'Chuyển đổi số giúp tạo ra sự công bằng trong giáo dục'
Xã hội số - Ngày đăng : 17:00, 24/01/2022
PV: Một học kỳ đã trôi qua trong bối cảnh đặc biệt khi học sinh các tỉnh phải làm quen với việc dạy và học trực tuyến. Ông đánh giá thế nào về hiện trạng này?
Ông Đặng Quang Hùng: Việc dạy và học trực tuyến tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi, dần chuyển từ thế bị động sang chủ động. Nếu tiếp tục cải thiện, tôi tin học trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
HOCMAI đã vận hành nền tảng học trực tuyến 15 năm, chúng tôi thuyết phục người dùng và được đón nhận cho tới ngày hôm nay. Nghĩa là, hình thức học tập ấy chứng thực khả năng chuyển tải kiến thức qua nền tảng công nghệ, chỉ là chúng ta làm như thế nào thôi.
Mặt khác, việc dạy và học trực tuyến ngày nay có nhiều lợi thế khi được xã hội công nhận, phụ huynh, học sinh ủng hộ và coi đây là một hình thức học tập hiệu quả. Chưa kể, hạ tầng Internet đã tốt hơn nhiều, việc sở hữu máy tính cũng trở nên phổ biến. Ngoài ra, với nhiều nhà cung cấp chương trình học online, học sinh có cơ hội tiếp cận và lựa chọn tốt hơn.
PV: Gần 6 triệu thành viên, 200 giáo viên, 37.000 bài giảng, hơn 1.000 khóa học trực tuyến... Điều gì giúp đơn vị có được những con số này?
Ông Đặng Quang Hùng: Khi vận hành nền tảng học trực tuyến, điều quan tâm đầu tiên của chúng tôi là khả năng lĩnh hội kiến thức của học viên chứ không phải chinh phục những con số. Tuy nhiên, từng con số ấy đến cũng là sự thừa nhận và hưởng ứng của xã hội dành cho HOCMAI và giáo dục trực tuyến. Nó giúp chúng tôi tin tưởng hơn, rằng lựa chọn của mình đã đúng. Việc còn lại, sẽ là nỗ lực để nâng cao chất lượng và tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa cho học viên của mình.
Đặc biệt, tôi nhớ nhiều về cột mốc có được 500.000 thành viên đầu tiên. Sau một năm gây dựng, bắt đầu từ những ý tưởng, con số ấy khiến toàn bộ thành viên ngỡ ngàng vì chúng tôi dự liệu sẽ phải mất thời gian lâu hơn mới đạt đến.
PV: Những thành công đó có được xem là hiện thực hoá tầm nhìn, sứ mệnh của đơn vị?
Ông Đặng Quang Hùng: Cụ thể hóa về tầm nhìn, sứ mệnh thì chưa nhưng tư tưởng thì chúng tôi đã xác định với nhau ngay từ những ngày đầu. Chúng tôi tin tưởng, sự học là liên tục, là chuyện cả đời và mong muốn tạo sự công bằng trong giáo dục. Cho đến ngày hôm nay, khi nền tảng đã vững vàng thì sứ mệnh cũng rõ ràng hơn. Chúng tôi chọn ứng dụng công nghệ làm nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục, mang đến cơ hội cho tất cả những người muốn mở mang kiến thức.
- Công bằng trong giáo dục cũng là khái niệm mà UNICEF quan ngại, khi độ chênh lệch về mặt hạ tầng ở các quốc gia, các vùng miền... rất rõ nét. Ông nghĩ sao về điều này?
- Công bằng trong giáo dục là điều mà chúng ta cần hướng tới, từng bước cải thiện. Tôi tuyệt đối tin môi trường online có thể góp phần cải thiện sự chênh lệch này. Ví dụ, trước đây học sinh ở đâu thì học ở đấy. Các bạn vùng xa sẽ không có điều kiện tiếp cận với các giáo viên ở đô thị, có năng lực chuyên môn tốt hơn. Nền tảng học online rõ ràng có thể xóa nhòa khoảng cách, mang đến cho các bạn cơ hội tiếp cận kiến thức không chỉ trong nước mà cả môi trường quốc tế.
