Đầu tư tiền mã hóa và những rủi ro tiềm ẩn
An toàn thông tin - Ngày đăng : 21:32, 22/12/2021
Mikko Hypponen là một chuyên gia bảo mật toàn cầu, được mệnh danh là huyền thoại bảo mật thế giới. Ông làm việc tại F-Secure từ năm 1991. Mikko thường xuyên xuất hiện trên các kênh truyền hình quốc tế, và có nhiều bài nghiên cứu giá trị được đăng tải trên New York Times, Wired and Scientific American.
Ông tham gia giảng dạy tại các trường đại học Stanford, Oxford và Cambridge. Ông đã được tạp chí PC World bình chọn là một trong số 50 người quan trọng nhất trên web và được đưa vào danh sách 100 người có tư tưởng ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Năm 2020, Mikko Hypponen được CISO MAG bình chọn là Nhân vật bảo mật của năm.
Chuyên gia bảo mật nổi tiếng thế giới Mikko Hypponen, Giám đốc nghiên cứu hãng bảo mật F-Secure cho rằng, luật pháp và quy định hiện hành tại Việt Nam cũng như trên thế giới không bảo vệ nhà đầu tư trong thị trường này. Vì giao dịch chuyển tiền mã hóa không thể đảo ngược nên nếu đồng tiền trong tài khoản bị ăn trộm, chuyển sang tài khoản khác thì không có cách nào lấy lại được.
Nghiên cứu thực tế của F-Secure cho thấy có hàng chục trường hợp tiền mã hóa bị tấn công hoặc rò rỉ. Có những vụ mất coin trị giá hàng trăm triệu USD. Mới đây nhất là vụ sàn giao dịch tiền điện tử AscendEX bị tin tặc tấn công.
Các nhà nghiên cứu bảo mật tại PeckShield ước tính thiệt hại có thể lên đến 77,7 triệu USD. Các chuyên gia tại PeckShield cho biết các token bị đánh cắp nằm trên 3 chuỗi khối khác nhau. Theo đó, sàn giao dịch đã bị mất 60 triệu USD trên chuỗi Ethereum, 9,2 triệu USD trên Binance Smart Chain và 8,5 triệu USD trên Polygon. Những token bị đánh cắp bao gồm một lượng lớn stable coin, như USDT và USDC. Bên cạnh đó là một số token như Taraxa (TARA), Shiba Inu (SHIB), Aave (AAVE) và Compound (COMP).
Trước đó, hồi tháng 11/2021, nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa cả ở Việt Nam và nước ngoài cũng bị mất trộm coin trong ví mã hóa. Tin tặc đã tạo các website giả mạo thậm chí chạy Google SEO để dẫn dụ người dùng truy cập vào.
Theo F-Secure, để tránh bị mất trộm coin trực tuyến thì bạn chỉ nên giữ lượng coin ít nhất trên mạng và có thể truy cập được, chuyển đa số coin xuống offline. Không dùng đường dẫn website và không tìm kiếm đường link trên công cụ tìm kiếm để truy cập ví dụ như google search mà hãy truy cập vào ví online bằng đường dẫn bạn đã lưu sẵn trên máy tính (bookmark trước đó),… Đồng thời, cần thận trọng trước các tấn công lừa đảo (phishing).
Chuyên gia bảo mật Mikko Hypponen lưu ý, hiện có nhiều cổng đầu tư lừa đảo trong lĩnh vực tiền mã hóa, qua đó người dùng kết nối ví vào các dự án này sau đó mất hết tiền. Tin tặc tạo website giống hệt các chiến dịch thu hút đầu tư thật hoặc dùng mạng xã hội để lừa người dùng. Thường chúng sẽ giả mạo danh tính những người nổi tiếng trong lĩnh vực tiền ảo (như Elon Musk) để dụ người dùng vào các cơ hội đầu tư tốt, lợi nhuận cao.
Tại Việt Nam, ví dụ gần nhất là vụ đánh bạc trực tuyến (online) 88.000 tỷ đồng mới bị phát hiện. Người chơi chỉ cần đăng ký ví tiền ảo trên sàn Remitano (ở nước ngoài), sau đó dùng tiền trong tài khoản ngân hàng mua tiền ảo khác để cá cược trên trang web. Ngoài ra, nhóm lừa đảo còn thường xuyên quảng bá, mời gọi người tham gia dưới dạng đầu tư tài chính lợi nhuận cao.
Theo khuyến cáo của F-Secure, cách tốt nhất để lưu trữ tiền mã hóa là trong ví lạnh và lưu chuỗi mật khẩu passphrase ở nơi an toàn. Cách tốt nữa là dùng ví cứng như thiết bị Trezor. Ví nội bộ như Metamask tiện lợi ở chỗ cho phép bạn truy cập trực tiếp vào các đồng coin, nhưng bạn chỉ nên lưu lượng nhỏ coin trên đó.
Việc để coin trên tài khoản giao dịch là cách dễ nhất nhưng cũng dễ bị tấn công nhất, khi đó người sở hữu sẽ mất hết. Hình thức tấn công phổ biến nhất hiện tại là hoán đổi SIM. Khi tin tặc có quyền truy cập vào số điện thoại của nạn nhân, chúng sử dụng nó để đặt lại mật khẩu và xâm nhập vào tài khoản của nạn nhân bao gồm email và tài khoản trên các sàn giao dịch tiền điện tử. Do đó, họ có quyền truy cập vào tiền điện tử được lưu trữ trên ví nóng.
Hiện nay, F-Secure có một số công cụ bảo mật web giúp chặn các trang lừa đảo (phishing) và giả mạo (scam), phần mềm bảo vệ thiết bị đầu cuối chặn phần mềm độc hại ăn cắp mật khẩu hoặc chuỗi ví số và chặn keylogging.
Ngoài ra, F-Secure TOTAL cho phép người dùng truy cập giao dịch trực tuyến an toàn và dễ dàng hơn bằng cách nhớ mật khẩu phức tạp cho bạn cùng lớp bảo mật qua VPN giúp bạn an toàn hơn. Mật khẩu phức tạp khó nhớ mới đảm bảo an toàn, khó đoán và ít khả năng bị mất hơn mật khẩu đơn giản./.