Việt Nam khởi động nghiên cứu 6G ngay trong năm 2022
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 20:39, 14/01/2022
Phát triển lĩnh vực viễn thông với 3 từ khoá quan trọng
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng các kết quả công tác năm 2021 của 5 đơn vị và trân trọng sự lao động vất vả, tinh thần phụng sự của cán bộ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong khối.
Bộ trưởng cho biết các đơn vị trong khối viễn thông, công nghiệp CNTT của Bộ đã đi qua một năm rất khó khăn do đại dịch COVID-19 và chính trong khó khăn đó chúng ta đã có bước phát triển mới.
Theo Bộ trưởng, khối đã làm được nhiều việc tưởng phải làm 1 năm thì lại làm được trong 1 tuần như việc triển khai cầu truyền hình đến cấp xã phục vụ điều hành của Thủ tướng Chính phủ, hay hệ thống khám chữa bệnh từ xa tới tuyến huyện. "Tất cả những việc này chúng ta làm được, làm nhanh cũng do tích luỹ giá trị từ quá khứ".
Bộ trưởng cho biết lĩnh vực viễn thông cần có sự đổi mới lần hai. Hạ tầng viễn thông chuyển đổi thành hạ tầng số, hạ tầng alô thành hạ tầng của nền kinh tế, hạ tầng cho vạn vật (IoT).
Theo Bộ trưởng, hạ tầng số giờ đây có thêm 3 từ khoá rất quan trọng: (1) cloud computing (điện toán đám mây - ĐTĐM) sẽ lớn hơn viễn thông vào năm 2025; (2) digital platform là nền tảng số, là hạ tầng mới trên không gian số; (3) as a service (như là một dịch vụ) cung cấp các công nghệ dưới dạng một dịch vụ (technology as a service), để người dân có thể dùng công nghệ số để phát triển sản phẩm và đổi mới.
Viễn thông cần không gian mới để phát triển. Hai không gian mới quan trọng nhất cho viễn thông là ĐTĐM và nền tảng số. Hai không gian này đều đang có tốc độ tăng trưởng hàng nằm từ 15-20% trong khi viễn thông chỉ tăng trưởng từ 1-2%. Đến năm 2025, quy mô của mỗi thị trường này sẽ tương đương với viễn thông.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Viễn thông lấy tinh thần đổi mới lần 1 để đổi mới lần 2. Những bài học của cuộc đổi mới lần 1 sẽ vẫn đúng cho lần 2. Đó là hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại.
Theo đó, lĩnh vực phải huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt. Đặc biệt qua thử thách này hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước. 20-30 năm trước đây, có rất nhiều cán bộ giỏi đi ra từ lĩnh vực viễn thông vì chúng ta lúc đó đi đầu, dẫn dắt, việc nhiều tạo ra người giỏi.
Bộ trưởng cho rằng quản lý lĩnh vực là phải dẫn dắt và phát triển. "Quản lý nhà nước phải mở không gian mới cho lĩnh vực, định hướng công nghệ và mạng lưới, có kế hoạch phát triển hạ tầng số cho từng địa phương, mở rộng hợp tác quốc tế, đầu tư ra nước ngoài, học tập và phổ biến kinh nghiệm quốc tế. Viễn thông phải tăng trưởng 2 con số để đến năm 2025 tăng gấp đôi".
"Hạ tầng viễn thông, hạ tầng số phải thuộc nhóm dẫn đầu thế giới, lọt vào top 30 năm 2025. Chất lượng mạng lưới phải tương đương với các nước phát triển", Bộ trưởng giao nhiệm vụ.
Theo Bộ trưởng, sứ mệnh mới thì cần tổ chức mới, thiết kế lại tổ chức cho phù hợp với nhiệm vụ mới, đầu tư các công cụ làm việc mới hiện đại để hỗ trợ công tác, tăng năng suất lao động, chủ yếu dựa trên các công nghệ và nền tảng số. Sứ mệnh lớn cần tinh thần phụng sự lớn.
"Đi nhanh, đi đầu, tạo ra sự phát triển của nền kinh tế. Đây là sứ mệnh lớn. Tinh thần phụng sự phải lớn. Chỉ có việc vĩ đại mới sinh ra người vĩ đại. Gánh vác sứ mệnh quốc gia, sứ mệnh ngành để mở rộng giới hạn của mỗi chúng ta, để phát hiện ra mình là ai".
Theo Bộ trưởng, một năm có 365 ngày. Nếu mỗi ngày chỉ cần cố gắng tốt hơn 1% thì sau 1 năm, chúng ta sẽ có sự phát triển tới 38 lần. "Vậy một năm không ngắn, đủ dài để làm được việc lớn, sự bền bỉ vươn lên là quan trọng. Mục tiêu đã rõ, con đường đã rõ, còn lại là sự bền bỉ vươn lên mỗi ngày".
