Nỗ lực loại bỏ các rào cản trong số hóa nông nghiệp
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:08, 15/01/2022
Nỗ lực loại bỏ các rào cản trong số hóa nôngnghiệp
Những rào cản về chi phí đầu tư, tâm lý e ngại rủi ro cùng công tác chuyển giao công nghệ chưa theo kịp thực tiễn là một số khó khăn trong quá trình tiếp cận công nghệ của Việt Nam. Các doanh nghiệp (DN) công nghệ nông nghiệp thường loay hoay trong việc đưa giải pháp công nghệ vào cuộc sống. Trong bối cảnh này, ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) và các giải pháp đổi mới sáng tạo (ĐMST) được xem là chìa khóa giúp Việt Nam nâng cao giá trị ngành nông nghiệp và tiếp cận tốt hơn thị trường trong nước và quốc tế.
Chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đầu tư trong công nghệ nông nghiệp (Graft Challenge Vietnam 2021) do Chính phủ Australia tài trợ đã tập hợp các giải pháp công nghệ mới nhất trên toàn cầu, chọn lọc ra 09 công ty tiềm năng đồng thời tiến hành kết nối với mạng lưới tại các địa phương, để cùng giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.
Nhờ những thành công bước đầu, GRAFT được lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cộng đồng DN nông nghiệp và chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam công nhận và vinh danh như một ví dụ điển hình về mô hình hỗ trợ kết nối khơi thông dòng chảy công nghệ, tạo dựng một hệ sinh thái vững mạnh về ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn Việt Nam (IPSARD) cho biết: “GRAFT là một dự án rất ấn tượng, tạo được hiệu quả một cách bền vững với các giải pháp công nghệ sáng tạo có tính khả thi cao dựa trên sự tích hợp và tăng cường hợp tác toàn cầu. Điều này sẽ giúp loại bỏ các rào cản lâu nay trong việc số hóa nông nghiệp”.
GRAFT được tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Aus4Innovation của Chính phủ Australia và Bộ KH&CN, nhằm thúc đẩy thử nghiệm các mô hình mới trong hợp tác công - tư, tăng cường năng lực của Việt Nam trong công tác dự báo số, xây dựng kịch bản, thương mại hóa và chính sách về ĐMST.
Năm 2021, Chương trình được tổ chức bởi Beanstalk, một cơ quan ĐMST của Australia, hợp tác với Hiệp hội Nông nghiệp Số Việt Nam (VIDA), Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (SYS), và MBI Innovation Challenges (MBI).
Aus4Innovation là chương trình hợp tác 4 năm (2018-2022) với tổng ngân sách 13,5 triệu đô la Úc nhằm củng cố hệ thống ĐMST của Việt Nam, chuẩn bị cho nền kinh tế và công nghệ của Việt Nam trong tương lai số.
9 giải pháp thúc đẩy kết nối công nghệ nông nghiệp
Thông qua một chương trình chuyên sâu kéo dài 15 tuần, Graft đã chọn lọc ra các giải pháp công nghệ tiềm năng, có thể giải quyết những thách thức của nông nghiệp Việt Nam.
Các giải pháp được lựa chọn với sự tư vấn từ hơn 40 cố vấn kỹ thuật và thương mại, đồng thời tham gia vào mạng lưới kết nối với 30 đối tác nông nghiệp hàng đầu Việt Nam để hoàn thiện sản phẩm và đưa ra kế hoạch chuyển giao công nghệ.
AgNext Technologies (Ấn Độ)
AgNext xây dựng nền tảng SaaS sử dụng AI giúp số hóa việc đánh giá chất lượng thực phẩm.
Taranjeet Singh Bhamra, Giám đốc điều hành của AgNext, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với GRAFT để bắt đầu hành trình này và thực hiện sứ mệnh đảm bảo nguồn thực phẩm chất lượng cho hàng tỷ người dân. Trong năm tới, chúng tôi đặt mục tiêu thành lập một trung tâm AI tại Việt Nam để giới thiệu công nghệ của chúng tôi và kết nối với nông dân địa phương”.
CropIn (Ấn Độ)
CropIn cung cấp các công cụ hỗ trợ đưa ra quyết định và truy xuất nguồn gốc nhằm giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa giá trị. Các công cụ của CropIn được phát triển đa mục đích dành cho mọi đối tượng của hệ sinh thái nông nghiệp, bao gồm các nhà sản xuất hạt giống, nông dân, các cơ sở chế biến, chính phủ và các tổ chức tài chính.
EveryPig (Mỹ):
EveryPig cung cấp một phần mềm đột phá dành cho các nông trại sản xuất và chế biến thịt heo giúp theo dõi sức khỏe heo theo thời gian thực, theo dõi sức khỏe từ xa và theo dõi điều trị để giúp người chăn nuôi dễ dàng tối ưu hóa các hoạt động.
EveryPig đã phát triển một nền tảng và ứng dụng di động hỗ trợ nhà sản xuất trong việc thu thập dữ liệu toàn diện, trao đổi thông tin theo thời gian thực với bác sĩ thú y và đơn giản hóa việc theo dõi sức khỏe vật nuôi.
