Nguồn mở có phải là chìa khóa tối ưu hóa mạng lưới 5G ở châu Á?

Quốc tế - Ngày đăng : 16:26, 03/01/2022

Với tốc độ phát triển của các dịch vụ viễn thông trong khu vực cũng như nhu cầu sử dụng các dịch vụ số, công nghệ mạng 5G nguồn mở hứa hẹn sẽ mang lại sự phát triển và tiết kiệm chi phí đáng kể cho nhà mạng.

Mạng di động thế hệ mới 5G đang được triển khai với nhiều tốc độ và tỷ lệ ứng dụng khác nhau trên khắp châu Á. Trong khi một số quốc gia đã áp dụng và triển khai một số công dụng mạng 5G, những quốc gia khác vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên triển khai mạng 5G ở châu Á. Theo một báo cáo của GlobalData, vào năm 2023, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) được dự báo sẽ có 477 triệu thuê bao đăng ký 5G. Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh đến các chỉ số cho thấy châu Á sẽ thiết lập tiêu chuẩn 5G toàn cầu.

Ở Đông Nam Á, mạng 5G đã được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Ví dụ, tại Singapore, mạng 5G độc lập (standalone 5G) của Singtel, dự kiến sẽ nhanh hơn 10 lần so với 4G, đã phủ sóng trên 2/3 hòn đảo. Dự kiến, phạm vi phủ sóng 5G của các nhà mạng tại Singapore sẽ đạt trên toàn quốc vào năm 2025.

Để thể hiện rõ hơn cam kết của khu vực này đối với sự phát triển của 5G, các nhà sản xuất thiết bị ở châu Á, bao gồm cả ZTE, trước đó đã công bố các thiết bị sẵn sàng cho 5G. Đây là một chỉ số khác cho thấy sự sẵn sàng của Châu Á đối với thị trường 5G.

Vào năm 2022, châu Á dự kiến sẽ chiếm gần 50% tổng số thuê bao đăng ký 5G trên toàn thế giới. Doanh thu đăng ký 5G của khu vực ước tính đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2022, với mức tăng trưởng hơn 280 triệu đăng ký (hay chiếm 49% tổng số toàn cầu).

Mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số thuê bao di động, nhưng tốc độ phát triển nhanh chóng của 5G tại châu Á vẫn rất đáng khích lệ. Các quốc gia khác nhau có các cách tiếp cận khác nhau trong phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của riêng họ. Đáng chú ý, thực tế là một số hãng viễn thông đang tìm kiếm cơ sở hạ tầng nguồn mở cho 5G.

Để hiểu thêm về cách các công ty viễn thông có thể hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng 5G mã nguồn mở, Tech Wire Asia đã có cuộc nói chuyện với Ben Panic, Giám đốc cấp cao khu vực APAC tại Red Hat.

Cơ sở hạ tầng 5G nguồn mở là gì?

Cơ sở hạ tầng 5G nguồn mở (hoặc viễn thông mở), đề cập đến việc sử dụng các giải pháp nguồn mở để thúc đẩy các nền tảng linh hoạt. Các nền tảng này sẽ cung cấp nền tảng kiến trúc 5G mạnh mẽ mà các công ty viễn thông có thể tận dụng để đưa các dịch vụ mới ra thị trường. Nền tảng 5G mã nguồn mở cũng sẽ cung cấp cho các nhà khai thác sự linh hoạt và khả năng thúc đẩy đổi mới từ giải pháp đa nhà cung cấp.

Các công ty viễn thông có thể khai thác các chức năng đám mây dựa trên phần mềm từ nhà cung cấp thiết bị mạng (NEP) và nhà cung cấp phần mềm độc lập (ISV) của họ, tất cả đều hỗ trợ cơ sở hạ tầng 5G.

Chức năng Cloud-Native (CNF) (một cách tiếp cận trong xây dựng và vận hành các ứng dụng khai thác ưu điểm của mô hình điện toán đám mây - ĐTĐM) kết hợp đám mây hóa nâng cao các chức năng mạng với khả năng tự động hóa của các nền tảng ĐTĐM.

Bằng cách triển khai nền tảng mã nguồn mở và dựa trên tiêu chuẩn cho CNF, các công ty viễn thông sẽ có một nền tảng ổn định, có thể tương tác.

Theo Nikkei, Nhật Bản sẽ thiết lập mạng thử nghiệm diện rộng sớm nhất trong năm 2022, nhằm thử nghiệm mạng truy cập vô tuyến mở 5G, được gọi là Open RAN. Đây là sáng kiến do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, cùng các công ty viễn thông hàng đầu đất nước dẫn đầu.

Open RAN là sự hợp tác của các nhà sản xuất thiết bị và các công ty viễn thông trong các nhóm làm việc khác nhau để giải quyết các vấn đề về khả năng tương tác bằng cách tạo ra các tiêu chuẩn chung. Các cơ quan quản lý Nhật Bản tin rằng Open RAN sẽ giảm chi phí và giúp các công ty Nhật Bản cạnh tranh hơn. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, bốn hãng viễn thông hàng đầu của Nhật sẽ sẵn sàng triển khai các trạm gốc 5G trên toàn quốc vào tháng 4/2024. 