Bộ trưởng khẳng định: "Lãnh đạo Bộ tin tưởng vào các đồng chí, tin rằng các DN, đơn vị khối viễn thông sẽ có những đổi mới quan trọng để bứt phá vươn lên. Lĩnh vực viễn thông có bứt phá vươn lên thì đất nước chúng ta mới có thể bứt phá vươn lên. Lĩnh vực của các đồng chí là hạ tầng cho sự bứt phá vươn lên. Đó là hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS)".
Đi trong nhóm đầu về phát triển 5G và 6G
Cụ thể những công việc trong năm 2022, Bộ trưởng chỉ đạo viễn thông phải giải quyết dứt điểm tất cả những tồn tại kéo dài trong năm 2022. Đó là các loại rác viễn thông, SIM rác, tin nhắn, cuộc gọi rác, thư rác.
"Giải quyết được các loại rác này thì viễn thông mới trở thành hạ tầng cho thanh toán điện tử, cho kinh tế số, tức là chuyển sang một trạng thái khác, không gian được mở ra", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng cho rằng viễn thông thay vì đi theo thì từ nay phải đi đầu, đi trong nhóm đầu thế giới về phát triển 5G và 6G. Ngay trong năm 2022 phải phân bổ tần số 5G và phát triển mạng 5G toàn quốc, khởi động nghiên cứu 6G. Sau khi phân bổ tần số cho 5G thì cần có một chương trình quốc gia để cơ bản năm nay phủ sóng 5G toàn quốc. Viettel phải quyết tâm có thiết bị 5G Make in Viet Nam để tháng 6, chậm nhất là tháng 7 có thể thương mại và các nhà mạng có thể mua để triển khai.
Theo phân tích của Bộ trưởng, dự kiến đến năm 2030, 6G sẽ được thương mại hoá nên phải nghiên cứu 6G từ bây giờ về quy hoạch, đấu giá tần số, tiêu chuẩn... Tần số 6G phải được nghiên cứu cấp trước khi 6G được thương mại hoá, nghĩa là vào khoảng năm 2028 tần số phải được cấp để Việt Nam không thể chậm trễ trong triển khai công nghệ mới.
Mạng viễn thông phải nhanh chóng chuyển sang hướng dựa trên đám mây và phần mềm (cloud/software based) để trở nên linh hoạt, có thể cấu hình thành nhiều mạng con chuyên dùng bằng phần mềm. Công nghệ sử dụng là công nghệ mở. Thay vì dùng thiết bị nước ngoài thì dùng thiết bị trong nước, nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, 6G, thiết bị truyền dẫn, thiết bị đầu cuối; ban hành tiêu chuẩn thiết bị viễn thông Việt Nam. Các nhà mạng khi đấu thầu mua sắm bắt buộc phải mời các DN thiết bị trong nước.
Viễn thông đã trở thành hạ tầng nền tảng của mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Số người sử dụng viễn thông là hàng trăm triệu, doanh thu hàng trăm ngàn tỷ, lợi nhuận hàng chục ngàn tỷ.
Theo đó, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Phải đảm bảo an toàn mạng viễn thông. Các thiết bị viễn thông phải có tiêu chuẩn về an toàn an ninh mạng. Nhà mạng phải đầu tư các công nghệ, thiết bị để đảm bảo mạng viễn thông an toàn, không gian Internet lành mạnh, để không gian sống mới của chúng ta được phồn vinh và hạnh phúc".
"Nhà mạng phải có trách nhiệm làm sạch rác viễn thông. Muốn bền vững thì phải sạch, không phải chỉ nhà mạng mình mà cả những người khác chạy trên nền tảng của mình. Người dùng nhiều, doanh thu cao, lợi nhuận lớn phải luôn đi với trách nhiệm lớn. Chỉ có như vậy thì sự phát triển mới bền vững", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu lĩnh vực phải thực hiện CĐS công tác quản lý, kết nối trực tuyến với các nhà mạng để thay thế các báo cáo; phân tích, đánh giá bằng dữ liệu, AI để quản lý và phát triển ngành; sử dụng công nghệ số để tăng năng suất lao động.
"Năng suất lao động của khối viễn thông năm 2022 phải tăng 30%. Điều này duy nhất chỉ có thể thực hiện bằng công nghệ. Công nghệ đã sẵn sàng hết rồi".
Những dấu ấn của các đơn vị sau 1 năm lao động vất vả
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo 05 đơn vị thuộc khối đã thông tin về các kết quả công tác nổi bật của các đơn vị.
Bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ CNTT cho biết năm 2021 đơn vị đã nỗ lực và quyết tâm rất cao để về đích trong công tác.
Vụ đã nâng cao được vị thế quản lý nhà nước về công nghiệp ICT thông qua một loạt các văn bản quy phạm pháp luật; đã xây dựng được đề án tổ chức lại Vụ CNTT thành Cục công nghiệp ICT; thiết lập một chính sách lĩnh vực công nghiệp ICT; đề xuất xây dựng luật công nghiệp công nghệ số đang được trình Chính phủ; đưa nội dung dịch vụ TTDL vào danh mục kinh doanh có điều kiện trong luật Đầu tư, tạo hành lang pháp lý và quản lý được các tổ chức, DN kinh doanh TTDL tại Việt Nam, tạo sân chơi cho các DN cung cấp dịch vụ TTDL tại Việt Nam.
