Sự trỗi dậy game Axie Infinity định nghĩa lại bối cảnh công nghệ ở Đông Nam Á
Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 10:29, 24/12/2021
Năm 2021 là năm mà "metaverse" trở thành tâm điểm. Thuật ngữ này, được nhà văn khoa học viễn tưởng Neal Stephenson đưa ra lần đầu trong cuốn sách khoa học viễn tưởng tập trung chủ yếu vào công nghệ cao có tên "Snow Crash", đã được các công ty công nghệ lớn chấp nhận và định nghĩa lại để trở thành một trong những từ khóa "nóng" nhất trong năm nay.
Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook, là một trong những người thúc đẩy chính của metaverse kể từ khi quyết định đổi thương hiệu công ty của mình thành Meta vào ngày 28/10. Zuckerberg đã định nghĩa lại thuật ngữ này là một tập hợp các không gian số được kết nối với nhau cho phép người dùng làm những việc không thể trong thế giới vật chất. Đó là một không gian được đặc trưng bởi sự hiện diện xã hội trực tuyến.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng này hiện đang được xây dựng và chưa rõ ràng sẽ được sử dụng như thế nào. Mặc dù metaverse vẫn khác xa với thực tế hàng ngày của chúng ta, nhưng một loạt các ứng dụng hiện tại, bao gồm blockchain, tiền điện tử, hình đại diện số và các game sử dụng NFT (một loại tài sản số hiện diện trên blockchain, tức là bản ghi nhận các giao dịch trên máy tính kết nối mạng), dự kiến sẽ đóng những vai trò quan trọng trong tương lai của metaverse.
Trang công nghệ KrASIA đã đánh giá một số sự kiện lớn trong năm 2021 định hình thực tế metaverse ở Đông Nam Á, từ không gian blockchain đến bối cảnh tiền điện tử và hơn thế nữa.
Sự trỗi dậy của Axie Infinity
Được tạo ra bởi startup blockchain Sky Mavis có trụ sở tại Việt Nam, game NFT chơi để kiếm tiền Axie Infinity là một trong những game điện tử phát triển nhanh nhất thế giới. Người chơi tạo ra giá trị tài chính cho bản thân bằng cách kinh doanh hàng hóa số là một phần của nền kinh tế game.
Theo dữ liệu từ DappRadar, Axie Infinity là bộ sưu tập NFT được giao dịch nhiều nhất từ trước đến nay, với tổng khối lượng giao dịch vượt qua 3,8 tỷ USD, nhiều hơn giá trị được giao dịch bởi các bộ sưu tập NFT blue-chip như CryptoPunks, Bored Ape Yacht Club và NBA Top Shot.
Sau thành công của Axie Infinity là sự hình thành của một loạt các startup game hình khác, đã cho thấy xu hướng triển khai những cách mới để kết hợp game điện tử với hoạt động blockchain, bao gồm Yield Guild Games, GuildFi và Avocado Guild, cho các thành viên game NFT vay và sau đó cắt giảm thu nhập trong game của người chơi.
Các bên liên quan đẩy mạnh đầu tư vào các dự án GameFi
Sự nổi lên như vũ bão của các game blockchain đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Vào ngày 6/12, Animoca Brands, một công ty game blockchain có trụ sở tại Hồng Kông và là nhà đầu tư tích cực trong ngành công nghiệp blockchain và Binance Smart Chain, vườn ươm sàn giao dịch tiền điện tử Binance, đã cùng khởi động quỹ 200 triệu USD để đầu tư và ươm tạo sớm các dự án trò chơi tiền điện tử được xây dựng trên Binance Smart Chain.
Một loạt các liên doanh khác đã bắt đầu quỹ riêng của họ để đầu tư vào các dự án GameFi, với những cái tên đáng chú ý bao gồm Andreessen Horowitz (a16z) có trụ sở tại Mỹ; Huobi Ventures, chi nhánh đầu tư của một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới; sàn giao dịch tiền điện tử lớn OKEx và SoftBank.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu tài sản số The Block có trụ sở tại Mỹ,tính đến ngày 4/10, các công ty game dựa trên blockchain đã huy động được tổng cộng 1.985 triệu USD, tăng 4,626% so với 42 triệu USD của năm 2020. Còn theo dự đoán của Juniper Research, thị trường game sẽ tăng trên 200 tỷ USD về giá trị vào năm 2023, tăng 29% so với mức 155 tỷ USD của năm 2020.
