Hậu Giang đang thực hiện chuyển đổi số ra sao?
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 21:26, 20/01/2022
Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online vừa có cuộc trao đổi với ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT-TT Hậu Giang, xoay quanh chuyện này khi Hậu Giang đang dấn bước vào năm 2022, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14.
PV: Trước hết, ông có thể nói ngắn gọn về việc Hậu Giang chủ trương sử dụng di động gắn kết giữa người dân và chính quyền, được làm từ tháng 6-2020?
Ông Lã Hoàng Trung: Việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ TT-TT, được triển khai ở tất cả các bộ, ngành, địa phương. Tại Hậu Giang, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong hai năm 2020 – 2021, Sở TT-TT, Văn phòng UBND tỉnh đã triển khai được một số ứng dụng công nghệ trong hoạt động của cơ quan nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử như hệ thống thư điện tử; hệ thống quản lý văn bản điều hành, đặc biệt là ứng dụng di động Hậu Giang.
Ứng dụng di động Hậu Giang (Hậu Giang App) được triển khai từ tháng 6-2020, đến nay đã có số lượng lớn sử dụng với hơn 37.000 lượt tải về. Ứng dụng này cho phép người dân thực hiện chức năng phản ánh hiện trường (âm thanh, hình ảnh, clip hiện trường) cho cơ quan nhà nước, hỗ trợ việc trao đổi giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân một cách hiệu quả.
Đến nay, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang đã tiếp nhận, phối hợp xử lý hơn 2.800 phản ánh hiện trường của người dân. Tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xử lý phản ánh hiện trường của cơ quan nhà nước ngày một tăng cao, đến nay đạt trên 90%.
PV: Tới đại dịch Covid-19, Hậu Giang tiếp tục triển khai các ứng dụng công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời để quản lý, vận hành xã hội trong tình hình mới. Ông đánh giá kết quả này ra sao?
Ông Lã Hoàng Trung: Từ tháng 7-2021, Hậu Giang đã chính thức vận hành “Bản đồ Covid-19 Hậu Giang”. Bản đồ số hiển thị số liệu tiêm chủng của từng huyện, 4 cấp độ dịch được cập nhật thường xuyên, tương ứng với 4 màu: xanh – vàng – cam – đỏ theo quy định của Bộ Y tế để người dân dễ dàng nắm bắt, không di chuyển đến các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, bên cạnh đó, giúp người dân có cái nhìn trực quan nhất, chính xác nhất về toàn cảnh Covid-19 tại tỉnh mà không cần phải tìm các bản tin riêng lẻ.
Hiện nay, người dân Hậu Giang đã dần quen với việc khai báo y tế bằng mã QR khi ra, vào tỉnh và tại các địa điểm công cộng bằng hai hình thức là khai báo trực tuyến tại https://qr.tokhaiyte.vn hoặc thông qua ứng dụng PC-Covid cài đặt trên điện thoại thông minh.
Theo thống kê, tính đến hết ngày 19-1-2022, tỉnh có 12.812 điểm quét mã QR, tổng số 477.564 lượt vào ra điểm quét mã QR. Trung bình Hậu Giang có hơn 1.700 lượt quét/ngày. Các dữ liệu từ quét mã QR trên PC-Covid đã hỗ trợ đắc lực trong công tác phòng chống dịch. Từ dữ liệu này chúng tôi có thể nắm được là có bao nhiêu người xuất hiện cùng ca F0 tại địa điểm, thời gian cụ thể đó và lên được phương án khoanh vùng, dập dịch và có thông báo đến những trường hợp liên quan.
Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, cùng với cả nước, Hậu Giang đã và đang đẩy mạnh ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19, trong đó, Sổ sức khỏe điện tử và PC-Covid là các ứng dụng nền tảng đang được nhiều người dân tải về điện thoại thông minh bởi ưu điểm dễ cài đặt, dễ sử dụng và có nhiều tiện ích. Hiện nay, 100% mũi tiêm tại Hậu Giang được cập nhật trên nền tảng tiêm chủng Quốc gia. Cùng với việc triển khai các ứng dụng khai báo y tế, phát hiện tiếp xúc gần, Hậu Giang cũng đang triển khai ứng dụng “Việt Nam khỏe mạnh” để quản lý việc lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm Covid-19 theo hình thức điện tử.
