PGS.TS Bùi Chí Trung: Báo chí truyền thông thời công nghệ số: Đi theo “công thức cũ”, hay tiến trong “cái mới gian truân”
Báo chí - Ngày đăng : 13:04, 23/12/2021
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra vào đầu năm 2021 đã đặt ra một tiêu chí về yêu cầu phải có chính sách khuyến khích và cơ chế phù hợp bảo vệ những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Yêu cầu này có thể vận dụng một cách hiệu quả trong hoạt động báo chí truyền thông nhằm khuyến khích khả năng sáng tạo của các nhà báo nói riêng và hệ thống báo chí truyền thông nói chung như thế nào? Phải chăng hệ thống báo chí truyền thống đang cần một “làn gió”, một sự bứt phá lớn hơn để làm mới mình. Có những suy nghĩ được gợi mở trong cuộc trò chuyện cuối năm của PV Tạp chí TT&TT với PGS. TS Bùi Chí Trung - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Đại học KHXH & NV.
Thưa PGS. TS Bùi Chí Trung, năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức đã trôi qua. Ông có thể nhận xét đôi nét về bức tranh toàn cảnh hoạt động báo chí truyền thông trong năm 2021, đặc biệt là sau quy hoạch?
PGS. TS Bùi Chí Trung: Tính đến thời điểm hết năm 2021, về mặt cơ học, chúng ta đã tinh gọn được 71 cơ quan báo chí so với trước thời điểm quy hoạch báo chí. Tuy nhiên, như tôi đã nhấn mạnh ở trên, đó là về mặt cơ học, theo hệ thống. Còn về thực chất thì trong thời gian qua, chúng ta chưa đạt được mục tiêu mong muốn hoàn thành được bất kỳ chiến lược, nhiệm vụ nào của việc đó.
Đây là việc không dễ bởi lẽ nếu như năm ngoái, chúng ta có thể nói báo chí truyền thông thành công với 2 mục tiêu kép là “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, thì năm nay, bức tranh kinh tế - xã hội khá ảm đạm do sự tấn công của COVID-19. Điều đó khiến báo chí truyền thông cũng không nằm ngoài guồng quay đó.
Sau quy hoạch thường là lên kế hoạch và tăng trưởng. Song đại dịch đã khiến những chiến lược ấy phải dừng lại. Tất nhiên, hoạt động báo chí vẫn phải tiếp diễn. Song để đánh giá nó phát triển mạnh lên hay yếu đi thì chưa có tiêu chí. Chúng ta cũng chưa có một bộ quy chuẩn để đánh giá những việc đó. Về vấn đề chất lượng và định hướng sản phẩm báo chí truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng và mạng xã hội cũng cần bàn đến.
Bước vào thời kỳ COVID-19, tính chính trị trong các sản phẩm báo chí truyền thông được đẩy lên cao hẳn. Nếu phân tích về mặt định lượng dựa trên các kênh thời sự của truyền hình, có thể thấy lượng tin, bài đưa về chính trị, về các chương trình làm việc của lãnh đạo Đảng, Chính phủ chênh lệch với các hoạt động kinh tế - xã hội khác trong cả nước.
Mặt khác, một số chuyên mục thời sự với mục tiêu đầu tiên là các tin tức về hoạt động kinh tế - xã hội thì nay cũng đi theo chiều hướng thời sự - chính trị nhiều hơn. Trong khi đó, mạng xã hội với chiều hướng người người là nhà báo, nhà nhà làm báo thì lại nở rộ với rất nhiều thông tin, những câu chuyện, những video clip ngắn… Tình trạng này dẫn đến việc xuất hiện không ít nhóm kín, gắn kết với nhau bởi những mối liên hệ riêng, lợi ích riêng. Họ xuất hiện trên không gian mạng mà không thể định danh. Thấy rất lạ ngoài việc tạo ra áp lực cho doanh nghiệp có “vết đen” thì bất kỳ thao tác nào của cơ quan báo chí truyền thông có vướng mắc, những đối tượng đó đều nắm rõ, tung lên mạng nhưng không dựa trên khía cạnh xây dựng.
