Cung cấp dịch vụ công trên vũ trụ ảo: Liệu có phải xu hướng mới?
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 18:48, 23/01/2022
Tiềm năng phát triển và lợi thế của metaverse
Được đưa ra lần đầu tiên trong "Snow Crash", một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của nhà văn người Mỹ Neal Stephenson xuất bản năm 1992, metaverse là nơi hội tụ của thế giới vật lý, thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Với metaverse, mọi người có thể dạo chơi với bạn bè, làm việc, tham quan các địa điểm, mua hàng hóa và dịch vụ và tham dự các sự kiện.
Mặc dù thế giới ảo tồn tại trực tuyến nhưng người dùng lại không thể di chuyển giữa các thế giới ảo này vì không nắm giữ được danh tính và tài sản của họ. Tuy nhiên, metaverse lại có thể giải quyết vấn đề này, biến các thế giới trực tuyến khác nhau thành một thực thể liền mạch, duy nhất. Metaverse thậm chí còn được mệnh danh là sự phát triển tiếp theo của Internet. Theo đó, metaverse là một vũ trụ do máy tính tạo ra, tồn tại song song với cuộc sống thật và là nơi chúng ta có thể thay đổi các chuẩn mực xã hội.
Theo Wall Street Journal, vũ trụ ảo metaverse không chỉ là nơi để chơi game và giải trí. Đây sẽ là một thế giới tương lai, mang đến sự đổi mới về công nghệ và làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc với các vấn đề thường gặp như giáo dục, kinh tế, quản lý cơ sở,...
Với những lợi thế và tiềm năng có thể mang lại, metaverse có thể sẽ sớm là nơi không chỉ để mua hàng hóa ảo, giải trí, gặp gỡ qua các ảnh đại diện (avatar), mà nó sẽ cung cấp các dịch vụ hành chính, công cộng, khi các chính phủ chuẩn bị bước vào thế giới số đang dần mở rộng nhanh chóng.
Đưa dịch vụ công lên vũ trụ ảo liệu có phải xu hướng mới?
Seoul là thành phố lớn đầu tiên tuyên bố gia nhập vũ trụ ảo. Được gọi là "Metaverse Seoul", kế hoạch được công bố vào tháng 11/2021 này dự định tạo ra một hệ sinh thái giao tiếp ảo cho tất cả các lĩnh vực quản lý của thành phố, trong đó có kinh tế, văn hóa, du lịch, giáo dục và dịch vụ công. Nền tảng dịch vụ công Metarverse Seoul dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Bắt đầu từ năm 2023, các lễ hội tiêu biểu của thủ đô Seoul, như lễ hội đèn lồng Seoul, cũng sẽ được tổ chức trên "Metaverse Seoul" để mọi người trên khắp thế giới đều có thể được chiêm ngưỡng.
Đồng thời, Seoul có kế hoạch mở "Trung tâm Metaverse 120" để giải quyết các dịch vụ công ảo. Trong "Trung tâm Metaverse 120", các hình đại diện (avatar) sẽ giải quyết các mối quan tâm của người dân mà trước đây chỉ có thể được xử lý ở tòa thị chính thành phố.
Nếu kế hoạch thành công, người dân Seoul có thể đến một tòa thị chính ảo để làm mọi thứ, từ tham quan di tích lịch sử đến nộp đơn khiếu nại dân sự, bằng cách đeo kính thực tế ảo.
Khi đi vào hoạt động hoàn toàn vào năm 2026, ứng dụng này sẽ được tổ chức thông qua nhiều chức năng công cộng, bao gồm: văn phòng thị trưởng ảo, cũng như các không gian phục vụ lĩnh vực kinh doanh; một vườn ươm công nghệ tài chính (fintech); và một tổ chức đầu tư công.
Theo Park Jong-Soo, Tổng giám đốc Văn phòng Chính sách Thành phố thông minh Seoul, metaverse đang phát triển thành nhiều dạng khác nhau dựa trên trình độ công nghệ và nhu cầu của người dùng. Đặc biệt, nó đang đạt được sức hút như một mô hình mới cho thời kỳ hậu COVID-19.
Metaverse sẽ hoạt động như một thử nghiệm cho Seoul giúp phục hồi các ngành công nghiệp đã bị thu hẹp do COVID-19. Người đại diện sẽ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và cung cấp các dịch vụ một cửa cho khởi nghiệp. Ngoài ra, đào tạo về sáng tạo nội dung số để nuôi dưỡng các doanh nghiệp và các sự kiện kết nối cho các công ty mới thành lập tại Campus Town đều sẽ được tổ chức theo mô hình metaverse.