Các hoạt động giám sát quá trình chăn nuôi heo, các dịch vụ thú y như chẩn đoán và ra đơn thuốc từ xa đều có thể thực hiện thông qua ứng dụng. Ứng dụng cũng cho phép số hóa các báo cáo thăm khám nông trại và theo dõi sự tuân thủ của người chăm sóc, giúp nhà sản xuất nâng cao hiệu quả hoạt động.
Công nghệ Hillridge (Australia)
Hillridge giúp nông dân giảm thiểu tác động tài chính từ hiện tượng thời tiết bất lợi thông qua các hợp đồng thông minh được hỗ trợ bởi công nghệ blockchain. Ngay sau khi xảy ra sự kiện thời tiết xấu trong một phạm vi nhất định quanh nông trại, hợp đồng thông minh sẽ tự động tính toán và chi trả bảo hiểm cho nông dân mà không cần đánh giá tốn kém hoặc mất thời gian thương lượng.
Công nghệ Hillridge cung cấp giải pháp dựa trên cơ sở dữ liệu, sử dụng thuật toán độc quyền để tính toán, dự báo bảo hiểm vi mô cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ và hỗ trợ phục hồi sau tác động của thời tiết xấu.
JalaTech (Indonesia)
JalaTech cung cấp một nền tảng quản lý trang trại nuôi tôm dựa trên dữ liệu chính xác để cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn và tình trạng sức khỏe của thủy sản.
Tham dự chương trình GRAFT Challenge Vietnam 2021, Jala Tech là một trong các giải pháp đột phá từ các công ty công nghệ nông nghiệp trên toàn cầu nhằm giải quyết những thách thức cấp bách nhất mà ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam phải đối mặt.
Sau 3 tháng làm việc cùng chương trình GRAFT, Jala Tech đã nhận được những sự hỗ trợ và sáng kiến phù hợp từ đội ngũ tư vấn kỹ thuật và nhóm các chuyên gia ngành nông nghiệp Việt Nam. Những sáng kiến đầu tiên tập trung giúp Jala Tech xác định chiến lược thâm nhập thị trường đúng đắn thông qua khảo sát các vùng có nhiều trang trại nuôi tôm ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau ở Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực chiếm 60% sản lượng tôm ở Việt Nam. Jala Tech có kế hoạch thành lập văn phòng “Trung tâm Hỗ trợ Nuôi tôm” Việt Nam tại một trong những tỉnh này.
Koltiva (Indonesia)
Koltiva, chuyên gia hàng đầu về hệ thống nông nghiệp, cung cấp các giải pháp và dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp để cải thiện quản lý dự án theo chuỗi cung ứng nông nghiệp. Đến nay, các giải pháp của Koltiva đã được khách hàng tại 28 quốc gia sử dụng.
ListenField (Thái Lan)
Công nghệ nông nghiệp chính xác của ListenField sẽ hỗ trợ nông dân Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thực hành canh tác kém bền vững là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái tài nguyên và năng suất nông nghiệp thấp ở Việt Nam. ListenField xây dựng một nền tảng công nghệ nông nghiệp chính xác đã được cấp bằng sáng chế giúp phân tích dữ liệu để giúp nông dân cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện năng suất và giảm hiệu ứng nhà kính.
Công ty đã phát triển ứng dụng "Farm AI moblie" được kết nối với bảng điều khiển SaaS để quản lý trang trại, kết hợp với tính năng mô hình cây trồng, phân tích, AI và khả năng học máy nâng cao. Công nghệ đã được cấp bằng sáng chế này hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại trong việc quản lý và giám sát đồng ruộng, giúp giảm chi phí vận hành và dấu chân carbon đồng thời cải thiện năng suất.
Sufresca (Israel)
Sufresca đã phát triển lớp bảo quản sinh học dễ ứng dụng, giúp kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm tươi trong nhiều tuần trong điều kiện môi trường bình thường.
Công ty khởi nghiệp agritech của Israel, đã phát minh ra lớp phủ tự hủy sinh học có thể ăn được, có tác dụng kéo dài thời hạn sử dụng của trái cây và rau tươi lên đến vài tuần trong điều kiện môi trường lạnh và dễ thay đổi.
Được thành lập vào năm 2020, nhưng giải pháp xanh của Sufresca là thành quả của nỗ lực nghiên cứu và phát triển suốt 15 năm của Giám đốc Khoa học trong phòng thí nghiệm ở Khoa Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường của Đại học Hebrew tại Jerusalem.
Tepbac (Việt Nam)
Tepbac đã xây dựng một nền tảng quản lý trang trại nuôi trồng thủy sản với các giải pháp Internet vạn vật (IoT) nhằm nâng cao hiệu quả nuôi trồng, kiểm soát chất lượng nước và truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Nền tảng Tepbac hiện đang được sử dụng tại hơn 1.500 trang trại, tạo tiền đề phát triển để nâng cao năng lực ngành thủy sản Việt Nam./.