Có người nói đùa với tôi rằng liệu sắp có manh nha xuất hiện những đường dây báo chí Mafia, giống như bài học lịch sử của báo chí Liên Xô trước và sau năm 1991? Và như vậy bao giờ thì “quả trứng Mafia báo chí” sẽ nở? Đương nhiên điều đó không thể chấp nhận được, trách nhiệm dự báo và triệt tiêu sẽ thuộc về ai?
Chúng ta cũng có một số mô hình thí điểm về quy hoạch báo chí truyền thông để phân tích và đánh giá…
PGS. TS Bùi Chí Trung: Một số địa phương như Quảng Ninh đang thử nghiệm việc tái cấu trúc lại cơ quan phát thanh - truyền hình, cơ quan báo chí và biến nó thành trung tâm truyền thông. Song cần có thêm tiêu chí nào để đánh giá mô hình đó có thành công hay không, có thể nhân rộng được hay chưa. Chúng ta chưa có một khuôn mẫu, một công thức mang tính điển hình để nhân rộng.
Mặt khác, đặc thù văn hóa vùng miền, với điều kiện khác nhau của từng địa phương, cũng là một yếu tố cần tính đến trong việc nhân rộng một mô hình khuôn mẫu hay không. Bên cạnh đó, yếu tố con người cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi mô hình hoạt động báo chí truyền thông, bản thân các cơ quan báo chí truyền thông cũng đang nỗ lực thay đổi theo chiều hướng mới, tận dụng công nghệ 4.0 vào đổi mới chất lượng, thời lượng và nội dung sản phẩm.
Đơn cử như một số cơ quan báo chí gần đây, bên cạnh báo giấy truyền thống và kênh truyền hình, báo điện tử, đã ra thêm 1 số sản phẩm radio podcast,…Nhưng việc đổi mới đã thực sự mang lại hiệu quả chưa thì không có tiêu chí nào xác định được, nhất là trong biến động xã hội của hôm nay và nhu cầu người dân thay đổi theo chiều hướng tận dụng thế mạnh của công nghệ 4.0.
Theo ông, diện mạo báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại những vấn đề gì?
PGS. TS Bùi Chí Trung: Thực trạng đầu tiên mà chúng ta đều cần nhìn nhận một cách nghiêm túc là biểu hiện “giọng điệu một chiều, chung chung” đang hiển hiện rõ hơn sự sáng tạo khác biệt. Thông điệp các bài báo đều giống nhau, mô hình truyền thông giống nhau, thậm chí đến cách thể hiện nội dung tờ báo hay tương tác công chúng cũng chẳng khác nhau. Đây là một thực trạng cần gióng nên hồi chuông cảnh tỉnh đối với một lĩnh vực giầu tính sáng tạo.
Chúng ta đều biết rõ báo chí phải là một bức tranh sinh động. Mỗi cơ quan báo chí có một chức năng riêng, mục tiêu riêng và đối tượng riêng, từ đó đến dẫn cách thức làm báo riêng cho dù có cùng một nội dung, một thông điệp khác biệt! Cùng một câu chuyện nhưng mỗi tờ báo, mỗi kênh truyền hình cần có cách kể khác nhau, cách phân tích khác nhau. Nhưng hiện tại, tờ báo nào cũng có thời sự, có văn hóa - thể thao và cách đưa tin cũng giống nhau, thậm chí copy của nhau luôn.
Vấn đề thứ hai là con người. Đó là phóng viên, biên tập viên. Đây chính là xương sống của tòa soạn. Thương hiệu của mỗi cơ quan báo chí tạo dựng được một phần quan trọng chính từ thương hiệu của những cá nhân kiệt xuất. Trước đây, khi nói đến tờ báo này là nhắc đến tên phóng viên kia, cây viết nọ với phong cách viết đặc trưng và thậm chí cả thể loại đặc trưng như phóng sự, phê bình, xã luận… Còn hiện nay, có thể thấy các cơ quan báo chí truyền thông đang hoạt động như một dàn đồng ca vậy, nghe nhiều liệu có hợp không?
Điều đó cho thấy cần thiết nên có một vị “nhạc trưởng” tài ba, có khả năng sử dụng và khai thác thế mạnh của từng cơ quan báo chí?
