ĐBSCL: Ứng dụng công nghệ 4.0 dự báo xâm nhập mặn

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 21:28, 27/12/2021

Phần mềm dự báo hạn mặn được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực, không chỉ đưa ra dự báo về một khu vực mà còn là cái nhìn toàn thể về vùng ĐBSCL, hỗ trợ người dân sớm có phương án ứng phó, phòng chống hạn mặn.

Phần mềm dự báo hạn mặn

Vừa qua, để giúp người dân khu vực ĐBSCL kịp thời ứng phó, phòng chống hạn mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu được dự báo với tần suất thường xuyên, mức độ nghiêm trọng và khốc liệt hơn thời gian tới, Nhà máy nước Nhị Thành (Long An) đã kết hợp với Trường đại học Thủy lợi miền Nam phát triển phần mềm dự báo mức độ xâm nhập mặn trên sông Mekong.

Theo đó, chỉ với thao tác đơn giản, nhấn vào đường linkhttp://waterdata.vn/mekong/mrss hoặc tải ứng dụng MRSS (Mekong MRSS), chạm vào một địa điểm bất kỳ tại khu vực ĐBSCL, ngay lập tức, các thông số chi tiết về độ mặn, mực nước theo thời gian sẽ được hiển thị chi tiết.

Phần mềm không chỉ thuận tiện cho các nhà quản lý, vận hành, các cơ quan dự báo khí tượng mà bất kỳ người dân nào có nhu cầu đều có thể sử dụng, cập nhật nhanh chóng về tình hình hạn mặn.

PGS,TS Nghiêm Tiến Lam, Trưởng bộ môn Quản lý tổng hợp vùng ven biển, Đại học Thủy lợi miền Nam cho biết, để bảo đảm tính chính xác, phần mềm đã thu thập chuỗi thông tin, số liệu về mực nước, độ mặn thực đo từ năm 2016 đến năm 2020 tại 20 trạm khí tượng và kết hợp các số liệu đo thực tế tại Nhà máy nước Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) và Nhà máy nước Nhị Thành (Long An), làm cơ sở tham khảo và phân tích.

Phần mềm này có thể dự báo chi tiết về mức nước, độ mặn lên tới từng giờ tại bất cứ khu vực nào tại ĐBSCL trong khoảng thời gian 30 ngày. Phần mềm được tối ưu hóa đơn giản cho người dùng thông qua các hình ảnh và biến động trực quan nhằm phổ biến đến mọi đối tượng sử dụng, không chỉ bó hẹp trong các đơn vị nghiên cứu hoặc các cơ quan quản lý mà hướng tới để mỗi người dân, mỗi gia đình đều có thể theo dõi và chủ động trước các diễn biến của hạn mặn tại địa phương.

Phần mềm dự báo hạn mặn được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực, không chỉ đưa ra dự báo về một khu vực mà còn là cái nhìn toàn thể về vùng ĐBSCL, hỗ trợ các sở, ban, ngành địa phương, người dân sớm có phương án ứng phó, phòng chống hạn mặn trong sinh hoạt và sản xuất.

Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Trần Anh Tuấn cho biết, đây là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, không chỉ góp phần giúp các sở ban, ngành địa phương và người dân chủ động trong việc ứng phó thiên tai mà còn là nguồn dữ liệu, hỗ trợ rất lớn trong công tác nghiên cứu, dự báo và chống biến đổi khí hậu.

Giải pháp khác phòng chống xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Một  là,  các  tỉnh  ĐBSCL  theo  dõi  sát  tình  hình,  cập  nhật  hàng  ngày  diễn  biến thời  tiết,  nguồn  nước  ở thượng nguồn sông Mekong, tổ chức đo đạc, theo dõi độ mặn ở các vùng cửa sông, cửa lấy nước vào công trình thủy lợi, trong công trình thủy lợi để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thực hiện lấy nước phù hợp, nạo vét hệ thống kênh mương tăng khả năng trữ ngọt vào mùa khô, duy tu, nâng cấp hệ thống cống, bọng để chủ động khắc phục, hạn chế rò rỉ, xâm nhập mặn, xây dựng đập thép, trạm bơm... tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc điều tiết, sử dụng nước phù hợp cho cây trồng.

Hai là, đẩy nhanh các công trình điều tiết nước, đảm bảo nước cho phát triển, đầu tư thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng nước ngầm để xây dựng các công trình khai thác lâu dài, tiếp tục thử nghiệm mô hình xây dựng nhà máy nước khai thác kết hợp giữa nước mặt, nước ngầm để xem xét nhân rộng nhằm chủ động ứng phó với tình trạng hạn mặn ở vùng ÐBSCL.

Ba là, tổng hợp tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các địa phương, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn kịp thời, hiệu quả kể cả trước mắt và lâu dài.

Bốn là, thực hiện Nghị quyết 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thich ứng với biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo "3 chuyển dịch": Dịch chuyển lịch thời vụ để "né hạn mặn", sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn mặn và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, hạ tầng thủy lợi, giao thông.

Năm là, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các nước thượng nguồn sông Mekong thu thập thông tin về nguồn nước, điều tiết các hồ chứa thủy điện ngoài lãnh thổ Việt Nam để phục vụ dự báo xâm nhập mặn, đề xuất tăng cường xả nước từ các hồ chứa thủy điện để đẩy mặn cho ĐBSCL trong trường hợp cần thiết.

Sáu là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Nguyễn Linh