Sập bẫy "việc nhẹ lương cao"
Xã hội số - Ngày đăng : 08:06, 21/12/2021
Từ trò quảng cáo kiếm tiền qua mạng xã hội
Mỗi ngày, trên dòng thời gian trên Facebook, nhiều người nhìn thấy hàng loạt các mẫu quảng cáo có vẻ dễ ăn, bắt mắt, dễ dàng đánh trúng vào tâm lý ham làm đẹp, lại dễ dàng kiếm tiền. Những kẻ lừa đảo, bất hảo đang ngày đêm đẩy mạnh hoạt động khi cho chạy dồn dập các quảng cáo qua nền tảng mạng xã hội, Trên Facebook. hàng loạt các công ty, Fanpage lừa đảo kiểu này, tự xưng mình là "công ty kinh doanh mỹ phẩm cao cấp", "hàng xách tay cao cấp", "hàng nhập khẩu chính hãng"…
Nhiều đại lý mỹ phẩm rởm tung ra chiêu thức giống nhau. "Tuyển người đăng bài trên Facebook, mỗi ngày thu nhập ít nhất là 100.000 đồng. Lương sẽ được chuyển vào tài khoản sau 2 tuần. Không cần ôm hàng, không cần đặt cọc, không phải đa cấp". Thế nhưng chẳng thể nào tìm ra được địa chỉ rõ ràng cụ thể, chỉ giao dịch qua Facebook. Đáng lo ngại hơn, các đối tượng còn khai thác các thông tin riêng tư, cá nhân như tên họ, thông tin liên lạc, để dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo, dụ dỗ, nhất là những người ít có kỹ năng giao tiếp trên mạng xã hội.
Khi nhắn tin, thì hệ thống tin nhắn tự động sẽ gửi đến người có nhu cầu tìm việc làm thêm, làm cộng tác viên (CTV) đều cùng công thức y hệt nhau. Chỉ cần có một sự tương tác, tài khoản Facebook sẽ liên tục nhắn cho tin, dụ dỗ người dùng cung cấp thông tin sớm để được nhận quà ưu đãi.
Các mẫu quảng cáo vẫn được chạy với công suất tối đa trên Facebook. Khi thấy có phản ứng phẫn nộ trên trang Facebook, nhất là bình luận chỉ trích hành vi lừa đảo thì các chủ tài khoản, quản trị viên đã nhanh chóng xóa đi thông tin bất lợi. Vẫn có nhiều người với sự ngây thơ và muốn kiếm tiền mưu sinh, trang trải cho cuộc sống, nhẹ dạ làm theo lời của các đối tượng lừa đảo.
Hình thức lừa đảo phổ biến là dụ người dùng đăng và lan tỏa các quảng cáo về những sản phẩm mỹ phẩm rởm, kém chất lượng, đợi nhận lương. Nhiều người còn bị dụ dỗ đóng một khoản phí giao dịch. Cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo những thủ đoạn đánh vào lòng tham của ngày càng tinh vi hơn như tạo ra tình trạng khan hiếm hàng khuyến mãi, tranh bán, tranh mua. Thực chất, tất cả đều do các đối tượng tự vẽ ra để lừa đảo, kiếm lời bất chính.
Ở Việt Nam rất nhiều mạng xã hội đang được sử dụng rộng rãi, phổ biến với số lượng người đăng ký đông đảo như Facebook, Zalo, Tiktok... Các chuyên gia cho rằng, việc thường xuyên nâng cao cảnh giác, tuyên truyền để mọi người dân theo kịp xu hướng thực tiễn, theo kịp dòng chảy của thị trường tin tức, mạng xã hội. Người sử dụng mạng xã hội cần phải luôn luôn cảnh giác trước các nguy cơ đối mặt khi tiếp cận các nền tảng này. Nâng cao cảnh giác, sử dụng chức năng report (báo cáo) cần góp phần dập lửa cho sự lan truyền của những trò lừa đảo, rối loạn thông tin, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh xã hội.
Đến ma trận website kiếm tiền online lừa đảo
Nạp tiền thật mua các gói "VIP" ảo với hi vọng chỉ cần bỏ vài phút mỗi ngày xem video trên mạng là tiền triệu tự chảy về túi, hàng ngàn người đã tự đưa chân vào chiếc bẫy tinh vi mang tên "kiếm tiền online" được những kẻ trục lợi giăng sẵn trên mạng.
Rất nhiều nạn nhân của các trang web imoney1.com, nhanvnd.com, … đã phải ngậm đắng nuốt cay mất từ hàng triệu đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng khi tham gia vào kiếm tiền online trên các nền tảng trang web này. Đa số các nạn nhân bị mất tiền, do xấu hổ nên không đến cơ quan công an khai báo tội phạm.
Rất nhiều người bức xúc bức với các trang web dạy cách kiếm tiền online, nhưng thực chất chỉ để lừa đảo tiền của người chơi. Cách thức hoạt động có thể khác nhau, nhưng những trang web dạng này luôn yêu cầu thành viên phải nạp số tiền ban đầu từ vài trăm ngàn đồng/tháng đến hàng chục triệu đồng/năm với cam kết lợi nhuận thu được sẽ gấp nhiều lần vốn bỏ ra.
Bằng những lời quảng cáo kiếm tiền dễ dàng, hoa hồng cao, "ngồi nhà lướt video Tiktok kiếm tiền triệu", "kiếm tiền online ai cũng chơi được", "Bỏ túi tiền triệu không cần vốn lớn"… cùng mánh khóe hút người chơi theo dạng đa cấp, các đối tượng lừa đảo mau chóng thu nạp được hàng ngàn hoặc thậm chí hàng chục ngàn người tham gia trong vài ngày. Và sau ít lần trả đủ các khoản hoa hồng hậu hĩnh làm mờ mắt người dùng, các đối tượng âm thầm xóa web và biến mất cùng hàng trăm triệu tiền thật do các nạn nhân nạp vào.
Theo các chuyên gia, lập một website mới không khó. Chỉ cần vài chục phút, chủ trang web có thể lấy giao diện cũ, đổi hình ảnh, tên, logo và địa chỉ truy cập là có ngay một "cạm bẫy" mới, với những chiêu thức y hệt. Một điểm chung dễ thấy ở các trang web nói trên là không thể tìm thấy địa chỉ, tên công ty và cũng không có cách thức liên hệ . Các nhóm chat trên mạng xã hội Zalo, Facebook thường do những tài khoản ảo mở ra, điều hành. Khi web sập, các nhóm chat lập tức biến mất, người dùng không biết khiếu nại với ai, bởi toàn bộ các trang web trên đều không đăng kí với cơ quan chức năng và việc kinh doanh, giao dịch, chuyển tiền cho các hệ thống này không được đảm bảo về mặt pháp luật.
Không có công việc nhẹ nhàng nào lại mang lại thu nhập cao bất thường nên trước khi có ý định tham gia bất cứ công việc nào trên mạng, người dùng Internet cần có ý thức tự bảo vệ mình, đừng bị những mánh khóe, chiêu trò của những kẻ lừa đảo khiến tự mình bị sập bẫy.