Quảng bá văn hóa Việt Nam và tôn vinh tiếng Việt

Truyền thông - Ngày đăng : 14:05, 03/01/2022

Tổng thể chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung đối với quốc tế về lâu dài và cả quá trình có thể coi là một chiến lược dài hạn về hoạt động truyền thông, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài một cách khoa học, bài bản, hiệu quả, hỗ trợ cho các chiến lược thành phần khác trong mô hình tổng hợp của chiến lược chung về văn hóa nước nhà.

Chiến lược quảng bá đó nên được thiết kế như là thành phần quan trọng của chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam nói chung. Còn Ngày Tôn vinh tiếng Việt là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động của tổng thể chiến lược quảng bá đó.

Một số vấn đề về cơ sở lý luận và thực tế 

Đề án về tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt hiện đã được Đảng Nhà nước giao cho Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNV) thực hiện và dự kiến chọn ngày 8/9 hàng năm làm ngày lễ đặc biệt đó. Đây là ngày có ý nghĩa đặc biệt nhắc nhở mọi người Việt và bạn bè chúng ta nhớ về một ngôn ngữ gắn với quá trình dựng nước, giữ nước vĩ đại, gắn bó với lịch sử văn hóa lâu dài, văn hiến của dân tộc Việt Nam. Việc triển khai Đề án này liên quan đến nhiều Bộ ngành, trước hết là ngoại giao, văn hóa, thông tin truyền thông báo chí, giáo dục...

Trước hết, xây dựng Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam là một công việc bức thiết, quan trọng, cần được tiếp cận từ nhiều góc độ đặc biệt, bảo đảm tính khoa học, toàn diện, lâu dài, khả thi, phù hợp với bối cảnh khu vực, quốc tế và tình hình nước ta. Xuất phát cả góc độ chiến lược từ quyền lợi quốc gia, dân tộc, quốc hồn, quốc túy, sức mạnh mềm của đất nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và góc độ chiến lược xét văn hóa là yếu tố cần phát triển để giao lưu với các quốc gia dân tộc khác và văn hóa sẽ phải trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam, là con đường, là giải pháp để tiếp xúc, trao đổi, quảng bá đất nước, văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, góp phần tạo thêm điều kiện để nước ta thân thiện, hợp tác với thế giới và làm giàu thêm bản sắc văn hóa nước nhà.

Trong việc quảng bá văn hóa Việt đến với các nước thì tôn vinh tiếng Việt cũng là một điểm nhấn quan trọng, cần thiết, phải được lồng ghép vào các hoạt động quảng bá văn hóa khác. Hiện có khoảng hơn 10.000 người chuyên nghiên cứu, giảng dạy trong ngành Việt Nam học, với gần 100 triệu dân của quốc gia nói tiếng Việt và hơn 5,3 triệu kiều bào sống ở nước ngoài, cộng với số người thân của họ có yếu tố nước ngoài (vợ, chồng hay con cháu kết hôn với người bản địa) cùng bạn bè có thể là những người quan tâm ít nhiều đến văn hóa phong tục, ngôn ngữ Việt. 

Thực tế nhiều nước coi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ 2 trong chương trình phổ thông (một số bang ở Mỹ, Úc, Hàn Quốc...). Có những Đại học quốc tế có khoa Việt Nam học hoặc đưa tiếng Việt, văn hóa Việt vào giảng dạy. Một Đại học ở Nhật đầu tiên đưa bài “Diễm Xưa” với ca từ tiếng Việt rất hay của Trịnh Công Sơn vào giảng dạy văn hóa, sau còn đưa thêm các bài khác... Như vậy, bằng cách riêng của mình, tiếng Việt có thể trở thành một loại căn cước, một loại hộ chiếu giá trị ngày nay.

Từ góc nhìn lợi ích quốc gia, lợi ích văn hóa quốc gia phải xây dựng nội lực văn hóa giàu mạnh 

Hiện nay và sắp tới, nảy sinh nhiều vấn đề mới của hội nhập, toàn cầu hóa. Ngày nay, khi quá trình hiện đại hóa là mục tiêu của đa số các nước nhưng do trình độ phát triển kinh tế, văn hóa các quốc gia, khu vực khác nhau, do hệ giá trị văn hóa không tương đồng, truyền thống văn hóa, tính cách dân tộc đa dạng... nên quốc gia nào cũng phải cân nhắc đến lợi ích của mình, an ninh của mình, đó là một thực tế khách quan. 