Đặc biệt, chính quyền sẽ làm cho vũ trụ ảo bao hàm tất cả mọi người, không bỏ sót một đối tượng nào. Seoul cho biết sẽ xây dựng "nhiều dịch vụ cho những người yếu thế, bao gồm cả người khuyết tật". Họ cũng hướng dẫn người cao tuổi cách dùng thế giới ảo.
"Chính quyền Seoul sẽ đi tiên phong trong một "lục địa" mới được gọi là Metaverse Seoul, nơi nhu cầu công và công nghệ tư nhân được kết hợp. Để tất cả các nhóm tuổi được hưởng lợi ích, chúng tôi sẽ làm việc trên Metaverse Seoul và biến Seoul trở thành một thành phố thông minh, hòa nhập", Park Jong-Soo khẳng định.
Một quốc gia khác là Barbados cũng đã lên kế hoạch gia nhập vũ trụ ảo. Theo đó, Quốc đảo này cho biết sẽ mở "đại sứ quán vũ trụ ảo" đầu tiên của thế giới trên nền tảng thực tế ảo Decentraland - môi trường kỹ thuật số dựa trên Ethereum do người dùng sở hữu, đồng thời lên kế hoạch mở đại sứ quán trên các nền tảng khác.
Các quan chức Barbados phê duyệt đại sứ quán trong "vũ trụ ảo" đã mô tả dự án là một hình thức "ngoại giao công nghệ" giúp mở ra cánh cửa trao đổi văn hóa nhiều hơn với các quốc gia khác.
Dự kiến trong năm 2022, đại sứ quán ảo của Barbados sẽ mở cửa, đưa Barbados trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận "vùng đất có chủ quyền kỹ thuật số".
"Chúng tôi là một quốc đảo nhỏ - điều này mang lại cho chúng tôi một cách để mở rộng dấu ấn ngoại giao của mình mà không cần thêm hàng chục cơ sở đại sứ quán thực, điều này là không khả thi đối với chúng tôi", Gabriel Abed, người đứng đầu chiến lược metaverse của quốc gia đảo quốc Caribe cho biết trong một tuyên bố.
Gabriel Abed còn khẳng định: "Nó mang lại cho chúng tôi sự ngang bằng về mặt ngoại giao với các quốc gia lớn hơn và một cách hoàn toàn nhập vai để giới thiệu văn hóa và cơ hội kinh doanh của chúng tôi, đồng thời hoàn toàn kiểm soát được môi trường của chúng tôi".
"COVID-19 thực sự đã làm rung chuyển thế giới. Ai biết được khi nào đại dịch tiếp theo sẽ đến - chúng tôi không thể không thử các công nghệ mới có thể giúp chúng tôi khắc phục những hạn chế này", ông chia sẻ.
Cuối tháng 12/2021, Thượng Hải – thành phố lớn nhất Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch phát triển 5 năm và lần đầu nhắc đến khái niệm metaverse. Theo kế hoạch này, metaverse là một trong bốn chủ đề hành động trong kế hoạch 5 năm phát triển ngành công nghiệp thông tin điện tử của thành phố.
Theo CNBC, kế hoạch kêu gọi thúc đẩy việc sử dụng metaverse trong các dịch vụ công cộng, văn phòng kinh doanh, giải trí xã hội, sản xuất công nghiệp, an ninh sản xuất và trò chơi điện tử.
Bên cạnh đó, Chính quyền Thượng Hải cũng có có kế hoạch khuyến khích nghiên cứu và phát triển thêm các công nghệ cơ bản, chẳng hạn như cảm biến, tương tác thời gian thực và blockchain (công nghệ chuỗi khối).
Báo chí Trung Quốc cho biết kế hoạch của thành phố Thượng Hải đánh dấu lần đầu tiên một chính quyền địa phương đề cập đến metaverse trong kế hoạch 5 năm. Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Baidu, Tencent và Alibaba cũng đang tích cực trong quá trình phát triển công nghệ metaverse.
Metaverse là từ khóa được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi Facebook đổi tên thành Meta. Đây cũng được coi là một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Tuy nhiên, đối mặt với chi phí đắt đỏ và cơ hội còn hạn chế và không đảm bảo nhận được kết quả xứng đáng, có thể sẽ chưa có nhiều thành phố chạy đua metaverse./.