Năm 2021: Năm kỷ lục về vốn đầu tư vào edtech trên toàn cầu

Kinh tế số - Ngày đăng : 08:41, 29/01/2022

Tình hình dịch bệnh, các quy định giãn cách xã hội đã thúc đẩy nhu cầu học trực tuyến ở các bậc học, cũng là cơ hội cho các startup công nghệ giáo dục (edtech) vào cuộc. Nhiều startup dạy và học trực tuyến đã nhanh chóng huy động thành công hàng triệu USD vốn đầu tư để đẩy mạnh hoạt động.

Năm 2019, hệ sinh thái edtech toàn cầu có thể được ví như một cái giếng cạn. Nguồn vốn và hoạt động chỉ tập trung vào một số thị trường và chỉ có một số công ty đang phát triển thu hút được sự quan tâm. Khi đó, chúng ta mới chỉ đưa ra những dự đoán cơ hội về thị trường edtech thì năm 2020 không chỉ còn là cơ hội mà trở thành một năm đặc biệt bùng nổ của công nghệ giáo dục.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát kéo dài, nhiều trường học phải đóng cửa, các lớp học từ trực tiếp (offline) chuyển sang trực tuyến (online) để thích ứng và không bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, cuộc đua đầu tư vào edtech ngày càng nóng và đây trở thành thị trường đầy tiềm năng cho các startup.

Các ứng dụng công nghệ tiên tiến trong giáo dục và học tập đã đạt được những bước tiến vào năm 2020, thực tế ảo/thực tế tăng cường và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được tích hợp vào các quy trình giáo dục và học tập cốt lõi.

Không có gì ngạc nhiên khi năm 2021 chứng kiến sự bùng nổ đầu tư vào lĩnh vực edtech. Theo đó, số vốn đầu tư vào edtech trong năm 2020 và 2021 bằng tổng số vốn huy động được trong toàn bộ giai đoạn 2014-2019. Các nhà đầu tư cũng ngày càng quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận cả về tài chính và tác động tích cực, mang lại sự cạnh tranh nhiều hơn.

Báo cáo về đầu tư vào lĩnh vực edtech năm 2021 do quỹ đầu tư vào công nghệ giáo dục của châu Âu Brighteye Ventures công bố mới đây đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của edtech trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu.

Một năm kỷ lục

Thứ nhất, tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực edtech ở châu Âu năm 2021 đã tăng gấp hơn 3 lần, đạt 2,5 tỷ USD từ con số 785 triệu USD năm 2020, trong khi đó mức tăng trưởng trung bình toàn cầu là 34%, từ 15 tỷ USD vào năm 2020 lên 20,1 tỷ USD vào năm 2021. Hệ sinh thái edtech của lục địa cũng đang phát triển mạnh mẽ hơn với số lượng các giao dịch edtech chiếm 31% tổng số các giao dịch trong khu vực này, tăng từ mức 21% vào năm 2019.

Năm 2021: Năm kỷ lục về vốn đầu tư vào edtech - Ảnh 1.

Tổng vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực edtech ở châu Âu năm 2021 đã tăng gấp hơn 3 lần

Sự tăng trưởng này cũng không còn bị giới hạn ở các khu vực địa lý: 6 thị trường châu Âu đã huy động được hơn 100 triệu USD vào năm 2021, so với chỉ 1 vào năm 2020. Hầu hết các thị trường này đều nằm ở Bắc Âu, vì vậy, Brighteye Ventures hy vọng sẽ có sự bùng nổ của các công ty edtech ở Nam Âu vào năm 2022 (đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý).

Quy mô giao dịch trung bình của thị trường edtech ở châu Âu cũng tăng đáng kể, đạt 8,4 triệu USD vào năm 2021 so với 3 triệu USD vào năm 2020. Theo Brighteye Ventures có một số nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng này. Thứ nhất là sự phát triển các sản phẩm nhanh chóng và nhu cầu của người dùng lớn hơn. Thứ hai, các startup ngày nay có nhiều cơ hội, bao gồm các thương vụ mua lại giá trị cao và niêm yết IPO. Cuối cùng, các nhà đầu tư nhìn chung đang quan tâm đến lĩnh vực này bởi lợi nhuận tài chính và những tác động tích cực mang lại.

Năm 2021: Năm kỷ lục về vốn đầu tư vào edtech - Ảnh 2.

Dữ liệu của Brighteye Ventures cho thấy trong khi các quỹ đầu tư edtech nắm giữ 4/10 vị trí hàng đầu đối với hầu hết các giao dịch mới được thực hiện trong năm 2021 (Owl Ventures, GSV, Brighteye Ventures và Reach Capital) thì có một số lượng ngày càng lớn các nhà đầu tư có ảnh hưởng đang gia nhập vào cuộc chiến này như Gaingels, Tencent, Goodwater Capital, Juvo Ventures và Sequoia Capital China. Trong đó, về mặt số lượng giao dịch edtech, Brighteye Ventures được xem là quỹ đầu tư tích cực nhất ở châu Âu.