PGS. TS Bùi Chí Trung: Tôi nghĩ rằng rất cần thiết! Xin được nói một ví dụ cụ thể, chúng ta đều nhìn nhận thấy một điều là hiện nay, mỗi địa phương trong toàn quốc đều có một tờ báo Đảng. Như vậy, chúng ta có tới 63 cơ quan báo Đảng trên toàn quốc. Nhưng mối liên hệ giữa những cơ quan báo Đảng đó là như thế nào? Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang quản lý rất chặt chẽ các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, nhưng bản thân các cơ quan báo Đảng ở địa phương thì lại chưa có gì để cộng hưởng với nhau, không có gì để chia sẻ thông tin để tạo thành một mạng lưới, một hệ thống dữ liệu chặt chẽ và kết nối.
Trong khi đó, sức mạnh lớn nhất của cả hệ thống báo chí này là tính Đảng, thì có nghĩa báo Đảng phải là báo đang mạnh nhất. Nhưng thực tế đang cho thấy chúng ta đang tự yếu đi trước những thách thức của báo chí truyền thông thời đại mới. Chuyện khác nữa là trước đây, quản lý báo chí truyền thông là dựa vào thời lượng khung giờ phát sóng hay số báo gắn với lượng phát hành. Song, hiện tại, bên cạnh các kênh chính thống là hàng loạt kênh trên các ứng dụng, mạng xã hội, trên Internet…
Ví dụ như một chuyên mục trên truyền hình, ngoài thời lượng chính thống cho phép, thời lượng các thông tin khác được đưa trên mạng thì khó mà quản lý được, nhất là khi một công ty truyền thông nào đó chỉ cần hợp tác với một cơ quan báo chí chính thống là có thể đăng tải trên Website, Facebook, Tiktok, Instagram… Và khi thời lượng thông tin báo chí truyền thông không quản lý hết được thì việc đổi mới là không dễ. Phải chăng khi không quản được thì chỉ còn cách dập bỏ?
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Cách tiếp cận chính sách theo cách truyền thống thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước áp dụng, gọi là cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển, nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, qui định quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận chính sách phù hợp với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, phù hợp để đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ”.
Chúng ta cần vượt qua công thức cũ để mở ra con đường mới để báo chí truyền thông phát triển. Cái gì không biết, chưa nắm rõ thì hãy để cho nó tự phát triển nhưng trong một khoảng không gian nhất định, thời gian nhất định, để mục đích phát triển đó được bộc lộ một cách rõ ràng. Hãy cho hệ sinh thái truyền thông một mảnh đất, một biên độ, một không gian để xem có làm được điều gì mới.
Vấn đề thứ ba là con người. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Chỉ thị 100 năm 1981, Khoán 10 năm 1988 với Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Ông ấy đã áp dụng mô hình thí điểm 5% ngoài hợp tác xã. Và chính 5% ấy đã nuôi sống nhiều gia đình, thậm chí cả tỉnh và đóng góp cơ cấu lương thực cho đất nước đỡ khó khăn.
Điều đó cho thấy bản chất ở đây là người ta có thể làm tốt khi đó thực sự là tài sản, là khát vọng, là ước mơ của chính họ. Người ta càng gắn với công việc đó thực sự tâm huyết nếu như người ta thấy mình trong đó, người ta thấy tương lai của mình hay chúng ta nói đúng hơn là quá trình sở hữu. Người ta đã thấy rõ việc các đơn vị truyền thông tư nhân làm gameshow, làm phim, thậm chí một số phim tài liệu,… lại hay hơn các tổ chức với quy trình sản xuất theo ngân sách nhà nước. Vì người ta sẵn sàng trả thù lao cao, có cơ chế thưởng theo đúng với công sức bỏ ra? Vì họ phải dựa lưng vào tường để sống với thị trường, chứ không ở trong một “bẫy thu nhập trung bình”, không giầu mà cũng chẳng nghèo?
Nhưng tại sao không đặt câu hỏi ngược lại, rằng làm cách gì, làm thế nào để cơ quan báo chí truyền thông nhà nước có cơ chế, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, chứ không phải chỉ từ danh vị, từ cái ô của cơ quan chủ quản. Tôi cho rằng rất cần phải có hành lang pháp lý thật tường minh trong việc quản lý hoạt động xã hội hóa truyền thông, để thúc đẩy hệ sinh thái truyền thông thời kỳ số hóa có sự tham gia của các nguồn lực cả xã hội.
