APAC sẽ bước vào thời kỳ "hoàng kim" của thương mại số trong ba năm tới
Kinh tế số - Ngày đăng : 17:34, 26/12/2021
Khu vực APAC là nơi sinh sống của gần 4,7 tỷ người, tương đương 60% tổng dân số thế giới, được dự báo sẽ là khu vực phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số trong tương lai gần.
APAC sẽ bước vào thời kỳ hoàng kim của thương mại số trong ba năm tới
Theo Google, Temasek và Bain, chỉ riêng khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ đạt nền kinh tế số trị giá 1.000 tỷ USD vào năm 2030, thậm chí có thể vượt qua cả nền kinh tế số của phương Tây.
Báo cáo mới đây của Deloitte về thương mại số khu vực APAC cũng đã nêu bật những xu hướng mới nhất về thương mại xuyên biên giới trong khu vực khi hướng tới một tương lai số hóa hơn, xanh hơn và bền vững hơn, nơi mà các doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ đóng một vai trò quan trọng.
Dựa trên một cuộc khảo sát được thực hiện với các DN tham gia vào thương mại xuyên biên giới trong khu vực, Deloitte dự đoán rằng khu vực này dự kiến sẽ bước vào thời kỳ hoàng kim của thương mại số trong ba năm tới.
Số hóa toàn cầu được nâng cao, đặc biệt đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa của người tiêu dùng và DN, thói quen tiêu dùng trực tuyến một khi đã hình thành và thích ứng rất khó có thể thay đổi.
Trong khi đó, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Ở Đông Nam Á, các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Lazada đã nổi mạnh mẽ lên. Họ tập trung vào thị trường Trung Quốc để tìm kiếm các DN quy mô lớn, với hy vọng nhập khẩu nhiều hàng hóa Trung Quốc hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Theo Taylor Lam, Phó Chủ tịch kiêm Lãnh đạo ngành Công nghệ, Truyền thông & Viễn thông tại Deloitte Trung Quốc, "COVID-19, sự phát triển của công nghệ số và tăng cường hợp tác khu vực đang thúc đẩy sự hình thành thương mại số ở khu vực APAC. Thương mại số mang đến những cơ hội phát triển hoàn toàn mới. Ngoài ra, RCEP sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực và tạo thuận lợi cho thương mại số của khu vực phát triển".
Cụ thể, RCEP sẽ thúc đẩy hợp tác khu vực và tạo thuận lợi cho thương mại số khu vực trên 5 khía cạnh: dỡ bỏ hàng rào thuế quan; thiết lập quy tắc xuất xứ linh hoạt; thúc đẩy TMĐT; tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực thương mại, tập trung vào các DN vừa và nhỏ và hợp tác kỹ thuật.
Bên cạnh đó, công nghệ số cũng cho phép người bán toàn cầu tham gia vào thương mại toàn cầu mà không gặp bất kỳ rào cản gia nhập nào.
"Sự cải thiện liên tục của cơ sở hạ tầng số sẽ giúp giải quyết hiệu quả hai hạn chế chính ảnh hưởng đến thương mại xuyên biên giới: logistics và thanh toán. Công nghệ chuỗi khối (blockchain) cũng đang tạo ra một không gian mới cho thương mại số", Gary Wu, Đối tác Dịch vụ Khách hàng chính toàn cầu của Deloitte cho biết.
mMNE là động lực chính thúc đẩy sự chuyển đổi thương mại số khu vực APAC
Theo Deloitte, khi công nghệ số tiếp tục được nâng cấp, việc áp dụng công nghệ số trong thương mại ngày càng sâu rộng và toàn diện hơn. Thương mại toàn cầu đã bước vào kỷ nguyên thông minh, nơi mà yếu tố dữ liệu sẽ có một vai trò nổi bật.
Theo đó, cơ sở hạ tầng quan trọng như 5G sẽ giúp xây dựng nền tảng phân phối dữ liệu và kiến trúc mạng mới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Internet of Everything (IoE). Trong khi đó, dữ liệu lớn cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ra quyết định chính xác hơn.
Nhìn chung, thương mại toàn cầu ngày nay đang chuyển đổi mạnh mẽ từ số hóa sang giai đoạn thông minh, với thương mại số là hình thức phát triển mới nhất.