Vì vậy, xây dựng chiến lược cần có quan điểm kết hợp lợi ích quốc gia về văn hóa ở trong tổng thể lợi ích quốc gia và coi văn hóa là một bộ phận quan trọng trong lợi ích tổng thể đó, hàm ý của nó là chỉ quốc gia dân tộc phải bảo vệ truyền thống văn hóa tốt đẹp, độc đáo của mình, quan niệm giá trị đúng đắn, tính dân tộc của văn hóa, tính độc lập và sức kết tụ văn hóa dân tộc của nước mình. 

Bảo vệ và tin tưởng vững chắc hình thái ý thức về truyền thống văn hóa nhân văn, tiến bộ và các tín ngưỡng tốt đẹp như bộ gen di truyền của văn hóa dân tộc cũng là bộ phận quan trọng của lợi ích quốc gia của một nước. Nội lực văn hóa hùng mạnh gồm nhiều yếu tố, trong đó tiếng Việt, truyền thống văn hóa lâu đời của nước ta cũng là những yếu tố cần luôn được bồi đắp và phát huy để góp phần xây dựng Thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế hiện nay và tương lai. 

Bác Hồ từng nói: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” [1]. Câu nói này hiện vẫn có ý nghĩa thời sự đầy đủ và việc tôn vinh tiếng Việt càng có ý nghĩa to lớn, góp phần cho phát triển nội lực, thực lực đối với ngoại giao, đối ngoại, truyền thông quáng bá, giao lưu văn hóa của Việt Nam thời hội nhập.

Từ góc độ giao lưu, tiếp xúc, cần hài hòa cả việc xây dựng - bảo vệ nền văn hóa dân tộc, cả tích cực hội nhập, quảng bá văn hóa đất nước 

Văn hóa không thể đóng khung, bó hẹp ở trong quốc gia mà luôn có sự giao tiếp, giao lưu, tiếp thu tinh hoa các nền văn hóa nơi khác, hợp tác trao đổi với quốc tế để làm giàu cho chính văn hóa bản địa.

Có nhiều lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có thể giao lưu với các nước như: Văn học, hội họa, âm nhạc, múa, kiến trúc, lễ hội, điện ảnh, ẩm thực, thời trang, thể thao, công nghiệp văn hóa, các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể khác... Ngoài ra, ngôn ngữ mỗi quốc gia cũng là một thứ tài sản vô giá, bởi vì “Khởi thủy là lời”, ngôn ngữ ở đây gồm có ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. 

Nhờ có ngôn ngữ, con người có thể giao tiếp với nhau dễ dàng, tổ chức xã hội với các cộng đồng chung tay sản xuất, sinh sống, chống chọi với kẻ thù của mình và có thể ghi chép, lưu giữ lại sự kiện, hình ảnh tư liệu lịch sử phát triển qua sử sách... 

Ngôn ngữ một dân tộc có vai trò, vị trí đặc biệt, đúng như học giả Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều còn thì tiếng Việt còn, tiếng Việt còn thì nước Việt ta còn”. Vì vậy, tiếng Việt quý giá của chúng ta có quyền được trân trọng, tôn vinh thành một ngày cụ thể hàng năm. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, chữ viết là phương tiện ghi lại, chuyển tải ngữ nghĩa, lời nói mới thể hiện đầy đủ cái hay, hấp dẫn của thanh âm, ngữ điệu, ngữ pháp phức tạp mà tinh tế, cấu trúc câu, từ; các dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã, khẩu ngữ, phương ngữ... 

Thông qua việc quảng bá, tôn vinh tiếng Việt, là một hoạt động có ý nghĩa góp phần xây dựng, bảo vệ chủ quyền văn hóa, chủ quyền truyền thông nước nhà (ngôn ngữ mẹ đẻ góp phần xác định chủ quyền truyền thông và văn hóa quốc gia), mặt khác thúc đẩy cả quá trình tích cực hội nhập, quảng bá văn hóa đất nước hiện nay và sắp tới.