Trong năm 2021, lĩnh vực edtech ở Bắc Mỹ cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với quy mô lớn hơn: số vốn đầu tư vào lĩnh vực tăng lên 9,3 tỷ USD vào năm 2021 từ 3,3 tỷ USD vào năm 2020. Ấn Độ cũng có mức tăng trưởng tương tự, với số vốn đầu tư tăng lên 4 tỷ USD vào năm 2021 từ 1,8 tỷ USD vào năm 2020 và Úc có kỳ lân edtech đầu tiên (Go1).

Tuy nhiên, năm 2021 lại có sự đảo ngược đáng kinh ngạc đối với một ngành công nghiệp edtech từng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc. Lĩnh vực giáo dục trực tuyến được kỳ vọng sẽ tạo ra doanh thu 491 tỷ nhân dân tệ (76 tỷ USD) vào năm 2024. Những kỳ vọng cao cả đó đã khiến thị trường chứng khoán trở thành con cưng của TAL Education và Gaotu, đồng thời đào tạo ra một thế hệ các startup khổng lồ như Yuanfudao và Zuoyebang.

Nhưng sau khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp hạn chế khắc nghiệt đối với lĩnh vực edtech (cấm các công ty cung cấp dịch vụ dạy kèm trong chương trình giảng dạy ở trường học phi lợi nhuận, khả năng chào bán cổ phiếu ra mắt công chúng lần đầu (IPO)), thị trường edtech đã bị đảo lộn và làm tiêu tan hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài. Theo đó, số vốn đầu tư đã giảm xuống còn 1,9 tỷ USD (chỉ chiếm 9% tổng vốn đầu tư mạo hiểm edtech toàn cầu) từ 8,1 tỷ USD vào năm 2020 (54% tổng vốn đầu tư mạo hiểm edtech toàn cầu), điều đó cho thấy những rủi ro từ các quy định pháp lý trong lĩnh vực công nghệ tại quốc gia này. 

Điều thú vị là hai trong số các công ty edtech hoạt động tích cực nhất toàn cầu lại có trụ sở tại Trung Quốc, dường như các nhà đầu tư Trung Quốc đang quay lưng lại với chính thị trường quê hương của họ để tìm kiếm những cơ hội đầu tư và phát triển tốt nhất.

Mặc dù có sự gia tăng mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực edtech trên toàn cầu nhưng số lượng giao dịch thì giảm xuống dưới mức của năm 2014, khiến cho quy mô giao dịch trung bình tăng vọt lên 20,7 triệu USD vào năm 2021 từ 12,7 triệu USD vào năm 2020. Các giao dịch giá trị cao cũng chiếm nhiều hơn trong miếng bánh edtech - 62% số vốn huy động được vào năm 2021 là trên 100 triệu USD.

Ảnh hưởng của giới tính đến việc huy động vốn trong lĩnh vực edtech

Theo báo cáo của Brighteye Ventures, chỉ có 2,6% vốn đầu tư mạo hiểm edtech toàn cầu dành cho các nhà sáng lập là nữ giới, trong khi các nhà sáng lập nam giới chiếm 77,8% và các nhóm sáng lập hỗn hợp chiếm 19,6%. Trung bình, các nhóm sáng lập nam giới huy động được 22,7 triệu USD, trong khi đối với nữ giới con số này chỉ đạt 5,5 triệu USD

Thị trường edtech: Vẫn còn nhiều thách thức

Thị trường edtech trên toàn thế giới đang bùng nổ trong bối cảnh nhu cầu học trực tuyến tăng cao. Nhưng, có vẻ cũng đầy thách thức... Mô hình học tập kiểu truyền thống và thị trường rất cạnh tranh là hai yếu tố mà các startup edtech phải đối mặt. Hiện nhu cầu về giáo viên dạy học và thói quen học tập theo mô hình các lớp học truyền thống vẫn còn phổ biến. Thị trường edtech sôi động cũng đồng nghĩa đang có sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều startup trong lĩnh vực này

Mặt khác, đầu tư cho edtech là một quá trình dài hơi, khiến nhiều startup gặp khó khăn trong việc tăng doanh thu và lợi nhuận. Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng vô cùng áp lực khi phải chờ đợi trong một thời gian dài mới đánh giá được hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực này.

Nhìn chung, lĩnh vực edtech hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm bởi tiềm năng và dư địa phát triển là rất lớn với nguồn vốn đầu tư ngày càng tăng, quy mô giao dịch trung bình cao hơn, số lượng giao dịch nhiều,... Tuy nhiên, cơ hội chỉ thực sự đến với các startup edtech biệt nắm bắt kịp thời và thấu hiểu thị trường./.

Ngọc Diệp