Ký số từ xa - Nhu cầu tất yếu trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:35, 05/01/2022
Dịch vụ CKS từ xa đã được chính thức cấp phép tại Việt Nam, mở ra khả năng phổ biến rộng rãi việc sử dụng CKS tới đông đảo người dân.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tạo những áp lực to lớn mà các Chính phủ, doanh nghiệp (DN), xã hội đang phải đối mặt, chuyển đổi số (CĐS) đang là minh chứng cho hướng đi đúng đắn đảm bảo trạng thái hoạt động bình thường mới trên không gian số.
Để khai thác dữ liệu số trong kỷ nguyên dữ liệu hóa một cách hiệu quả, cần hình thành văn hóa số, bảo vệ các giá trị đạo đức căn bản và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vô cùng quan trọng. Việc xác thực danh tính trên không gian số, đảm bảo tính chống chối bỏ giữa các bên trong giao dịch điện tử là vô cùng cần thiết vì đây là điều kiện cơ bản nhất để tạo nên niềm tin số. CKS là công cụ hữu hiệu để xây dựng niềm tin này.
Đối với các cá nhân, CKS có giá trị pháp lý tương đương chữ ký tay. Với các tổ chức, DN, CKS có giá trị tương đương con dấu và chữ ký của người đại diện pháp luật. Do sử dụng công nghệ cao an toàn tuyệt đối nên CKS đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xác định tính pháp lý của các tài liệu điện tử. Nó có khả năng đảm bảo tính toàn vẹn của tài liệu điện tử cũng như xác định danh tính của tác giả.
Việc sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử được coi là cơ sở để khẳng định giá trị pháp lý của những văn bản điện tử có giá trị tương đương với tài liệu giấy. Vì thế, CKS được đánh giá là phương thức duy nhất để xác định tính pháp lý của văn bản điện tử hiện nay.
Tại sự kiện Internet Day 2021 do Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) chủ trì với chủ đề “Phục hồi và Bứt phá trong Kỷ nguyên Dữ liệu hóa” vừa diễn ra mới đây, phóng viên của Tạp chí TT&TT đã có cuộc trao đổi với ông Hà Thái Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty CNTT VNPT (VNPT-IT) - về các vấn đề triển khai CKS tại Việt Nam. Dưới đây là toàn văn cuộc trao đổi.
Phóng viên (PV): Theo đánh giá của ông, CKS từ xa có tầm quan trọng như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Ông Hà Thái Bảo: Trên thế giới, các tổ chức hướng tới tương lai đều chú trọng đầu tư vào giải pháp ký tài liệu an toàn từ xa. Năm 2019, thị trường CKS toàn cầu đạt 1,1 tỷ USD. Đến năm 2027, con số đó dự kiến chạm mốc 7,99 tỷ USD (theo Fortune Business Insights).
Tại Việt Nam, chúng ta đang ở trong một thế giới siêu kết nối. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt CĐS là nhiệm vụ hàng đầu của quốc gia hiện nay. Nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN, nhiều chính sách, giải pháp đã được ban hành đáp ứng nhu cầu thực tiễn như Quyết định số 468/QĐ-TTg, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định số 45/2020/NĐ-CP.
Chính phủ cũng không ngừng dốc sức, tạo động lực CĐS Quốc gia với việc nhanh chóng triển khai điện tử hóa hành chính công, cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư và căn cước công dân quốc gia. Theo đó, chúng ta có sự bùng nổ nhu cầu về xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng, ký số cá nhân, hộ kinh doanh cá thế trên môi trường mạng, sự bùng nổ nhu cầu về ký hợp đồng điện tử và sử dụng hóa đơn điện tử. Trong đó, theo tính toán của Tổng cục Thuế thì số lượng hóa đơn điện tử có thể đáp ứng lên đến 6,4 tỷ hóa đơn/năm và nhu cầu về hợp đồng điện tử có thể chạm mốc 95 triệu hợp đồng/năm.
Theo số liệu được công bố của Tổng cục Thống kê năm 2020 (gso.gov.vn), lực lượng lao động trong quý IV năm 2020 là 55,1 triệu người có nhu cầu ký hợp đồng lao động.
Trong các loại dịch vụ cung cấp CKS, CKS từ xa (Remote signature) được sử dụng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây giúp người dùng có thể ký số linh động mọi lúc, mọi nơi trên máy tính, điện thoại hay máy tính bảng một cách trực tiếp mà không bị phụ thuộc vào thiết bị phần cứng như USB Token hay SIM. CKS từ xa là phương thức giúp người dùng tiết kiệm thời gian và tiền, tiện dụng hơn trong việc tạo các tài liệu mang tính pháp lý ngay lập tức dù người đang ở bất cứ đâu.
Đối với người dùng cá nhân, họ có thể sử dụng CKS này để thực hiện giao dịch điện tử trên các hệ thống: Cổng dịch vụ công, một cửa điện tử,…; Xác thực cá nhân trong các giao dịch Chứng khoán, ngân hàng; Ký số trong các giao dịch hợp đồng điện tử, hợp đồng lao động...