Hậu Giang đã triển khai lắp đặt 115 camera giám sát tại 14 cơ sở cách ly tập trung. Các camera được bố trí tại các khu vực cổng, hành lang, phòng lấy mẫu và cả trong phòng của người cách ly, lưu trữ nội dung phục vụ cho việc trích xuất khi cần thiết. Hệ thống hoạt động liên tục 24/24 giờ mỗi ngày và kết nối với hệ thống giám sát tập trung theo chỉ đạo của Bộ TT-TT thông nhằm giám sát việc quản lý người ở những nơi cách lý tập trung, người mắc bệnh Covid-19 và quản lý việc giao, nhận bệnh nhân của các địa phương tại các khu cách ly tập trung. Qua đó, kịp thời có những giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xác định hệ thống họp trực tuyến là giải pháp đột phá để đảm bảo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Sở TT-TT Hậu Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai dự án “Nâng cấp, mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến của tỉnh xuống cấp huyện, cấp xã”.
Đến nay, hệ thống họp trực tuyến của Hậu Giang đã được đầu tư, nâng cấp và triển khai đồng bộ, thống nhất từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đến tất cả 8 huyện, thành phố, thị xã và 75 xã, phường, thị trấn. Vừa qua, thông qua hệ thống họp trực tuyến, tỉnh đã kết nối thông suốt, phục vụ 8 cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của 8 UBND cấp huyện và 75 UBND cấp xã của Hậu Giang.
PV: Được biết từ kết quả này, Hậu Giang đã chủ trương thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số bằng Kế hoạch số 182/KH-UBND. Theo ông, năm 2022 và những năm tới, việc này sẽ diễn ra như thế nào?
Ông Lã Hoàng Trung: Thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Hậu Giang được bắt đầu với việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số. Vừa qua, Sở TT-TT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND vào ngày 20-10-2021 về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Hậu Giang và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh để các doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh có khả năng giải quyết các bài toán kinh tế – xã hội của tỉnh, cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tại Hậu Giang và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam bộ.
Kế hoạch 182 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ số; Phát triển hạ tầng số; Phát triển sản phẩm công nghệ số; Phát triển nhân lực công nghệ số; Phát triển thị trường cho doanh nghiệp, sản phẩm công nghệ số; Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Hiện nay, Sở TT-TT Hậu Giang đang xây dựng kế hoạch cho các công việc cụ thể để thực hiện trong năm 2022 và các năm tiếp sau đối với Kế hoạch này.
PV: UBND tỉnh cũng vừa ban hành riêng kế hoạch Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025. Ông kỳ vọng điều gì với kế hoạch này?
Ông Lã Hoàng Trung: Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT-TT về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, Sở TT-TT Hậu Giang đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 29-10-2021 về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Sở đang chuẩn bị triển khai năm đầu tiên Kế hoạch 183 nhằm hướng tới mục tiêu là đến năm 2025, 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được tiếp cận thông tin để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Phấn đấu có 50% doanh nghiệp có sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tối thiểu có 200 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ Kế hoạch, bao gồm sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, đào tạo, tư vấn, thử nghiệm sử dụng các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp. Ngoài ra, phải thiết lập Mạng lưới chuyên gia từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tư vấn chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Tôi hy vọng, với việc triển khai Kế hoạch 183, nhiều doanh nghiệp sẽ triển khai chuyển đổi số thành công các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
PV: Để làm được tốt các chương trình này, theo ông, Hậu Giang cần đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ra sao?
