Trung Quốc tăng cường số hóa lĩnh vực dịch vụ tài chính

Kinh tế số - Ngày đăng : 10:38, 28/01/2022

Kế hoạch mới nhất của Trung Quốc nhằm phát triển nền kinh tế số sẽ thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, thúc đẩy sự đổi mới và cho phép chính phủ cung cấp các dịch vụ công bình đẳng hơn.

Cơ quan quản lý ngân hàng và bảo hiểm của Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình số hóa trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm nhằm tăng cường sự phát triển chất lượng cao của các lĩnh vực này. Theo đó, các tổ chức ngân hàng và bảo hiểm nên thực hiện kế hoạch phát triển để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế, theo hướng dẫn vừa được Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc ban hành.

Các tổ chức trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm cần tăng cường CĐS về quản lý doanh nghiệp (DN), dịch vụ tài chính công nghiệp và cá nhân, và thị trường tài chính. Trong khi đó, họ cũng cần phải làm nhiều hơn nữa để cải thiện hệ thống quản trị dữ liệu cũng như quản lý, kiểm soát chất lượng và ứng dụng dữ liệu. Hướng dẫn cũng cho biết các tổ chức cần thắt chặt quản lý chống lại rủi ro, tăng cường bảo mật dữ liệu và cải thiện bảo vệ quyền riêng tư.

Kế hoạch mới nhất của Trung Quốc nhằm phát triển nền kinh tế số sẽ thúc đẩy CĐS quốc gia, thúc đẩy sự đổi mới và cho phép chính phủ cung cấp các dịch vụ công bình đẳng hơn. Hội đồng Nhà nước, Nội các Trung Quốc, đã công bố kế hoạch 5 năm đầu tiên về nền kinh tế số vào ngày 12/1, nêu bật vai trò của ngành trong việc định hình lại cấu trúc kinh tế toàn cầu và cạnh tranh quốc tế, đồng thời đưa ra các mục tiêu phát triển đến năm 2025.

Kế hoạch đề ra các biện pháp nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc gia, củng cố vai trò của dữ liệu như một yếu tố sản xuất và thúc đẩy quá trình CĐS của các ngành công nghiệp. Đến năm 2025, giá trị gia tăng của các ngành kinh tế số cốt lõi dự kiến chiếm 10% GDP, tăng so với mức 7,8% vào năm 2020.

Kế hoạch cũng cam kết mở rộng hơn nữa lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc, khám phá các biện pháp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế số và thúc đẩy sự phát triển toàn cầu hóa cho các dịch vụ mới nổi như lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây.

Kế hoạch đã đặt ra mục tiêu tăng người dùng băng thông rộng gigabit của Trung Quốc từ 6,4 triệu người vào năm 2020 lên 60 triệu người vào năm 2025 và thúc đẩy việc sử dụng 5G trên quy mô lớn và thương mại hơn. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Trung Quốc đã phát triển mạng cáp quang lớn nhất thế giới và có số lượng người dùng Internet lớn nhất, tổng cộng 1,01 tỷ người tính đến tháng 6 năm ngoái.

Trung Quốc cũng là quốc gia dẫn đầu thế giới về sự phát triển 5G, với tổng số 1,39 triệu trạm thu phát sóng (BTS) và 497 triệu người dùng thiết bị 5G tính đến tháng 11/2021 và là thị trường bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới trong 8 năm liên tiếp, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 6,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (961 tỷ USD) trong nửa đầu năm ngoái, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trọng tâm chính của sáng kiến là tăng cường năng lực đổi mới trong các công nghệ quan trọng, khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các cảm biến, thông tin lượng tử, viễn thông, mạch tích hợp, phần mềm quan trọng, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI).

Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy sự tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế nền tảng, khuyến khích các công ty đẩy mạnh tích hợp và chia sẻ dữ liệu, sản phẩm và nội dung cũng như mở rộng các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe trực tuyến. Các lĩnh vực tăng trưởng mới trong ngành, chẳng hạn như bán hàng thông minh, giao hàng không người lái và sản xuất thông minh, cũng sẽ được thúc đẩy.

Theo trang OpenGov Asia, khả năng đổi mới công nghệ mạnh mẽ đang tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở Trung Quốc, điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất rộng lớn của quốc gia này. Nhận xét được đưa ra sau khi sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 9,6% hàng năm vào năm 2021, cao hơn 1,5 điểm phần trăm so với tăng trưởng GDP, theo Cục Thống kê Quốc gia.

Nhiều vốn hơn sẽ đổ vào lĩnh vực công nghệ cao, điều này cũng sẽ thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất ở Trung Quốc phát triển. Năm ngoái, đầu tư vào các ngành công nghệ cao tăng 17,1%. Trong tổng vốn đầu tư, đầu tư vào các ngành sản xuất công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao lần lượt tăng 22,2% và 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái./.

Bảo Bình