Nguồn mở có phải là chìa khóa tối ưu hóa mạng lưới 5G ở châu Á? - Ảnh 1.

Doanh thu đăng ký 5G của khu vực châu Á ước tính đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2022, với mức tăng trưởng hơn 280 triệu đăng ký (hay chiếm 49% tổng số toàn cầu).

Các doanh nghiệp (DN) viễn thông hưởng lợi gì khi sử dụng cơ sở hạ tầng 5G nguồn mở?

Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã quen với sự thay đổi và Red Hat đã và đang hỗ trợ khách hàng trên toàn cầu khi 5G và Edge ngày càng trở thành tiêu chuẩn của ngành.

Khi tốc độ thay đổi này tăng nhanh, phương pháp tiếp cận mã nguồn mở sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng. Mã nguồn mở cung cấp một nền tảng ổn định cũng cho phép nâng cao hiệu quả và khả năng mở rộng.

Ngoài những lợi ích này, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng tạo ra các cơ hội sau cho các nhà viễn thông:

Thúc đẩy doanh thu mới - Phương pháp tiếp cận đám mây viễn thông mở cung cấp cho nhà mạng cơ hội tận dụng đám mây riêng của họ cho khối lượng công việc bên trong và bên ngoài. Các khối lượng công việc hướng tới khách hàng bên ngoài này có thể thúc đẩy DN xây dựng các luồng doanh thu mới. Có những trường hợp sử dụng cho bảo mật bán lẻ, nông nghiệp, khai thác, vận tải, chính quyền địa phương, sản xuất và hậu cần đều sử dụng mạng 5G. Khai thác vào hệ sinh thái đối tác bao quanh mã nguồn mở cung cấp nhiều lựa chọn cho nhà điều hành hơn so với cách tiếp cận kế thừa.

Tăng sự nhanh nhẹn và linh hoạt - Công nghệ ảo hóa có thể cung cấp khả năng mở rộng, khả năng quản lý và tự động hóa của cơ sở hạ tầng, giúp các nhà cung cấp dịch vụ bắt kịp với sự thay đổi của thị trường và tăng trưởng dự kiến ngoài kế hoạch. Trong khi đó, công nghệ vùng chứa cho phép các ứng dụng được triển khai và di chuyển trên các môi trường một cách chiến lược để theo kịp nhu cầu.

Mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng - Ví dụ, các công cụ quản lý tự động có thể giúp các công ty viễn thông khởi chạy, cung cấp và mở rộng quy mô dịch vụ một cách nhanh chóng và đáng tin cậy trên cơ sở hạ tầng đám mây. Hơn nữa, việc có một môi trường tích hợp để xây dựng và triển khai các ứng dụng có thể cho phép các hãng viễn thông nhanh chóng tạo ra các dịch vụ mới hấp dẫn bằng cách sử dụng các phương pháp phát triển ứng dụng hiện đại.

Giảm chi phí - Xác định phát triển cơ sở hạ tầng với một khuôn khổ mở sẽ cho phép các hãng viễn thông tăng cường sử dụng tài nguyên và cải thiện hiệu quả tổng thể với một cơ sở hạ tầng chung, thống nhất.

Cơ sở hạ tầng 5G nguồn mở giúp tiết kiệm bao nhiêu chi phí?

Nếu chúng ta nhìn vào APAC, Vodafone Idea đã tiết kiệm hơn 85% chi phí vốn (CAPEX) trong mạng lõi 4G bằng cách ảo hóa mạng và tận dụng nền tảng OpenStack Red Hat. Nhà mạng này cũng giảm thời gian tạo dịch vụ từ hàng tháng xuống hàng tuần để triển khai lõi mới trong mạng di động. Tiết kiệm thời gian là một lợi ích lớn, vì nó cho phép Vodafone Idea kiếm tiền từ khoản đầu tư của họ nhanh hơn.

Một ví dụ khác là của một khách hàng ở Bỉ. Proximus là nhà cung cấp viễn thông lớn nhất của Bỉ và muốn thay thế môi trường mạng cũ tốn kém bằng cách tiếp cận ảo hóa các chức năng mạng (NFV) linh hoạt hơn, có thể mở rộng.

Bằng cách chuẩn hóa chiến lược NFV của mình trên nền tảng OpenStack Red Hat được Red Hat Ceph Storage hỗ trợ, Proximus hiện có thể chạy các chức năng dịch vụ quan trọng một cách hiệu quả về chi phí, giảm 20% chi phí liên quan.

Sử dụng Red Hat OpenShift cho các thuộc tính web và môi trường phát triển dựa trên đám mây, Proximus cũng có thể triển khai và chạy các dịch vụ vi mô dựa trên vùng chứa trên quy mô lớn, tiết kiệm khoảng 35.000 USD chi phí thiết lập và bảo trì cơ sở hạ tầng hàng tháng.

Với tốc độ và sự phát triển của các dịch vụ viễn thông trong khu vực cũng như nhu cầu sử dụng các dịch vụ ưu tiên số do các công ty viễn thông kích hoạt, công nghệ mạng 5G nguồn mở hứa hẹn sẽ mang lại những ổn định và tiết kiệm chi phí đáng kể./.

Bảo Bình