MobiFone tập trung chuyển đổi số theo 6 mảng chính
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:26, 01/02/2022
Nhân dịp Xuân mới 2022, PV Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với ông Vĩnh Tuấn Bảo, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone về chiến lược, kế hoạch CĐS cũng như kế hoạch triển khai 5G và đổi mới sáng tạo (ĐMST) của MobiFone.
6 mảng nội dung CĐS
PV: Hiện nay, CĐS là xu hướng tất yếu và MobiFone là doanh nghiệp (DN) công nghệ số, xin ông chia sẻ chiến lược CĐS của MobiFone trong năm 2022 và 5 năm tới? MobiFone đã có những thay đổi cũng chuẩn bị như thế nào để CĐS?
Ông Vĩnh Tuấn Bảo: Ý thức được sứ mệnh là một DN tiên phong trong công cuộc CĐS của quốc gia, MobiFone đã hoàn tất xây dựng chiến lược CĐS cho giai đoạn 5 năm, tầm nhìn tới 2030, với định hướng lấy khách hàng là trung tâm (customer centric). Chiến lược CĐS của MobiFone bao gồm 6 mảng chính: (1) phát triển sản phẩm; (2) hạ tầng; (3) dữ liệu; (4) quản trị nội bộ; (5) dịch vụ khách hàng; (6) văn hóa DN, tập trung trên 3 lĩnh vực: (1) hạ tầng số, (2) nền tảng/Giải pháp số, (3) dịch vụ số. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025 tầm nhìn 2030, MobiFone sẽ là một trong những DN dẫn đầu trong nước về công nghệ số. Theo đó, MobiFone xác định chuyển mình để bứt phá và đạt được nhiều kết quả đột phá.
Trong giai đoạn ngắn hạn, MobiFone đã và tập trung phát triển mạnh mẽ trên 3 lĩnh vực:
Về hạ tầng số, định hướng quan trọng của MobiFone là phát triển mạng 5G. MobiFone sẽ là một trong những DN đầu tiên triển khai mạng 5G thương mại ngay khi được Bộ TT&TT cấp giấy phép.
Về nền tảng/giải pháp số, Bộ TT&TT đã phê duyệt MobiFone là DN nòng cốt triển khai phát triển 15 nền tảng quốc gia. MobiFone xác định đây là sứ mệnh của DN với đất nước, đồng thời cũng là những cơ hội lớn, theo đó, tập thể lãnh đạo và CBCNV MobiFone rất phấn khởi, quyết tâm đổi mới mình và cam kết đồng hành trong công cuộc CĐS Quốc gia.
Ngoài ra, MobiFone sẽ cung cấp đến khách hàng hệ sinh thái trên gồm định danh, thanh toán điện tử, đào tạo, y tế, nông nghiệp, du lịch, thành phố thông minh, CĐS DN,… tích hợp cùng các công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), sinh trắc học, IoT… để tạo ra các sản phẩm ưu việt cung cấp cho chính phủ, xã hội, DN và người dân.
Về dịch vụ số, hiện nay MobiFone đã chính thức được cấp giấy phép cung cấp các dịch vụ chứng thực chữ ký số, trung gian thanh toán, mobile money, hóa đơn điện tử, truyền hình OTT và dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông.
Triết lý của chúng tôi là CĐS cần bắt đầu ngay từ những hành động nhỏ nhất, thực hiện từng bước nhỏ để đi đến mục tiêu xa theo tầm nhìn và sứ mệnh của MobiFone. Theo đó, chúng tôi cũng tăng cường lực lượng công nghệ, ĐMST và làm chủ công nghệ, đẩy mạnh định hướng "Make in MobiFone", tạo ra các sản phẩm mới không chỉ giúp thay đổi, nâng cao năng suất trong nội bộ mà còn cung cấp cho các khách hàng, đối tác trong hệ sinh thái CĐS MobiFone.
