Chuyển đổi số y tế giúp loại bỏ sai sót, tăng hiệu quả khám, chữa bệnh
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 05:55, 04/01/2022
Đó là quan điểm nhận định của ông Trần Minh Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietsens - Chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cao trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, để thực hiện tốt nhiệm vụ CĐS Y tế đi vào thực chất, mạnh mẽ, phù hợp trong xu thế nền y tế số nhanh, hiệu quả, không thể không tích cực đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ số, công nghệ nền tảng đáp ứng chuyên sâu trong quản lý, quản trị và điều hành.
CĐS là "hạt nhân" cho môi trường y tế số
Cụ thể, bao quát cho các quan điểm của mình, ông Huy cho rằng, một cơ sở khám chữa bệnh khi CĐS hiệu quả - sẽ là "hạt nhân", tiền đề tạo ra môi trường y tế số chuyên nghiệp, hiện đại; giúp thúc đẩy, phát triển các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh, y tế dự phòng hiệu quả hiện nay.
Cũng nhờ có CĐS, các bệnh viện, cơ sở y tế mới tạo thêm các cơ hội để chuyển mình mạnh mẽ, tăng chất lượng phục vụ, lợi ích vì người dân, mà điều này chính là một chủ trương, mong muốn; chỉ đạo tích cực mà các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ yêu cầu ngành Y tế phải quyết tâm thực hiện thường xuyên, thực chất.
Do vậy, muốn CĐS y tế thì ngành này phải tạo ra môi trường số, trong đó cần đảm bảo có bệnh nhân số, được định danh, chữ ký số (CKS) và có tài khoản thông qua điện thoại thông minh (smartphone), thẻ thông minh (smart card), và các tài khoản điện tử mở tại các ngân hàng...
Cùng với đó, các cơ sở khám chữa bệnh, y tế cộng đồng khi CĐS phải phải sử dụng dữ liệu số và có kho dữ liệu số chuyên ngành dùng chung. "Việc liên thông tạo kho dữ liệu, chia sẻ dữ liệu dùng chung là quan trọng vì sẽ đảm bảo tạo hiệu quả cho hoạt động của ngành và đây cũng là một tiêu chuẩn để tham chiếu đến các cơ sở dữ liệu chuyên ngành hiện nay, đồng thời, giảm các chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin", ông Huy nhấn mạnh.
Nhất thiết, việc CĐS trong các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cần đồng bộ vì gắn với nhiều hoạt động của bệnh viện, do đó cần thống nhất, đồng bộ các mặt: Quản lý dược, vật tư, nhân lực, văn bản; dịch vụ khám chữa bệnh; chuẩn đoán hình ảnh...
Cùng với đó, khi ứng dụng CĐS vào việc khám chữa bệnh, chắc chắn giúp việc tác nghiệp của tất cả các bộ phận đội ngũ y, bác sĩ sẽ thuận tiện hơn nhiều khi có phần mềm hỗ trợ. Điều này giúp việc tác nghiệp tốt, nhanh, hiệu quả, đưa ra các cảnh báo tương tác thuốc, chủ động kiểm soát các quy trình...
"Các bệnh viện khi ứng dụng CNTT, CĐS mạnh mẽ sẽ dần hạn chế tối đa mọi sai sót, tăng hiệu quả khám chữa bệnh. Đặc biệt, nếu muốn làm sai cũng không thể thực hiện được", ông Huy nhận định.
Cần xây dựng dữ liệu chuẩn ngay từ cấp y tế cơ sở
Trên quan điểm đánh giá về tiềm năng cũng như một số kết quả đạt được hiện nay, ông Huy cho rằng việc CĐS nói chung của Việt Nam, ngành y tế nói riêng đang thu được những thành tựu tích cực.
Việt Nam đang có lợi thế về hạ tầng đường truyền Internet tốc độ cao, rộng khắp (hơn 98% các bệnh viện đã sử dụng phần mềm thông tin quản lý tổng hợp HIS, có kết nối dữ liệu với bảo hiểm y tế (BHYT)); CKS và chứng từ điện tử đã được công nhận và đa số các doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng hóa đơn điện tử, CKS... Đây chính là các lợi thế hạ tầng cơ sở tốt để triển khai, đảm bảo cho các kế hoạch, dự án cụ thể của tương lai.
Vietsens là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm chuyên cung cấp, triển khai các giải pháp công nghệ cao trong lĩnh vực y tế, nhất là trong các bệnh viện, do đó khi chia sẻ về các kinh nghiệm cần thiết để CĐS hiệu quả, ông Huy cho rằng không thể thiếu 05 yếu tố: Số hóa dữ liệu; tối ưu hóa, điện tử, tin học mọi quy trình; xử lý dữ liệu số, chứng từ điện tử; xây dựng kho dữ liệu; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) (trợ lý ảo, dự đoán xu thế).
Trong 05 yếu tố trên, yếu tố xử lý dữ liệu số, chứng từ điện tử rất quan trọng và cần phải được chú trọng, nghiêm túc thực thiện, bởi lẽ đây là bước đầu để hình thành phương pháp làm việc hành chính điện tử mới (bỏ giấy tờ hành chính giấy truyền thống); tạo lập hệ thống các số liệu điện tử cụ thể đồng bộ, chính xác, công bằng, minh bạch.
Cũng như yếu tố xử lý dữ liệu số, chứng từ điện tử, việc xây dựng kho dữ liệu cũng rất quan trọng, cần phải được tiến hành song song, đồng bộ với các yếu tố trên vì đây là khâu đầu vào các thông tin, dữ liệu chuẩn của cấp y tế cơ sở và sau này là tài nguyên "dầu mỏ" cung cấp, đồng bộ trên hệ thống kho dữ liệu quốc gia.
"Tài nguyên "dầu mỏ" được hiểu chính là bệnh án điện tử, các dịch vụ CNTT, dịch vụ gia tăng, tư vấn khám chữa bệnh và các thông tin, dữ liệu tập trung... tất cả sẽ có được khi thực hiện việc CĐS hiệu quả", Chủ tịch HĐQT Vietsens nhấn mạnh
Bên cạnh đó, ông Huy cho rằng, các bệnh viện muốn CĐS thành công cần thực hiện tốt 05 yêu cầu chính: Quyết tâm của lãnh đạo; hạ tầng CNTT; thói quen của người dùng; tài chính; lựa chọn đơn vị triển khai; liên thông giữa các cơ sở y tế.
Đưa ra đề xuất hoàn thiện tốt nhiệm vụ này, theo ông Huy, ngành Y tế, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cần tiếp tục hoàn thiện các quy định hướng dẫn liên quan đến CĐS; xây dựng đơn giá CNTT làm cơ sở đầu tư CĐS trong cơ sở khám chữa bệnh; Bộ Y tế xây dựng kho dữ liệu để quản lý hoạt động của ngành./.