Quảng bá văn hóa Việt Nam và tôn vinh tiếng Việt - Ảnh 1.

Ủy ban Nhà nước về NVNONN trong việc khuyến khích, cổ vũ đồng bào NVNONN, nhất là thế hệ trẻ học tập và gìn giữ tiếng Việt. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Những hoạt động cần tổ chức trong nước và ngoài nước 

Tổ chức trong nước để đồng bộ, cộng hưởng với hoạt động các địa bàn nhân Ngày Tôn vinh Tiếng Việt 

Tổng thể các việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài như phân tích ở trên, cần được thiết kế bài bản như một chiến lược quan trọng nằm trong chiến lược phát triển văn hóa đất nước. Ngày tôn vinh tiếng Việt cùng những sự kiện kèm theo là đề án, kế hoạch, chương trình thành phần nằm trong chiến lược quảng bá văn hóa. 

Tuy nhiên, khi mang chiêng ra đánh ở nước ngoài vẫn nên có những hoạt động phù hợp ở trong nước để có sự đồng bộ, hài hòa và tạo nên cộng hưởng với tiếng chiêng đánh ở xa xứ và các Dự án, chương trình quảng bá văn hóa ra thế giới của nước ta cần bao gồm xây dựng cả phần hoạt động đồng bộ, hỗ trợ, tương thông, tương tác từ trong nước. Có thể ví von rằng, tổ chức hoạt động trong nước như bè hát lĩnh xướng, giới thiệu tổng quan cả chương trình; tổ chức hoạt động ở nước ngoài như bè hát hiệp trợ, triển khai rộng rãi cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc của toàn chương trình; hai cái cộng hưởng, hài hòa, bổ sung cho nhau. 

Việc phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực cần phân công rõ ràng, ví dụ các hoạt động về văn hóa nghệ thuật và trình diễn trực quan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đảm nhận, nhưng sử dụng để truyền tải các nội dung văn nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng, hạ tầng thông tin số hóa, tăng cường phổ biến trên nền tảng công nghệ truyền thông mới (Truyền thông đa phương tiện, Media Mobile, mạng xã hội Facebook, YouTube...) sẽ do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chịu trách nhiệm. 

+ Về tăng cường nhận thức, trách nhiệm xã hội: Trước đây khi chưa có Ngày tôn vinh tiếng Việt, thì có lúc, có nơi, có đơn vị chưa chú trọng ngôn từ nói hay viết trên báo, đài. Còn để xảy ra việc những nhà nghiên cứu vội vàng đòi cải tiến chữ viết; thậm chí có sách, kể cả sách giáo khoa lựa chọn tác phẩm chưa chuẩn, khiến xã hội phản ứng. Đưa ra Ngày tôn vinh tiếng Việt rồi, thiết nghĩ cần giải thích, thông tin, truyền thông cho các cơ quan chủ trì, phối hợp, liên quan hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, nhiệm vụ để cán bộ, đơn vị chức năng cẩn trọng hơn khi xử lý các vấn đề liên quan đến chữ nghĩa, sách báo, logo, biển hiệu... tránh các sai sót như trước đây, làm ảnh hưởng đến dư luận trong, ngoài nước và kiều bào. 

Quy định pháp luật cũng nêu rõ trách nhiệm cụ thể các cơ quan hữu quan, nhất là đối với các Đại sứ quán, cơ quan đại diện nước ta ở nước ngoài. Hơn nữa, khi phương tiện truyền thông mới càng hiện đại, số hóa phổ cập có vai trò truyền thông sâu rộng, hiện đại: cơ quan chức năng cần thiết kế Website, nền tảng công nghệ phù hợp có biểu tượng Logo về Ngày tôn vinh tiếng Việt kèm định ngữ nhận diện như: Tiếng Việt - sứ giả của hòa bình, hữu nghị, hợp tác. 

