Doanh nghiệp cần thúc đẩy các dịch vụ lên môi trường đám mây
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:15, 31/01/2022
Luận điểm trên được ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, cố vấn đối tác chiến lược Cục phát triển thị trường DN - Bộ KH&CN nhấn mạnh.
Nền tảng công nghệ số giúp DN tối ưu hóa chuỗi cung ứng
Theo ông Tuấn Anh, việc CĐS không chỉ giúp các DN tăng năng suất lao động, doanh thu, các chỉ số tăng trưởng mà còn giúp các DN vận hành thông minh hơn trong môi trường số.
Đặc biệt, CĐS giúp chuyển đổi mô hình các chuỗi cung ứng truyền thống sang các phương thức chuỗi cung ứng số mới thông minh. Để làm được điều này, các DN nhất thiết cần thực hiện, triển khai theo 03 lộ trình: trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa sản xuất, bán hàng; tiếp cận thương mại điện tử (TMĐT); đảm bảo kết nối Internet vạn vật (IoT), chuỗi khối (blockchain) và mạng di động 5G.
Theo báo cáo nghiên cứu của IDC, chi tiêu cho CĐS ước tính đạt 7,4 ngàn tỷ USD vào năm 2023 và phần lớn chi tiêu đó gồm lĩnh vực sản xuất và chuỗi cung ứng.
Khi ứng dụng AI sẽ giúp DN cung cấp các thông tin chi tiết về các quy trình kinh doanh cá thể với cá thể (C2C) để tối ưu hóa chuỗi cung ứng và liên tục giám sát hoạt động sản xuất trong thời gian thực để giảm chi phí.
AI còn giúp tích hợp các mạng lưới sản xuất với các công cụ như: nền tảng thương mại điện tử (e-commerce), các chỉ số cạnh tranh bán hàng (KPI)… để giúp tăng mối quan hệ sâu sắc giữa DN với khách hàng, đồng thời nâng cao trải nghiệm của khách hàng đối với DN.
Việc tự động hóa sản xuất, bán hàng cũng sẽ giúp DN tăng khả năng tương tác với khách hàng và tăng cường thêm nhiều đối tác, hợp tác tăng trưởng doanh số. Chính dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã thúc đẩy các DN tham gia vào các hoạt động của thị trường TMĐT, tuy nhiên, chủ yếu vẫn chỉ là các DN bán sản phẩm trực tiếp không qua trung gian (B2C), chưa phải là các DN giao dịch trực tiếp (B2B).
"Đây là vấn đề đáng lo ngại của chúng ta, do đó, các DN Việt Nam cần tích cực triển khai sớm cho B2B", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn Anh, ngoài việc các DN số hóa chuỗi cung ứng thì điều cần song hành là phải cải thiện nguồn nguyên liệu đầu vào và đẩy mạnh việc đánh giá, đưa ra các dự báo chính xác hơn cho sản phẩm đầu ra ra đối với thị trường.
Nếu DN triển khai được và triển khai đúng thì tự động hóa sẽ giúp quy trình làm việc thay đổi, giảm cồng kềnh, tăng hiệu quả sự cộng tác, tương tác giữa các đơn vị trong một tổ chức.
Nêu ví dụ về lợi ích lớn hơn được tạo ra khi DN áp dụng các công nghệ số mới, ông Tuấn Anh cho biết, một công ty chuyên về sản xuất thang máy của nước Anh đã xử lý trên 2 triệu đơn đặt hàng mỗi năm, đáp ứng nhu cầu 250.000 khách hàng trên toàn thế giới. Công ty này đã thành công khi phát triển dịch vụ phân phối nguyên liệu toàn cầu nhờ làm tốt việc quản lý nguyên vật liệu đầu vào và chuỗi cung ứng.
Trước khi đến với thành công hiện nay, công ty trên cũng đã gặp 03 thách thức: không có dữ liệu phù hợp; chất lượng các dữ liệu mỏng; khả năng định dạng, phân tích các yêu cầu của khách hàng yếu...
Để giải quyết 03 vấn đề trên, công ty đã tìm đến các công nghệ, nền tảng số tiên tiến như: AI, blockchain, IoT)… và nhờ đó, họ đã xây dựng được các thuật toán để giải quyết từng vấn đề, nhất là vấn đề dữ liệu nguồn nhập nguyên vật liệu.
Quá trình và nhiệm vụ chính của họ sau này thực sự đã thành công bởi họ luôn thực hiện xây dựng các mô phỏng cho các tình huống thực tế và sau đó sẽ triển khai áp dụng hiệu quả.
"Công ty đã tối ưu hóa chi phí, phí vận chuyển, cung cấp hàng dịch vụ mà không phải hy sinh bất kỳ phí phát sinh từ dịch vụ nào", ông Tuấn Anh cho biết.
Ông Tuấn Anh dẫn chứng thêm một ví dụ khác về công ty sản xuất giày nổi tiếng của Mỹ với sản phẩm thương hiệu giày Dior, Balance.
Công ty này thành công được như hôm nay là nhờ việc tự động hóa các công việc hàng ngày để giảm thời gian cho việc điều phối, nhập dữ liệu thủ công. Khi họ làm được việc này, họ tăng các trải nghiệm của khách hàng, cung cấp việc mua bán hàng B2B thuận tiện hơn. "Quan trọng công ty luôn cân bằng, hài hòa nguồn dữ liệu", ông Tuấn Anh nêu quan điểm.