Xin nêu lại một ý rằng các cơ quan báo chí muốn đổi mới mạnh mẽ thì phải cần một nhạc trưởng có tài, có đức, có tâm và có tầm. Người đó có thể thay đổi tư duy trong quá trình đổi mới, dám đột phá. Nhưng điều quan trọng hơn là phải bảo vệ họ, phải biến Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, thành hiện thực trong báo chí truyền thông. Đừng khiến họ trở thành những “Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc” của thời kỳ trước đổi mới. Nếu đặt ra một câu hỏi, rằng phương thức chọn người đứng đầu cơ quan báo chí hiện nay chú trọng vào các “tiêu chí cứng”, thậm chí có hơi hướng chủ nghĩa bằng cấp, thì khó có thể chọn được người đột phá, người tài. Chẳng thấy lạ khi các Shack Tank luôn chọn người đứng đầu dự án ở tầm nhìn, sự khác biệt, phương pháp quản lý, và khả năng tập hợp đội ngũ, chứ không chỉ trông xem người đó tốt nghiệp bằng gì, ở đâu.
Có nghĩa là chúng ta cần bàn thêm về vấn đề phát huy vai trò sáng tạo của cá nhân gắn với tập thể…
PGS. TS Bùi Chí Trung: Quan trọng nhất là chúng ta cần khai thác tối đa sức mạnh của cá nhân gắn với tập thể. Chúng ta không hề thiếu các nhà báo giỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Nhưng vấn đề là làm thế nào để phát huy vai trò sáng tạo của từng cá nhân để mang lại lợi ích cho tập thể? Trong một thị trường thông tin đa dạng, rộng mở như hiện tại thì cần có những nghiên cứu về vai trò của cá nhân trong thị trường thông tin để có những phân tích mang ý nghĩa khách quan thực sự nhằm xây dựng các chính sách quản lý, giám sát báo chí truyền thông một cách hiệu quả nhất.
Có một câu chuyện như thế này. Ngày xưa, có một vị hoàng đế mời các nhạc công đến để biểu diễn. Trong dàn nhạc khổng lồ đó có một người không biết làm gì cả, nhưng vẫn đứng trong đó và được hưởng lợi như người khác. Cho đến một ngày, ông vua đó yêu cầu từng nhạc công chơi solo. Vậy là tay nhạc công không làm mà hưởng lợi bị phát hiện ra.
Điều đó cho thấy một thực tế hai mặt của “dàn đồng ca báo chí” mà tôi nói ở trên. Một là nhờ có solo như vậy, điểm yếu, sự không trung thực của cơ quan báo chí đó bị lộ ra. Nhưng ngược lại, sức mạnh của một cơ quan báo chí khác cũng được thể hiện rõ hơn. Mỗi người đang có khả năng sáng tạo nội dung lớn hơn bất kỳ lúc nào, trong khi sức mạnh lớn nhất của chúng ta lại đang bị cô lập. Nó bị vừa phân mảnh, vừa một chiều, vừa đóng cửa với thế giới bên ngoài. Và thế là chúng ta đánh mất động lực của mình, trở nên chai mòn hơn. Mỗi nhà báo cũng như nhà nông ấy, nếu chỉ cần có cơ hội sáng tạo để mang lại cái 5% lợi ích cá nhân của mình, có lẽ họ sẵn sàng dám thi đấu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm hơn nữa.
Thiết nghĩ 5% đó chính là những giải thưởng mà họ đạt được trong các giải báo chí hàng năm mà Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo cũng như các đơn vị có liên quan bình chọn…
PGS. TS Bùi Chí Trung: Chúng ta vẫn đã và đang làm rất tốt mảng trao giải này. Song, thực tế khác phải nói thêm là ở chỗ xưa nay, chúng ta vẫn quen tự đánh giá mình bằng giải thưởng, bằng khen, hay giải nội bộ… Nhưng còn quốc tế thì sao? Chúng ta đã có bao nhiêu nhà báo đạt giải thưởng quốc tế tầm cỡ, ví như tầm Pulitzer, Emmy... hay chưa? Đã có bài báo, sản phẩm báo chí nào của Việt Nam được quốc tế đón nhận? Tại sao những nước láng giềng, trong khu vực ASEAN thôi, báo giới lại rất giỏi trong việc kể những câu chuyện bằng báo chí truyền thông để khiến đất nước họ đẹp hơn trong mắt công chúng thế giới?