+ Tổ chức Ngày tôn vinh tiếng Việt nên kéo dài khoảng 7-10 ngày và chọn một ngày làm tiêu điểm, như đã đề xuất là 8/9, khi ở trong nước bắt đầu năm học, tạo khí thế mới cho học sinh, sinh viên; thời tiết vào Thu bớt khắc nghiệt, có thể kết hợp, hòa cùng với không khí kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9. Đúng ngày 8/9, nếu Chủ tịch nước không bận có thể kính mời Chủ tịch phát biểu ngắn gọn về Ngày tôn vinh tiếng Việt. Nếu Chủ tịch bận, có thể ủy quyền cho Bộ trưởng VHTT&DL (kết hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - UBNV) hoặc ủy quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu chào mừng (Kết hợp với UBNV); nên lập cầu truyền hình với một số nước có đông người Việt và vị trí quan trọng. 

+ Xung quanh ngày 8/9, Bộ VHTT&DL chủ trì cùng các cơ quan chức năng tổ chức chiếu phim Việt (chọn phim được công chúng đánh giá cao); triển lãm sách báo, lồng ghép với lễ hội, ca nhạc, ẩm thực, thời trang... tùy bối cảnh thực tế và tài chính. Kênh VTV, VOV có thể chọn giờ phù hợp để phát chương trình chuyên biệt về Ngày tôn vinh tiếng Việt bằng tư liệu, bằng phỏng vấn Talk show trên truyền hình với sự tham gia của người nước ngoài nói tiếng Việt và các chương trình hấp dẫn khác.

+ Ngay từ đầu năm, cơ quan chức năng phát động cuộc thi (kiều bào cũng được dự) chủ đề liên quan tiếng Việt và văn hóa, lịch sử qua thể loại báo chí, ca khúc, điện ảnh (kể cả phim thời sự) bằng tiếng Việt. Nên tổ chức kịp thời trao giải dịp 8/9. Những người hoạt động tích cực trong hoạt động quảng bá tiếng Việt cần được tôn vinh kịp thời: Có thể tặng danh hiệu Đại sứ Truyền bá tiếng Việt (dành cho cả công dân trong nước và kiều bào), Huân chương Giao lưu Việt ngữ (Vàng, bạc, đồng) kèm phần thưởng xứng đáng, ví dụ kiều bào được vinh danh sẽ được miễn Visa có thời hạn (5, 10, 15 năm hay mãi mãi). 

+ Tùy bối cảnh chính trị, văn hóa - xã hội có năm nên tổ chức Hội thảo, tọa đàm về các danh nhân về văn học, văn hóa Việt Nam như: Chủ đề về một lĩnh vực nào đó trong Truyện Kiều; thơ Nôm Hồ Xuân Hương, vấn đề nữ quyền trong thơ của bà; tính giản dị, chân thực, giàu tình người trong thơ Nguyễn Đình Chiểu; Ảnh hưởng dân ca trong tác phẩm Nguyễn Công Trứ... trong chuỗi hoạt động 7-10 ngày của sự kiện tôn vinh Tiếng Việt. 

+ Việc tổ chức Hội thảo quốc gia Việt Nam học gần đây bị gián đoạn hoặc tổ chức online do dịch COVID, nhưng quy mô nhỏ của Khoa Việt Nam học các Đại học vẫn diễn ra khá đều đặn là điều đáng khích lệ. Ngành chức năng cần ủng hộ, quan tâm các đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số trường ngoài công lập như Đại Nam, Hoa Sen, Hồng Bàng... để họ tiếp tục tổ chức, góp phần làm lan tỏa giá trị văn hóa Việt, tiếng Việt không những trong môi trường trong nước mà còn với nước ngoài thông qua đồng nghiệp giảng viên, nhà nghiên cứu Việt Nam học và học viên, sinh viên ngành Việt Nam học. 

+ Nhân các dịp lễ năm chẵn quan trọng như kỷ niệm 10 năm Ngày tôn vinh tiếng Việt (Hoặc 20, 30, 100 năm...) hoặc kết hợp dịp kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, 500 năm Ngày sinh danh nhân văn hóa Nguyễn Du..., Nhà nước nên lồng ghép chương trình diễn xuất tập trung về văn hóa và tiếng Việt và các nghệ thuật liên quan rồi đầu tư lưu diễn, phổ biến luôn ở một số địa bàn nước ngoài cần thiết và phù hợp. Ngoài ra, bộ máy truyền thông hùng mạnh quốc gia với các đài báo lớn sẽ tập trung đưa tin, bài, chương trình về các dịp lễ lớn như vậy để phát huy sức mạnh truyền thông báo chí...