Trong các tổ chức, CKS có thể được ứng dụng rất rộng: Giáo viên ký số Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục; Bác sỹ ký số trong các bệnh án, hồ sơ y tế điện tử; Lãnh đạo, chuyên viên trong các đơn vị tổ chức, DN sử dụng ký số trong các văn bản, hợp đồng điện tử, các hồ sơ chứng từ điện tử của đơn vị mình.
Đối với DN có thể ứng dụng vào: Cung cấp dịch vụ hợp đồng điện tử; quản lý văn bản,; quản trị DN cần tích hợp ký số lên các phần mềm để cung cấp trọn bộ giải pháp cho khách hàng. Đồng thời, các tổ chức, DN có nhu cầu ký số linh hoạt, ký số tốc độ cao, ký số theo lô số lượng lớn.
Các hộ kinh doanh cá thể sử dụng trong triển khai hóa đơn điện tử và khai thuế điện tử có ký số.
Hiểu đơn giản thì với CKS từ xa có chi phí thấp, đăng ký đơn giản, thuận tiện sử dụng và rất an toàn. Thông tư số 16/2019/TT-BTTTT của Bộ TT&TT quy định danh mục tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng về CKS và dịch vụ chứng thực CKS theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa có hiệu lực từ 1/4/2020. Hiện tại, hệ thống kỹ thuật của VNPT-CA là đơn vị đầu tiên đã được kiểm định đáp ứng các điều kiện an toàn được quy định tại Thông tư số 16 của Bộ TT&TT. Dịch vụ VNPT SmartCA là sự khởi đầu để phổ biến rộng rãi CKS tới đông đảo người dân.
Trong một xã hội số, mọi chủ thể cần niềm tin vào giao dịch số. Từ bối cảnh thế giới và thực tiễn đất nước, CKS từ xa trở thành xu thế phát triển tất yếu, đáp ứng dòng chảy phát triển của cuộc sống và tạo ảnh hưởng quan trọng tới sự phát triển của Quốc gia.
PV: Xin ông cho biết, VNPT có định hướng như thế nào để mang CKS từ xa tới gần hơn với người dân?
Ông Hà Thái Bảo: Chúng tôi đang triển khai chương trình ưu đãi miễn phí 3 tháng sử dụng dịch vụ CKS từ xa (VNPT SmartCA) cho các khách hàng đăng ký từ 15/11 đến hết 31/12/2021 nhằm gia tăng độ phủ sóng của CKS từ xa. Các cá nhân có nhu cầu trải nghiệm có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin trên website chính thức của VNPT hoặc Landing Page trainghiem.onesme.vn.
Về mặt công nghệ, cơ sở hạ tầng, chúng tôi đã hoàn thiện và sẵn sàng đưa VNPT SmartCA nói riêng và CKS từ xa nói chung tới các cá nhân, tổ chức, DN trên toàn quốc.
Chúng tôi cũng là đơn vị tiên phong trong việc tích hợp CKS từ xa với các nền tảng ứng dụng CKS như Hóa đơn điện tử VNPT Invoice, Hợp đồng điện tử eContract, và sắp tới là các nền tảng giao dịch phổ biến khác như Cổng dịch vụ công (DVC) Quốc gia, Cổng DVC các Bộ, Ngành, địa phương và các nền tảng giao dịch của Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm.
PV: Cơ sở nào để người dân có thể yên tâm về bảo mật khi sử dụng CKS từ xa, thưa ông?
Ông Hà Thái Bảo: An ninh mạng là vấn đề nóng không chỉ ở riêng Việt Nam. Các tổ chức, bất kể quy mô, đều có thể bị tấn công bởi tin tặc hoặc các virus độc hại. Khi phát triển CKS từ xa tại Việt Nam, VNPT tự hào vì phát huy được năng lực công nghệ vốn có, đào sâu nghiên cứu, phát triển theo tinh thần “Make in Viet Nam”. VNPT là đơn vị duy nhất tại Việt Nam tự phát triển Module SAM và được tổ chức đánh giá châu Âu cấp chứng chỉ và triển khai thí điểm cho khách hàng từ năm 2017 trước khi Bộ TT&TT ban hành quy định cấp phép cho dịch vụ vào ngày 3/11 vừa qua.
Để tạo được lòng tin cho người dùng, VNPT luôn chú trọng đầu tư phát triển các giải pháp giám sát an toàn thông tin (ATTT), nắm thế chủ động từ những bước đầu. Chúng tôi đã triển khai một hệ sinh thái với nhiều giải pháp về ATTT, điển hình là Trung tâm điều hành SOC chuyên theo dõi, xử lý các sự cố về ATTT 24/7, nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, hạn chế sự lây lan của cuộc tấn công, giảm thiểu hậu quả và khôi phục hệ thống và mạng về trạng thái ổn định và an toàn.