Đó chính là lỗ hổng trong hoạt động thông tin đối ngoại, khi mà chúng ta mới làm tốt mảng thông tin đối ngoại về Đảng, Nhà nước nhưng làm chưa tốt mảng thông tin về hiện thực cuộc sống, sức sống của nền kinh tế, của đời sống người dân. Các phóng viên, nhà báo của chúng ta cũng lăn lội rất nhiều, trải nghiệm rất nhiều, như đợt COVID-19 tại TP. HCM vừa rồi, nhiều phóng viên trên tuyến đầu chống dịch dương tính, thậm chí qua đời vì COVID. Nhưng những nhà báo đó có được vinh danh không? Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong các giải báo chí quốc gia, bên cạnh các giải về chuyên môn, nên chăng có thêm những giải thưởng cho các tác phẩm đóng góp cho xã hội, giải về ý tưởng, giải về đóng góp cho cộng đồng và giải mang tính nhân văn.
Chúng ta nói nhiều đến cơ chế, đến nội dung, đến sự sáng tạo… nhưng còn công chúng, nhất là công chúng thời 4.0 thì sao? Liệu báo chí truyền thông của Việt Nam đã hướng đến họ hay chưa và cách tiếp cận như thế nào sẽ mang lại hiệu quả trong xu thế mới này, thưa ông?
PGS. TS Bùi Chí Trung: Đây là vấn đề ít được bàn tới khi nói đến báo chí truyền thông hiện nay, nhưng nó lại đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu một cơ quan báo chí truyền thông trả lời được câu hỏi nhu cầu của công chúng hiện đang thay đổi như thế nào thì sẽ làm được nhiều thứ. Trước kia, công chúng chỉ có một nguồn tin chủ đạo: đó là báo chí. Còn ngày nay, họ tiếp cận thông tin từ nhóm khác nhau.
Điều này khiến phương thức tiếp nhận thông tin thay đổi hoàn toàn. Sự khác nhau cốt lõi khiến báo chí truyền thông chính thống giữ được chân công chúng là cách diễn giải một câu chuyện mà thôi. Ví dụ, bạn có thể nghe dự báo thời tiết ở rất nhiều kênh khác nhau, trên mạng xã hội, trên các ứng dụng... nhưng công chúng vẫn tin tưởng vào chương trình dự báo thời tiết của VTV. Cho dù công thức tiếp nhận thông tin của công chúng thay đổi từng ngày, nhưng của tin bài là 5W+1H là bất biến.
Nhưng công thức này không còn là số 1 khi mà câu chuyện đưa ra chính là cách xử lý thông tin theo các cách khác nhau. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo và công lao động của cá nhân nhà báo cũng như cách xử lý vấn đề độc đáo, theo tôn chỉ mục đích của mỗi cơ quan báo chí, hay ví như phần giá trị cốt lõi chỉ bằng 5%, so với 95% của những điều còn lại.
Đừng quên rằng khi kinh tế văn hóa phát triển lên, công nghệ phát triển lên thì cái năng lực trí thức, năng lực tiếp nhận thông tin của công chúng cũng tăng trưởng vượt bậc. Công chúng sẽ đòi hỏi nhiều hơn, đánh giá khắt khe hơn về cách truyền tải thông tin, sự kết hợp khác nhau dẫn đến sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các phóng viên. Ví dụ như số lượng công chúng đến với Neflix ngày càng cao, đơn giản vì nội dung phong phú. Neflix là biểu hiện của nội dung xuyên biên giới. Ngoài Netflix, công chúng sẽ còn đón nhận vô vàn những thứ ứng dụng, những thứ hạ tầng khác mang tính chất toàn cầu.