Những hoạt động cần tổ chức ở các nước là địa bàn quan trọng, có đông cộng đồng người Việt 

Cần lựa chọn những chương trình, dự án, hoạt động tổ chức trong nước và nước ngoài theo mục tiêu, cách thức phù hợp, lại có những hoạt động vừa có thể tổ chức ở cả trong, ngoài nước. Xin được đề xuất những hoạt động sau đây ở nước ngoài nhằm phối hợp nhịp nhàng, hài hòa với hoạt động trong nước: 

i) Xin nhấn mạnh lại rằng tôn vinh tiếng Việt được xác định rõ trong một ngày cụ thể như đề xuất ngày 8/9 hàng năm, lý do là có ý nghĩa chính trị vì sau ngày Quốc khánh, đầu thu thời tiết đẹp, học sinh, sinh viên khai trường, không khí xã hội sôi động, hồ hởi ở đa số các quốc gia. Tại một số quốc gia có quan hệ đặc biệt với Việt Nam, nên nhân dịp sự kiện ngoại giao song phương, đa phương ý nghĩa nào đó hay trong lúc có nguyên thủ Việt Nam đến nước đó, để nguyên thủ nước ta tuyên bố với nước sở tại và diễn đàn quốc tế về Ngày tôn vinh tiếng Việt một cách chính thức, trang trọng. 

Đồng thời Đảng, Nhà nước giao trách nhiệm công khai, rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan đại diện, các Đại sứ quán đối với việc quảng bá văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, kể cả tôn vinh tiếng Việt..., nhằm mục tiêu dùng văn hóa Việt, tiếng Việt và các yếu tố “sức mạnh mềm” khác, tạo thành một thứ Hộ chiếu đặc biệt cho người Việt khi ở nước ngoài, góp phần phát triển Thương hiệu Việt Nam trên thế giới. 

Quảng bá văn hóa Việt Nam và tôn vinh tiếng Việt - Ảnh 2.

Tích cực quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.

ii) Cụ thể, các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài cần chủ trì kết hợp tốt với cơ quan chức năng trong nước, các tổ chức tại nước sở tại để: 

+ Tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật đa dạng, hấp dẫn, luôn đổi mới (nội dung, hình thức trình diễn, kết cấu chương trình...) ở nước ngoài tại các địa bàn có đông người Việt sinh sống, phù hợp các đối tượng công chúng, hợp với bối cảnh Ngày tôn vinh tiếng Việt. Nước ta là nước nông nghiệp, vì thế nên lồng ghép các hoạt động văn nghệ trong Ngày tôn vinh tiếng Việt với quảng bá nông sản, du lịch sinh thái và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác mà nước ta có lợi thế xuất khẩu. 

+ Làm đầu mối liên hệ, kết nối để tổ chức dịch một số tác phẩm đặc sắc, tiêu biểu của nước sở tại ra tiếng Việt và ngược lại. Các tác phẩm tiếng Anh của nhà văn, nhà thơ gốc Việt như Nguyễn Thanh Việt, Nguyễn Phan Quế Mai... nên được quan tâm để được dịch ra tiếng Việt ở nước sở tại cho đối tượng muốn tìm hiểu nội dung qua tiếng Việt hoặc phát hành trong nước. Nếu tổ chức được vào kỳ tôn vinh tiếng Việt thì ý nghĩa các hoạt động này càng lớn và lan rộng cả trong, ngoài nước. 

+ Cử cán bộ sứ quán và phóng viên đại diện Đài, Báo của Việt Nam viết tin, bài quảng bá cho sự kiện Ngày tôn vinh tiếng Việt ở cả nước sở tại (bằng tiếng sở tại, tiếng Anh, tiếng Việt) và cả ở trong nước.

+ Chủ trì, phối hợp với cơ quan nghiên cứu, Đại học sở tại; mời trí thức kiều bào tích cực, chuyên gia sở tại tổ chức Hội thảo liên quan tiếng Việt, văn hóa Việt để làm lan tỏa một chủ đề về lịch sử, văn hóa; trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ Việt và nước ngoài ở nước sở tại và các nước xung quanh (nếu mời được đại biểu dự) nhân dịp Ngày tôn vinh tiếng Việt. 