Còn việc chênh lệch trong điều kiện vật chất, tôi nghĩ sẽ dễ giải quyết hơn. Ở Việt Nam, chính phủ cũng đã triển khai chương trình sóng và máy tính cho em trên toàn quốc. Hiểu được điều kiện Internet còn hạn chế ở các vùng xa, chúng tôi cũng phối hợp kênh một kênh truyền hình phổ biến các giáo trình của mình trên sóng truyền hình. Đây là một trong những hoạt động duy trì dài hạn. Giáo dục, với chúng tôi là không khoảng cách.
PV: Một trong những điều mà các doanh nghiệp phải tính toán, khi đã gặt hái được những thành công nhất định, là trách nhiệm của mình với xã hội. Với HOCMAI, điều này được hoạch định thế nào?
Ông Đặng Quang Hùng: Chúng tôi xác định nhiệm vụ xã hội của mình là tạo ra môi trường giáo dục nhân bản, vì người học, thúc đẩy nhu cầu học. Các chương trình của chúng tôi luôn đề cao tính chủ động. Học online không ai bắt buộc, phải muốn học, phải chủ động để khai thác tối đa giáo trình. Tất nhiên, chúng tôi vẫn tổ chức các hoạt động hỗ trợ, song hành, truyền cảm hứng cho các bạn.
Những năm vừa qua, chúng tôi luôn tặng học bổng cho trẻ em làng SOS, phối hợp với các hội khuyến học địa phương trao học bổng cho trẻ em khắp cả nước. Chúng tôi cũng đồng hành với Đại sứ quán Mỹ tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh Speak to Lead. Thông qua cuộc thi, chúng tôi mong muốn tạo thêm sân chơi cho người trẻ cọ sát, nâng cao năng lực và kinh nghiệm. Đây cũng là cơ hội để các bạn trẻ hướng ra hội nhập với thế giới. Hội nhập là tầm nhìn lâu dài mà thế hệ trẻ cần phải được trang bị kỹ năng ngay từ bây giờ.
PV: Ông quan niệm thế nào về "Sức mạnh của giáo dục" - chủ đề của Speak to Lead năm nay?
Ông Đặng Quang Hùng: Giáo dục có thể tạo ra những thay đổi, đảo ngược tình thế của cả một quốc gia. Và muốn phát triển, bản thân cũng như một cộng đồng, không có cách nào khác ngoài học tập. Đó là nền tảng của mọi sáng tạo.
Trong thế giới rộng mở và phẳng mà công nghệ đã tạo ra như hiện nay, đòi hỏi của xã hội không còn là kiến thức mà là phẩm chất của con người. Con người ngày nay rất dễ lạc lối. Giáo dục có chức năng nâng cao phẩm chất của con người.
HOCMAI đang dành những suất học bổng tiếng Anh Ican IELTS với tổng giá trị hơn 800 triệu để làm phần thưởng cho các thí sinh Speak to Lead 2021, đầu tư một khóa học hùng biện để tặng cho tất cả các thí sinh tham gia chương trình...
Trên quan điểm của chúng tôi, ngoại ngữ là ngôn ngữ nhưng cũng là chìa khóa để hội nhập, giao tiếp. Đây cũng là điều kiện tiếp cận kho tri thức thế giới, tinh hoa trên thế giới. Không có ngoại ngữ, chúng ta không thể tự tin và làm chủ tương lai.
PV: Ông đánh giá thế nào về khả năng lãnh đạo của thế hệ trẻ Việt Nam?
Ông Đặng Quang Hùng: Tôi luôn tin vào khả năng lãnh đạo của thế hệ trẻ Việt Nam, đặc biệt khi các bạn trẻ có nhiều cơ hội để học tập, rèn luyện. Sự tự tin luôn đến từ căn cơ là nền tảng tri thức, kỹ năng, năng lực... HOCMAI đã và sẽ tiếp tục đầu tư cho các giá trị này và việc đồng hành với các sân chơi như Speak to Lead là cách chúng tôi giúp người trẻ có thể hướng mình ra thế giới.
Quá trình phát triển nội dung của hệ thống cũng đang gắn bó với mục tiêu ấy. Ban đầu chỉ là giáo dục phổ thông, nay là các khóa học nâng cao, kỹ năng, ngoại ngữ, công dân số, kỹ năng mềm... Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ và giáo dục số là con đường vô cùng hiệu quả để lan tỏa tri thức, bình đẳng hơn trong giáo dục.