Với những nỗ lực triển khai CĐS, năm vừa qua MobiFone đã vinh dự nhận được hơn 20 giải thưởng trong lĩnh vực CNTT, trong đó có nhiều giải thưởng danh giá như top 10 DN cung cấp dịch vụ, giải pháp CNTT Việt Nam, top 10 giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Việt Nam", Giải Sao Khuê, Giải thưởng CĐS Việt Nam (VDA)…
PV: Là nhà mạng lớn của Việt Nam, là DN số, xin ông có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển hạ tầng số của MobiFone đóng góp CĐS quốc gia?
Ông Vĩnh Tuấn Bảo: Ngay từ đầu, MobiFone đã luôn ý thức được sứ mệnh là một DN tiên phong xây dựng các hạ tầng số, nền tảng số, coi đây là giải pháp đột phá để thúc đẩy công cuộc CĐS Quốc gia. Kế hoạch phát triển hạ tầng số của MobiFone bao gồm những thành phần chính:
Hạ tầng viễn thông: Đẩy mạnh đầu tư mở rộng và hiện đại hóa hạ tầng viễn thông di động đạt mức 38.000 vị trí trạm phát sóng (BTS), cũng như sẵn sàng triển khai phủ sóng mạng 5G ngay khi được cấp giấy phép. Về mạng truyền dẫn, MobiFone sẽ quang hóa 90 - 95% số trạm, cũng như đầu tư để sở hữu quyền sử dụng thêm từ 2 - 3 tuyến cáp quang biển quốc tế.
Hạ tầng trung tâm dữ liệu (TTDL) (data center): hoàn thiện và sở hữu 6 TTDL đạt chuẩn Uptime Tier3.
Hạ tầng big data: mở rộng dung lượng, tích hợp các tính năng phân tích, học máy trong phân tích dữ liệu khách hàng, với mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên của các DN số.
Hạ tầng đám mây (cloud): đầu tư mạnh để mở rộng và hoàn thiện hệ thống cloud MobiFone, ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất để đáp ứng nhu cầu lưu trữ, sử dụng các dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây của khách hàng cá nhân cũng như DN.
MobiFone sẽ phát triển từ 15-20 nền tảng số, tích hợp các công nghệ hiện đại như big data, AI, blockchain, sinh trắc học, IoT. Các nền tảng của MobiFone sẽ phát triển theo hướng mở, giúp các DN có thể cùng phát triển các ứng dụng trong hệ sinh thái mở MobiFone
Bên cạnh đó, các hệ thống, công cụ được hiện đại hóa để tự động hóa các khâu quản trị nội bộ cũng như nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
MobiFone sẽ nắm bắt và làm chủ các công nghệ lõi, đẩy mạnh đầu tư hệ thống và tăng cường năng lực an ninh mạng để đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới cũng như bảo mật thông tin cho khách hàng.
PV: Hiện nay CĐS được đánh giá là không chỉ là chuyển đổi kinh doanh và tổ chức mà còn chuyển đổi về tư duy của người lãnh đạo hay cũng có thể gọi là tư duy số? Theo ông, MobiFone đã có chuẩn bị chưa?
Ông Vĩnh Tuấn Bảo: Trong công cuộc CĐS, bên cạnh các yếu tố về công nghệ thì chuyển đổi về tư duy của đội ngũ lãnh đạo các cấp và tư duy CĐS của người đứng đầu là quan trọng nhất, thậm chí còn quan trọng hơn các yếu tố về công nghệ, bởi vì tư duy là yếu tố dẫn dắt, quyết định toàn bộ các hoạt động sau này.
Ngay từ đầu, ban lãnh đạo MobiFone luôn đồng lòng, quyết tâm để triển khai thành công công cuộc CĐS cho MobiFone. Để thực hiện mục tiêu này, MobiFone đã xây dựng và ban hành sổ tay văn hóa trong toàn Tổng công ty với nội dung mang đậm tư duy của thời đại số, đề cao và khuyến khích tư duy ĐMST, hướng tới mục tiêu đưa MobiFone nhanh chóng chuyển mình từ một DN viễn thông truyền thống sang một tổng công ty công nghệ số.