+ Chủ trì, hợp tác các lớp giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho kiều bào; sứ quán cần hỗ trợ, liên hệ với Bộ GD&ĐT, UNNVNONN in ấn hoặc cung cấp giáo trình phù hợp thực tiễn sở tại. Có thể ngành chức năng thống nhất đưa ra chương trình khung về dạy tiếng Việt (nêu cả tầm quan trọng và cách tổ chức cơ bản về Ngày tôn vinh tiếng Việt để các cơ sở dễ thống nhất thực hiện) còn giáo trình cụ thể, nên có cơ chế xã hội hóa để trí thức kiều bào tích cực có thể góp phần biên soạn và in ấn tại chỗ. 

+ Chủ trì, xúc tiến, liên hệ, hợp tác với các cơ sở đào tạo nghiên cứu nước sở tại có nhiều du học sinh Việt Nam, con em kiều bào theo học, nhằm huy động họ tổ chức sinh động các sự kiện văn hóa, kể cả Ngày tôn vinh tiếng Việt. Qua đó bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc, trách nhiệm gắn bó với quê hương, đồng bào, văn hóa dân tộc của du học sinh và sinh viên, học sinh gốc Việt. 

+ Chủ trì các chương trình biểu ca nhạc, có thể là dân ca, nhạc pop, rap... có lời Việt hay, giàu ý nghĩa và kèm bản dịch sẵn để cho quan khách sở tại, kiều bào hiểu nội dung các thông điệp tiếng Việt. Những chương trình này được thực hiện trong phạm vi 7-10 ngày có sự kiện Ngày tôn vinh tiếng Việt.

Quảng bá văn hóa Việt Nam và tôn vinh tiếng Việt - Ảnh 3.

Đêm nhạc thiếu nhi Việt Nam tại Cộng hòa Séc tôn vinh tiếng mẹ đẻ. (Ảnh: TTXVN)

+ Phát động các cuộc thi liên quan tiếng Việt, tôn vinh tiếng Việt như thi tìm hiểu lịch sử tiếng Việt, phân tích bình luận các tác phẩm văn học Việt Nam xuất sắc có thể bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh hay tiếng sở tại trong dịp tổ chức Ngày tôn vinh tiếng Việt. Về thành phần Ban giám khảo, sứ quán cần mời thêm các nhân sĩ kiều bào tích cực, uy tín về văn hóa trong cộng đồng người Việt, các học giả chuyên môn cao có cảm tình với nước ta. Do trình độ tiếng Việt khác nhau, nên chia thành cuộc thi dành cho người gốc Việt thạo tiếng Việt, người Việt thế hệ trẻ (thế hệ 1, 2...), người nước ngoài nói tiếng Việt... 

+ Sứ quán có thể đỡ đầu, định hướng, hỗ trợ cộng đồng thiết lập các câu lạc bộ liên quan ngôn ngữ và truyền thống văn hóa Việt Nam như: Câu lạc bộ văn học Việt; Câu lạc bộ hát tiếng Việt; câu lạc bộ truyền bá văn hóa Việt... và quan hệ chặt chẽ với các Trung tâm văn hóa Việt, Nhà văn hóa Việt Nam để phát huy hơn nữa vai trò là điểm sinh hoạt, mái nhà chung ấm cúng về văn hóa, tinh thần của bà con kiều bào. Những tổ chức đó cần được duy trì hoạt động thường xuyên để khi có các sự kiện, nhưng Ngày tôn vinh tiếng Việt thì sứ quán nước ta có sẵn lực lượng tham gia cùng với sinh viên, kiều bào tích cực và các nhóm khác...

Kết luận 

Giao lưu văn hóa gắn bó hữu cơ như hình với bóng, tương thông với ngoại giao văn hóa nên trong chiến lược lâu dài về phát triển văn hóa, quảng bá văn hóa Việt, nên có cụm từ nói về giao lưu, phát triển văn hóa và Ngoại giao văn hóa, Văn hóa đối ngoại, Truyền thông đối ngoại. 