Vụ đã xây dựng 2 thông tư quan trọng hỗ trợ DN sản xuất đó là danh mục CNTT trọng điểm và danh mục sản phẩm phần mềm, kịp thời đưa vào các sản phẩm CĐS để kịp thời hỗ trợ trong danh mục CNTT trọng điểm; tham mưu được 2 quyết định quan trọng về thành lập khu CNTT tập trung Cần Thơ và kéo dài thí điểm chuỗi công viên phần mềm Quang Trung; xây dựng CSDL hơn 64.0000 DN công nghệ số Việt Nam và tăng trưởng tỷ lệ Make in Viet Nam từ 22,74% năm 2020 đến hết năm 2021 tăng lên là 24,65%, xây dựng các nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển DN công nghệ số.
Đặc biệt, bà Hương cho biết Vụ đã chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ số Việt Nam cùng với tổ chức Giải thưởng Make in Viet Nam 2021 như là dấu ấn ghi nhận đóng góp của các DN công nghệ số.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông cho biết đơn vị đã chủ trì các chính sách hỗ trợ người dân và toàn xã hội trong công tác phòng chống COVID-19; triển khai thí điểm mobile money để 100% người dùng điện thoại di động có tài khoản mobile money.
Các kết quả nổi bật khác của lĩnh vực viễn thông gồm 66% hộ gia đình có cáp quang đến tận nhà (FTTH); tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng là 20,3%; 100% các tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông, phủ sóng vùng lõm hơn 1300 thôn; xử lý gần 1,1 triệu SIM có dấu hiệu thông tin thuê bao không đúng quy định; chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo; xử lý 227.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác; 100% máy điện thoại nhập khẩu đã tích hợp 4G, có VoLTE; số máy điện thoại có VoLTE tăng 117%; số người sử dụng VoLTE tăng 3 lần.
Cục cũng chủ trì bảo đảm thông tin liên lạc các sự kiện lớn như Đại hội Đảng XIII, bầu cử Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, chỉ đạo các DN viễn thông di động tập trung triển khai kiên cố hoá nhà trạm tại các tỉnh ven biển miền Trung, kết nối Telehealth tới 100% tuyến huyện. Mỗi xã thuộc các vùng trọng điểm của thiên tai có ít nhất 01 trạm BTS kiên cố đảm bảo chịu được rủi ro thiên tai cấp IV.
Trong khi đó, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung cho biết năm 2021 Cục đã xây dựng phương án đấu giá băng tần (2300 - 2400) MHz, cấp giấy phép băng tần thử nghiệm 4G, 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone; cấp 31.000 giấy phép sử dụng tần số vô 2019 tuyến điện và gần 2.500 chứng chỉ VTĐ viên hàng hải - chiếm 40% tổng số hồ sơ của Bộ TT&TT
Cục đã kiểm soát, phát hiện 274 vi phạm, xử lý 92 vụ nhiễu/28 tỉnh, thành phố, cụ thể là 258 trạm gốc/ 04 mạng; tại Hà Nội 2-5% trạm gốc được xử lý nhiễu; cải thiện 2-10 lần chất lượng dịch vụ của mỗi trạm gốc; kiểm soát, thu được 407 phát xạ trong băng tần 700 MHz quy hoạch cho IMT…
Ông Trần Duy Ninh, Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương cho biết năm 2021, 100% tỉnh/thành kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD) cấp I; 100% cấp huyện kết nối vào mạng TSLCD; 27,63% cấp xã kết nối vào mạng TSLCD; 87,4% tỉnh/thành phố ban hành quy chế sử dụng mạng.
Cục đã triển khai thiết lập hạ tầng viễn thông, CNTT, bưu chính phục vụ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thiết lập hạ tầng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn quốc.
Thông tin về kết quả hoạt động của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc VNNIC cho biết năm 2021 tiếp tục đánh dấu 21 năm đảm bảo hoạt động ổn định an toàn hệ thống DNS quốc gia, VNIX, không có bất kỳ một sự cố gián đoạn dịch vụ, đảm bảo cam kết dịch vụ SLA 99,999% (thực tế đạt 100%).
VNNIC chính thức công bố Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025, tập trung thúc đẩy, hỗ trợ khối cơ quan nhà nước chuyển đổi IPv6 trong tiến trình chuyển đổi hoàn toàn Internet Việt Nam sang IPv6. Bộ TT&TT sẽ tiên phong và đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ của cơ quan nhà nước.
VNNIC đã ra mắt ứng dụng đo tốc độ Internet trên thiết bị di động (ứng dụng i-Speed) hỗ trợ người dân chủ động đo và tự đánh giá tốc độ truy cập Internet đang sử dụng một cách trung thực, chính xác. Việc phát triển ứng dụng i-Speed và công bố thống kê tốc độ truy cập Internet sẽ góp phần hoàn thiện "bức tranh" thống kê đa chiều về Internet Việt Nam, thúc đẩy tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ Internet của các doanh nghiệp./.