Tham vọng trở thành quốc gia số, Malaysia tăng tốc đào tạo kỹ năng số

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 08:15, 17/01/2022

Malaysia nỗ lực để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số khi nước này lập biểu đồ để hiện thực hóa chương trình nghị sự Malaysia 5.0 đồng thời hướng tới trở thành trái tim ASEAN số.

Lấy cảm hứng từ Xã hội 5.0 của Nhật Bản (Japan’s Society 5.0), chương trình nghị sự Malaysia 5.0 với mục tiêu đưa Malaysia này trở thành một quốc gia số với các công nghệ cách mạng 4.0 (4IR) được tích hợp ở mọi cấp độ xã hội, đồng thời chỉ đạo hệ thống giáo dục quốc gia thay đổi nhằm phù hợp với một tương lai kỹ thuật số phát triển.

Kế hoạch lần thứ 12 của Malaysia được công bố vào tháng 9/2021 cũng đặt ra mục tiêu thúc đẩy đóng góp của lĩnh vực kỹ thuật số vào GDP từ 22,6% lên 25,5% vào năm 2025.

Tuy nhiên, trên thực tế quá trình nâng cao kỹ năng số của quốc gia này đang thua xa quá trình chuyển đổi số nhanh chóng được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19.

Báo cáo Kỹ năng Toàn cầu của Coursera đã xếp Malaysia ở vị trí thứ 46 trên bảng xếp hạng kỹ năng số, kém xa hai thành viên khác trong khu vực Đông Nam Á có thứ hạng cao hơn là Singapore (thứ 10) và Việt Nam (thứ 20).

Một báo cáo của PwC về nhân lực Malaysia vào tháng 4/2021 cho biết 77% người được khảo sát cho rằng công nghệ mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro.

Tuy nhiên, dù công nghệ là cứu cánh trong việc giữ chân mọi người làm việc và là yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh liên tục, thì những rào cản cụ thể vẫn tồn tại. 78% người Malaysia cho rằng việc không được tiếp cận với công nghệ đã hạn chế sự phát triển kỹ năng của họ.

Theo Nurul A’in Abdul Latif, lãnh đạo quản lý thị trường tại PwC Malaysia, điều này đã phản ánh về sự thiếu hụt công nghệ và các công ty Malaysia cần phải nỗ lực hơn nữa để thu hẹp khoảng cách về kỹ năng thông qua một chiến lược nâng cao kỹ năng phù hợp một cách nhanh chóng.

Các vị trí việc làm kỹ thuật số của Malaysia tăng gấp ba lần

Theo Tập đoàn Kinh tế số Malaysia (Malaysia Digital Economy Corporation - MDEC), vị trí tuyển dụng công việc kỹ thuật số của Malaysia gần như tăng gấp ba lần từ 19.000 vào tháng 6/2020 lên 56.000 vào tháng 4/2021.

Cơ quan kinh tế số hàng đầu của quốc gia này cũng đã chỉ ra những kỹ năng số được yêu cầu hàng đầu từ nền tảng LinkedIn Talent Insights. Cụ thể là kỹ năng phân tích, kỹ thuật, khoa học máy tính, phát triển phần mềm, lập trình, SQL, JavaScript, CNTT, điện toán đám mây…

Khảo sát nhân tài kỹ thuật số của MDEC (MDEC Digital Talent Survey 2021) năm 2021 được công bố vào tháng 10/2021 cũng cho biết, 85% công ty nhận ra nhu cầu cần đào tạo lại nhân viên của họ, khi 48% công ty sử dụng nền tảng công nghệ số cho các hoạt động hàng ngày, tăng từ 19% vào năm 2020, các kỹ năng cần thiết khác cũng đã phát triển.

Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp cũng chú trọng nhiều hơn vào các kỹ năng kỹ thuật như điện toán đám mây, an toàn thông tin, phân tích dữ liệu, tiếp thị kỹ thuật số và phát triển phần mềm, thay vì năng suất kỹ thuật số và kỹ năng làm việc từ xa.

Malaysia thực hiện các sáng kiến nâng cao kỹ năng số

Malaysia đã và đang thực hiện nhiều sáng kiến khác nhau để giúp nâng cao trình độ và đào tạo lại nguồn nhân lực, bao gồm phong trào #MyDigitalMaker, eUsahawan, Let’s Learn Digital,…

Chẳng hạn như, #MyDigitalWorkforce - Work in Tech (MYWiT) cung cấp chương trình đào tạo và trợ cấp tiền lương để khuyến khích người sử dụng lao động thuê những người thất nghiệp cho các công việc dịch vụ và công nghệ số. Những "đại gia" công nghệ toàn cầu như Facebook, IBM, Google, Huawei và Microsoft, cũng đang hợp tác với các sáng kiến để thu hẹp khoảng cách kỹ năng số tại các địa phương.

Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ và công nghệ viễn thông hàng đầu, Ericsson, gần đây cũng đã công bố hợp tác với Đại học Teknologi Malaysia (UTM) và Digital Nasional Berhad (DNB) để đào  tạo sinh viên về 5G và các công nghệ mới nổi. Theo đó, Ericsson cho phép sinh viên UTM truy cập miễn phí vào cổng Giáo dục Ericsson để bổ sung cho các chương trình cấp bằng và chứng chỉ trực tuyến.

Với tham vọng trở thành một quốc gia số, Malaysia đã nỗ lực lực và đầu tư lớn từ khu vực công - tư để biến tham vọng trở thành hiện thực./.

AD