Bên cạnh đó, các giải pháp về bảo mật dựa trên công nghệ điện toán đám mây cũng luôn được nâng cấp và phát triển để đảm bảo an ninh trên không gian mạng.
Theo đó, dịch vụ ký số từ xa SmartCA là hình thức ký số đã được thẩm định rất kỹ càng, đảm bảo mức độ an toàn cao và tiện lợi cho người dùng.
Đặc biệt, VNPT SmartCA đã sẵn sàng tích hợp với nhiều ngành thiết yếu: Chứng thực tính toàn vẹn của hợp đồng tài liệu (giao dịch ngân hàng, email, tờ khai…); Chứng thực người tham gia giao dịch; Giao dịch chứng khoán; Hợp đồng mua sắm Online; Ký số trong các giao dịch hợp đồng điện tử, hợp đồng lao động...
CKS giúp làm giảm thời gian và công sức xử lý giấy tờ cho DN cũng như kế toán. Thay vì phải in tài liệu, lưu trữ và ký tay từng văn bản, người dùng hoàn toàn có thể ký hàng loạt văn bản điện tử ngay trên máy tính và gửi trực tiếp cho lãnh đạo, đối tác, khách hàng… thông qua môi trường Internet. Ngay cả khi người ký không thể có mặt thì việc ký vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được trên ứng dụng điện thoại với loại CKS sử dụng công nghệ ký từ xa. Loại CKS này còn có khả năng phân quyền sử dụng giữa các phòng ban, bộ phận trong công ty, làm giảm thời gian di chuyển, in ấn, hay chờ tới lượt ký.
Chính sự tiện lợi, đáng tin cậy và dễ sử dụng trong SmartCA sẽ thu hút sự quan tâm và tin dùng của người dân cũng như các tổ chức, DN.
PV: Ông có kiến nghị gì với các nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy nhanh ứng dụng CKS vào cuộc sống?
Ông Hà Thái Bảo: Đại dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng chi phí đầu vào, yêu cầu con người phải làm việc từ xa, xử lý nghiệp vụ, quan hệ khách hàng mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị. Trạng thái bình thường mới buộc chúng ta phải chuyển đổi cách tương tác trực tiếp thành các giao dịch trên không gian mạng. DN phải liên tục tối ưu hóa mô hình kinh doanh để giảm chi phí của quá trình đưa sản phẩm, dịch vụ tới tay khách hàng.
Thông tư 41/2017/TT-BTTTT quy định sử dụng CKS cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước. Trong đó, đối tượng phải áp dụng ký số, ký điện tử là các cơ quan, tổ chức (bao gồm: các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước) và tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng CKS cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước. Việc ký số tại các đơn vị này trong trường hợp người có thẩm quyền ký số trên văn bản điện tử và cơ quan, tổ chức ký số trên văn bản điện tử. Ngoài ra, thông tư cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác áp dụng.
Điều đó cho thấy, việc thúc đẩy ứng dụng phổ biến và đa dạng CKS trong xã hội sẽ giúp tạo động lực CĐS Quốc gia, phát triển nhanh nền kinh tế số, đặc biệt là nhanh chóng triển khai điện tử hóa hành chính công một cách đầy đủ và an toàn.
Để đẩy nhanh triển khai phổ biến việc sử dụng CKS, theo tôi, Bộ TT&TT cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật đối với eKYC ứng dụng trong đăng ký online dịch vụ CA, SmartCA.
Bộ Công an sớm cung cấp dịch vụ xác thực thông tin công dân từ nguồn CSDL Quốc gia về dân cư và căn cước công dân để các nhà cung cấp dịch vụ CA xác thực theo thời gian thực khi người dân đăng ký dịch vụ online.
Các Bộ, ngành sớm bổ sung hành lang pháp lý và văn bản hướng dẫn triển khai ký số từ xa và SIM PKI cho các lĩnh vực chuyên ngành (ví dụ như: Ngân hàng nhà nước cần cập nhật bổ sung ký số từ xa vào các phương tiện ký số bên cạnh hình thức ký bằng USB Token và SIM CA - Quyết định 630/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán ngân hàng).
Việc phát triển dịch vụ, nền tảng dữ liệu trong nước cần tiếp tục được đẩy mạnh với mô hình nhà nước kiến tạo thể chế, chính sách để bảo vệ, mở ra không gian đổi mới cho các DN. Các DN công nghệ Việt Nam chung tay gách vác và nhận lấy trách nhiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ, nền tảng cho CĐS quốc gia. Thị trường là vô cùng rộng lớn, là cơ hội cho các DN khai thác và phát triển các giá trị từ việc khai thác dữ liệu thông tin một cách an toàn.
Trong một môi trường chính sách thuận lợi và sự chủ động của các DN cung cấp dịch vụ, tôi tin rằng, chữ ký số sẽ nhanh chóng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam.
PV: Chân thành cám ơn những chia sẻ của ông!
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)