Cuộc bứt tốc của thương mại điện tử Việt Nam
Kinh tế số - Ngày đăng : 22:04, 02/01/2022
Khi không khí sắm Tết vẫn còn chưa hiện diện rõ nét ở các hệ thống bán lẻ offline, thì từ giữa tháng trước, các sàn thương mại điện tử đã có đợt được xem là bán hàng Tết đầu tiên thành công (ngày 12/12). Lazada cho hay doanh thu toàn sàn đợt này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, với số nhà bán hàng tăng 2,5 lần. Sức mua của người tiêu dùng cho các mặt hàng trang trí, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết cũng tăng mạnh. Tương tự, trên Shopee, người tiêu dùng đổ xô vào mua sắm đồ làm đẹp và tân trang nhà cửa, với 70.000 sản phẩm chăm sóc da được đặt mua trong 2 giờ đầu tiên.
Nhưng 12/12 không phải cá biệt, trong suốt năm qua, thương mại điện tử Việt Nam đã bứt tốc mạnh mẽ. Trước đó, dịp 11/11 cũng ghi nhận nhiều cột mốc mới ở hầu hết sàn hàng đầu. Ví dụ, Tiki lập kỷ lục với doanh số bán hàng tăng 9 lần, lượng khách mua sắm tăng gấp 2 lần so với ngày thường.
Xét về quy mô, thị trường thương mại điện tử Việt Năm năm 2021 tăng trưởng đến 53% so với 2020, lên 13 tỷ USD, theo tính toán của Google, Temasel, Bain & Company. Vậy điều gì đã tạo nên một năm mở rộng mạnh mẽ này? Câu trả lời chính theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, chính là quá trình chuyển đổi số được rút ngắn nhờ đại dịch.
Quá trình này hiện diện ở cả người mua hàng, nhà kinh doanh lẫn các nền tảng bán lẻ trực tuyến. Báo cáo "e-Conomy SEA 2021" chỉ ra rằng Việt Nam có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), trong đó 55% đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị.
Mức độ duy trì cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống - 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong khi đó, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số.
Ngày càng nhiều nhà bán hàng và khách hàng đến từ những đô thị nhỏ và nông thôn. Số liệu của Shopee cho hay, dịp 12/12 vừa rồi, những nhà bán hàng bên ngoài khu vực đô thị lớn ghi nhận mức tăng trưởng gấp 11 lần về số lượng đơn hàng so với trung bình ngày thường. Về phía người mua, Nam Định và Nghệ An có số đơn đặt hàng tăng mạnh nhất.
Trong một sự kiện gần đây, ông James Dong, Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam nói "2021 là một năm đáng nhớ". Theo ông, đại dịch đã kích thích hàng triệu khách hàng mới trải nghiệm mua sắm trực tuyến lần đầu tiên.
Thương hiệu và nhà bán hàng có thêm một kênh tiềm năng để phát triển và phục hồi kinh doanh sau làn sóng Covid-19. "Do đó, thương mại điện tử thực sự đã chuyển mình từ một kênh phụ trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược tăng trưởng của thương hiệu và nhà bán hàng", ông đánh giá.
Không chỉ phát triển về quy mô, năm 2021 cũng chứng kiến những điểm nhấn thay đổi bên trong ngành thương mại điện tử Việt Nam.Đầu tiên, từ một kênh bán đồ điện tử, thời trang và sản phẩm không thiết yếu là chính, các nền tảng thương mại điện tử chuyển mình thành kênh tiếp cận hàng tiêu dùng, thực phẩm để "chia lửa" cùng các hệ thống bán lẻ offline những ngày giãn cách.
Nhóm ngành hàng bách hoá trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ. iPrice cho biết, Covid-19 là chất xúc tác mạnh mẽ, một trong những cú hích làm bùng nổ nhu cầu mua sắm sản phẩm thiết yếu trên bách hóa online.
Đầu năm 2020, khi người dân bắt đầu ở nhà phòng dịch, các website chuyên kinh doanh bách hoá tăng trưởng nhanh 45% lưu lượng truy cập so với quý trước đó. Khi giãn cách xã hội được nới lỏng, xu hướng này duy trì mức ổn định khi tăng 10% ở giai đoạn cuối năm. Trong quý I/2021, chỉ có bách hóa trực tuyến là ngành hàng duy nhất tiếp tục đà tăng trưởng dương với 13%.
Lượt tìm kiếm trên Google liên quan đến từ khóa cửa hàng tạp hóa trực tuyến tăng 223% trong quý II. Số lượt tìm kiếm tăng 11 lần trong tháng 7 so với tháng 5 và 3,6 lần so với tháng 6 khi lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được triển khai tại một số tỉnh, thành phố.