Nhưng một vấn đề khác cũng cần lưu ý là giá trị truyền thống cốt lõi mà mỗi cơ quan báo chí xây dựng và gìn giữ được, giống như một giá trị cốt lõi của tờ báo đó, kênh phát thanh - truyền hình đó. Đó chính là cái mà báo chí truyền thông Việt Nam, nếu muốn có được lượng công chúng riêng cho mình, cần phải có. Nó còn được gọi là tư tưởng Gen, tức là cho dù chuyển đổi từ đời lãnh đạo này sang lãnh đạo khác thì cái 5% cốt lõi ấy vẫn tồn tại như một di sản (Legacy).
Để có thể bắt kịp xu thế mới của công chúng trong thời đại Công nghệ 4.0 như hiện nay, cần có những thay đổi như thế nào về chính sách hỗ trợ cũng như chỉ đạo của các cơ quan quản lý, thưa ông?
PGS. TS Bùi Chí Trung: Tại Hội thảo Smart IoT tháng 10/2018, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “khi một cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận”.
Như vậy, có thể thấy nếu chúng ta dự đoán được, nắm bắt được quy luật về không gian và thời gian thì mới có cái gọi là sáng tạo mới, đột phá mới. Nếu như chúng ta muốn có sự đổi mới thì đừng lấy cách làm kéo dài của xưa cũ xong rồi khoanh vào thực tế ngày hôm nay. Chúng ta cần có cách tiếp cận khác, tư duy khác.
Vì vậy, tôi cho rằng ở thời điểm hiện nay, thay vì chỉ tiếp cận vào đổi mới công nghệ, chúng ta cần đánh giá đổi mới chính sách nhiều hơn. Đơn cử Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 giống như một khuôn khổ nhất định nào đó. Còn khi anh xây nhà (xây dựng nội dung cơ quan báo chí truyền thông), thì mỗi tờ báo sẽ có cách khác nhau, miễn là phù hợp với tiêu chuẩn định ra và quy luật chung.
Vấn đề thứ hai là với xu thế thông tin cũng là sản phẩm hàng hóa như hiện nay, nên chăng cần có một thị trường thông tin, hay còn gọi là thị trường báo chí thứ cấp. Đây cũng là giải pháp nhằm giải phóng năng lượng sáng tạo cho các phóng viên. Ví dụ một thông tin về lũ lụt, sạt lở ở một tỉnh nào đó do nhà báo của một cơ quan báo chí đưa tin chẳng hạn. Theo cơ chế hiện nay, “ăn cây nào, rào cây ấy”, nghĩa là tin tức đó chỉ có thể đăng tải trên ấn phẩm của cơ quan báo chí ấy, trong khi những nơi khác cần có lại phải cử người đi làm. Điều đó khiến nhân lực sản xuất bị rơi vãi. Thay vào đó, Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn toàn có thể thiết kế một thị trường thông tin, ở đó ngoài khâu sản xuất, còn có đóng gói, phân cấp và phát hành, tất nhiên có “dãn nhãn bản quyền” tức là thể hiện rõ bản quyền tác giả.
Vấn đề thứ ba là nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng ta đang bị đánh mất cái gọi là khát vọng làm báo. Một số nhà báo đang nhiều năng lượng, nhiều trải nghiệm và khả năng viết đang ở đỉnh cao, thì lại nắm giữ một vị trí quản lý nào đó, chuyển bút cho những đứa trẻ mới chỉ nắm bắt lý thuyết mà chưa có thực hành đi làm báo. Trong khi thực tế thì những người đó không có khả năng làm quản lý. Những nhà báo này không phải tự nhiên mà có. Họ là sản phẩm của nhiều năm trước, khi được bồi dưỡng từng con chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Còn hiện tại, họ đã mất đi ngọn lửa làm nghề. Mà khi lửa đã mất thì sao có thể truyền cho thế hệ sau? Chúng ta đều biết rằng nghề báo là nghề truyền thụ theo dạng thủ công, nghĩa là kiểu như có sư phụ, sư huynh dẫn dắt đường nghề chẳng hạn. Vì vậy, nên chăng cần có những chính sách để “giữ lửa” và “truyền lửa” báo chí cho những thế hệ sau.
Xin cảm ơn PGS!
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)