Ngân hàng nhảy vào đầu tư sàn giao dịch điện tử
Các ngân hàng trên khắp Đông Nam Á đã và đang tham gia vào thị trường tiền điện tử bằng cách đầu tư vào các sàn giao dịch tiền điện tử được cấp phép, một hiện tượng đã nổi lên, đặc biệt là ở Thái Lan và Singapore.
Ngân hàng lâu đời nhất của Thái Lanlà ngân hàng thương mại Siam đã mua lại 51% cổ phần của sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất đất nướclà Bitkub, với giá 17,85 tỷ baht (535 triệu USD) vào đầu tháng 11, nâng định giá của công ty lên 35 tỷ baht (1 tỷ USD). Ba tháng trước, sàn giao dịch tài sản số Zipmex có trụ sở tại Singapore đã nhậnđược khoản đầu tư41 triệu USD trong vòng đầu tư Series B do Krungsri Finnovate, đơn vị đầu tư mạo hiểm của ngânhàng Ayudhya, ngân hàng lớn thứ năm của Thái Lan về tài sản, khoản vay và tiền gửi, dẫn đầu.
Theo The Business Times, tại Singapore, ngân hàng trung ương cũng đã chính thức chấp thuận cho DBS Vickers, chi nhánh môi giới của Ngân hàng DBS, để cung cấp dịch vụ mã thông báo (token) thanh toán số vào đầu tháng 10. Ngân hàng OCBC cũng đang chuẩn bị thiết lập một sàn giao dịch tiền điện tử sớm.
Các sàn giao dịch tiền điện tử khác đã nhận được sự chấp thuận của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) để triển khai hoạt động tại Singapore bao gồm công ty thanh toán tiền điện tử TripleA, Independent Reserve và startup fintech trong nước Fomo Pay.
Các quy định mới định hình lại ngành công nghiệp tiền điện tử
Khi Trung Quốc thắt chặt khai thác và giao dịch tiền điện tử vào tháng 5, một số công ty tiền điện tử lớn do các cá nhân gốc Trung Quốc thành lập đã chuyển sang Singapore, với các công ty tiền điện tử lớn như Binance, Huobi và Bitdeer thành lập một thực thể tại Singapore.
Tuy nhiên, mọiviệc đã không được suôn sẻ đối với một số sàn giao dịch lớn tại đây. Vào tháng 9, MAS đã bổ sung thêm Binance Exchange vào Danh sách cảnh báo nhà đầu tư (Investor Alert List), bao gồm các cá nhân và doanh nghiệp không được quảnlý mà "có thể đã bị MAS xem xét nhầm là được cấp phép hoặc quản lý".
Mặcdù công ty con của Binance, Binance Asia Services, đã có thể vận hành một nền tảng giao dịch tiền điện tử trong nước theo quy định miễn giấy phép, nhưng pháp nhân đã thông báo sẽ ngừng hoạt động tại Singapore vào ngày 13/2. Binance sẽ tập trung lại các hoạt động của Binance Asia Services tại Singapore để tạo ra một trung tâm cho sự đổi mới blockchain.
Huobi Global cũng đã thông báo vào ngày 9/11 rằng sẽ không còn cung cấp dịch vụ cho các nhà giao dịch và chủ sở hữu tiền điện tử ở Singapore, trong khi Huobi Singapore, một pháp nhân riêng biệt, sẽ bắt đầu cung cấp các dịch vụ giao dịch tài sản số vào cuối năm nay.
Tập đoàn Huobi hiện đang chuyển hoạt động kinh doanh giao ngay sang Gibraltar sau khi quyết định rời Trung Quốc và đang nhắm mục tiêu mở rộng sang các khu vực như Đông Nam Á và châu Âu.
Tại Indonesia, tổ chức các học giả Hồi giáo là Hội đồng Ulema Indonesia, đã ban hành một thông báo vào ngày 11/11 chobiết việc sử dụng tiền điện tử làm phương tiện thanh toán là một hoạt động không được phép theo các quy tắc Hồi giáo.
