Hợp tác với nhà mạng để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
An toàn thông tin - Ngày đăng : 10:59, 20/12/2021
Những vấn đề gặp phải khi sử dụng Internet hiện nay
Thường nói đến Internet là chúng ta nghĩ ngay đến dữ liệu, tốc độ và làm sao để bảo mật cho hệ thống của doanh nghiệp cũng như dữ liệu công dân. Đặc biệt trong đại dịch COVID -19, học sinh, sinh viên đang chuyển sang học trực tuyến thì vấn đề an toàn trên môi trường Internet là vấn đề đang được nhiều phụ huynh quan tâm.
Làm sao để những người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ tương lai của đất nước có được môi trường an toàn nhất trên không gian mạng? Làm sao giúp các bậc cha mẹ bảo vệ được con em mình trên môi trường số?
Để giúp phụ huynh bớt nỗi lo về vấn đề này và quản lý được việc sử dụng Internet của con em mình, chúng ta cần xây dựng môi trường Internet an toàn cho trẻ bằng cách cung cấp thêm cho người dùng phương án chủ động xây dựng, chủ động thiết lập lịch sử Internet cho từng người, từng hộ gia đình.
Ngoài việc con cái sử dụng Internet chưa hợp lý cũng còn rất nhiều rủi ro khác trên mạng. Có rất nhiều rủi ro đến từ các thiết bị thông minh như camera, tivi thông minh, khóa cửa.
Hiện nay chưa có phần mềm bảo mật nào có thể rà soát được camera hay tivi thông minh. Rất nhiều người dùng khi lắp một thiết bị thông minh thì có sự hỗ trợ của nhà cung cấp đến tận nhà để lắp mà không cần biết tài khoản Android của mình là gì, tên người sử dụng (user name), mật khẩu (password) là gì. Đội ngũ hỗ trợ đến nhà lắp đặt thiết bị có thể đặt tên người dùng, mật khẩu đơn giản, dễ bị tin tặc đoán được và lợi dụng để tấn công vào các thiết bị trong gia đình.
Tại Hội thảo nhân ngày Internet Day 2021 vừa diễn ra, bà Vũ Thị Huệ, đại diện Tập đoàn bảo mật F-Secure tại Việt Nam cho biết, theo số liệu thống kê quý III năm 2021, trung bình mỗi hộ gia đình tại Việt Nam có 12 thiết bị kết nối vào Internet, cứ 4 hộ gia đình sử dụng Internet tại Việt Nam có 1 hộ gia đình có thiết bị IoT truy cập vào trang web nguy hại chứa mã độc mỗi ngày.
Đặc biệt, trong đại dịch COVID, các gia đình trang bị thêm thiết bị cho con em mình ở nhà học tập. Đây cũng là một nguồn khiến cho dữ liệu cá nhân, hình ảnh trong gia đình của có thể bị lộ lọt và bị sử dụng vào những mục đích trái pháp luật.
Cũng theo số liệu thống kê, 73% số người tham gia khảo sát cảm thấy lo lắng về việc con em mình có thể truy cập vào nội dung không phù hợp; 78% lo lắng về bảo mật và quyền riêng tư trên thiết bị thông minh; 80% người dùng thiếu lòng tin về tính bảo mật trên thiết bị, cảm thấy rằng nhà sản xuất thiết bị thông minh chưa đầu tư đầy đủ để đảm bảo tính bảo mật và riêng tư trên thiết bị đang sử dụng.
Giải pháp cho những vấn đề thực tại
Để giải quyết những vấn đề trên, bà Huệ đã giới thiệu một số giải pháp của F-secure để bảo vệ người dùng khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, F-secure sẽ hợp tác với các nhà mạng viễn thông, các đối tác khách hàng để bảo vệ người dùng Internet cố định và di động.
Bà Huệ giới thiệu hai sản phẩm bảo mật của F-secure cung cấp trong năm 2021 và 2022 bao gồm:
Sản phẩm bảo mật F-Secure SENSE dành cho cá nhân, bảo vệ mọi lúc, mọi nơi chỉ với một ứng dụng có khả năng bảo vệ truy cập, ngăn chặn theo dõi, bảo vệ khỏi các tấn công, phát tán botnet…
Sản phẩm F-secure Total với nhiều khả năng như bảo mật trực tuyến, bảo mật quyền riêng tư, bảo mật danh tính người dùng và diệt virus.
Các sản phẩm này được bà Huệ cho biết đều được nhúng vào bộ định tuyến của nhà mạng để bảo vệ toàn bộ truy cập Internet tại hộ gia đình giống như người bảo vệ đứng trên bộ phát WiFi trực tuyến của nhà mạng để bảo vệ toàn bộ truy cập vào ra trên các thiết bị từ tivi thông minh, camera, máy in…, ngăn chặn các cuộc tấn công trên đường mạng, đồng thời ngăn chặn, theo dõi rất nhiều trang web, duyệt dữ liệu duyệt web để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng trên mạng.
Sản phẩm của F-secure sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mới nhất để phân tích hành vi của thiết bị, đồng thời phân tích lưu lượng truy cập mạng của thiết bị đó để đánh giá và tùy từng thời điểm phát hiện về truy cập, lưu lượng về hành vi đó xem thiết bị đó có đang bị kiểm soát hay không, nếu phát hiện vấn đề sẽ có cảnh báo ngay cho người dùng và nhà mạng biết sự nguy hiểm để ngăn chặn. Với khả năng nhận diện được kết nối với Internet của tất cả các thiết bị đang có trong gia đình, các sản phẩm không ảnh hưởng đến tốc độ đường truyền, tốc độ truy cập.
Theo bà Huệ, đây là lời giải cho các phụ huynh trong bài toán bảo vệ con em mình trên môi trường Internet. Mỗi người trong nhà hay mỗi phòng có thể đặt một tên khác nhau và gắn thiết bị vào tên của người đó. Ví dụ, con có máy tính, có thiết bị di động thì nhóm các thiết bị đó vào tên của con và thiết lập những cài đặt riêng cho con mình, có thể cài ngắt mạng tùy theo khung thời gian mong muốn, như từ 11 giờ đêm sẽ ngắt Internet và chỉ ngắt trên máy của con mà không ngắt Internet của mình hay các thành viên khác trong nhà.
Phụ huynh cũng có thể phân loại các web trên mạng thành các thư mục khác nhau, ví dụ các trang web người lớn, trang web về mạng xã hội… để ngăn chặn các con truy nhập vào những trang web không phù hợp.
Giải pháp này được nhúng sẵn trên bộ phát WiFi có thể bảo vệ được toàn bộ truy cập trong nhà để bảo vệ truy cập Internet của những người trong nhà và của con.
Cho dù khi ra khỏi mạng Internet của gia đình, bà Huệ cho biết giải pháp này vẫn có những thiết lập bảo vệ trên thiết bị di động, máy tính, bảo vệ danh tính, sẽ cảnh báo ngay nếu danh tính bị lộ lọt trên mạng và có tư vấn cho người dùng cách khắc phục.
Trong hơn 33 năm vừa qua, bà Huệ cho biết chúng tôi đã hợp tác với hơn 220 nhà mạng toàn cầu để bảo vệ người dùng khắp thế giới và hy vọng những giải pháp này sẽ mang đến sự yên tâm, giảm thiểu nỗi lo cho các bậc phụ huynh khi phải giao cho con em mình những thiết bị công nghệ đáp ứng nhu cầu học tập trong giai đoạn đang xảy ra đại dịch như hiện nay./.