Ngoài ra, MobiFone cũng liên tục tổ chức các hoạt động truyền thông, đào tạo để nâng cao nhận thức về CĐS cho CBCNV, thông qua nhiều hình thức như webinar, hội thảo, tổ chức các cuộc thi về CĐS, các chương trình truyền thông nội bộ…
Nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm "Make in MobiFone" để dịch vụ tốt hơn, khách hàng hài lòng
PV: Ông có thể chia sẻ MobiFone cần phải thay đổi cách phát triển và vận hành CNTT như thế nào để tăng trải nghiệm khách hàng, giảm chi phí vận hành?
Ông Vĩnh Tuấn Bảo: Xác định hội tụ Viễn thông - CNTT là một xu hướng tất yếu, MobiFone từ lâu đã đẩy mạnh việc ứng dụng các công cụ, nền tảng số trong các công tác quản trị nội bộ và chăm sóc khách hang (CSKH).
Ví dụ như MobiFone vận hành khai thác với mô hình điều hành giám sát tập trung theo các bộ quy trình, công cụ CNTT được chuẩn hóa, giúp tăng tỷ lệ tự động hóa trong công tác xử lý cảnh báo đạt mức 93%; tự động hóa công tác tối ưu và nâng cao chất lượng mạng lưới, dựa trên hệ thống công cụ do MobiFone tự phát triển; nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm "Make in MobiFone" như hệ thống quản lý nhà trạm tự động smartsite, hệ thống quản lý tài sản dựa trên RFID… để tăng năng suất lao động, giảm khối lượng nhân công và giám sát điều hành mọi lúc mọi nơi; số hóa và tự động hóa các quy trình nội bộ, các công tác báo cáo, đánh giá KPI…
Như chia sẻ ở trên, MobiFone lấy khách hàng là trung tâm, với các giải pháp như cá nhân hóa dịch vụ, làm đúng cho khách hàng ngay từ đầu: xây dựng kho dữ liệu Customer 360, kết hợp với công tác phân tích dữ liệu để có cái nhìn tổng thể, toàn diện về dịch vụ, sản phẩm, khách hàng; tập trung phát triển các sản phẩm hỗ trợ tối đa cho nhu cầu của khách hàng.
Với định hướng lấy khách hàng là trung tâm với mục tiêu dịch vụ tốt hơn, khách hàng hài lòng (Better service - Happy Customer), MobiFone triển khai mô hình cửa hàng không giấy, áp dụng 100% hóa đơn điện tử, cũng như số hóa toàn bộ các khâu bán hàng và CSKH để giảm thời gian giao dịch (từ 15 phút xuống dưới 2 phút/giao dịch), cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Cũng xin chia sẻ thêm MobiFone còn đẩy mạnh đầu tư hệ thống và tăng cường năng lực an ninh mạng để đảm bảo tuyệt đối an toàn bảo mật thông tin cho khách hàng.
Phủ sóng 5G tới trên 90% dân số sau 2 năm được cấp phép chính thức
PV: 5G cũng được đánh giá là sẽ đóng góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển hạ tầng số, ông có thể chia sẻ kế hoạch phát triển 5G của MobiFone trong thời gian tới?
Ông Vĩnh Tuấn Bảo: Đến thời điểm này, chúng tôi đã sẵn sàng cho việc phát triển mạng 5G thương mại. Công nghệ 5G là một trong những công nghệ cốt lõi của tương lai, là trọng điểm trong kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông di động của MobiFone.
Hiện nay, MobiFone đang thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G - cung cấp đến khách hàng trải nghiệm dịch vụ truy nhập di động tốc độ siêu cao lên tới 1,9 Gbps. Song song với công tác thử nghiệm, MobiFone cũng đang khẩn trương chuẩn bị về mạng lưới, cơ sở hạ tầng, truyền dẫn để sẵn sàng thương mại hóa dịch vụ 5G khi được Bộ TT&TT cấp phép. Dự kiến, MobiFone sẽ phủ sóng 5G tới trên 90% dân số sau 2 năm được cấp phép chính thức.
