Gần 45% số doanh nghiệp chọn chuyển đổi số là chiến lược ứng phó với COVID-19
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:31, 17/12/2021
Thông tin trên được Base chia sẻ trong kết quả khảo sát mang tên "Hành động của DN Việt Nam trước làn sóng COVID-19 thứ tư và Kế hoạch hồi phục trong bình thường mới".
Khảo sát được Base thực hiện vào tháng 10 với tổng số hơn 300 DN, trong đó có 253 phản hồi từ các CEO, nhà quản lý cấp cao (C-Level) và các cấp quản lý được ghi nhận hợp lệ. Các DN tham gia khảo sát trải dài trên 13 lĩnh vực khác nhau, và gần 3/4 trong số đó hoạt động trong khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
CĐS được lựa chọn như một chiến lược ứng phó với đại dịch
Theo đánh giá từ chính các DN, bên cạnh những tác động tiêu cực đã nhìn thấy rõ, đại dịch cũng tạo ra một vài cơ hội giúp cắt giảm chi phí vận hành không cần thiết, sàng lọc và loại bớt đối thủ cạnh tranh trên thị trường,... Nhiều chủ DN còn cho rằng đây là thời điểm phù hợp để tái cấu trúc tổ chức, tối ưu bộ máy vận hành và tiến hành chuyển đổi số.
Kết quả khảo sát của Base đã ghi nhận, trong suốt 5 tháng bị hạn chế hoạt động, gần 45% số DN đã nhanh chóng đầu tư cho quá trình CĐS, tiến hành triển khai công nghệ vào quá trình quản trị và vận hành nội bộ. Nhờ sự hỗ trợ của các công cụ trực tuyến, rất nhiều DN đã thành công trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự từ xa.
Theo đánh giá của các đại diện DN, trong bối cảnh sắp tới, những yếu tố sẽ đóng vai trò then chốt đảm bảo sự phát triển của tổ chức chính là khả năng ứng phó và thích nghi, nguồn lực tài chính và nhân sự, và năng lực công nghệ và CĐS. Đặc biệt, có tới gần 86% số DN bày tỏ sự quan tâm tới các giải pháp công nghệ nhằm gia tăng hiệu suất vận hành để đẩy nhanh tốc độ phục hồi trong giai đoạn bình thường mới.
Cũng theo kết quả khảo sát của Base, xu hướng làm việc từ xa vẫn rất được ưa chuộng ngay cả khi các chỉ thị giãn cách được gỡ bỏ. Hơn 60% số DN ưu tiên triển khai kết hợp làm việc từ xa và làm việc tại văn phòng (theo mô hình làm việc kết hợp - hybrid work). Tương tự, mô hình kết hợp giữa kinh doanh trực tuyến (online) và tại chỗ cũng được hơn 77% số DN lựa chọn.
Một số kế hoạch phục hồi khác của DN trong bình thường mới
Theo số liệu của Cổng thông tin tiêm chủng Quốc gia, tính đến ngày 15/12/2021, Việt Nam đã triển khai tiêm gần 136 triệu liều vắc-xin trên toàn quốc, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên từng ngày. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng đối với các DN.
Sau 4 "cú sốc kinh tế" mà COVID-19 gây ra, nhiều DN đã chuẩn bị kịch bản ứng phó cho các khủng hoảng tiếp theo có thể xảy đến. Đồng thời, bối cảnh cũng đã thay đổi, chiến lược chống dịch của Việt Nam chuyển từ "Zero COVID" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả". Chính vì thế, triển vọng phục hồi của DN được đánh giá là cao hơn.
Mặc dù vậy, khi được hỏi về khả năng hồi phục của tổ chức khi cả nước hoàn thành tiêm chủng vắc-xin trên diện rộng, chỉ có 245 đại diện đồng ý hoặc đủ cơ sở tiết lộ thông tin, và gần 1/4 người trong số họ cho biết "không lạc quan lắm" về sự khởi sắc trở lại của DN mình.
