Năm 2022, Đảng uỷ Bộ TT&TT ứng dụng AI trong công tác đảng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 09:25, 12/01/2022
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngày 11/1, Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương Đỗ Việt Hà cho biết Đảng bộ Bộ TT&TT từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ đã cam kết đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) công tác Đảng xuất phát từ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ về dẫn dắt CĐS quốc gia và tăng cường công tác quản lý đảng viên. Theo đó, Đảng uỷ Bộ TT&TT tiên phong CĐS trong công tác Đảng ở Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.
Đảng bộ Bộ TT&TT cũng là đầu tàu trong việc triển khai sổ tay điện tử công tác Đảng và nghiên cứu đến sử dụng trợ lý ảo. Theo đó, Đảng bộ Bộ TT&TT làm điển hình, dẫn dắt các Đảng bộ khác trong khối từng bước CĐS, tạo ra những đột phá cụ thể.
Bí thư Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết với vai trò dẫn dắt CĐS trong công tác đảng trong Khối các cơ quan Trung ương, Đảng uỷ Bộ TT&TT sẽ triển khai ngay sổ tay điện tử đảng viên cho các đảng viên trong Bộ để đến đầu quý II năm 2022 hoàn thành. Đảng uỷ Bộ TT&TT cũng hoàn thiện một số công tác CĐS trong Bộ TT&TT, sử dụng các hệ thống CNTT trong công tác Đảng theo chỉ đạo của Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2021 - 2025.
Bí thư Đảng uỷ Bộ TT&TT cũng lưu ý các chi bộ Đảng thuộc Đảng bộ cụ thể hoá 10 chữ vàng của Ngành "Trung thành, Dũng cảm, Tận tuỵ, Sáng tạo và Nghĩa tình" và 8 chữ "Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá" gắn với nhiệm vụ chuyên môn cụ thể của từng đơn vị.
Bí thư Đảng uỷ Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cũng kiến nghị Đảng ủy Khối khi thực hiện CĐS công tác Đảng thì cố gắng làm triệt để để đồng bộ trong toàn bộ Đảng uỷ Khối và tiên phong đi đầu. Hiện nay, nhiều tỉnh uỷ đã CĐS công tác Đảng.
Tham luận tại Hội nghị, đại diện Cục An toàn thông tin (ATTT) đề xuất Đảng bộ Bộ TT&TT cần thực hiện lồng ghép các nội dung về ATTT mạng và niềm tin số trên không gian mạng, đặc biệt triển khai vào hệ thống của các cơ quan Đảng, đảm bảo ATTT giúp đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng; trang bị kĩ năng và phổ cập dịch vụ ATTT mạng cơ bản cho cán bộ, đảng viên.
Đại diện Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cũng đề xuất việc triển khai ký số văn bản trong công tác Đảng trên hệ thống, bổ sung chứng thư số con dấu Đảng ủy, Chi bộ trực thuộc để ký số; liên thông hệ thống văn bản với hệ thống văn bản của Đảng ủy khối, từ đó, tạo nên bước CĐS trong công tác Đảng của Đảng bộ Bộ TT&TT.
Ngành TT&TT chủ động đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ
Theo báo cáo của Đảng uỷ Bộ TT&TT, năm 2021, Đảng ủy Bộ đã phối hợp với Ban cán sự Đảng xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Bộ TT&TT, của Đảng bộ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cụ thể hóa các nhiệm vụ qua các chiến lược, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, khả thi, đồng bộ và nhất quán trong triển khai thực hiện.
Trên cơ sở đó, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sự phát triển của cả nước nói chung và ngành TT&TT nói riêng nhưng với tinh thần chủ động, nỗ lực sáng tạo, trong năm 2021, toàn Ngành đã cố gắng, phấn đấu đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng.
Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành TT&TT đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố, Việt Nam xếp thứ 47/168 quốc gia (tăng 2 bậc so với năm 2020); trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế (GCI) (từ vị trí 50 lên vị trí 25).
Năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 9% so với năm 2020, mức tăng trưởng gấp từ 3,6 - 4,5 lần so với mức tăng trưởng GDP quốc gia.
Chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình CĐS mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian rất ngắn, công cuộc CĐS quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với một tốc độ vô cùng nhanh chóng, tạo nên một làn sóng CĐS trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có thể họp trực tuyến với tất cả các điểm cầu đến tận cấp xã trên khắp cả nước; 25 triệu học sinh học trực tuyến; người dân ở nông thôn, miền núi được khám bệnh online đến từng nhà; thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ.
Chính trong quá trình CĐS này, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã khẳng định vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển nền kinh tế số Việt Nam để thực hiện khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng./.