Cơ hội nào cho startup Việt khai thác xu thế y tế số
Xã hội số - Ngày đăng : 08:22, 24/01/2022
Mô hình chăm sóc sức khỏe (CSSK) truyền thống là cung cấp các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ y tế cho số đông và cộng đồng, tuy nhiên mỗi cá thể có những thể trạng, cơ địa, hoàn cảnh khác nhau. Hiện nay, mức độ đáp ứng nhu cầu cho từng cá nhân chính là điểm nghẽn trong nỗ lực hướng đến một nền y tế hướng vào người bệnh bởi mỗi cá nhân cần có những hình thức CSSK khác nhau.
Trong nỗ lực xây dựng nền y tế hướng đến người bệnh, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ là điều kiện bắt buộc và là xu hướng tất yếu để làm cho chuỗi tiến hóa của các mô hình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng hoàn thiện hơn.
Y tế số - xu thế tất yếu không thể đảo ngược
Sức khỏe số, CSSK số hay y tế số là một khái niệm rộng, đa ngành bao gồm các khái niệm từ sự giao thoa giữa công nghệ và CSSK.
Y tế số là ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) vào lĩnh vực CSSK, kết hợp với các công nghệ phần mềm, phần cứng và dịch vụ. Việc ứng dụng CNTT để cung cấp các biện pháp cải thiện sức khỏe số nhằm phòng ngừa bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống không phải là một khái niệm mới.
Tuy nhiên, đối mặt với những mối quan tâm toàn cầu về vấn đề sức khỏe, như lão hóa, bệnh tật và tử vong ở trẻ em, dịch bệnh và đặc biệt là đại dịch COVID-19, các nền tảng y tế số, hệ thống y tế và các công nghệ liên quan đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Y tế số có tiềm năng ngăn ngừa bệnh tật và giảm chi phí CSSK, đồng thời giúp bệnh nhân theo dõi và quản lý các tình trạng bệnh mãn tính. Nó cũng có thể điều chỉnh thuốc cho từng bệnh nhân.
Chia sẻ tại hội thảo "Y tế số tích hợp chuỗi giá trị trong hệ sinh thái và tiềm năng cho doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo" do Làng Công nghệ Y tế và Giải pháp sáng tạo CSSK (Medtech & Innovative Healthcare Solution Village) tổ chức, bà Tạ Thị Kim Huệ - Tiến sĩ, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển ISOFH cho biết: Nói đến y tế số, chúng ta cần phải khẳng định rằng cá thể hóa nhu cầu bảo vệ, hay điều trị cho từng cá nhân cũng đồng thời hỗ trợ việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Tạo ra một hệ sinh thái CSSK hoàn chỉnh trên nền tảng CĐS để phục vụ nhu cầu quản lý sức khỏe cá nhân tốt hơn, trên cơ sở giám sát và quản trị dữ liệu về sức khỏe trọn đời. Từ đó thúc đẩy công nghệ phát triển, mở rộng hệ sinh thái phụ trợ và thiết lập các lợi ích về kinh tế - xã hội để hình thành một nền kinh tế y tế số lớn mạnh.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Khổng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế số - Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel nhận định: Nhu cầu về CSSK toàn diện đang phát triển ngày càng cao. Sự chuyển dịch rõ ràng từ chăm sóc tại cơ sở y tế sang chăm sóc cá nhân hóa tại nhà, tại mọi nơi. Hành vi và nhu cầu đã thay đổi nhiều, đặc biệt do cú hích của đại dịch COVID.
Câu chuyện về cung ứng dịch vụ, về nền tảng (đặt khám, xem bệnh án, điều trị, tư vấn điều trị), mô hình bệnh viện truyền thống sẽ chuyển dần sang bệnh viện thông minh… Những thành tựu công nghệ như Cloud, Big data, AI, AR/VR, biotechnology đã tối ưu thông tin cho quá trình vận hành của cơ sở khám chữa bệnh.
Từ các ứng dụng và phần mềm y tế di động hỗ trợ các chẩn đoán lâm sàng đến AI và máy học, công nghệ số đã và đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong lĩnh vực CSSK. Các công cụ y tế số đem lại những tiềm năng to lớn để cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh tật, giúp tăng cường cung cấp dịch vụ CSSK cho cá nhân.
Ngoài ra, các công nghệ như điện thoại thông minh, mạng xã hội và các ứng dụng trên Internet cũng cung cấp những cách thức mới để bệnh nhân theo dõi sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận thông tin.
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), các công nghệ y tế số giúp các nhà cung cấp giảm thiếu sự kém hiệu quả, cải thiện khả năng tiếp cận, giảm chi phí, tăng chất lượng và cá nhân hóa đơn thuốc cho bệnh nhân hơn. Đồng thời, các công nghệ y tế số cũng cho phép bệnh nhân và người tiêu dùng quản lý và theo dõi các hoạt động liên quan đến sức khỏe một cách hiệu quả hơn.
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, ngành Y tế cũng đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá ứng dụng CNTT trong các bệnh viện.
Tại buổi Giao lưu trực tuyến với chủ đề "CĐS ngành Y tế: Làm gì để người dân được lợi?" do báo điện tử Đầu tư tổ chức mới đây, PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hiện nay 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; Nhiều cơ sở đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.
Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan BHXH. Cho tới nay đã có 99.5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam.
