từ tiền lì xì thì cha mẹ nên khuyến khích chúng dùng tiền đó để mua sách hơn là đổ vào những món đồ chơi, trò game vô bổ.
Mừng tuổi sách trong dịp năm mới là một sáng tạo truyền thống đẹp, đáng để lan tỏa, không chỉ giúp gìn giữ và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là các em nhỏ mà còn giúp định hướng các em biết cách sử dụng đồng tiền vào việc trang bị cho mình những đồ vật có ý nghĩa với bản thân.
Việc lựa chọn mừng tuổi bằng sách vừa có thể giới thiệu cho các em nhiều đầu sách hay để đọc trong những khoảng thời gian không thể đến trường lớp vui chơi cùng bạn bè vừa tiếp tục khuyến khích và duy trì thói quen đọc sách và tự học, tự nghiên cứu là những kỹ năng rất cần thiết trong thời đại mới.
Mừng tuổi sách đã trở thành một thói quen đẹp chứa đựng sự quan tâm chân thành. Trẻ em thay vì dán mắt vào điện thoại thông minh, máy tính bảng sẽ chăm chú vào sách. Nói như nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung: "Một ngày đọc sách sẽ là điểm tiếp nối việc tạo dựng một bản sắc mới cho nền văn hóa dân tộc, sẽ là điểm khởi đầu cho một nền tri thức mới của nước nhà"./.