Ông Lã Hoàng Trung: Một trong các nội dung của nhiệm vụ đột phá thứ ba trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là “Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”. Để thực hiện Nghị quyết này, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Để có thể thực hiện chuyển đổi số tại Hậu Giang thành công, riêng Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 2-12-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số giai đoạn 2020 – 2025 đã xác định nhiệm vụ: “Chuẩn bị nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số” với các nội dung như: Tập trung đào tạo, cập nhật thường xuyên kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành tỉnh; Có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp cho đội ngũ này trong việc học tập, nâng cao trình độ bản thân; Tăng cường đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2021, Sở TT-TT Hậu Giang đã tổ chức các khóa đào tạo về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng cho cán bộ phụ trách công nghệ thông tin các sở, ban ,ngành, địa phương với những kết quả hết sức tích cực. Đồng thời, trong năm 2021, Sở đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức phụ trách công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh, nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, chất lượng cao, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới.
Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Sở TT-TT Hậu Giang sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất, tổ chức các khóa đào tạo theo các chuyên đề chuyên sâu về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đảm bảo an toàn an ninh mạng.
PV: Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm nay sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trong cả nước. Theo Bộ trưởng Hùng, đại dịch Covid-19 cũng cho chúng ta những bài học và cơ hội để bứt phá vươn lên. Ông chia sẻ ý kiến này ra sao trong công việc của mình ở tỉnh Hậu Giang?
Ông Lã Hoàng Trung: Hậu Giang và các tỉnh miền Tây Nam bộ là những địa phương có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên muộn hơn rất nhiều so với Hà Nội và một số địa phương khác trên cả nước. Tuy vậy, trong gần 7 tháng qua, kể từ khi có ca nhiễm Covid-19 tại Hậu Giang, chúng ta có thể nhận thấy những thiệt hại vô cùng lớn do Covid-19 gây ra. Đồng thời, chúng ta cũng nhận thấy vai trò rất lớn, có thể nói là không thể thiếu của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, để giảm thiểu tối đa thiệt hại của Covid-19.
Tác động của dịch Covid-19 gây nhiều thiệt hại nhưng đó cũng là “sức ép” buộc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Việc đổi mới cách thức quản trị, xây dựng các cơ sở dữ liệu, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến sẽ giúp các cơ quan, doanh nghiệp có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, thậm chí tận dụng cơ hội phát triển.
Trước hết, mặc dù thực hiện rất nghiêm các quy định về giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ trong các tháng cuối năm 2021, về cơ bản, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả trong trạng thái bình thường mới. Các cuộc họp trực tuyến diễn ra liên tục, thậm chí nhiều hơn trong giai đoạn bình thường, để đảm bảo các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn kịp thời.
Việc lưu chuyển văn bản trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành được đảm bảo thông suốt, bao gồm cả các văn bản tài chính. Các dịch vụ công trực tuyến được thực hiện một các thuận tiện, dễ dàng trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước dễ dàng, nhanh chóng thông qua ứng dụng di động Hậu Giang. Đó là những minh họa hết sức cụ thể và rõ nét cho vai trò và khả năng của công nghệ số để giảm thiểu tác động của Covid-19 đến sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, các hoạt động của chính quyền các cấp nói riêng.
Cùng với đó, việc học tập của hàng trăm nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì với nhiều hình thức trực tuyến khác nhau. Việc khám chữa bệnh từ xã với sự hỗ trợ của các hệ thống công nghệ số cũng từng bước được đưa vào sử dụng. Các giao dịch thương mại điện tử trên các sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ sò… để hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ nông sản cũng có những bước phát triển đáng ghi nhận.
Và có lẽ, điều quan trọng hơn cả, đó là nhận thức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân về vai trò, khả năng của công nghệ số trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung, trong phòng, chống dịch bệnh nói riêng có sự thay đổi mạnh mẽ.
Với những bài học và cơ hội như vậy, tôi tin tưởng rằng, trong năm 2022 và những năm tiếp theo, chuyển đổi số tại Hậu Giang sẽ có nhiều kết quả tích cực, bứt phá, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.
Cảm ơn ông.