Tại Lào, chính quyền đang tìm cách phát triển ngành khai thác và kinh doanh tiền điện tử của riêng mình bằng cách cho phép các công ty sử dụng năng lượng thủy điện để khai thác tiền điện tử. Động thái này dự kiến sẽ tạo ra hơn 2.000 tỷ LAK (187 triệu USD) doanh thu hàng năm cho đất nước, nhưng khung pháp lý vẫn chưa rõ ràng, theo các nhà phân tích.
Các ngân hàng trung ương xem xét tiền số quốc gia CBDC
Tại Việt Nam, ngày 17/12/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 2006/QĐ-NHNN Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là đề án).
Theo đó, một trong những nhiệm vụ của đề án là xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Đáng lưu ý là nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.
Trong khi giao dịch tiền điện tử đã trở nên phổ biến ở Đông Nam Á, bản chất luôn thay đổi của nhiều token khiến người tiêu dùng khó sử dụng chúng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ. Điều này đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương trong khu vực nghiên cứu các loại tiền tệ số của ngân hàng trung ương, được gọi là CBDC.
Trong quý 2 năm 2021, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã bắt đầu thử nghiệm đồng baht số bán lẻ sau khi tranh thủ các dịch vụ của gã khổng lồ thanh toán Đức Giesecke & Devrient. Ngân hàng trung ương của Indonesia cũng đang xem xét CBDC của riêng mình. Ngân hàng này đang tiến hành nghiên cứu và đánh giá CBDC của mình như một khía cạnh của đồng tiền có chủ quyền. Các nền kinh tế lớn khác trong khu vực - Singapore, Malaysia, Lào và Việt Nam - cũng đang xem xét các sáng kiến tương tự.
Cho đến nay, dự án CBDC liên ngân hàng của Campuchia là dự án duy nhất đã đến giai đoạn thực hiện trong khu vực, theo một báo cáo được PwC công bố vào tháng 4.
Các nghệ sỹ trong khu vực thúc đẩy chấp nhập NFT
Trong khi khối lượng giao dịch NFT trên toàn thế giới đạt 10,7 tỷ USD trong quý 3 năm nay, tăng 704% so với quý trước, thì ở Đông Nam Á, rào cản ngôn ngữ, phí giao dịch đắt đỏ và thiếu cộng đồng NFT bản địa hóa đã cản trở việc áp dụng. Điều này đã thúc đẩy các nghệ sĩ trong khu vực thành lập các cộng đồng trực tuyến như MetaRupa, Malaysia NFT và NFT Asia.
Một loạt các sự kiện nghệ thuật tiền điện tử cũng đã xuất hiện trên khắp Đông Nam Á với sự hợp tác của các cộng đồng NFT trong khu vực, trong số đó có Art Moments Jakarta, Art Fair Philippines và CryptoArt Week Asia.
Đông Nam Á là trung tâm tiền điện tử tiếp theo?
Theo dữ liệu từ Statista, mặc dù thị trường tiền điện tử vẫn còn non trẻ ở Đông Nam Á, nhưng khu vực này đã chín muồi cho sự đổi mới, với Việt Nam, Philippines và Thái Lan lần lượt xếp hạng thứ hai, thứ ba và thứ năm về mức độ chấp nhận tiền điện tử trên 55 quốc gia vào năm 2020.
Nigeria hiện là quốc gia mà mọi người quen thuộc hơn với tiền điện tử, vì 32% người Nigeria đã sử dụng hoặc sở hữu tiền điện tử tính đến năm 2020.
Trong khi các cơ quan quản lý trong khu vực đang hình thành các cách thức để giám sát ngành, một số cá nhân đã đưa ra những đổi mới để áp dụng các biện pháp kiểm soát tài chính chính thức. Tại Myanmar, một nhóm người dân đã khởi động một dự án tiền điện tử với hy vọng tạo ra một hệ thống tài chính để vượt qua sự kiểm soát của ngân hàng trung ương.
Mặc dù sáng kiến này không có khả năng đạt được quy mô đáng kể do việc hạn chế áp dụng MYD của chính quyền Myanmar, nhưng sáng kiến này là một ví dụ về cách bản chất phi tập trung của tiền điện tử và blockchain có thể thay đổi cán cân quyền lực, mở ra nhiều cơ hội hơn cho cộng đồng trong khu vực./.