Đặc biệt, một thành tựu của ngành Y tế khi thực hiện CĐS là xây dựng được hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Nhiều cơ sở y tế cũng đã triển khai ứng dụng AI, robot trong y tế; ứng dụng ra quyết định lâm sàng trong các hệ thống thông tin bệnh viện; hỗ trợ tư vấn - Chatbot; nhận dạng tiếng nói để nhập dữ liệu vào hệ thống thông tin bệnh viện…
Và trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp như hiện nay thì CĐS trong ngành Y tế càng trở nên cấp thiết. Thời gian vừa qua nhằm ứng phó với đại dịch, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc với quyết tâm cao, huy động nhiều DN, chuyên gia xây dựng các giải pháp, phần mềm cho y tế phục vụ hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19; truy vết nhanh chóng, kịp thời, báo cáo tổng hợp nhanh hỗ trợ ra các quyết định phòng, chống dịch.
COVID-19 là thảm họa sức khỏe đối với nhân loại nhưng nếu biết phát huy tốt ứng dụng CNTT thì đây cũng là cơ hội để tăng tốc CĐS ngành Y tế.
Tiềm năng cho các startup
Y tế số không còn là khái niệm mới, nhưng nó vẫn luôn được đánh giá là lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Ứng dụng CNTT trong y tế vẫn đang là lĩnh vực tiềm năng cần được khai thác, và các startup trong lĩnh vực này có nhiều "dư địa" để nghiên cứu, phát triển và cung cấp nhiều giải pháp thông minh ra thị trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Y tế đặt ra tầm nhìn tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Có thể nói, COVID-19 đã tạo ra "cú huých" lớn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, mọi lĩnh vực đều phải tìm hướng chuyển đổi từ phương thức làm việc trực tiếp sang trực tuyến từ xa, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và CSSK.
Trong 2 vừa năm qua, nhiều tổ chức, DN, cá nhân trong xã hội đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm chất lượng có giá trị lớn, đóng góp tích cực vào công tác y tế trong bối cảnh dịch COVID-19. Một số giải pháp tiêu biểu như ứng dụng tìm bác sĩ, khám bệnh online, thanh toán tiền trực tuyến, telemedicine… đã đem lại những lợi ích thiết thực cho bệnh nhân, bác sĩ và bệnh viện.
Không chỉ riêng tại Việt Nam, thị trường công nghệ y tế đang bùng nổ trên toàn cầu, quy mô thị trường tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng.
Theo báo cáo Tương lai CSSK ở châu Á: Hệ sinh thái y tế số (The future of healthcare in Asia: Digital health ecosystems) của McKinsey cho biết, đầu tư cho CĐS y tế khu vực châu Á năm 2020 là 37 tỷ USD, tăng trưởng bình quân hàng năm tính từ năm 2015 - 2020 chiếm 38%. Dự báo đến năm 2022 số lượng đầu tư cho CĐS trong y tế là 14,9 tỷ USD.
Mckinsey cũng nhấn mạnh, thị trường CĐS ở châu Á sẽ chiếm lĩnh ở một số lĩnh vực như theo dõi và CSSK dựa trên các hệ thống, các thiết bị cầm tay hoặc các thiết bị giám sát số liệu về sức khỏe. Tiếp theo là các hệ thống về phân tích dữ liệu để có thể đưa ra các chẩn đoán và các cảnh báo về bệnh tật.
Đối với thị trường Việt Nam, đây cũng là những lĩnh vực còn rất nhiều không gian kinh tế, "dư địa" lớn để các startup và các nhà đổi mới sáng tạo khai thác. Với dân số gần 100 triệu dân và hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc, nhiều starup cũng nhận định Việt Nam còn nhiều khoảng trống trong lĩnh vực y tế số cho các startup phát triển, hơn nữa, việc triển khai các giải pháp dựa trên nền tảng số khá thuận lợi bởi tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và tiếp cận Internet những năm gần đây cao và vẫn tiếp tục tăng.
Chia sẻ về xu hướng y tế số và tiềm năng cho các startup Việt, tại hội thảo "Y tế số tích hợp chuỗi giá trị trong hệ sinh thái và tiềm năng cho DN khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo", ông Nguyễn Minh Nghĩa - iHealthcare Sector Manager, Advantech Việt Nam cho biết: Xu hướng kết nối dữ liệu, vận hành bệnh viện thông minh qua nhiều nền tảng dữ liệu số - Digital Signage, hệ thống khu nội trú iWard, hệ thống tích hợp thiết bị khu ICU, IBMS… đang ngày càng trở nên quan trọng. Y tế thông minh không chỉ mới với Việt Nam mà còn mới với thế giới, nên sự kết hợp của các DN, startup để đi chung và tạo thành hệ sinh thái là vô cùng cần thiết.
Đặc biệt, theo các nhà khoa học, 70% nguyên nhân tử vong ở người già là các bệnh mãn tính không lây, trong khi tháp dân số Việt Nam đến năm 2050 cũng sẽ thay đổi với xu thế người già chiếm tỷ lệ đáng kể, do đó những bệnh mãn tính không lây sẽ ngày càng phổ biến.
Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định các ứng dụng, thiết bị theo dõi CSSK cho các bệnh mãn tính không lây như ung thư, tim mạch, tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, và tâm thần sẽ là một lĩnh vực tiềm năng cho các startup trong thời gian tới./.