Trong giai đoạn tiếp theo, bên cạnh lựa chọn đầu tư cho các ứng dụng công nghệ, hơn một nửa đại diện DN tham gia khảo sát cho biết sẽ thay đổi và cải tiến sản phẩm, dịch vụ để thích nghi; hơn 15% số DN sẽ kích thích tăng trưởng và mở rộng quy mô kinh doanh. Trong khi đó, vẫn có hơn 26% số DN dự định quay trở lại trạng thái trước dịch và khoảng 5% lựa chọn cắt giảm quy mô hoạt động.
Để tăng doanh thu và lợi nhuận, hơn 73% số DN đã sẵn sàng triển khai các chiến dịch kích thích doanh số. Trong khi đó, những DN bị ảnh hưởng nặng nề hơn buộc phải tiếp tục cắt giảm chi phí hoặc vay - gọi vốn để duy trì hoạt động kinh doanh.
Giải pháp nối liền mọi đứt gãy trong vận hành DN
Như vậy, trải qua 4 đợt dịch, phần lớn DN đã tích lũy được kinh nghiệm ứng phó hiệu quả, chủ động chuyển đổi và có kịch bản cho các làn sóng tiếp theo. Tuy nhiên, con số 26% DN dự định quay trở lại trạng thái cũ và khoảng 5% lựa chọn cắt giảm quy mô vẫn cho thấy sự bị động và loay hoay của một bộ phận doanh nghiệp chưa có kế hoạch thích ứng.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Base, vẫn tồn tại một khó khăn chung khiến nhiều nhà lãnh đạo đau đầu, đó là bài toán "đứt gãy vận hành", được thể hiện thông qua việc: Tinh thần đội ngũ nhân sự hoang mang, động lực làm việc giảm sút; Bộ phận làm việc từ xa không đảm bảo năng suất lao động, rất khó để tổng hợp công lương; Nhân sự khó trao đổi trực tiếp và bàn giao thông tin với nhau, khiến luồng quy trình nghiệp vụ bị đứt gãy, tắc nghẽn và sai sót; Bộ phận quản lý không nắm được tiến độ làm việc và dữ liệu kết quả thực tế của nhân viên, thường xuyên phải nhắc việc, nhắc báo cáo gây lãng phí thời gian…
Tuy nhiên trên thực tế, bài toán này đã xuất hiện ngay từ trước dịch, nhưng nhiều DN lại chủ quan cho rằng đó là vấn đề nhỏ có thể từ từ cải thiện. Đại dịch COVID-19 ập đến giống như một giọt nước tràn ly, các đứt gãy nhỏ đã toác rộng hơn khiến con người trở tay không kịp. Trong khi thời buổi khó khăn đang cần tối ưu chi phí đến từng đồng, thì đây chính là nguyên nhân gây thất thoát tài nguyên nghiêm trọng.
Bên cạnh nghiên cứu lần này, trước đó vào cuối tháng 6/2021, Base.vn đã phối hợp với FPT thực hiện và công bố kết quả khảo sát "Ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 thứ 4 đến hoạt động kinh doanh liên tục". Đồng thời, đơn vị này đã phát triển và cho ra đời bộ công cụ "Vận hành không gián đoạn" nhằm giúp DN xây dựng một "văn phòng điện tử", tối ưu quá trình CĐS, vươn lên giành thế chủ động và thích ứng nhanh chóng, tạo tiền đề bứt phá trong bình thường mới.
Bộ công vụ "Vận hành không gián đoạn" của Base với các phần mềm được thiết kế chuyên biệt hỗ trợ DN: Quản lý nhân sự từ xa mà không cần gặp mặt trực tiếp; Công tác làm việc, quản lý công việc mọi lúc mọi nơi; và Hỗ trợ lãnh đạo chủ động hơn trước những rủi ro từ thị trường.
Từ góc nhìn của đơn vị cung cấp giải pháp cho DN, ông Trần Văn Viển, Đồng sáng lập và Giám đốc khu vực phía Nam của Base, nhận định: "Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, các DN yếu ớt cũng sẽ bị loại bỏ và các DN mạnh mẽ sẽ tồn tại hoặc trỗi dậy với tiềm lực tốt hơn. Riêng với kinh nghiệm thực tế của Base, chúng tôi nhận thấy rằng trong các đợt giãn cách, DN triển khai công nghệ nhanh chóng và thành công hơn rất nhiều lần"./.