Ngoại giao văn hóa nói chung và lĩnh vực quảng bá văn hóa, tiếng Việt nói riêng là lĩnh vực có thể tiếp xúc, mở đường, vận động, trao đổi, tiếp thu, lan tỏa nhằm tăng cường hiểu biết, thân thiện, tín nhiệm giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh hợp tác, đầu tư, thương mại, du lịch, các dịch vụ khác trong văn hóa nghệ thuật và tiến tới cả trong kinh tế, giáo dục, môi trường - xã hội… 

Kết luận 12 của Bộ Chính trị (8/2021) cũng tiếp tục nhấn mạnh vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó giải pháp thứ 4 đã chỉ rõ: “Đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả, phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; tập trung thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt tại các địa bàn này. Nghiên cứu lựa chọn Ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm để khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập và giữ gìn tiếng Việt”. Như vậy tổ chức Ngày tôn vinh tiếng Việt là một trong những hoạt động triển khai kết luận quan trọng của Bộ Chính trị về công tác về NVNONN giai đoạn mới. 

Để làm bệ đỡ vững chắc cho các hoạt động quảng bá văn hóa (trong đó có Ngày tôn vinh tiếng Việt) ngành chức năng nên lồng ghép việc tôn vinh tiếng Việt với giáo dục hệ giá trị văn hóa giai đoạn mới phù hợp thực tiễn, với những nội dung gọn, dễ nhớ, có tính chỉ đường, là phương hướng cho hành động mọi người, ví dụ như Bác Hồ thường dạy cán bộ: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng và nhiều điều có tính hướng thượng, nhân văn khác. Đề cập đến xây dựng nếp sống hòa thuận, hiếu đễ, nhân văn, hiện đại, sách báo liên quan tiếng Việt (đạo đức, văn học, lịch sử...) cần đáp ứng chuẩn mực cho người Việt trong, ngoài nước: vừa tiếp thu nét đẹp truyền thống vừa gắn với chân, thiện, mỹ, vừa hiện đại, để công chúng nhất là người trẻ có định hướng đúng, hướng thượng, có thể chủ động tiếp thu văn hóa nước ngoài nhưng miễn nhiễm các loại rác thải văn hóa ngoại lai. 

Về công tác quản lý các hoạt động quảng bá khác để phối hợp, lồng ghép với các dạng như tổ chức Ngày tôn vinh tiếng Việt là công việc mang tính đa ngành, thiên về năng lực sáng tạo là giao lưu văn hóa, nhà nước nên chú trọng lựa chọn cán bộ quản lý chủ chốt là các chuyên gia vừa am hiểu chuyên môn, vừa hiểu cơ chế quản lý để chỉ đạo sát hợp, hiệu quả. Cơ quan được giao chuyên trách lĩnh vực công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (UBNV) đã có nhiều thành tựu, kinh nghiệm trong lĩnh vực này, chắc chắn sẽ triển khai tốt các lĩnh vực quảng bá văn hóa đối với NVNONN. 

Mong rằng các Bộ ngành sẽ phối hợp nhịp nhàng với UBNV và Bộ Ngoại giao, Bộ liên quan sẽ chú trọng tạo thuận lợi cho UBNV về cơ chế chính sách, nhân lực, ngân sách tài chính... để UBNV tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ trong lĩnh vực quảng bá văn hóa ra nước ngoài, gồm cả những hoạt động đòi hỏi bản lĩnh, sự sáng tạo, chuyên môn như xây dựng Đề án và triển khai hiệu quả Ngày tôn vinh tiếng Việt để thực hiện bài bản, hiệu quả lâu dài trong thời gian tới./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011

[2]. Kết luận số 12-KL/TW, ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. 3. Lê Thanh Bình, Giao lưu văn hóa thế giới trong chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam, Tạp chí Cộng Sản, 15/7/2021

[4]. Lê Thanh Bình, Góp ý Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030: Văn hóa sẽ phải trở thành thương hiệu quốc gia Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Bộ VHTT&DL ngày 23/7/2021

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2021)


PGS.TS. Lê Thanh Bình, GVCC Học viện Ngoại giao