Trẻ ôm máy điện thoại, máy tính… càng lâu, rủi ro càng lớn

Xã hội số - Ngày đăng : 08:04, 23/12/2021

Đã có rất nhiều ý kiến về việc học trực tuyến thế nào cho hiệu quả, các nỗ lực hỗ trợ thiết bị và đường truyền để học online cho trẻ em... nhưng chưa có nhiều các lưu ý về vấn đề xây dựng môi trường an toàn cho trẻ học online .

Người lớn ở đâu khi các em nhỏ học trực tuyến

Câu chuyện một bé trai 9 tuổi ở Hà Nội đã qua đời trong giờ học online khi người lớn vừa đi ra ngoài. Nguyên nhân được thông tin do em đã chọc  kéo vào ổ cắm và bị điện giật chết.

Rồi vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi một nam sinh lớp 5 tại Nghệ An học online ở nhà. Chiếc điện thoại phát nổ, khiến em tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là do em vừa học online vừa sạc điện thoại thì bất ngờ chiếc điện thoại phát nổ, cháy lan sang quần áo.

Và còn nhiều các câu chuyện rủi ro, thương tâm khác dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như  thương tật, mất mạng… khi  con trẻ đang học online. Điều đó gióng lên hồi chuông cảnh báo rủi ro khi trẻ học online tại nhà mà không có sự giám sát của người lớn.

Trẻ ôm máy điện thoại, máy tính… càng lâu, rủi ro càng lớn - Ảnh 1.

Khi trẻ con ở yên trong nhà và học trực tuyến thì rất cần người lớn quan tâm tạo cho trẻ một góc học tập và thiết bị học an toàn.

Thực tế trẻ con có hàng trăm kiểu nghịch, phá hỏng máy tính, điện thoại; Thử  cảm giác lạ lạ, tê tê khi chạm tay chân vào nguồn điện quanh bàn học. Trẻ vừa ôm máy vừa múa, tập thể dục… làm rơi vỡ thiết bị. Đang giờ học, trẻ cầm compa, bút bi, kéo, thước chọc vào bất cứ chỗ nào thuận tay trên thiết bị và bàn học.

Giãn cách xã hội, trẻ con ngừng đến các trường học đến nay đã gần 1 năm. Khi người lớn buộc phải làm việc ở nhà và trẻ con học trực tuyến vì đại dịch thì nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử tăng vọt. Tuy nhiên số lượng người lớn có ý thức tự nâng cấp kiến thức về việc sử dụng trang thiết bị an toàn nhằm phục vụ cho việc họp và học trực tuyến không nhiều. Nhiều người không hế biết biết và tuân thủ nguyên tắc "Đang sạc thì không dùng, đang dùng thì không sạc" điện thoại. Các thầy cô giáo và trường học chưa có quan tâm đúng mức về các giải pháp và thời lượng học của trẻ khi sử dụng thiết bị điện thoại, máy tính bảng, máy tính… để học online.

Rất nhiều gia đình có tình trạng để xung quanh nơi trẻ con ngồi học luôn có những vật sắc nhọn, dễ cháy, dễ vỡ, hóa chất… Các loại thiết bị sử dụng điện lẫn đường dây điện có thể rò rỉ điện hay sự quá tải luôn có thể xảy ra nếu không được kiểm tra thường xuyên và  sửa chữa  kịp thời.

Những lưu ý khi trẻ học online bằng điện thoại để tránh phát nổ

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã ghi nhận số lượng đáng kể những trường hợp điện thoại phát nổ gây thương tích cho trẻ em. Điểm chung của những vụ việc này đều do các em vừa dùng điện thoại vừa cắm sạc. Nhiều nạn nhân cắm sạc xuyên suốt buổi học trong khi mở một lúc nhiều ứng dụng khiến quá tải nhiệt, phát nổ

Trên thực tế nhiệt lượng tỏa ra khi sạc ở hầu hết các dòng điện thoại là khá cao. Vì vậy trong khi đang sạc, việc dùng điện thoại cho ứng dụng nặng, hạo tốn lượng pin lớn là không được khuyến khích. Nếu thiết bị tản nhiệt tích hợp trên điện thoại thông minh quá sức, nhiệt độ bên trong điện thoại có thể cao vượt ngưỡng chịu đựng của pin dẫn tới phát nổ.

Các dòng điện thoại thông minh hiện nay đều là dòng pin lithium - pin nén, khi nổ đều có khả năng gây nguy hiểm. Người dùng cần chủ động sạc đầy khi dung lượng xuống thấp hơn là vừa sạc vừa dùng. Hạn chế sử dụng bộ sạc không thuộc cùng dòng với điện thoại mặc dù ngày nay nhiều bộ sạc đều có thể dùng qua lại. Chất lượng của củ sạc khi mua trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên thị trường, chất lượng kém cũng là nguyên nhân làm thiết bị sạc phát nổ.

Khi đánh rơi điện thoại nhiều lần, các nguy cơ cháy nổ của pin điện thoại sẽ càng gia tăng. Những tác động vật lý như làm rớt hay bị bẻ cong luôn là tác động đến pin điện thoại. Nhiều trường hợp pin hở do va chạm nhiều lần có thể làm rò rỉ điện, gây cảm giác tê nếu chạm vào lúc đang sạc.

Ngoài ra, theo thời gian thành phần hóa học của pin điện thoại cũng sẽ thay đổi khi bạn sạc và xả, khiến pin phồng lên. Thay pin theo thời gian khuyến cáo sẽ giúp điện thoại tránh được rất nhiều rủi ro đáng tiếc, đặc biệt khi người dùng là trẻ nhỏ. Cần lưu ý không nên sạc điện thoại ở nơi ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Khi đó, nhiệt từ mặt trời sẽ cộng với nhiệt trong quá trình sạc, khiến điện thoại nóng hơn mức bình thường. Không nên sạc điện thoại… dưới gối hay che chắn các vật khác lên trên. Vào những ngày nắng, nhiệt lượng tỏa ra từ điện thoại đang sạc có thể tăng lên mức nguy hiểm nếu nó không được tản ra một cách hiệu quả. Điện thoại  cần được sạc ở không gian thoáng đãng trong nhà, đặt trên bề mặt cứng và mát.

PV