Năm ngược dòng hút vốn của startup Việt

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 16:06, 29/12/2021

Với 1,3 tỷ USD đổ vào, hơn gấp đôi năm 2020, các startup Việt đã chứng tỏ sức hút không nhỏ trong bối cảnh khó khăn chung vì dịch bệnh.

Theo thống kê của Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), vốn đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm nay đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm trước (còn theo thống kê của Do Ventures thì tăng hơn gấp đôi 2020).

Cả nước đã có hơn 3.800 startup, với 3 "kỳ lân" - doanh nghiệp được định giá từ một tỷ USD - gồm VNG, VnPay và MoMo cùng với khoảng 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD. Hệ sinh thái khởi nghiệp cũng đã có bước phát triển lớn, có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm quỹ đầu tư, cơ sở ươm mầm khởi nghiệp, khu làm việc chung.

Năm ngược dòng hút vốn của startup Việt - Ảnh 1.

Ước tính đến nay có hơn 200 quỹ đã đầu tư vào các startup ở Việt Nam, hoạt động trên đa lĩnh vực như Fintech, thương mại điện tử, hậu cần, bảo hiểm, bất động sản, giáo dục, y tế... Cùng với các quỹ đầu tư mạo hiểm VC/PE, các tập đoàn lớn đang trong quá trình mở rộng hệ sinh thái của mình trên thị trường trong và ngoài nước cũng là một nguồn đầu tư khởi nghiệp lớn và quan trọng.

Các công nghệ mới như AI, Big Data, Blockchain... cũng đã được nhiều startup ứng dụng, khai thác. Thị trường đã xuất hiện một làn sóng mới, khởi nghiệp với công nghệ blockchain trong game, NFT. Hệ sinh thái hỗ trợ cho các công ty trong xu hướng này cũng hình thành đặc biệt nhanh.

Lý giải về khả năng hút vốn vượt bậc năm qua bất chấp Covid-19 của cộng đồng startup, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc điều hành VinaCapital Ventures chỉ ra 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, Việt Nam là thị trường mới nổi quy mô lớn với dân số lên đến 100 triệu người, nền kinh tế phát triển nhanh, từ đó cũng phát sinh nhiều "điểm nghẽn – pain point" trong tất cả lĩnh vực, đặc biệt là logistics, y tế, giáo dục, tài chính, bảo hiểm... tạo nên "mảnh đất màu mỡ" cho các startup. Nhờ đó, cộng đồng này ngày càng lớn mạnh và thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.

Thứ hai, làn sóng khởi nghiệp hiện tại ở Việt Nam đã là thế hệ thứ ba, các nhà sáng lập đã có nhiều kinh nghiệm trong gọi vốn, quản trị, nắm vững các công nghệ mới, có được sự pha trộn tốt giữa tiếp cận trình độ quốc tế và kinh nghiệm địa phương. Các trường đại học và các tập đoàn lớn cũng đã giúp đào tạo và cung cấp nguồn lực lao động công nghệ chất lượng cao.

Riêng trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển khởi nghiệp. Đây là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư như dân số trẻ có trình độ học vấn, độ phủ internet và tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao; đặc biệt là sự hỗ trợ của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (đặt mục tiêu đóng góp 30% vào GDP).

"Chúng tôi kỳ vọng cộng đồng khởi nghiệp có thể tạo ra bước đột phá lớn trong các loại hình dịch vụ và sản phẩm kỹ thuật số", ông Trung cho biết. Ông cũng nói thêm, VinaCapital Ventures đã có một năm khá thành công khi 60% công ty trong danh mục đầu tư đã mở rộng quy mô cả trong và ngoài nước.

Quỹ đầu tư Do Ventures từng nhận định, 2021 là một năm tương đối khó khăn vì dịch bệnh, nhưng sau giai đoạn sốc ban đầu của năm trước, các startup đã thích ứng và điều chỉnh hoạt động kinh doanh. "Các công ty đã sống sót qua thời điểm nhiều biến động nhất bắt đầu chuyển sang trạng thái phục hồi và tăng trưởng trở lại", đại diện quỹ chia sẻ với VnExpress.