Mức độ phát triển của thương mại số ở các nền kinh tế lớn của APAC được phân tích và đánh giá từ hai khía cạnh, đó là TMĐT xuyên biên giới và số hóa. Sau khi đánh giá, Deloitte phân loại các thị trường ở APAC thành ba mức như sau:
Thị trường trưởng thành: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản;
Thị trường đang phát triển: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Philippines;
Thị trường mới: Myanmar, Campuchia, Lào và Brunei.
Đặc biệt, theo Deloitte, sự nổi lên của các DN đa quốc gia siêu nhỏ (micro-multinational enterprises - mMNE) được coi là động lực chính thúc đẩy sự chuyển đổi thương mại số khu vực APAC.
Với sự trợ giúp của các nền tảng số, các doanh nhân và DN nhỏ đã trở thành mMNE khi họ tham gia vào TMĐT xuyên biên giới trên các thị trường toàn cầu.
mMNE cung cấp các "sản phẩm sản xuất trong nước" đa dạng và dịch vụ tùy chỉnh cho người mua toàn cầu, đồng thời đóng góp vào hơn 85% hoạt động TMĐT xuyên biên giới của khu vực.
Các đặc điểm chính của mMNE: Thành thạo hơn trong việc tận dụng các nền tảng số; Quy mô nhỏ (thường có dưới 100 nhân viên); Có các hoạt động toàn cầu hóa với trung bình 3,56 cửa hàng ở nước ngoài.
Theo Frankie Fan, Giám đốc WorldFirst Trung Quốc, DN thanh toán quốc tế hàng đầu với hơn 40% thị phần tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, "Các DN vừa và nhỏ đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế trong khu vực".
Với sự hỗ trợ của cơ sở hạ tầng thanh toán và bán hàng trực tuyến xuyên biên giới và RCEP bắt đầu có hiệu lực vào năm tới, các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong khu vực sẽ ngày càng có chỗ đứng trong thương mại xuyên biên giới.
Số hóa thúc đẩy thương mại xuyên biên giới trong khu vực
Số hóa là thước đo để đo lường mức độ phát triển của thị trường TMĐT, nên điều quan trọng là phải theo dõi sự phát triển của số hóa trên các thị trường đang phát triển và các thị trường đang trong giai đoạn khởi đầu.
Nghiên cứu của Deloitte cho biết, thanh toán và bán hàng là hai chức năng thương mại có mức độ số hóa cao nhất, với tỷ lệ thâm nhập của số hóa thanh toán là 55% và 53% đối với số hóa bán hàng.
Nhìn chung, ở các thị trường đã phát triển thường ứng dụng nhiều công nghệ số hơn trong bán hàng, thanh toán và logistics, trong khi đó các thị trường đang phát triển có mức độ số hóa trong sản xuất và kinh doanh cao hơn. Còn ở các thị trường mới, số hóa vẫn đang trong giai đoạn sơ khai trên tất cả các khía cạnh của TMĐT xuyên biên giới.
Điển hình như, Indonesia dẫn đầu về số hóa trong giao dịch, nhưng họ vẫn bị tụt hậu xa về sản xuất, bán hàng, thanh toán và logistics. Singapore, một thị trường phát triển, dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán số cũng như số hóa logistics. Trong khi đó, Việt Nam dẫn đầu số hóa về sản xuất, đang dần vươn lên và thực hiện tốt số hóa trên hầu hết các khía cạnh khác của TMĐT.
Điều thú vị là báo cáo của Deloitte cho thấy Malaysia được phân loại là một thị trường đang phát triển, dẫn đầu khu vực APAC về quy mô thị trường TMĐT với 6,3 tỷ USD.
Quốc gia Đông Nam Á với 32 triệu người này có tỷ lệ hoạt động số hóa bán hàng cao nhất cho TMĐT xuyên biên giới, ở mức 65,7%. Tuy nhiên, quốc gia này cũng bị hạn chế nhiều bởi các yếu tố như cơ sở hạ tầng logistics xuyên biên giới. TMĐT xuyên biên giới ở Malaysia cũng chưa được phát triển đáng kể. Hiện tại, tiêu dùng xuyên biên giới chỉ chiếm 42% quy mô thị trường của nền kinh tế Internet ở Malaysia, thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển.
Theo Deloitte, để các thị trường đang phát triển này tiến tới sự trưởng thành và trở thành một thị trường phát triển, các lĩnh vực đặc biệt là logistics, sẽ cần phải nỗ lực thay đổi, linh hoạt cũng như số hóa nhiều hơn. Deloitte cũng kỳ vọng rằng thị trường tiêu dùng TMĐT ở APAC sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự gia tăng liên tục của số hóa trong thời gian tới./.