Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số trong trong giáo dục nghề nghiệp
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:59, 06/01/2022
Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Theo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025, tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016 - 2019 khá cao, bình quân 6,8%.
Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 của Việt Nam ước đạt khoảng 5,9%và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.
Tuy nhiên, những thành tựu này đang bị đe dọa do mức tiêu thụ tài nguyên ngày càng nhiều, suy thoái môi trường và sự thiếu hụt đáng kể lao động lành nghề. Trên thực tế, hệ thống giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) nghề nghiệp của Việt Nam cũng như kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thế giới việc làm đang thay đổi.
Nguyên nhân là do thiếu sự tham gia của khu vực doanh nghiệp (DN), các chương trình đào tạo lạc hậu và năng lực của đội ngũ giảng dạy và đào tạo còn hạn chế. Kết quả là đào tạo nghề có hình ảnh tiêu cực và tỷ lệ tuyển sinh thấp. Đa số phụ huynh vẫn có tâm lý thích cho con vào đại học, dù biết học xong con em họ có thể thất nghiệp, hoặc sẽ phải làm trái ngành và thu nhập thấp hơn lao động có tay nghề cao.
Với gần 2.000 cơ sở, mỗi năm hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo trên 2 triệu người học thuộc các hệ khác nhau. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khai giảng thế nhưng có những ngành vẫn thiếu vắng học sinh vì tuyển sinh không đủ. Năm 2020 chỉ tuyển sinh được trên 2,2 triệu người. Tuy nhiên đến năm 2021, con số này đang bị "đe doạ" nghiêm trọng, bởi tuyển sinh mới đạt hơn 40% chỉ tiêu được giao năm 2021.
Hậu quả của đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự cần thiết phải có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp linh hoạt và cởi mở hơn, giúp học sinh được hưởng lợi từ quá trình CĐS và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động thời 4.0.
CĐS trong giáo dục nghề nghiệp
Để giải quyết các vấn đề trên, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình CĐS trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
CĐS trong giáo dục nghề nghiệp nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Về phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, Chương trình phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo phát triển học liệu số.
Đến năm 2030, phấn đấu 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức CĐS; phấn đấu 100% chương trình đào tạo chuyên ngành CNTT, công nghệ số được cập nhật phù hợp với ứng dụng khoa học công nghệ mới.
Chương trình đặt mục tiêu hình thành nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung phục vụ cho hoạt động dạy và học vào năm 2025. Đến năm 2030, phấn đấu 100% trường cao đẳng, trường trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia; phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và tích hợp vào cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin điện tử của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào năm 2023; phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng giáo dục nghề nghiệp của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số.
Mục tiêu khác của Chương trình là hình thành bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào năm 2025 và liên kết bản đồ số mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các hệ thống chứng thực và tra cứu thông tin giáo dục nghề nghiệp vào năm 2030. Phấn đấu 100% các trường chất lượng cao là trường học số vào năm 2030.
Năm 2022: Thúc đẩy CĐS mạnh mẽ, toàn dân, toàn diện
Năm 2021, CĐS đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã khẳng định: "Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới: Hạ tầng số, dữ liệu, bưu chính, an toàn thông tin mạng, công nghiệp công nghệ số, DN công nghệ số Việt Nam, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, CĐS báo chí".
Theo Bộ TT&TT, các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực của ngành TT&TT đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Trong năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành kế hoạch đặt ra và tăng trưởng 9% so với năm 2020.
Chiếm tỷ trọng đóng góp lớn nhất cho doanh thu toàn ngành là từ công nghiệp ICT, với doanh thu năm nay ước đạt hơn 136 tỷ USD, tăng hơn 11,4 tỷ USD so với năm 2020. Trong số này, đóng góp chính là DN FDI với hơn 117 tỷ USD.
Năm 2021 cũng đánh dấu sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng các DN ICT. Việt Nam hiện có 64.000 DN số, tăng từ mức 58.000 của năm ngoái. Tuy nhiên, Bộ TT&TT đánh giá, đa số DN công nghệ số tại Việt Nam (hơn 90%) là các DN vừa và nhỏ, nên tiềm lực đầu tư cho nghiên cứu phát triển các sản phẩm, giải pháp, nền tảng công nghệ số mới còn hạn chế. Cùng với đó, nhân lực CNTT hiện nay vừa yếu và thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu trong giai đoạn mới.
Theo Bộ TT&TT, dù bị ảnh hưởng nặng nề của COVID-19, chính những thách thức do dịch bệnh gây ra đã thúc đẩy quá trình CĐS mạnh mẽ hơn. Chỉ trong thời gian rất ngắn, công cuộc CĐS quốc gia đã được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc với tốc độ vô cùng nhanh chóng, tạo nên một làn sóng CĐS trên khắp các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cả nước.
Trong quá trình CĐS, các DN công nghệ số Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển, đổi mới và làm chủ công nghệ. Định hướng đến năm 2025, Bộ đặt mục tiêu ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông có sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang "Make in Viet Nam", tức làm sản phẩm do Việt Nam thiết kế và sản xuất, làm chủ và sáng tạo công nghệ. Trong đó, tỷ trọng "Make in Viet Nam" vào năm 2025 dự kiến đạt trên 45%.
Đến năm 2025, cả nước sẽ có 100.000 DN công nghệ số; hình thành ít nhất 10 DN công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhân lực của ngành TT&TT nói riêng và của cả nước nói chung, CĐS giáo dục nghề nghiệp có một vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế./.