Việc thu hút nguồn vốn đầu tư của các startup trong năm nay cũng nói lên một phần về chất lượng của thị trường startupở Việt Nam. Do Ventures cho rằng, năm 2021 và sắp tới là thời điểm then chốt trong quá trình trưởng thành của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, với 3 lý do. Trước hết, startup Việt Nam đã bắt đầu hướng tới các thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa. Tiếp theo, họ đã có khả năng cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao như AI hay Blockchain.

Cuối cùng, thị trường này đã có những công ty đủ trưởng thành như MoMo, Tiki, hay VNG để trở thành nhà đầu tư cho các thế hệ đi sau. "Sự cộng hưởng của cả ba yếu tố này chắc chắn tạo ra những tác động rất tích cực lên toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp trong thời gian tới", Do Ventures dự báo.

Năm ngược dòng hút vốn của startup Việt - Ảnh 2.

Ông Giang Trần Minh Thành, Giám đốc cộng đồng khởi nghiệp và Đại diện đầu tư tại Việt Nam của quỹ KVision tại Việt Nam đánh giá, mức độ trưởng thành của các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp đang tiến bộ và hoàn thiện hơn rất nhiều.

Theo ông, các đội ngũ sáng lập ngày càng đa dạng về chuyên môn (có hiểu biết và kinh nghiệm về công nghệ, tài chính, mô hình kinh doanh ...) và trưởng thành trong việc kêu gọi đầu tư. Việc minh bạch hoá số liệu từ khi thành lập và có mô hình kinh doanh được xây dựng kỹ càng từ đầu, giúp các startup dễ dàng kêu gọi đầu tư hơn.

Ngoài ra, các giai đoạn hỗ trợ dành cho startup tại Việt Nam dần trở nên chuẩn hoá hơn. Ví dụ, thị trường đã có vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp pre-Seed, có các quỹ hỗ trợ Seed Round, quỹ hỗ trợ Series A, B.

Dự báo về xu hướng thị trường khởi nghiệp năm 2022, ông Minh Thành cho rằng dòng vốn nhà đầu tư sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Hiện tại, nhiều quỹ đầu tư lớn đã tham gia tích cực vào thị trường như KVision (Kasikorn Group), Bace Capital (Alibaba), Goodwater, Sequoia Capital...

Tuy nhiên, ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc điều hành VinaCapital Ventures lưu ý, đối với các quỹ nước ngoài còn rất nhiều nguồn lực tài chính nhưng họ có thể kén chọn hoặc thậm chí tạm dừng các khoản đầu tư mới ở các quốc gia khác. Theo đó, họ sẽ tập trung cho các cơ hội trong nước trước môi trường kinh doanh rủi ro và không thể trực tiếp đến Việt Nam tận mắt xem xét và đánh giá sản phẩm cũng như công ty khởi nghiệp.

Các nhà đầu tư quốc tế này có thể tiếp tục theo dõi các dự án mà họ quan tâm hoặc kéo dài thời gian thảo luận, từ đó, vô tình tạo nên áp lực giảm giá lên các startup. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là các quỹ trong nước và các doanh nghiệp lớn, sẽ xem đây là cơ hội và thậm chí tăng cường các giao dịch trên một số lĩnh vực mới.

Xét về lĩnh vực, các chuyên gia dự báo tiềm năng thu hút vốn lớn sẽ xoay quanh hoạt động chuyền đổi số cho các ngành nghề truyền thống. "Ngoài những ngành vốn đã phát triển nóng như FinTech hay E-commerce, một số ngành như EdTech, MedTech, và các công cụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp cũng đang thu hút vốn đầu tư", phía Do Ventures đánh giá.

Ông Hoàng Đức Trung cho hay, ngoài các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, tài chính, thanh toán, AI, du lịch, hậu cần, và giáo dục, VinaCapital Ventures cũng đang quan tâm đến Gamification, Blockchain, bán lẻ trực tuyến đến ngoại tuyến, và truyền thông đa nền tảng.

Ngoài ra, dự báo việc Chính phủ lên kế hoạch tăng chi tiêu công cho cơ sở hạ tầng sẽ giúp các công ty trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu hưởng lợi. Cuối cùng, nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước, chiếm gần 70% GDP, do đó, dự kiến ngành bán lẻ sẽ phục hồi tốt và tăng trưởng mạnh nhờ tầng lớp trung lưu và quá trình đô thị hóa ngày càng mở rộng./.

Viễn Thông