Cũng theo ông Tuấn Anh, công ty giày cũng tích hợp hệ thống bán hàng B2B vào hệ thống quản lý khách hàng B2C nhờ vào hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM).
Bằng cách đầu tư vào các công nghệ, nền tảng số, công ty giày trên đã cải thiện 4.500 mặt hàng khác nhau trên hệ thống và tăng đơn dặt hàng trên hệ thống B2B lên 32.000 USD. "Việc kết hợp TMĐT giữa B2B và B2C đã giúp công ty hiển thị thông tin xuyên suốt tất cả các khách hàng và được duy trì trên nền tảng CRM duy nhất", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Kinh doanh toàn cầu cần dữ liệu hóa trên nền tảng đám mây
Đối với các DN Việt Nam, việc cần thiết lúc này phải CĐS mạnh mẽ đa ngành, lĩnh vực, tuy nhiên phải xây dựng lộ trình cụ thể, cần thiết có chọn lọc và ưu tiên. Cụ thể, cho quan điểm này ông Tuấn Anh cho rằng, trong lộ trình thực hiện nhiệm vụ CĐS đối với các DN cần tăng cường hơn nữa các trải nghiệm khách hàng kết hợp với việc kết nối, tham gia các hoạt động TMĐT.
"Chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ để làm TMĐT trên lĩnh vực B2B. Khi làm tốt điều này chúng ta sẽ giải quyết bài toán kém hiệu quả trong chuỗi cung ứng hàng hóa hiện nay, bởi lẽ khi đã kết nối được chuỗi cung ứng vào TMĐT khách hàng sẽ được tăng cường các hiệu quả trải nghiệm", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đặc biệt, khi chúng ta tham gia vào sân chơi TMĐT, nghĩa là DN chúng ta đang vận hành theo mô hình kinh doanh toàn cầu. Khi đó, DN không chỉ đơn thuần lưu chiểu dữ liệu hoạt động trong phạm vi hẹp một đất nước, quốc gia. Muốn phát triển, cần toàn cầu hóa dữ liệu thông qua nền tảng dữ liệu đám mây.
Tuy nhiên, các DN Việt Nam cần lưu ý, tuân thủ theo các quy định về an ninh mạng, không để lộ dữ liệu cá nhân, đồng thời nếu DN Việt Nam áp dụng các công nghệ AI để phân tích dữ liệu thì cần phải đẩy các dịch vụ của mình lên đám mây - vì đây là môi trường duy nhất có đủ sức mạnh đàm phán khi AI cần.
Ông Tuấn Anh còn cho rằng, để đẩy dữ liệu lên môi trường này, cần tuân thủ các quyết định, kết quả của AI và khi xử lý xong các dữ liệu thì cần xóa các dữ liệu đó để đảm bảo an toàn an ninh mạng.
DN Việt Nam có thể tích hợp được nhiều nguồn dữ liệu, cần ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch hóa việc chứng minh xuất xứ sản phẩm, chứng từ giao dịch các DN trong hệ thống B2B trong chuỗi cung ứng phải được xác thực không cần phải thông qua bên thứ 3.
"Công nghệ blockchain cần sớm được chứng nhận trên nhiều môi trường thương mại điện tử, đừng chỉ dừng lại ở môi trường kinh doanh thử nghiệm sandboxhiện nay" ông Tuấn Anh đề xuất.
Trên quan điểm khác để tăng các giá trị nguồn cung ứng hàng hóa giúp DN tăng trưởng, ông Tuấn Anh cho rằng DN Việt Nam cần tiếp cận mạnh mẽ ứng dụng của 5 G.
5G cho phép chúng ta truy cập nhật dữ liệu tốc độ nhanh tức thời và hỗ trợ dữ liệu lưu trữ lớn. Nhờ có công nghệ này, các chuỗi cung ứng sẽ dễ dàng chủ động để phản ứng, đáp ứng tích cực trong môi trường thương mại, kinh doanh số.
Khi công nghệ cho phép thì dưới góc độ kinh doanh, lợi ích của CĐS chuỗi cung ứng trong các DN sẽ tăng hiệu quả, tối ưu hóa dòng tiền và duy trì tính cạnh tranh. Tăng hiệu quả kinh doanh thông qua doanh thu và doanh số bán hàng.
Chúng ta chỉ thực sự làm được khi áp dụng AI và tự động hoá, TMĐT B2B, B2C… cùng hệ thống CRM.
Ngoài ra, DN cần thích ứng với hành vi mới và thay đổi sự kỳ vọng của khách hàng cũng như cải thiện dịch vụ, sự trải nghiệm khách hàng, đồng thời loại bỏ lãng phí, các công đoạn thừa.
Như vậy có thể khẳng định, việc sử dụng các giải pháp công nghệ số luôn là quan trọng, cần thiết, bởi nó giúp DN tăng khả năng hiển thị dữ liệu, duy trì thông tin nhất quán doanh số bán hàng, số liệu hàng tồn kho, tỷ lệ đặt hàng và các chỉ số hiệu suất khác.
"Điều quan trọng, nó như "thang thuốc số", giúp DN thực hiện các thay đổi trong thời gian giao dịch hiệu quả, vượt qua những rào cản, ảnh hưởng lớn từ đại dịch bệnh COVID-19 hiện nay", ông Tuấn Anh nhận định./.