Thương mại điện tử năm 2022: Cuộc thư hùng trên bàn phím
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 15:39, 13/01/2022
Tăng trưởng mạnh
Năm 2021, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tăng trưởng đến 16%, đạt mốc 14 tỷ USD. Dự báo đến năm 2025, quy mô TMĐT Việt Nam có thể đạt 52 tỷ USD, trở thành nền kinh tế có thị trường thương mại điện tử đứng thứ 3 khu vực ASEAN.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam cho biết, lượng truy cập vào sàn của Shopee tăng gấp 1,5 lần, số lượng đơn hàng tăng gấp 3 lần.
“Covid-19 đã thúc đẩy doanh nghiệp, từ những thương hiệu cao cấp cho đến doanh nghiệp nhỏ, nhanh chóng thực hiện các chiến lược kỹ thuật số để tiếp cận người dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội. Quá trình chuyển đổi số được rút ngắn nhờ đại dịch”, ông Tuấn Anh nhận xét.
Tương tự, ông James Dong, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam chia sẻ, năm 2021 là một năm đáng nhớ. Đại dịch đã kích thích hàng triệu khách hàng mới trải nghiệm mua sắm trực tuyến lần đầu tiên.
“Thương hiệu và nhà bán hàng có thêm một kênh tiềm năng để phát triển và phục hồi kinh doanh sau làn sóng Covid-19. Do đó, TMĐT thực sự đã chuyển mình từ một kênh phụ, trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của thương hiệu và nhà bán hàng", ông James Dong đánh giá.
Nếu như năm 2020 là năm người tiêu dùng "làm quen" với giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thì năm 2021 là thời điểm chín muồi để TMĐT bùng nổ, người dùng ngày càng ưa chuộng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, với số lượng đơn hàng thanh toán qua ví điện tử tăng gấp 10 lần. Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, đến nay hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho rằng, Covid-19 là chất xúc tác giúp TMĐT phát triển nhanh, mạnh hơn. Hiếm nước nào trong khu vực ASEAN có TMĐT tăng trưởng 2 con số trong đại dịch.
Bức tranh thay đổi
Nhận định về thị trường TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, đại dịch làm tiến độ phát triển ứng dụng cho TMĐT từ người bán đến người mua rút ngắn lại 1-2 năm so với kế hoạch đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT trong các năm gần đây khoảng 30 - 35%/năm và thời gian tới sau đại dịch sẽ là một bức tranh hoàn toàn thay đổi.
Bức tranh mới thay đổi đến từ cả người mua hàng, nhà kinh doanh lẫn các nền tảng bán lẻ trực tuyến. Báo cáo "e-Conomy SEA 2021" chỉ ra rằng, Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu, trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.
Mức độ duy trì cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống khi có đến 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong khi đó, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số.
Chính vì vậy, cuộc chiến trên sàn TMĐT trong năm 2022 sẽ là cuộc chiến giành click của khách hàng.
Ở góc độ các sàn TMĐT, năm 2022 hứa hẹn cuộc đua giàu kịch tính và nhiều cảm xúc giữa tứ đại gia Lazada, Shopee, Tiki và Sendo. Mới đây nhất, hồi tháng 11/2021, Tiki đã nhận thêm 258 triệu USD trong vòng Series E để tăng lực chiếm lĩnh thị trường.
Trong khi đó, với giá trị vốn hóa thị trường chạm mốc tỷ USD, Sea Group (công ty mẹ của Shopee) hiện là công ty đắt giá nhất tại Đông Nam Á. Với sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ của Sea Group, năm 2021, Shopee liên tục mở rộng thị trường tới hơn 10 quốc gia trên thế giới và trở thành ứng ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều nhất trên thế giới trong năm 2021, với hơn 200 triệu lượt tải, vượt lên cả ông lớn Amazon.
Trong khi đó, Alibaba tại Trung Quốc đang gặp khó vì những quy định thắt chặt từ chính phủ nước này, đang chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á với Lazada. Alibaba vừa công bố các mục tiêu đầy tham vọng cho Lazada gồm nâng tổng giá trị hàng hóa (GMV) lên gấp 5 lần, tổng số giao dịch trên các nền tảng của Lazada đạt 100 tỷ USD. Ngoài ra, Alibaba cũng muốn Lazada phục vụ hơn 300 triệu người dùng cuối cùng. Trong đó, Việt Nam là thị trường trọng điểm của Lazada.
Chính vì vậy, năm 2022, cuộc cạnh tranh trên thị trường TMĐT sẽ trở nên khốc liệt. Thị trường sẽ phân hóa mạnh mẽ.
"Các tay chơi như Shopee và Lazada có thể áp dụng các chiến lược trong khu vực và toàn cầu tại Việt Nam và bắt đầu thu hút được sự chú ý. Họ áp dụng các chiến lược tốt nhất trong việc thu mua sản phẩm, hợp tác thương hiệu, logistics, thu hút nhà bán hàng, bán hàng và marketing, dịch vụ khách hàng…", Roshan Raj Behera, chuyên gia phân tích tại Công ty Tư vấn và Nghiên cứu RedSeer nhận xét./.