Thứ hai là "cuộc đua tứ mã" ngày càng quyết liệt giữa Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Shopee vẫn giữ thống lĩnh về lượt truy cập suốt năm, nhưng Lazada đã tăng tốc vươn lên.
Dữ liệu từ iPrice quý III cho thấy, Shopee chiếm đến 57% tổng lượt truy cập website trên tất cả sàn thương mại điện tử đa ngành, Shopee Việt Nam ghi nhận 77,8 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Điều đáng chú ý là sau nhiều quý liên tiếp bị các đối thủ qua mặt, từ quý II/2021, Lazada Việt Nam vươn lên hạng 2.
Điều này không mấy khó hiểu khi từ năm nay, Lazada dồn lực khá nhiều để phát triển hệ thống logistics, các chương trình ưu đãi, mua sắm kết hợp giải trí để gây tiếng vang và thu hút người dùng. Đến quý III, họ có trung bình 21,4 triệu lượt truy cập website mỗi tháng.
Dự báo, "cuộc đua tứ mã" năm sau sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều kịch tính. Nhất là khi Tiki đã nhận thêm được 258 triệu USD trong vòng Series E hồi tháng 11. CEO Trần Ngọc Thái Sơn tuyên bố mục tiêu "Tiki trở thành một nơi người Việt Nam có thể tìm kiếm mọi sản phẩm, dịch vụ mà họ cần".
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, ngành thương mại điện tử năm qua vẫn còn những điểm phải cải thiện. Năng lực hạ tầng logistics được các hãng liên tục nâng cấp năm qua nhưng vẫn cần tiếp tục cải thiện. Nhiều khách hàng vẫn chưa quên trải nghiệm chờ một đơn hàng tận 2-3 tháng trong cao điểm giãn cách.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hàng Việt trên các sàn thương mại điện tử vẫn thấp. Có chưa đến 20% top mặt hàng được tìm mua trên sàn trong mùa dịch là hàng Việt Nam. "Việc lép vế trên kênh mua sắm trực tuyến, khiến các doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ rõ rệt đánh mất nhiều cơ hội quan trọng để vượt khó và phát triển sau dịch", iPrice nhận xét.
Dự báo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2022, nhóm chuyên gia của iPrice chỉ ra 3 xu hướng. Thứ nhất là cá nhân hóa trải nghiệm người mua hàng. Người tiêu dùng đang cần doanh nghiệp thương mại điện tử trợ giúp tìm sản phẩm họ cần, gợi ý phiếu giảm giá, tinh gọn chuỗi cung ứng để rút ngắn thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm chuẩn.
Theo Accenture, 91% người tiêu dùng có nhiều khả năng mua hàng từ nhãn mà họ nhận diện, ghi nhớ, nơi cung cấp các mặt hàng liên quan và sản phẩm gợi ý phù hợp. Do đó, bên cạnh giữ chân khách hàng thông qua hình thức mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment), làm hài lòng khách hàng thông qua việc cá nhân hoá trải nghiệm mua sắm một cách nhất quán có thể là xu hướng trong năm sau.
Thứ hai là sự lên ngôi của thanh toán không tiền mặt. Theo Báo cáo của Facebook và Bain & Company, lần đầu tiên tỷ lệ thanh toán tiền mặt (COD) sụt giảm đáng kể từ 60% (năm 2020) xuống còn 42% (năm 2021). Sức hút mạnh mẽ từ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%.
Và thứ ba là xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng ngày nay ý thức rõ ràng sản phẩm không chỉ cần có chất lượng tốt mà còn phải an toàn cho sức khỏe và không ảnh hưởng đến môi trường sống.
Tính bền vững đã đóng góp một vai trò to lớn và nó cũng đã xâm nhập vào ngành thương mại điện tử. Thêm vào đó, việc đóng gói để vận chuyển vô hình chung tạo ra một lượng chất thải nhiều hơn. Người tiêu dùng quan tâm hơn đến các sản phẩm có quy trình sản xuất, đóng gói và giao hàng mang tính bền vững.
Theo báo cáo từ Facebook, ESG (Các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị) nằm trong top 3 nguyên nhân khiến người tiêu dùng thay đổi lựa chọn thương hiệu. Tại Việt Nam, 97% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho giá trị này, và 86% chia sẻ mức chi thêm cụ thể trên sản phẩm, dịch vụ là 10%.
"Khó có thể nói trước liệu tính bền vững, tính thân thiện với môi trường có trở thành xu hướng chính của năm 2022 hay không, nhưng chắc chắn nó có tầm quan trọng trong thương mại điện tử trong tương lai", iPrice nhận xét.