Bên cạnh việc phát triển mạng vô tuyến, chúng tôi đã/đang đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai trên nền tảng 5G các giải pháp, dịch vụ số (Private network, Native Cloud, ĐTĐM biên, AR, VR), cũng như sản xuất công nghiệp (ORAN, FWA 5G, Small cell 5G) nhằm thúc đẩy hiệu quả đầu tư - chi phí.
MobiFone cũng đã xây dựng và áp dụng bộ quy chuẩn đánh giá chất lượng theo cảm nhận người dùng thực tế, với mục tiêu phục vụ khách hàng với chất lượng cao nhất.
Ngoài ra, MobiFone cũng liên tục triển khai các công tác đào tạo, khẩn trương nắm vững các công nghệ cốt lõi của mạng 5G để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Là một đơn vị có đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, với việc triển khai 5G diện rộng, hiệu quả, MobiFone cam kết sẽ đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc CĐS quốc gia.
ĐMST để chế tạo sản phẩm, đẩy mạnh SXKD
PV: ĐMST cũng được coi là phần hữu cơ của vấn đề tổ chức DN và không thể tách rời trong hoạt động của DN như MobiFone, với vai trò lãnh đạo thì làm gì để phát huy sáng tạo trong trong DN? Theo ông, tại sao Trung tâm R&D không phát huy được vai trò như kỳ vọng?
Ông Vĩnh Tuấn Bảo: Nằm trong sự vận động của quá trình CĐS, MobiFone luôn khuyến khích tính sáng tạo thông qua các hội thi, chương trình thi đua để tìm kiếm và lan tỏa, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, MobiFone cũng không ngừng tìm kiếm, tuyển dụng những nhân tố mới về khoa học công nghệ (KHCN), thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ để chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên CĐS.
Trong thời gian qua, trung tâm R&D MobiFone đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, có những sản phẩm có dấu ấn được đánh giá cao, góp phần tích cực vào kết quả SXKD của MobiFone, như nghiên cứu và cho ra đời các giải pháp và sản phẩm mFWA, mAr shop, smart site, smart door, RFID…
Trung tâm cũng tham gia vào các chương trình ươm mầm tài năng như: Tuyển dụng sinh viên tại trường các trường đại học lớn như Đại học Bách khoa, Học viện công nghệ bưu chính viễn thông… tham gia công tác nghiên cứu sáng tạo sản phẩm KHCN mới, một mặt giúp sinh viên có cơ hội được thực hành thực tế với các dự án công nghệ mới nhất, mặt khác tạo cây cầu kết nối cho hoạt động tuyển dụng nhân tài của MobiFone.
Tuy nhiên, thị trường lao động công nghệ hiện nay đang là một trong những thị trường cạnh tranh nhất. Không chỉ có các DN trong nước cần thu hút lực lượng này mà cả các DN nước ngoài cũng không ngừng tuyển dụng nhân sự công nghệ của Việt Nam để làm việc từ xa. Chính vì vậy, việc thu hút và giữ chân các tài năng chất lượng cao đòi hỏi phải có các cơ chế tuyển dụng và đãi ngộ riêng, đặc thù, điều trước nay vẫn là một bài toán khó đối với các DN nhà nước.
Bên cạnh đó, MobiFone đang sử dụng nguồn Quỹ KHCN để phục vụ công tác nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm KHCN mới. Hoạt động chi tiêu từ nguồn quỹ này tại các DN nhà nước hiện còn nhiều khó khăn do các thủ tục, quy trình, quy định rất phức tạp, chưa có cơ chế quản lý và hướng dẫn quản trị rủi ro trong quá trình thực hiện. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác nghiên cứu phát triển, MobiFone cũng đã đề xuất với Chính phủ điều chỉnh các cơ chế, quy định quản lý Quỹ KHCN để để tháo gỡ các rào cản về tài chính, tăng tính chủ động cho DN.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!